Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
18:23 (GMT +7)

“Lê Thành Chu thi tập” và tâm tư ưu thời ái quốc

VNTN - Hà Nam được biết đến là một mảnh đất thuộc vùng chiêm trũng Bắc Bộ, người dân nơi đây cần cù lam lũ nhưng chất phác, đôn hậu. Dòng sông Châu chảy qua vùng đất này đã vun đắp phù sa cho đôi bờ tả ngạn, tạo nên khung cảnh trữ tình của một vùng nông thôn đất Việt. Hà Nam cũng được biết đến như một cái nôi của danh nhân, thi sĩ, nhà văn. Nhắc đến khoa cử Hà Nam, người ta có thể nghĩ ngay đến Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến hay vùng đất học Châu Cầu. Nhắc đến văn chương Hà Nam thời cận hiện đại người ta sẽ nghĩ ngay đến văn sĩ tài hoa bạc mệnh đất Lý Nhân, Nam Cao. Và để thêm một mảnh ghép cho vùng đất hiền hòa nhiều nhân sĩ này chúng tôi xin được giới thiệu một nhà thơ cuối thế kỉ XIX, cũng sinh ra ở vùng đất Lý Nhân, Lê Thành Chu và tác phẩm Lê Thành Chu thi tập.

Con người và sự nghiệp Cử nhân Lê Thành Chu

Lê Thành Chu (1842 - ?), tên hiệu là Hạc Đình, người phủ Nga Khê, Hà Nội (nay là thôn Nga Khê, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, cha ông là Lê Đại Nhân (1821- 1853), vốn là một nho sĩ mặc dù đi thi nhiều lần nhưng không đỗ đạt, lấy mẹ ông là bà Đỗ An Nhân (1823- 1909) con gái chánh tổng phủ Nga Khê.

Thời thơ ấu, Lê Thành Chu sống trong cảnh nhà nghèo khổ và phải trải qua bi kịch mất cha từ rất sớm. Gánh nặng gia đình dồn hết lên vai mẹ ông. Bà Đỗ An Nhân khuya sớm tảo tần, buôn ngược bán xuôi để chăm lo cho các con. Mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn song bà vẫn dành dụm tiền để Lê Thành Chu được học tập đến nơi đến chốn. Và nhân vật có ảnh hưởng rất nhiều đến ông chính là người mẹ.

 

Trang cuối tập thơ "Lê Thành Chu thi tập" , ghi ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 

(bản lưu tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A2126).

Năm Đồng Khánh thứ 2 (1888), Lê Thành Chu đỗ Cử nhân. Hai năm sau (1890), những người đỗ đạt như ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan. Ông được giao chức Huấn đạo làm việc tại tổng Tiên Lữ - Hưng Yên. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), ông làm Giáo thụ phủ Khoái Châu - Hưng Yên và làm chức quan này hơn 10 năm nữa thì về hưu. Hoạn lộ của Lê Thành Chu có thể nói là bình thường và không có gì đặc biệt.

Trước tác của Lê Thành Chu còn lại gồm: Đỗ An Nhân sự trạng tịnh tương đối liên, Lê Thành Chu thi tập, Hạc Đình thi tập, Quan liêu phong tặng đối liên. Trong đó, đáng chú ý là hai tập thơ Hạc Đình thi tập gồm 75 bài thơ và Lê Thành Chu thi tập 72 bài(1), gồm những bài thơ ông sáng tác từ khi còn là nho sinh cho tới khi ra làm quan cho nhà Nguyễn và khi về hưu. Phần lớn các bài thơ ông viết là thơ họa đáp, mừng tặng bạn hữu, đồng liêu, ngoài ra còn có những bài ngâm vịnh và một số các bài trữ tình. Trước tác của Lê Thành Chu không quá nhiều nhưng cũng đủ để trở thành một dấu son trong kho tàng văn học Hà Nam.

“Lê Thành Chu thi tập” và nỗi lòng ưu ái

Lê Thành Chu thi tập là một tập thơ chưa hẳn lớn với 72 đơn vị bài thơ, song cũng là một tác phẩm giá trị văn học và giá trị tinh thần của tác giả. Trong thi tập, Lê Thành Chu thể hiện những suy nghĩ, chiêm nghiệm của ông về con người và thời cuộc ở một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc. Đồng thời, tập thơ cũng cho người đọc thấy hình ảnh của một nho sinh hiền hòa, thích giao du cùng nhiều hảo hữu. Với bằng hữu, Lê Thành Chu thường viết tặng những bài thơ chúc hạ, họa đáp..., hình thức thơ rất được các nhà Nho ưa chuộng để giao hưởng tâm tư, hòa đồng cảm xúc mà từ đó gắn kết hơn trong mối quan hệ thâm giao. Tuy nhiên, một chí sĩ có nhân cách khi phụng sự triều đình đều ít hoặc nhiều mang những nỗi lòng ưu ái. Lê Thành Chu đau đáu khi thấy quốc gia lâm nạn, thương cảm cho số phận những con người trong buổi loạn li và chắc hẳn đã không ít đêm ông trằn trọc rơi nước mắt khi thế thời trong cơn mạt vận. So với những đề tài khác, trong tập thơ này, mảng thơ thể hiện lòng yêu nước, căm thù giặc chiếm số lượng ít, chỉ với 05 bài chiếm 6,9% tập thơ. Song có thể nói, đây là những bài thơ hay nhất làm điểm nhấn cho toàn bộ thi tập. Bởi lẽ, những bài thơ này vừa mang tính thời sự lại vừa thể hiện được nỗi lòng ưu thời ái quốc của tác giả. Đồng thời, qua đó người đọc thấy được vẻ đẹp trong cốt cách của một nhà Nho chân chính luôn ý thức về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh của đất nước.

Năm bài thơ đó gồm: Long thành thất thủ ưu loạn (Nỗi suy tư rối bời khi thành Hà Nội thất thủ); Huyện thành thất thủ (Mất huyện thành) và chùm ba bài thơ Tư loạn (Nỗi băn khoăn thời loạn). Năm bài thơ này đều được tác giả viết trong cùng một khoảng thời gian vào năm 1873, gắn liền với sự kiện thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Sau khi chiếm xong thành Hà Nội, Pháp tiếp tục lấn lướt dùng vũ lực mạnh đánh chiếm các tỉnh Bắc Kì. Sự kiện năm 1873 là minh chứng rõ nhất cho sự thâm độc, tráo trở của thực dân Pháp. Tác giả vô cùng đau đớn khi phải chứng kiến cảnh quê hương đất nước bị giặc giày xéo. Năm bài thơ được ông viết ra trong cùng một cảm hứng: yêu nước, thương dân, căm thù giặc và luôn tự ý thức về trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước.

Trong bài Long thành thất thủ ưu loạn (Nỗi suy tư rối bời khi thành Hà Nội thất thủ), tác giả đã có những câu thơ như nhìn thấu tâm can  của kẻ thù cùng âm mưu của chúng:

Bình địa phong đào khởi ngẫu nhiên

Thử tâm trí tự khách thu tiền

Tạm dịch:

Đất bằng, sóng gió há ngẫu nhiên?

Lòng này đã biết từ trước mùa thu.

Và khi Hà Nội thất thủ, Lê Thành Chu cũng cất lên những tiếng than ai oán cho vận mệnh của một chốn đô hội phồn hoa:

Thăng Long tam bách niên đô hội

Hồ yết bất sùng triều thị triền

Tạm dịch:

Thăng Long là chốn đô hội 300 năm

Sao lũ dê kia chẳng tôn kính phố xá đô hội này?

Trước cảnh “chốn phồn hoa đô hội 300 năm” của kinh thành Hà Nội trong chốc trở thành nơi đổ nát đau thương, có người con đất Việt nào mà không xót? Đó là nỗi đau của một người dân, một người trí thức yêu nước trước cảnh đất nước mình bị giặc giày xéo. Nỗi đau, sự phẫn uất trở thành niềm căm hờn, tác giả đã gọi giặc Pháp một cách khinh bỉ là lũ “dê hoang”. Ngoài ra chữ yết 羯 còn được dùng với hàm nghĩa miệt thị, chỉ một chi rợ Hung Nô ở vùng đất Yết Thất. Đủ để thấy nhà thơ càng đau xót trước cảnh Hà Nội hoang tàn bao nhiêu thì càng căm phẫn giặc Pháp bấy nhiêu.

Trong bài Huyện thành thất thủ (Mất huyện thành), tác giả tiếp tục bộc lộ tinh thần yêu nước và nỗi lòng căm phẫn quân thù:

Việt tự Từ Châu triệu ngã đồ

Bách niên văn vật trọng hoàng đô

Hà duyên dương khấu liên thành hậu?

Chẩm nại bình dân nhất chỉ hô?

Tạm dịch:

Đất Việt từ Từ Châu đã hình thành

cơ đồ này của ta

Trăm năm văn vật tạo nên

kinh đô hoàng kim

Cớ gì bọn giặc Tây liên tục quấy phá?

Đến nỗi người dân chỉ tay than thở

đến thế này?

Trong bài thơ này, tác giả nhắc đến sự nghiệp dựng xây đất nước của cha ông ta từ bao đời, “ngã quốc ”- nước ta với kinh đô văn vật hằng trăm năm. Đồng thời, ông bày tỏ sự đau xót khi cơ đồ ấy bị giặc Pháp phá hủy, nhân dân ta vì thế mà bị đẩy vào chốn lầm than cơ cực. Căm thù giặc sâu sắc, ông gọi chúng là “lũ chó ngồi trên cao nói càn, nói bậy”. Ngoài việc thể hiện tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, trong bài thơ này, tác giả còn bộc lộ trực tiếp khát vọng một ngày nào đó ta đánh đuổi được bọn xâm lăng, dựng xây lại cảnh thái bình thịnh trị thuở nào:

Mẫn phần thử hội tri hà nhật

Phiếm phiếm nhàn khan thủy thượng phù

Tạm dịch:

Biết ngày nào đốt hết đám này?

Thong thả nhìn mặt nước

nhẹ nhàng trôi.

Những người trí thức yêu nước như Lê Thành Chu luôn cảm thấy đau đớn xót xa trước cảnh nước mất nhà tan. Họ có phần phẫn uất vì không thể làm gì để cứu nước, giúp đời. Tâm trạng đó của họ vừa có phần bế tắc, lại vừa có sự day dứt khôn nguôi. Tác giả Lê Thành Chu cũng có chung những cảm xúc như vậy. Trong chùm thơ Tư loạn (Nỗi băn khoăn thời loạn) gồm 3 bài, ông đã thể hiện rõ tâm trạng này. Từ đó, người đọc thấy được nhân cách cao đẹp của một nhà Nho chân chính. Ngoài những câu thơ thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, căm thù giặc, trong ba bài thơ này, tác giả còn có những câu thơ thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của bản thân với đất nước, cùng với đó là sự hoang mang, bế tắc vì không tìm được lối đi. Trong bài Tư loạn kì nhất (Nỗi băn khoăn thời loạn - bài số 1), ông muốn thể hiện chí hướng của mình khi nhắc tới Quản Trọng thời Xuân Thu, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Tô Tần, Trương Nghi thời Chiến Quốc, họ đều là những người tài cao chí lớn, phò vua giúp nước lập được công danh.

Khuông cứu hữu tài thùy Quản, Cát

Tung hoành vô kế sỉ Tô, Trương

Lang thự bằng quân phi ngộ chủa

Chung thân kỉ tác bạch đầu lang

Tạm dịch:

Có tài cứu thế, ai được như Quản Trọng, Khổng Minh?

Đọc sách tung hoành mà không có kế sách gì nên thẹn với Tô Tần, Trương Nghi.

Chàng nhiệt tình mong dựa vào vua mà chưa gặp chủ

Cả đời làm được mấy việc đâu mà đã thành kẻ bạc đầu.

Tác giả cũng là người có hùng tâm tráng chí tuy những suy nghĩ đó chỉ được thể hiện qua các bài thơ chứ chưa biến thành hành động. Song điều này cũng dễ thông cảm bởi lúc đó triều đình phong kiến nhà Nguyễn suy tàn, vua không còn vị thế của vua, quan chẳng được làm việc đáng làm của quan, những người có tâm với dân với nước cũng không có cơ hội để cống hiến. Tác giả không khỏi băn khoăn khi đặt ra câu hỏi “phò trợ ai đây?”. Câu hỏi chất chứa đầy tâm trạng. Âu lo cho thời cuộc, day dứt trăn trở khi ý thức về trách nhiệm của mình với vận mệnh của non sông là những biểu hiện cao đẹp của một nhà Nho yêu nước.

Trong bài Tư loạn kì nhị (Nỗi băn khoăn thời loạn - bài số 2) ông viết:

Viêm tẫn tương tàn xuy bất khởi

Khuông phù thùy thị độc vô tâm

Tạm dịch:

Lửa cháy hết, lụi tàn rồi, thổi không bùng lên nữa

Phò trợ ai đây, mình ta chẳng còn tâm?

Bản thân tác giả là một người theo đường lối Nho gia, ông hiểu sâu sắc vai trò kẻ làm trai với món nợ công danh. Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội năm 1871, tác giả bước vào tuổi 30 “tam thập nhi lập”, ông cũng có hoài bão theo đuổi con đường công danh sự nghiệp. Song nợ sách vở vẫn còn chưa trả được thì đất nước rơi vào họa ngoại xâm. Nợ sách vở và nợ nước non, tác giả tự trách mình không có đủ tài để mà “kinh bang tế thế” phò vua giúp nước cứu đời. Mặc dù ông không trực tiếp nói ra song ta có thể cảm nhận được tình yêu nước và một tâm trạng băn khoăn day dứt tự trách mình.

Trong bài Tư loạn kì tam (Nỗi băn khoăn thời loạn - bài số 3) ông viết:

Quan hà bàng ngọ kim thiên tuế

Di lỗ tung hoành thử nhất tao

Hứa cửu thế đồ kinh lộc lộc

Khởi ứng thư trái thượng lao lao

Tạm dịch:

Sông núi chằng chịt đến nay đà ngàn tuổi

Bọn giặc mọi tung hoành đã gặp một lần ở nơi đây

Bấy lâu đường đời đi qua như hươu chạy

Mà sao món nợ sách vở còn u uất nặng nề?

Tác giả mơ ước một ngày nào đó nhân dân ta quét sạch bọn giặc Tây như cha ông ta ngày trước đã từng làm trong lịch sử dựng nước. Để sông núi được một lần rửa hận, để món nợ sách vở không còn đè nặng trên đầu. Đối với những nhà Nho sinh ra vào thời loạn như ông, món nợ với nước non càng nặng nề hơn bao giờ hết. Có lẽ, tác giả cũng luôn ý thức sâu sắc về điều này cho nên trong những bài thơ này ông thường có những câu như tự trách mình vì chưa làm được gì cho dân cho nước. Đó cũng là một biểu hiện tốt đẹp đáng quý của một nhà Nho có nhân cách.

Tuy chỉ vẻn vẹn có 5 bài thơ, song qua đó cũng đủ để độc giả cảm nhận một tấm lòng ưu thời, ái quốc của tác giả. Bên cạnh đó, chùm thơ này góp phần làm nên một dấu son trong văn học yêu nước Hà Nam nói riêng và văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX nói chung.

***

Thật khó có thể đánh giá một con người chỉ qua mấy bài thơ nhưng nhiều khi chỉ qua một vài câu thơ thôi cũng đủ để thấy được phần nào nhân cách của người sáng tác. Và cũng thật khó để nhận định giá trị của cả một tập thơ chỉ thông qua vài bài thơ nhưng có lúc chỉ cần đọc một chùm thơ cũng đủ để hiểu được một phần giá trị thi tập. Trường hợp này có lẽ đúng với Lê Thành Chu. Trong cả tập thơ của nho sĩ này chỉ có vẻn vẹn 5 bài thơ thể hiện nỗi lòng ưu thời ái quốc, nhưng chừng đó cũng đủ làm nên dấu ấn khó phai mờ của một tập thơ.

Như Châu - Tiêu Nam

 (1) Hầu hết những bài thơ trong tập Lê Thành Chu thi tập đều giống với các bài thơ trong Hạc Đình thi tập, trong giới hạn bài viết, tác giả chọn Lê Thành Chu thi tập làm đối tượng khảo cứu.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy