Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
20:11 (GMT +7)

Linh thiêng nguồn cội Đất Tổ Hùng Vương

VNTN - Trong những ngày tháng ba đất trời đầy sắc xuân này, đồng bào ta khắp nơi trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều hướng về Phú Thọ, nơi thờ Hùng Vương, vị tổ dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước với niềm tin cả dân tộc có cùng chung một giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ). Trước năm 1917, các triều đình quân chủ tổ chức giỗ Tổ vào mùa thu. Riêng ở Phú Thọ (tức đất Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang xưa, nơi có đền thờ các vua Hùng), dân chúng cử hành lễ giỗ vua Hùng thứ 18 (vua Hùng cuối cùng) vào ngày 11 tháng 3 Âm lịch. Nhận thấy một năm tổ chức hai ngày lễ có ý nghĩa giống nhau vào hai ngày cách xa nhau nên năm 1917, tuần phủ tỉnh Phú Thọ là Lê Trung Ngọc kiến nghị hàng năm tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch. Kiến nghị của ông được Bộ Lễ của triều đình Huế chấp thuận. Từ đó, ngày mồng 10 tháng 3 trở thành ngày quốc lễ để toàn dân Việt Nam thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Quốc Tổ, “Dù ai đi ngược về xuôi,/Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba /Khắp miền truyền mãi câu ca,/Nước non mãi nước non nhà ngàn năm”(Ca dao). Dựng nước trong những ngày sơ khai của lịch sử dân tộc là một công việc vô cùng khó khăn và gian khổ, đòi hỏi các Vua Hùng phải là người có tài năng, trí tuệ, nghị lực và lòng quyết tâm phi thường, nhưng việc gìn giữ đất nước mà cha ông bao đời gây dựng còn khó khăn gian khổ gấp bội phần. Chính vì thế trong lần tới đền Hùng vào sáng 19 tháng 9 năm 1954, Bác Hồ đã nghiêm túc nhắc nhở toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, càng làm cho mỗi người dân đất Việt thấu hiểu, tự hào về Đất Tổ, làm cho cộng đồng các dân tộc trên thế giới thêm tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam. Đứng trước bàn thờ các Vua Hùng, con cháu sum vầy nơi “Sơn chầu - Thủy tụ” đất Phong Châu, ta cảm nhận được truyền thống dựng nước giữ nước như mạch nước ngầm chảy mãi tự ngàn sâu. Lớp lớp đàn chim lạc như đang sải cánh bay về, rực rỡ trên bầu trời dân tộc và hóa thân vĩnh cửu trên mặt trống đồng, trên các phù điêu của nền văn hóa Văn Lang. Lịch sử và lòng người đã khắc ghi công ơn, tâm đức và phong thái của các thế hệ vua Hùng nối tiếp nhau dựng nước Văn Lang của người Việt Cổ - nơi khai sinh và truyền giữ nền văn minh sông Hồng rực rỡ, “nền văn minh lúa nước”, tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt Nam hôm nay, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và trường tồn của dân tộc Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm cũng là dịp để nhân dân bày tỏ lòng tự tôn dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc; giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Được biết, Đền Hùng linh thiêng, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn được phủ rộng nhiều nơi trên khắp đất nước. Hiện cả nước có tổng số 1.417 di tích thờ cúng các Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương. Ngoài ra còn có mặt trên toàn thế giới, ở những nơi có cộng đồng dân cư người Việt sinh sống và cư ngụ. Năm nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ chỉ diễn ra phần lễ, nhưng trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt thì giỗ Tổ Hùng Vương vẫn là dịp để mỗi chúng ta hướng về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.

NGUYỄN VĂN THANH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy