Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
23:33 (GMT +7)

Luật Về hội lại tiếp tục… hoãn

VNTN - Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại dự án Luật Về hội, nhưng khi nào dự án luật này lại ra nghị trường vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.


Như Văn nghệ Thái Nguyên đã thông tin, với gần 90% đại biểu Quốc hội đồng ý chưa thông qua tại kỳ họp cuối năm 2016, Luật Về hội vẫn chưa thể đi đến hồi kết sau cả chục năm chuẩn bị, nhiều lần nâng lên đặt xuống.

Khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, nội dung của dự án luật đang còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - đại diện Ban soạn thảo dự án luật - cũng đề nghị Quốc hội cho cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo luật nhằm tạo sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX (2016  - 2021). Nguồn: vifolac.vn

Sau đó, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị lại dự án Luật Về hội để báo cáo Quốc hội.

Cuối tuần qua, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Về hội theo ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 14 và ý kiến của các hội, các nhà khoa học, cơ quan tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, đây là dự án phức tạp, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề lớn, quan trọng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, Chính phủ chưa đề xuất đưa dự án Luật Về hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018.

Như vậy, sớm nhất cũng phải đến 2019 dự thảo Luật Về hội mới lại có thể tái xuất. Và chút thông tin vắn tắt như trên khiến Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh -  chưa thể yên tâm.

Nhất là, ngoài Luật Về hội còn không ít các yêu cầu về các dự án luật khác cũng chưa có hồi âm thỏa đáng, trong đó có dự án Luật Biểu tình.

Cùng với lập hội, biểu tình là quyền công dân đã được hiến định. Dự án Luật Biểu tình cũng đã được xin lùi, xin hoãn không biết bao nhiêu lần. Vào tháng 10/2016, trước khi diễn ra kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo cũng đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét dự án Luật Biểu tình nhằm bảo đảm quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận và tạo hành lang pháp lý để việc khiếu nại, tố cáo đông người đi vào nề nếp, đúng pháp luật.

Cũng tại kỳ họp thứ 2, trong nghị quyết về điều chỉnh chương trình xây dựng luật năm 2016 và chương trình năm 2017, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật Biểu tình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình.

Nhưng, thông tin về dự án. Luật Biểu tình, đến nay vẫn là một ẩn số.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn nhắc Chính phủ về một số dự án luật đã được các cơ quan có thẩm quyền giao. Chẳng hạn, để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, Ban Bí thư đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng.

Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XII cũng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ thực hiện “rà soát các quy định xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính nhà nước”. Rồi trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Nghị quyết số 344/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.

Hay, trong dự án Luật Quy hoạch dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới có đề cập đến việc phải sửa đổi, bổ sung 32 văn bản luật có liên quan để bảo đảm Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung 03 luật khác (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Quản lý thuế).

Hàng loạt yêu cầu như thế, nhưng trong tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh chương trình 2017 lại chưa có báo cáo cụ thể về tình hình chuẩn bị các dự án, nội dung xây dựng luật được giao trong các văn bản nói trên của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo rõ với Quốc hội về nội dung Chính phủ đã thực hiện các yêu cầu trên đây như thế nào, trách nhiệm, nguyên nhân của sự chậm chễ trong việc chuẩn bị và trình các nội dung này và dự định sẽ trình Quốc hội các nội dung này vào thời điểm nào. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị các dự án được cơ quan có thẩm quyền phân công, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Nếu yêu cầu này được thực hiện, ít nhất cũng có thể có câu trả lời cho câu hỏi: Luật Về hội khi nào lại ra Quốc hội?

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy