Lời của rêu phong
VNTN- Năm 1986, sau đợt hội diễn toàn quân, tôi được thưởng 15 ngày phép. Buổi tối ngày phép đầu tiên tôi giắt theo mảnh áo mưa lên rạp Phúc Lợi xem phim. Rạp rộng thênh thang với những dãy ghế xi măng hình vòng cung không mái che nhìn thẳng lên vòm trời tối thẫm.
Rạp Phúc Lợi (Gang thép), nơi tôi có những kỉ niệm không bao giờ quên.
Nhà tôi ở một trên một quả đồi cỏ tranh.
Ngày còn bé, những buổi tối tôi hay trèo lên đỉnh đồi sau nhà nhìn về phía xa xa. Giữa bóng đêm thăm thẳm, giữa tĩnh mịch hoang sơ của đồng ruộng núi đồi, tôi thấy một vùng sáng hồng lên rực rỡ. Tôi hỏi bố: Phía xa nơi ấy là gì? Vùng sáng ấy là gì mà không bao giờ tắt? Bố bảo: Đó là nơi bố làm việc, là Khu Gang thép Thái Nguyên. Vùng sáng ấy là ánh điện lung linh, là ánh sáng của lửa lò đang tôi luyện thép gang từ quặng sâu trong lòng đất...
Bố gieo vào tuổi thơ tôi ước mơ được khám phá vùng sáng ấy, để sau này cả cuộc đời tôi gắn bó và hòa máu thịt mình vào vùng trời rực rỡ ấy.
Và lớn lên, tôi có một tình yêu đôi lứa. Nơi bắt đầu tình yêu của tôi là một công trình đã ngủ yên rất lâu trong kí ức của những người dân Gang thép Thái Nguyên.
Đó là “Rạp hát ngoài trời Công nhân Gang thép”.
Năm 1986, sau đợt hội diễn toàn quân, tôi được thưởng 15 ngày phép. Buổi tối ngày phép đầu tiên tôi giắt theo mảnh áo mưa lên rạp Phúc Lợi xem phim. Rạp rộng thênh thang với những dãy ghế xi măng hình vòng cung không mái che nhìn thẳng lên vòm trời tối thẫm. Tôi vô tình trải áo mưa ngồi cạnh một người con gái. Phim chiếu đến đoạn giữa thì trời cũng vô tình đổ một cơn mưa. Sẵn áo mưa lính rộng dài, tôi tiếc gì chẳng che chắn cho một bóng hồng lẻ loi khỏi ướt. Em cũng ở vào cái thế khó chối từ, tuy còn ngại ngùng nhưng cũng e thẹn cầm một đầu áo mưa che lên mái tóc.
Chúng tôi ngồi sát lại gần nhau tránh những hạt mưa đang se duyên tí tách. Chuyện qua chuyện lại, em thủ thỉ rằng đi xem cùng anh trai nhưng rạp đông người nên bị lạc. Tôi cũng vài câu sến sáo ra điều đời lính phong trần này khác nọ kia, muốn khéo nhắc em rằng cái sự đi xem phim một mình của tôi nghĩa là tôi cũng đang còn cô đơn đấy...
Em kể em đang học lớp 12 trường Công nghiệp Gang Thép, rằng cứ buổi trưa tan trường là em lại áo trắng, tóc dài, đạp xe "Thống Nhất" qua đường tròn Gang thép để về nhà. Tôi cũng đồ rằng em hẹn khéo tôi, nếu muốn gặp lại em thì cứ đường tròn buổi trưa mà đón.
Trưa hôm sau, tôi căn giờ đạp xe lên đường tròn Gang thép. Mắt con trai tinh lắm, tôi nhận ra em giữa đám đông tấp nập tan trường. Nhìn thấy tôi, lưng nàng chợt thẳng lên thật là "phong cách", mắt nàng đoan trang nhìn về phía trước vờ không quen tôi, nhưng đôi môi hồng của nàng lại ẩn giấu nụ cười tinh nghịch. Cứ thế, cứ thế, tôi đạp xe phía sau, ngắm cái dáng học trò của nàng mà mơ màng tưởng tượng.
Đến một ngã rẽ nhỏ vào làng, em dừng xe dưới bóng một cây xà cừ râm mát.
- Anh về đi, nhà em phía trong này một đoạn nữa.
- Anh đưa em về đến cổng được không? - Tôi hỏi.
- Chó nhà em dữ lắm…
- Anh không sợ chó!
- Nhưng bố em… Bố em biết thì chết.
- Ý em là bố em dữ như... Tôi phanh gấp cái lưỡi đang trơn tru lại.
- Không ạ. Tức là… Nàng ngập ngừng tìm cách ngăn không cho tôi đi theo: Bố em là công an ý.
- Công an thì sao, anh có làm gì em đâu?
- Vâng... Nhưng mà... À, em có anh trai nữa, anh ấy đi dép "rựa" trắng, đội mũ cối Tàu sùm sụp như này này…
Nàng kéo cái mũ của nàng xuống ngang mặt. Vô tác dụng với tôi, dưới cái mũ sụp xuống của nàng là cái mũi nhỏ xinh và đôi môi hồng hồng mà tôi ước ao được cắn nhẹ vào đấy.
- Dép “rựa” thì sao? Mũ cối thì sao? Anh có làm gì em đâu?
- Anh không làm gì á? Nàng bắt đầu lúng túng: Anh đang tán em thê!
Tôi gãi đầu, nàng bật cười khanh khách:
- Thôi, anh về đi, mai em học bốn tiết đấy, ngốc ạ! Nàng khúc khích cười rồi lên xe đạp đi, không quên ném lại cho tôi một câu: "Mai đón em!". Tôi bồi hồi ngơ ngẩn nhìn theo bóng em khuất dần vào lối mòn trong xóm.
Mười năm ngày phép cũng qua nhanh, trưa nay tôi đón em buổi cuối cùng để ngày mai lên Cao Bằng trả phép. Em như cùng tâm trạng với tôi, kéo tay tôi ngồi xuống đoạn rễ cây xà cừ sần sùi trồi trên mặt đất.
- Ngày mai anh lên đường rồi... Tôi ngập ngừng vào chuyện: Anh sẽ nhớ em, nhớ ngôi trường, con đường, góc phố...
Em cúi xuống giấu đi đôi mắt buồn ươn ướt:
- Em muốn tối nay mình sẽ đi xem cùng nhau trên rạp Phúc Lợi, muốn có một kỉ niệm đánh dấu tình yêu trên mảnh đất này, để ngày mai anh lên biên giới sẽ luôn nhớ về em, nhớ về đất Thép…
Tôi quay sang em xúc động đến sững sờ… Rồi mừng rỡ, tôi hỏi một câu vô duyên thừa thãi:
- Em đi được thật chứ?
- Vâng, nhưng em đi cùng anh trai, có thế bố mới cho em đi.
Tôi như bị dội một gáo nước lạnh, trong đầu hình dung ra cảnh tôi một bên, em một bên, ở giữa là ông anh trai với ánh mắt gườm gườm dưới chiếc mũ cối Tàu sùm sụp…
- Anh không vui à? Nàng hỏi.
- À anh vui, vui mà... Tôi lắp bắp mấy câu phản bội chính tâm trạng mình.
Nàng phá lên cười:
- Trông cái mặt anh kìa, Em biết anh đang nghĩ gì đấy nhé, cười lên em xem nào! Nàng nắm tay tôi lắc nhẹ, nhưng tôi không thể nào cười nổi.
- Nghe em nói: Anh sẽ đợi em ở cổng số 2, khi thấy em và anh trai em vào trong rồi thì anh bám sát, em sẽ giả vờ bị lạc để ngồi riêng với anh. Ngốc ạ!
Tác giả bên những hàng ghế thân quen của rạp Phúc Lợi (10/2021)
Từ 6 rưỡi tối, tôi đã đứng sẵn ở cổng số 2 dán mắt vào những đoàn người đi qua cổng soát vé không chớp mắt…
Kia rồi, dáng em thân quen đi cùng một thanh niên lực lưỡng, tôi đoán là anh trai em. Em cũng đang đưa mắt nhìn xung quanh, bắt gặp ánh mắt tôi, em nhoẻn một nụ cười vui mừng rạng rỡ. Tôi bám sát theo em vào trong rạp, lúc này trong rạp đã rất đông, tôi nắm tay em lẫn vào biển người đông đúc. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, tay nắm tay, hồi hộp trong cảm xúc khác lạ đầu đời, trên sân khấu đoàn cải lương cứ diễn, cứ hát...
Tôi đâu ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi nắm tay em. Khi hai cánh màn sân khấu vừa khép lại, người người rần rần đứng lên đổ xô về hướng cửa, tôi tuột khỏi tay em trong biển người đông đúc. Tôi chen vội ra hướng cổng soát vé và đợi…
Những đoàn người rút nhanh qua khỏi cổng soát vé, thưa dần, thưa dần rồi vắng hẳn. Không còn ai! Không còn ai đi qua cổng soát vé nữa, lòng tôi nặng trĩu bần thần.
Em đâu rồi, em đâu? Sáng sớm ngày mai tôi đã phải lên đường ra biên giới, nhà em nơi đâu tôi chưa hề biết, muốn gửi những lá thư về cũng biết gửi về đâu?
Tôi quay trở lại rạp Phúc Lợi vào một chiều thu năm 2021. Gió mơn man thổi từ mặt hồ Thiên Nga tràn qua con đường nhỏ vào rạp. Cách đây mấy chục năm rạp ồn ào náo nhiệt, giờ hoang vắng tĩnh mịch cô liêu. Gió lùa đám lá khô bay xào xạc, tả tơi rơi xuống những hàng ghế xi măng phủ màu thời gian bạc phếch rêu phong...
Tôi lắng nghe rêu phong thầm thì kể chuyện, rêu phong cũng có hồn? hay đó là lời từ ký ức thẳm sâu trong tôi đang lên tiếng?
Rêu phong gợi về kỉ niệm, rêu phong đập vỡ vách ngăn chứa đầy kí ức trong tim mấy mươi thập kỉ, thả kí ức ra để ta quay về ngày ấy xa xưa...
Và tôi thoảng nghe, bãi vắng hoang sơ như thì thầm hỏi: "Có phải tôi đã bị lãng quên?".
Xin đừng buồn nhé bãi vắng hoang sơ! Cho dù đã rêu phong, cho dù đã không còn nguyên vẹn hình hài thuở khai sinh, nhưng cái hồn cốt, cái giá trị của một thời hào hùng vẫn còn đó, vẫn đang nằm sâu trong một góc trái tim, trong kí ức những người dân Gang thép Thái Nguyên.
Trần Giáp (Tổ 2, phường Tân Thành, TP. Thái Nguyên.)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...