Lỗi tại thùng rác
VNTN - “Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá” là một trong những chủ đề của tài liệu “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung vào phân loại rác tại nguồn, thu gom và vận chuyển rác thải”. Theo đó, một loạt những thùng rác được lắp đặt tại các khu phố để người dân có thể nâng cao ý thức về tài nguyên rác. Nhưng cho đến nay, sau khá nhiều năm, chiến dịch này dường như vẫn không thể thành công. Phải chăng các hệ thống thùng rác này quá phức tạp hay còn vì một lý do nào khác?
Sau các sự kiện văn hóa thể thao, các lễ hội…, báo chí và truyền hình luôn ghi lại những hình ảnh “ấn tượng” về việc xả rác bừa bãi. Lời bao biện thường thấy là, do thùng rác ở xa quá và bất tiện, hoặc thùng rác quá đầy không còn chỗ chứa… Trước những cảnh tượng đó, cộng đồng mạng lại phẫn nộ một cách vô can. Nhà nước vẫn căng những khẩu hiệu vì môi trường, các chiến dịch tổng vệ sinh hay rục rịch triển khai những đề án, dự án khổng lồ liên quan đến rác… Chúng ta vẫn ám ảnh trong một đời sống rác và mọi giải pháp vẫn chưa thể làm tình hình khả quan hơn. Có thể hơi quá lời khi nói Việt Nam hít thở rác, đi lại rác, ăn uống rác, ngủ nghỉ rác… Nhiều tranh luận, nhiều hội thảo đi tìm giải pháp nhưng có lẽ vẫn chưa có một phân tích nào được trọn vẹn.
Trở lại với sự phàn nàn phổ biến của người dân: “tại thùng rác quá xa” để thử tìm nguyên nhân cơ bản của vấn đề. Vậy lỗi có phải tại việc lặp đặt các thùng rác? Và mật độ các thùng rác được lắp đặt như thế nào là đủ? Có thể nói việc phân loại rác là cốt lõi của việc bảo vệ môi trường. Bởi việc phân loại nghe có vẻ nhỏ bé nhưng thực sự nó là giải pháp hữu ích, giảm thiểu công sức lao động và đồng thời tiết kiệm tài nguyên khi chúng ta có thể tái chế được nhiều sản phẩm từ rác thải. Đó là chưa kể đến việc nó sẽ làm giảm độc hại do các loại vật liệu khó phân hủy tồn dư trong môi trường đất; giảm ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác; tiết kiệm diện tích đất dùng để chôn lấp.
Về vấn đề thùng rác, chúng ta thử nhìn sang một số nước láng giềng xem họ lắp đặt thùng rác như thế nào? Chẳng hạn nếu đến Đài Loan, hiếm khi chúng ta thấy một cái thùng rác nào, nhưng đảo quốc này lại vô cùng sạch sẽ. Hàng ngày cứ đến giờ hai chiếc xe nối đuôi nhau sẽ chạy quanh thành phố. Xe trước chuyên chở rác vô cơ. Xe sau chuyên chở rác hữu cơ. Người dân đã tự phân loại rác và thả vào từng chiếc thùng đằng sau xe. Họ không cần những hệ thống thùng rác cầu kì ở các con phố như Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo rác thải có thể được xử lý gọn gàng. Nếu ở ngoài đường thì người dân nơi đây sẽ bỏ rác vào túi của mình và đem về nhà. Dường như đó là ý thức chứ không phải nhờ hệ thống thùng rác.
Ở đất nước Hàn Quốc, hệ thống thùng rác cũng không phải dày đặc ở khắp nơi. Điều khác biệt ở đây là thùng rác luôn có túi lót bên trong để người thu gom không phải quá vất vả. Trong khi ở Việt Nam người lao công thao tác với thùng rác cũng mất rất nhiều công sức chứ chưa nói đến việc quét dọn. Nó khác với cách người Hàn Quốc luôn tạo điều kiện cho việc thu gom rác được thuận tiện nhất, đó là cách làm khoa học cũng không phải do họ có nhiều thùng rác mà phố xá trở nên sạch sẽ. Còn ở Singapore thì luôn nổi tiếng với sự nghiêm ngặt trong xử phạt tội xả rác bừa bãi, cho dù mật độ thùng rác của họ ở những khu vui chơi giải trí gần như không có. Bên cạnh đó để tiết kiệm công sức cho người lao động, các thùng rác đều có cơ chế nén rác. Khi thùng rác đầy, chip điện tử sẽ tự động báo cho nhân viên vệ sinh. Bởi vậy, việc thu gom rác trở nên nhanh chóng, đúng lúc hơn rất nhiều.
Có lẽ mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng, nhưng với vấn đề rác thải hiện nay ở Việt Nam, có lẽ chúng ta cần mọi kênh tham khảo để có những biện pháp tốt nhất, điều kiện tốt nhất để bảo vệ môi trường. Thật đáng tiếc khi hệ thống thùng rác của Việt Nam đầy đủ nhưng lại thiếu những biện pháp tiện ích, thông minh đi kèm. Làm thế nào để người dân ngừng đổ lỗi cho hoàn cảnh và người lao động trong môi trường rác được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất. Câu hỏi này hẳn là rất đáng quan tâm.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...