Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
19:33 (GMT +7)

Long Thành chậm trễ, Tân Sơn Nhất khiến cử tri bất bình

VNTN - Theo Nghị quyết 94 của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về tiến độ thực hiện nghị quyết này. Nhưng hai năm nay, lần đầu tiên Chính phủ báo cáo với Quốc hội mà lại báo cáo việc thay đổi nội dung có liên quan đến Nghị quyết 94.

Nhận xét này được Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân nêu tại phiên thảo luận về việc tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngày 8/6.

Việc xin tách này được cho là giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nhưng do có yếu tố "vượt rào" (chưa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1- PV) nên phải được Quốc hội đồng ý, như là cơ chế chính sách đặc thù cho dự án quan trọng quốc gia.

Nếu chờ đến khi Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra khoảng 2-3 năm - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Tuy nhiên, như phân tích của đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) thì việc chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là do Chính phủ chậm, không phải do Quốc hội không thông qua. Vì vậy, Chính phủ cần phải đánh giá nguyên nhân cụ thể tại sao chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi.

Với đề xuất tách dự án này, dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 23 nghìn tỷ để giải phóng mặt bằng, trong khi ngân sách đầu tư công trung hạn mới bố trí cho nội dung này được 5 nghìn tỷ đồng.

Đây cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, cả khi thảo luận tại tổ và hội trường.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho biết là đã đọc nghị quyết 94 rất nhiều lần và nghị quyết này nói rõ không đồng ý cho tăng nợ công. Nhưng, nếu sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách nhà nước  để giải phóng mặt bằng thì sẽ tăng nợ công. Vì thế, nếu sửa nghị quyết thì Quốc hội phải xin ý kiến đại biểu có đồng ý cho tăng nợ công và có đồng ý cho sử dụng hoàn toán vốn từ ngân sách nhà nước để làm giải tỏa, đền bù này hay không. "Lúc đó, chúng ta mới tính được, còn bây giờ chúng ta chưa lấy phiếu thì không thể an tâm"- đại biểu nhấn mạnh.

Không yên tâm về cơ sở pháp lý, về nguồn lực cho dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đại biểu còn băn khoăn về mối quan  hệ  của dự án này với việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Hồi âm ý kiến đại biểu về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến năm 2025, khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác theo Nghị quyết 94/2015/QH13 của Quốc hội, thì sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón khoảng hơn 50 triệu hành khách/năm, và có thể bị khai thác quá tải từ năm 2022. Như vậy, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, để chuyển dần tải cho hoạt động từ Tân Sơn Nhất, giảm bớt áp lực về an ninh, an toàn hàng không, vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng, phát biểu trong phiên thảo luận chiều 8/6, Phó bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phản ánh: Hiện nay người dân thành phố vẫn chưa yên tâm, vẫn còn rất bất bình về cách sử dụng đất trong khuôn viên của sân bay chưa hiệu quả và chưa minh bạch, chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

 Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP. Hồ Chí Minh

Lý do khiến nhân dân bất bình có lẽ đã được một vị đại biểu khác cùng đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề cập.

Đề nghị cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng cần xóa bỏ hình ảnh hiện nay một sân golf rất thông thoáng bên cạnh một sân bay quốc tế rất bề bộn và ách tách bốn bề như hiện nay.

Không đề cập chuyện sân golf, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trong phần giải trình cuối phiên thảo luận chiều 8/6 khẳng định việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên phía bắc hoàn toàn không khả thi, bởi rất nhiều lý do, trong đó có chi phí giải phóng mặt bằng, khả năng ô nhiễm tiếng ồn có rất nhiều thứ nữa.Phương án được chọn và được cho là khả thi nhất, tiết kiệm nhất đó là xây dựng thêm nhà ga T4 với công suất khoảng 10 đến 15 triệu hành khách."Nhà ga này với tiến độ quyết tâm là năm 2019 sẽ xong  nhưng năm 2019 xong thì khoảng năm 2022 lại đầy công suất có nghĩa là sân bay Tân Sơn Nhất không thể đảm đương với tăng trưởng hiện nay, nên sân bay Long Thành được khai thác năm 2025 đúng theo dự kiến là một nhu cầu hết sức cấp bách" - Bộ trưởng nhấn mạnh và mong đại biểu chia sẻ.

Đại biểu sẽ "chia sẻ" đến mức nào, kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào sáng 20/6 sẽ cho câu trả lời.

Trúc Bạch 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy