Liên kết để bảo tồn và phát triển vùng ATK
VNTN - Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa lịch sử, di tích cách mạng, phát triển du lịch sinh thái, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng… cho cả vùng là mục tiêu xuyên suốt mà Quy hoạch vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn đến năm 2030 hướng tới. Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt và vừa được Bộ Xây dựng công bố tại UBND tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì vùng ATK liên tỉnh có quy mô diện tích gần 5.700km2, bao gồm các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên); các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang); huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Chúng ta đều biết, vùng ATK liên tỉnh được xem là khu vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, di tích cách mạng gắn với giáo dục truyền thống đấu tranh, yêu nước của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Trung ương đã ở và làm việc. Cũng từ đây, các quyết sách đấu tranh giải phóng dân tộc đã ra đời, làm nên thắng lợi vẻ vang năm 1954, chấm dứt chế độ thực dân xâm lược ở nước ta.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa Ảnh: Đồng Khắc Thọ
Tuy nhiên, thời gian qua việc liên kết để khai thác tiềm năng thế mạnh của cả vùng chưa như mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Trần Ngọc Thực chia sẻ: Trước đây giữa các tỉnh vẫn còn những khoảng cách nhất định. Có thời điểm tỉnh nào cũng tự nhận mình là trung tâm vùng, là Thủ đô kháng chiến. Bởi vậy, sự liên kết lâu nay khá lỏng lẻo, nhất là liên kết du lịch. Mạnh địa phương nào địa phương ấy làm mà không có sự kết nối dù vai trò lịch sử, văn hóa các tỉnh khá tương đồng. Do đó, việc Quy hoạch được phê duyệt sẽ gần như xóa nhòa ranh giới cả về vị trí địa lý lẫn quan điểm ứng xử giữa các tỉnh trong vùng.
Vùng ATK liên tỉnh còn là vùng trọng điểm du lịch với định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, di tích cách mạng trong vùng là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong Quy hoạch vùng. Theo Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 1 - Viện Quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Tuấn thì toàn bộ cảnh quan, không gian vật thể có ảnh hưởng trực tiếp đến khung cảnh của các di tích trong vùng (như đồi núi, sông suối, ruộng vườn, địa hình, địa mạo tự nhiên và hệ sinh thái) đều được bảo vệ và bảo tồn. Với vùng lõi của ATK (gồm các địa danh: Phú Đình, Điềm Mặc, Bảo Linh và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa (Thái Nguyên); Tân Trào, Kim Quan, Trung Sơn, huyện Sơn Dương; Kim Bình, Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa và Mỹ Bằng huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), sẽ được bảo tồn toàn bộ từ địa thế, thế trận cách mạng trước đây, toàn bộ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hệ thủy văn đến các nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương trong vùng.
Phát triển mạnh mẽ ngành du lịch tại các địa phương trên cơ sở liên kết chặt chẽ cả vùng là mục tiêu tiếp theo mà quy hoạch đề cập. Các loại hình du lịch sẽ được phát triển trong vùng là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu và du lịch tín ngưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng. Du lịch vùng ATK sẽ được liên kết với các khu du lịch quốc gia nổi tiếng lân cận. Sẽ có 3 trung tâm dịch vụ lớn với quy mô từ 50 đến 100ha được xây dựng để khai thác du lịch cho cả vùng là Tân Trào -Tuyên Quang, Phú Đình - Thái Nguyên và Nghĩa Tá - Bắc Kạn. Tại đây sẽ xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ du lịch, trong đó đáng chú ý là quảng trường, khu trưng bày giới thiệu, biểu diễn ngoài trời và trong nhà, khu lưu trú, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, trung tâm mua sắm, khu bán đồ lưu niệm, sản vật địa phương. Ngoài ra, tại 3 cửa ngõ vào khu ATK liên tỉnh sẽ bố trí các trung tâm giới thiệu, thông tin cần thiết, đồng thời sắp xếp các dịch vụ hỗ trợ như bưu điện, khu lưu trú ngắn ngày, bến bãi đỗ chuyển tiếp, nơi ăn uống…
Không khó để chúng ta nhận thấy, tình hình kinh tế của cả vùng đang gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Duy Hưng cho rằng, thông qua quy hoạch sẽ tạo sự liên kết cả vùng, đồng thời giúp từng địa phương có điều kiện phát triển, nhất là ở những địa bàn nằm trong vùng lõi quy hoạch. Từ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp đến hạ tầng, dân cư, du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của cả vùng đều có cơ hội được nâng tầm.
Để các địa phương trong vùng đạt mức tăng trưởng cao trong ngành nông nghiệp, những người xây dựng Quy hoạch vùng đã chỉ ra rằng, cần phải gắn phát triển nông, lâm nghiệp với khai thác du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, tập trung phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chè, mía và các loại cây trồng đặc sản trên cơ sở tăng cường hoạt động chế biến, ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục bảo vệ diện tích rừng hiện có, phá rừng tạp, trồng mới rừng nguyên liệu công nghiệp có giá trị cao, phấn đấu vừa đạt độ che phủ tốt vừa tăng doanh thu từ rừng.
Cùng với đó, Quy hoạch cũng định hướng rất rõ khả năng phát triển công nghiệp vùng ATK. Dự kiến đến năm 2030, diện tích đất dành cho công nghiệp của cả vùng sẽ là hơn 1.600ha, trong đó có gần 1.000ha để đầu tư mở rộng 2 khu công nghiệp trọng điểm và trên 700ha phát triển các cụm công nghiệp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, phát triển công nghiệp vùng ATK dù quy mô thế nào, hiện đại ra sao vẫn không thể xem nhẹ việc bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống tại các địa phương. Trong đó, gắn phát triển không gian làng nghề với không gian du lịch vùng, gắn sản phẩm làng nghề với các sản phẩm du lịch.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng thì tầm quan trọng của quy hoạch vùng là ngoài giải quyết các vấn đề về liên kết, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đã tính đến các phương án phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân trong vùng. Hiện tại, Quy hoạch đã có, nhưng rất cần sự chủ động đề xuất phương án, cơ chế ưu tiên phát triển vùng và tổ chức quy hoạch phân khu của chính quyền các địa phương để quy hoạch sớm thành hiện thực.
Về nội dung này, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Với vai trò, vị trí và khả năng phát triển mạnh mẽ của mình, Thái Nguyên cam kết sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết phát triển của cả vùng như những gì Quy hoạch đã đề ra. Để có cơ sở thực hiện, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm bố trí các nguồn vốn đầu tư cụ thể, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm, làm thay đổi diện mạo các tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung.
Trường Lâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...