Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
01:36 (GMT +7)

Lừa đảo online vẫn ngang nhiên tồn tại

Ngày nay cụm từ “Lừa đảo online” không còn lạ lẫm với mọi người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các trang mạng xã hội (MXH) đâu cũng thấy bài viết hoặc các thông tin cảnh báo về tình trạng này cũng như các cách thức, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo.

Tuy vậy, những người bị chúng lừa hằng ngày vẫn xảy ra. Tội phạm mạng vẫn công nhiên hoạt động mà chẳng sợ ai, kể cả gọi điện thoại bằng giọng thật của mình chứ không chỉ chat online. Người dân cảm thấy hoang mang, bất an. Tiêu cực hơn thì cho rằng lực lượng chức năng không “trị” được bọn chúng. Có thể nhận định: việc đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này chưa thực sự hiệu quả.

Hình minh hoạ. Nguồn: Internet

Báo Thái Nguyên điện tử ngày 27/3/2023 thông tin cho biết: Chỉ 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã có gần 20 vụ việc liên quan đến tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, với số tiền theo các bị hại trình báo là trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra còn không ít nạn nhân vì số tiền bị lừa không nhiều hoặc e ngại người thân biết nên không trình báo. Đây mới chỉ là con số thống kê trên một địa bàn (TP. Thái Nguyên), còn nếu cộng cả 9 huyện, thành thì con số bị hại chắc chắn gấp nhiều lần.

Đoạn chat của một kẻ dùng tài khoản ăn cắp của người khác để gửi tin nhắn lừa đảo

Chia sẻ trên MXH Facee book, anh T. ở tổ 9, phường Trung Thành cho biết: Vào lúc 9h15', một giọng nữ gọi cho anh từ số điện thoại 0819168482 xưng là Trung úy Đào Hồng Nhung, đang công tác tại “Phòng Quản lý hồ sơ, Công an tỉnh Thái Nguyên”, gọi cho anh T. để “giải quyết hồ sơ đòi nợ của Toà án nhân dân TP. Hà Nội đối với ông T.”. Chỉ nghe đến đây, anh T. đã biết đúng giọng của những kẻ lừa đảo.

Anh T. lập tức mở máy ghi âm và điềm đạm trao đổi, với mục đích xem đối tượng sẽ dùng thủ đoạn lừa đảo như thế nào. Thực ra, cách thức của những kẻ lừa đảo online cũng không có gì mới khi chúng sử dụng cùng một kiểu gài bẫy bị hại. Nếu dùng kiểu giả danh các cơ quan tư pháp như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để lừa đảo thì chúng dựng lên một cái “trát” đòi tiền hay truy cứu trách nhiệm dân sự gì đấy, với những thông tin cá nhân (từ họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng…) hoàn toàn trùng khớp. Tiếp theo là số văn bản, tên người ký, lý do truy cứu… đúng như “form” của ngành, đúng tên, địa chỉ, người ký văn bản, chỉ thay vào đó các số liệu rất rành mạch và yêu cầu bị hại phải hợp tác để giải quyết. Tất nhiên, nếu bị hại hoảng sợ, muốn chứng minh mình bị oan khuất, nhầm lẫn thì sẽ bị chúng dẫn dụ tới việc yêu cầu kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu phải chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra. Còn rất kiểu lừa đảo online nữa, như: tuyển nhân viên bán hàng online, mời tham gia chứng khoán, gạ mua tiền ảo, đòi nợ tiền điện thoại, thông báo người nhà bị tai nạn giao thông... Hoặc chúng giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; hoặc tham gia bình chọn, lấy ý kiến… để dụ người tham gia điền các thông tin cá nhân vào các đường dẫn (link) tới website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Trở lại câu chuyện của anh T. nêu trên, do có nghiệp vụ và với tâm thế chủ động, anh T. đã dồn đối tượng vào thế bí khi hỏi ngược lại thông tin về tên người lãnh đạo, địa chỉ cơ quan. Vì bất ngờ nên đối tượng tỏ ra lúng túng. Sau đó, chắc do tra cứu trên mạng nên các đối tượng đã nói sai địa chỉ. Anh T. đã chủ động “hạ màn” và yêu cầu những kẻ lừa đảo ngừng ngay hành vi vi phạm pháp luật, trở về làm ăn lương thiện.

Theo quy định của pháp luật, nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm như: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Tòa án các cấp; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Tuy vậy việc tố giác những tội phạm đang có hành vi lừa đảo trên MXH đến những cơ quan trên, xem ra ít hiệu quả. Một cán bộ có trách nhiệm của ngành Công an cho biết, các đối tượng này rất khó truy tìm vì chúng thường dùng sim rác, nhiều khi chúng ở nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo. Hơn nữa, nếu chưa gây ra thiệt hại vật chất (chưa chuyển tiền) thì cơ quan công an cũng không đủ căn cứ để điều tra, truy bắt.

Người dân mong chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý mạnh mẽ, dứt điểm vấn nạn này, không để chúng tự do hoành hành, coi thường pháp luật như vậy. Một trong những nguyên tắc cơ bản khi ngăn chặn, trấn áp tội phạm là lực lượng chức năng phải dựa vào dân. Người dân luôn sẵn sàng phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xấu xa này. Tuy nhiên, nếu cứ trình báo rồi để đấy thì việc phát huy sức mạnh quần chúng sẽ rất hạn chế. Ngành chức năng phải có giải pháp để trị tận gốc, nghĩa là phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ an ninh mạng để truy xét ngay các đối tượng khi chúng mới manh nha.

Để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, phải chặn từ gốc, ngay từ khi chúng đang thực hiện hành vi lừa đảo. Còn nếu như phải đợi lừa đảo xảy ra có hậu quả rồi ngành chức năng mới vào cuộc thì e rằng đó là cách làm từ ngọn. Cần có những biện pháp kĩ thuật, truy tìm dấu vết để lôi bằng được những kẻ lừa đảo ra ánh sáng, không để chúng coi thường pháp luật, ngang nhiên lừa đảo người dân.

Và có lẽ, điều quan trọng hơn cả, là cơ quan chức năng phải quan tâm hơn tới việc ngăn chặn, xử lí loại tội phạm công nghệ cao này. Đẩy mạnh tuyên truyền là biện pháp cực kỳ quan trọng, không thể thiếu nhằm giúp người dân tự bảo vệ mình. Nhưng cũng không nên xem nhẹ việc ngăn chặn, truy bắt bọn chúng. Thiết nghĩ, nếu tội phạm lừa đảo online cũng bị “chăm sóc” kỹ lưỡng như tội phạm ma túy, thì chắc chắn bọn chúng sẽ không dám hoạt động công khai, coi thường pháp luật như hiện nay.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước