Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
04:36 (GMT +7)

Lập hội ở Việt Nam: Cấm, hạn chế và tinh thần Hiến pháp

VNTN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá 14, khai mạc sáng 20/10 và dự kiến bế mạc ngày 22/11/2016 tại Thủ đô Hà nội.

Trong nghị trình, chỉ có 4 dự án luật được thông qua, và một trong số đó là Luật Về hội - một dự thảo luật như Văn nghệ Thái Nguyên đã phản ánh, sau cả chục năm vẫn băn khoăn hồi kết.


 

Sự cần thiết phải ban hành luật thì không còn là điều cần bàn cãi, bởi điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Nhưng, cụ thể hóa quyền lập hội như thế nào để vừa đảm bảo tinh thần Hiến pháp vừa đảm bảo sự quản lý của Nhà nước lại là vấn đề không hề đơn giản.

Vì thế, hồi kết cho đạo luật đầy phức tạp và nhạy cảm này đã rất gần. Nhưng dường như những băn khoăn vẫn chưa hề vơi bớt.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Luật Về hội rất quan trọng 

nhưng rất phức tạp và có phần nhạy cảm.

Sau khi được mổ xẻ một ngày ở hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua, dự thảo Luật Về hội tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 22/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ ba. Tại đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật - khẳng định dự án luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý theo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp 2013.

Tinh thần này được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích rõ hơn. Đó là, quyền lập hội được thể hiện rõ qua quy định công dân có quyền sáng lập, quyền đăng ký, quyền thành lập, quyền tham gia, lãnh đạo điều hành hội và quyền ra khỏi hội.

Và, mặc dù Hiến pháp chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam, nhưng dự thảo luật cho phép cả người nước ngoài được lập hội của những người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài cũng được tham gia hội của người Việt Nam nếu điều lệ hội cho phép. Nhưng, không có quyền sáng lập hay tham gia điều hành những hội này. Sự hạn chế để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước không chỉ đặt ra với người nước ngoài mà còn với cả với công dân Việt Nam, đặc biệt là với cán bộ, công chức và không loại trừ cả quan chức.

Trong các phiên thảo luận dự án Luật Về hội, hơn một lần đại diện Bộ Nội vụ đề cập tình trạng rất nhiều người chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu liền xúc tiến các công việc để xin thành lập hội.

Từ trải nghiệm thời còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, cứ mỗi ông thứ trưởng về hưu là lập hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách,  thậm chí xin cả biên chế nữa.  Vì thế, quá trình xây dựng dự án Luật Về hội, một số vị bộ trưởng đã bày tỏ sự lo lắng với Chủ tịch nỗi lo có luật rồi "hội nào cũng đeo bám xin tiền, xin xe xin này nọ thì rất là mệt". Theo Chủ tịch, luật đã thiết kế và quy định các hành vi bị nghiêm cấm và các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội để có thể quản lý tốt hơn, giảm thiểu những nỗi sợ nói trên.

 

Hạn chế quyền lập hội của công chức cũng là vấn đề được nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm. Dự thảo luật quy định, cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công.

Trong 3 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại dự thảo luật có hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào tổ chức, hoạt động của hội hoặc thông qua hoạt động hội để vụ lợi". Luật cũng cấm cản trở hoặc ép buộc cá nhân, tổ chức thực hiện quyền lập hội.

Hành vi thứ ba bị nghiêm cấm là Lợi dụng việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội nhằm: a) Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; b) Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; c) Tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; d) Rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khái quát, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo công khai minh bạch và dân chủ, hoạt động thường xuyên và không vụ lợi là những điều rất nhất quán khi xây dựng Luật Về hội.

Dù còn khá nhiều băn khoăn xung quanh các quy định cấm và hạn chế, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định đã có thể trình dự thảo luật ra Quốc hội, không nên lỗi hẹn thêm nữa.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy