Lộc biếc của ngày xanh
VNTN - Gió từ sông thổi vào đã mang hơi ấm. Thảo nào, đám cải gieo trong hộp xốp của chị Hồng gan lì cũng đã ngoi lên khỏi lớp đất, xòe mấy thùy lá đầu tiên. Ở cái thành phố nhà cửa ken kín này, đất là thứ xa xỉ. Mỗi vốc đất ấy cũng mênh mang kỉ niệm bởi cũng chẳng mấy khi khu đô thị này được khởi công hay con đường kia được đào bới lên lắp cống, lắp đường cáp. Thế mới biết, phố cũng đã cũ xưa rồi, xưa cũ thì luôn ăm ắp kỷ niệm...
Đã mươi năm rồi, năm nào tôi cũng về với chị Hồng một ngày trước dịp tết rồi ngược hay xuôi thì còn tùy. Cha tôi trụ ở đầu nguồn con sông Đà với cái trạm y tế mà hồi nhỏ tôi cứ nghĩ ông là người làm ra sương khói. Chẳng thế, mỗi lần mẹ con tôi cơm đùm, cơm nắm, rét căm căm ra bến xe Thanh Xuân xếp hàng mua vé lên Tây Bắc, rồi lại mất hơn hai ngày đường, người mệt lả như vừa lội sang một thế giới khác thì được xe ca thả xuống bãi đất trống hoác, lạnh cứng. “Đấy”, mẹ chỉ về phía sườn dốc chỉ thấy mây mù bồng bềnh, mây giỡn mặt người. Hình như quanh năm, cái trạm y tế của cha tôi nằm trong sương. Đã thế, khói từ cái nõ điếu cày của ông cũng chẳng kém cạnh, nó trắng nẫu suốt gần bốn mươi năm có lẻ. Mây mù, khói thuốc lào nhập vào nhau hoan hỉ như cặp trai gái trốn nhà quấn lấy nhau mà vương vấn khắp đầu non, khe suối. Ở đây, đắp tấm chăn cũng thấy lạnh bởi chăn nào có tới người, mây đã nhanh chân lót một lớp lạnh lẽo lên từng con người ở đây.
Về xuôi mùa này, gió mùa thổi nghe xót từng tàu lá chuối. Nhớ có lần qua sông, nhìn cái sợi dây tước từ bẹ chuối nhà mình buộc bó rau của mẹ bồng bềnh trên khoang chiếc thuyền đi ngược chiều, tôi chỉ muốn nhảy ùm xuống sông mà bơi về. Giữa hai nơi ấm áp tình cha, nghĩa mẹ ấy mà tôi vẫn cứ lên với chị Hồng. Chị là con nuôi của gia đình tôi vì sinh ra đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngày ấy, chị theo chồng lên đây làm công nhân khiến cả bố mẹ và họ hàng sửng sốt. Mười bảy tuổi xinh xắn, học giỏi, quyển lưu bút của chị còn vẽ cái cổng trường Đại học Tổng hợp từ thời Pháp đẹp cổ kính. Nhưng đúng là không ai vẽ ước mơ mà thành, một ngày chị rũ bỏ bút sách, rũ cái dáng tiểu thư theo anh như một người hoàn toàn khác. Rồi thủy điện cũng xong, anh Huân lại khoác ba lô đến các công trình mới, hai mẹ con chị được phân một căn hộ ở tầng 5 cứ vò võ thế. Dần dần tôi thấy thú, mỗi lần lên lại vác giá vẽ lên đặt ngoài hiên nhà chị. Trời gió lạnh thì khoác cái áo phao sù sụ, quàng cái khăn, phác những nét trong mưa bay lất phất. Bên góc này, đứa cháu ê a học bài, bài học đầu đời của ai cũng ê a vậy.
- Cậu ngắm gì đấy, nhà xưa, tường cũ lại hoài niệm à? À, sang cầu thang bên kia bê hộ chị bao gạo về, chị nấu gạo mới cho hai cậu cháu mày ăn, cả năm mới chịu lên ăn với cháu một bữa.
Mười năm đến đây tôi mới lại bước lên cái cầu thang y hệt như nhà bên này nhưng ở phía đối diện. Thành phố không phải nơi để người ta được thám hiểm, tôi nghe đế giày của mình bước lên từng nhịp cầu thang như vọng ra từ trong lòng. Một tầng rồi hai tầng, qua những ô hoa thoáng tôi đã nhìn thấy cái chuồng cọp phòng chị mình treo cái quần đỏ của con bé Lan, vậy là còn ba tầng nữa mới tới. Định ngồi nghỉ một chút, công việc văn phòng làm sức khỏe tôi giảm sút đi nhiều nhưng nhớ lời chị Hồng dặn phải về nhanh, tôi bước vội.
Bỗng nhiên, ở cái khúc cua của cầu thang ấy, tôi nghe thấy tiếng bước chân ai nhẹ nhàng trên từng bậc thang. Một khúc cua nhỏ mà dài hơn cả những lần tôi ngồi trên xe qua những con đèo quanh co. Phía bên ấy, khi chỉ còn một bước chân nữa, tôi nghe tim mình bỗng như muốn nhảy nhót trong lồng ngực bởi linh cảm được điều gì. Và, cô gái cũng bất ngờ dừng lại ngước nhìn tôi, đôi mắt sáng và trong như mặt hồ thu một ngày có nắng. Một khuôn mặt nhẹ nhàng mới mẻ như hơi sương sớm đầu thu. Cứ đứng sững như thế, rồi cả hai bước đi, từng bước chân như cất lời.
Phải mất mấy phút sau tôi mới nhớ ra mình phải quay xuống thật nhanh thì cô gái đã xuống trước mất, tiếng chân vừa đủ xa rồi mất hút trong dòng người. Đúng lúc tôi đang ngẩn ngơ dưới sân thì điện thoại trong túi đổ chuông, tôi ngước lên, trên khung cửa sổ, chị gái tôi đang nhìn xuống cười.
- Tưởng cậu không còn biết ngẩn ngơ cơ đấy, ông bà toàn lo cậu...
Chiều ấy, tiễn tôi ra bến, khi tôi đã ngồi yên trên xe rồi mới nhận được tin nhắn của chị. Chị gửi cho số điện thoại cô bé, phụ nữ có tuổi tinh tế thật. Cái tên Hằng cũng đẹp như dáng hình vậy, tôi vội vã add vào zalo tìm kiếm nick, những ngón tay lúng túng khác hẳn ngày thường. Rồi tôi lại hồi hộp mong tin nhắn. Hằng bảo đang ngược lên với bố, tôi vội đổi ý đến ngã ba xin xuống vội vã. Cậu phụ xe ngơ ngác nhìn theo tôi giữa bạt ngàn những cành đào đang nhú lộc giữa ngã ba mưa rét.
Trời hôm nay nắng vàng chứ không u ám, ủ dột như những ngày xưa. Hình như, từ khi có thêm lòng hồ thủy điện, những bè cá lồng, những xóm công nhân, phố xá nhộn nhịp hơn. Ra giêng, cha tôi sẽ từ biệt mảnh đất này để về quê nghỉ hưu. Đáng ra, ông có thể chuyển về thành phố để nhận một công việc nhàn nhã hơn. Ông cũng có thể mở thêm phòng khám tư hay tìm thêm kế sinh nhai. Nhưng chắc vì mẹ tôi đảm quá, tính cha lại gàn, ở lì cái trạm y tế trong mây thành quen. Chốc lại thấy tiếng ho sù sụ phát ra từ những vòng khăn len quấn quanh cổ.
- Lát theo bố xuống nhà bác Thắng uống rượu nhé.
Biết ngay, ở vùng đất này, có những thứ để níu chân cha tôi. Ừ thì như ông hay nói, vùng này quanh năm suốt tháng, mặt trời ghé qua rất nhanh rồi nhường chỗ lại mưa rừng, suối lũ… chỉ có cái tình làm con người ta giăng mắc, gắn kết mà trụ lại được. Nhưng tôi muốn ông khỏe mạnh và thật tỉnh táo để sớm mai hai bố con bắt chuyến xe sớm về quê. Giờ này, tôi nhìn lướt qua chiếc đồng hồ nghĩ chắc mẹ và vợ chồng con Hạnh đã sắm sửa đầy đủ gà, lá dong, gạo nếp và chỉ còn đợi bố con tôi về. Đáng ra, giờ này tôi cũng đã ở nhà. Lấy cớ lên đón bố, cái Tết cuối cùng còn được đón bố ở trên này, tôi nói với mẹ vậy. Trên suốt dọc được lên đây, tôi vẫn mong manh có chút gì đó hơi hướng của Hằng, có lẽ chưa khi nào tôi thấy mình phiêu lưu và trẻ con đến thế. Biết Hằng đang ở nơi nào giữa mù mịt sương giăng?
Tôi thức dậy đã hơn sáu giờ sáng, rừng núi như còn chìm trong giấc ngủ. Đêm qua, cha tôi về khá khuya, tôi lên giường đi ngủ trước nên cảm thấy rất khoan khoái sau chặng đường dài.
- À, bố còn quên cái bật lửa bên nhà ông Thắng.
- Trời, đi thôi bố, bật lửa lát ra bến con mua cho bố cả đống.
- Không, cái bật lửa ấy gắn bó với bố bao năm rồi, anh không hút thuốc sao anh hiểu được…
Miễn cưỡng, tôi theo cha bước vào căn nhà ông Thắng. Ở đây, nhà nào cũng có những giò phong lan treo bên hiên nhà. Cái điều nhỏ nhặt ấy lại giữ chân tôi vượt qua sự khó chịu thông thường. Để rồi chính đến lượt ông Thắng phải giục:
- Hai bố con ra xe đi, con Bống nhà này ra bến từ nãy rồi.
- Ơ tôi tưởng - cha tôi có vẻ bất ngờ.
- Năm nay nó phải trực ông ạ nên lại phải đi luôn.
Ngừng một lát như sực nhớ ra điều gì ông lại nói tiếp.
- Mà, hôm qua hai bố con, lúc ông về rồi còn kịp chụp chung kiểu ảnh đây này.
Trong chiếc điện thoại nhỏ bé chụp tấm hình hai cha con rất tình cảm. Vợ mất từ sớm, ông Thắng phải một mình nuôi hai đứa con, một đứa lấy chồng dưới mạn ấy, bố tôi có lần giải thích vậy… Mạn ấy, tôi nghe quen quen, là đâu nhỉ? Bất giác tôi cầm chiếc điện thoại của ông gần lại. Ôi, Hằng, sao lại chính là Hằng. Tôi chỉ kịp kéo tay bố lao ra bến xe...
Sau này, nhiều lần tiễn những người bạn thân dời xa thành phố hoặc ra định cư nước ngoài, tôi vẫn không quên được cảm giác nhìn những vết lốp xe in hằn trên sân bến xe phố huyện lầy lội hôm ấy. Những vết như chạy mải miết rồi mất hút về phía chân trời. Vậy là, hai bố con tôi chỉ chậm một chút đã nhỡ chuyến. Tôi ngồi lặng trong làn mưa xuân mỏng mảnh, chén trà nóng trên tay đã nguội ngắt từ khi nào, những hạt mưa đã ngập đầy vết lốp xe. Phải đợi một ngày nữa mới có chuyến xe về xuôi nếu không thì phải ra đường vành đai bắt chuyến xe liên tỉnh, người ta bảo với tôi như thế. Tôi không để ý thông tin đó mà chỉ mải nhìn những nụ đào trong vườn nhà ai như thấp thỏm lo âu, nắng xuân vừa mới le lói chiều qua, nay đã ngập tràn trong mưa rét.
Cha tôi thì từ lúc nào đã tập hợp được nhóm bạn già ngồi bắn thuốc lào và tán gẫu. Như sực nhớ ra điều gì, ông đút tay vào túi, mắt nheo nheo nhìn vào màn hình chiếc điện thoại đen trắng bé tẹo. Tính cha là thế, luôn để người khác phải thúc giục bởi cái tính thụ động, ngược lại với sự năng nổ, tháo vát của mẹ. Ở làng ngày trước, người ta vẫn thường bảo ông được nhờ ở mẹ tôi cũng không sai. Chắc giờ, nhìn nét mặt cha rạng rỡ thế kia hẳn phải là cuộc điện thoại của mẹ. Thể nào về đến nhà, mẹ cũng lại trách hai bố con tôi lề mề.
- Con ơi, bố lại phải quay về nhà bác Thắng đây.
- Trời ơi, bố còn quên gì nữa sao?
Thú thật lúc này, nghe đến tên ông Thắng, tôi như người bị xát muối vào chỗ đau thêm lần nữa, giá như không vì cái tính lề mề hay quên đồ của cha, tôi đã bắt kịp chuyến xe. Giờ về lại căn nhà ấy, chỉ càng làm cho tôi chán nản.
- Bố không quên mà là con quên, hiểu chưa?
Giờ thì tôi mới vội lục khắp các túi vẫn không thấy điện thoại đâu. Thôi chết, cả một trời kỷ niệm và bao thông tin, mối quan hệ... Thấy tôi còn chần chừ, cha tôi bồi thêm:
- Thế anh có định về nhà ông ấy lấy điện thoại không?
Tôi đẩy cánh cổng sắt bước vào, nhìn xuống đôi giày thể thao lấm bùn định bụng chỉ đứng ở chỗ mấy giò phong lan đợi ông Thắng ra. Cha tôi hắng giọng đánh tiếng, nhà vắng tanh, con chó vàng chắc đã quen với hơi ông bạn nên nằm im góc sân mắt hé nhìn. Bỗng dưng, từ trong nhà một người đẩy cửa bước ra lễ phép chào cha tôi, tôi giật mình ngước lên. Và, khoảnh khắc ấy, không thể tin là mình đang đứng ở đâu nữa, trước mặt tôi là Hằng, Hằng thật rồi. Nhưng điều làm tôi còn bất ngờ hơn là bên cạnh tôi, cha tôi bình thản như không có chuyện gì rồi đi xuống dãy nhà bếp bên cạnh cất tiếng gọi ông Thắng trong tiếng gà kêu quang quác. Tôi bỗng dưng thành một gã ngốc với câu hỏi vu vơ:
- Ơ, sao anh tưởng em đang trên xe về xuôi?
- Nhà em đây mà anh, em vừa đi chợ về.
Thế hóa ra là... nhìn nụ cười của hai ông già tóc hoa râm ở góc sân thì tôi đã lờ mờ hiểu ra. Cha tôi giục:
- Không ra móc cái điện thoại của con trong túi bố mà gọi về xin phép mẹ về muộn à? Liệu mà kiếm cớ nói với bà ấy…
Trên sân, chỉ còn tôi và Hằng ngơ ngác nhìn hai ông bố rồi nhìn nhau ngượng ngùng. Các cụ bảo khôn đâu đến trẻ, ai bảo các ông bố không khôn khéo, chúng tôi như con nai ngơ ngác đi về phía tấm lưới, tấm lưới mùa xuân là màn mưa mỏng manh như bịn rịn. Và như thể còn có thể khéo hơn được nữa, hai ông già cùng nhắc.
- Bọn mày nhìn kìa, năm nay phong lan của các bố ra cái mầm xanh biếc chưa? Ươm mãi mà bỗng dưng hôm nay mới nhú nhỉ?
Tôi và Hằng ngước nhìn lên rồi lại nhìn nhau, trong đôi mắt trước thềm xuân chỉ thấy những mầm lộc biếc của ngày xanh...
Truyện ngắn. Bùi Việt Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...