Lao đao mùa dịch
VNTN - Tính đến ngày 6/6, Thái Nguyên mới chỉ ghi nhận 3 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, đảng bộ và chính quyền và nhân dân toàn tỉnh vẫn đang nỗ lực để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của nó thì đã len lỏi đến mọi mặt của đời sống. Nhiều người lâm vào cảnh mất kế sinh nhai, thu nhập bấp bênh lại gánh chịu thêm việc nhiều mặt hàng, nhu yếu phẩm tăng giá nên phải gồng mình vì “cơm, áo, gạo, tiền”.
Nghịch lý tăng giá
Theo Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, so với tháng 12/2020, chỉ số tiêu dùng tháng 4/2021 tăng 1,58%. Hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng. Cụ thể 9/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng, trong đó: nhóm giao thông là nhóm có chỉ số tăng mạnh nhất (+5,69%); tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá (+3,03%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,46%); còn lại 6/11 nhóm có chỉ số tăng nhẹ trong khoảng 0,06% đến 0,29%. Chỉ có 2/11 nhóm có chỉ số giảm là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,16%) và nhóm bưu chính viễn thông (-0,36%). Trong tháng 5, mặc dù chưa có số liệu cụ thể, nhưng do nhu cầu, biến động của thị trường thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid nên hầu hết chỉ số giá của các nhóm tiêu dùng đều tiếp tục có xu hướng tăng.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, chủ nhà hàng Ven Hồ đã tạm đóng cửa do ảnh hưởng của Covid nên buộc phải quay lợn bán cầm chừng, vừa để trang trải cuộc sống, vừa để trả tiền thuê mặt bằng
Những ngày này, dạo quanh khu chợ Thái không còn cảnh nhộn nhịp, sầm uất như trước. Tình trạng ế ẩm bao trùm nhiều gian hàng. Nơi có nhiều khách hàng hơn một chút là các gian hàng thực phẩm tươi sống, rau củ và hoa quả. Bà Nguyễn Thị Nga, chủ một sạp hàng thịt lợn, đồng thời gia đình bà cũng nuôi lợn thịt để bán cho biết: “Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, Thái Nguyên có ca mắc bệnh thì lượng khách hàng giảm hẳn, điều này ảnh hưởng cực kì lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi. Vừa rồi, giá rau củ quả không có nhiều biến động nhưng giá thịt gia súc, gia cầm tăng lên đáng kể. Giá lợn hơi khoảng trên 70.000 đồng/kg. Giá thịt thành phẩm tùy từng loại dao động từ 60.000 - 165.000 đồng/kg”.
Do ảnh hưởng của Covid nên các gian hàng ở chợ Thái, nhất là hàng thời trang, đồ gia dụng thời gian này đều vắng khách
Lý giải về việc tăng giá, theo bà Nga nguyên nhân là do đầu mối tại một số tỉnh lân cận và huyện Phú Bình có bệnh nhân dương tính với Covid nên tắc nghẽn trong khâu vận chuyển. Lại thêm giá cả thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh từ khoảng tháng 9 năm ngoái nên người chăn nuôi cũng phải tăng giá lên để không thua lỗ. Như thức ăn cho lợn, tùy mỗi loại cám, hãng cám khác nhau mà giá tăng khác nhau, sau 7 lần tăng thì giá cám bình quân hiện nay là 12.000 - 13.000 đồng/kg, tăng từ 2.700 - 2.800 đồng/kg, tương đương mức tăng 25%.
Bà Nga thở dài: “Giá cả thực phẩm cao lại thêm dịch bệnh nên nhu cầu của người dân giảm xuống đáng kể. Vì thế rất có thể giá thịt sẽ giảm sâu. Giá thức ăn chăn nuôi thì chưa hề thấy có dấu hiệu giảm nên gia đình tôi đã buộc phải giảm quy mô chăn nuôi khoảng 300 con lợn/lứa xuống còn một nửa, bởi cứ đà này thì người chăn nuôi chắc chắn sẽ thua lỗ”.
Theo tìm hiểu, không chỉ giá thức ăn chăn nuôi lợn tăng cao mà giá thức ăn dành cho chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác cũng tăng cao. Mấy tháng trước, giá 1 bao cám (25kg) dành cho vịt thịt là 220.000 đồng, sau nhiều lần tăng thì hiện nay là 295.000 đồng, tăng 75.000 đồng/bao, như vậy là tăng hơn 25% so với trước; cám dành cho cá tăng từ 285.000 đồng/bao 25kg lên 330.000 đồng/bao, tăng 1.800 đồng/kg…
Thực phẩm tươi sống là vậy, còn không ít những mặt hàng nhu yếu phẩm khác cũng “nối đuôi” nhau tăng. Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng nên nhiều nhà cung cấp trong nước cũng như cung cấp hàng nhập khẩu đều đề nghị tăng giá. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ trong toàn tỉnh, hàng loạt mặt hàng đã tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng, tìm cách hạn chế chi tiêu.
Chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Tân Long, TP. Thái Nguyên cho biết: “Tháng trước, tôi mua chai dầu ăn chỉ 26.500 đồng/lít, cũng chai đó nay hỏi ra thì biết đã tăng lên hơn 30.000 đồng; đường cát có giá 15.000 đồng/kg, giờ cũng tăng lên 17.000 đồng/kg. Do giá gạo tăng nên mặt hàng như bún tươi, phở khô tăng lên 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mì gói, sữa chua, sữa tươi… cũng điều chỉnh mức tăng 1.000 - 2.000 đồng/lốc. Tăng đáng kể nhất có lẽ là các loại sữa, thuốc bổ cho trẻ em, có loại tăng đến 20 - 40 ngàn. Gia đình tôi đành phải chắt chiu, cắt bớt chi tiêu để vượt qua mùa dịch”.
Trong mùa dịch, giá xăng dầu cũng có nhiều biến động theo thị trường thế giới. Có tăng, có giảm nhưng chiều tăng thì nhiều mà giảm thì ít. Hiện tại, so với cuối tháng 4, giá xăng dầu đều tăng E5 RON 92 giá 18.426 đồng/lít (17.988 đồng/lít cuối tháng 4); giá xăng RON 95-III giá 19.531 đồng/lít (19.161 đồng/lít cuối tháng 4); giá dầu diesel 0.05S giá 14.774 đồng/lít (14.328 đồng/lít cuối tháng 4). Các doanh nghiệp vận tải, cánh lái xe là những người chịu ảnh hưởng rõ rệt của việc tăng giá xăng dầu.
Anh Nguyễn Văn Thanh, tài xế một hãng taxi trên địa bàn thành phố ngậm ngùi: Trước khi có COVID-19, tầm thời gian này là lúc chúng tôi thu nhập khá cao. Giờ chỉ lác đác vài khách đi gần, khách đường dài gần như không có nên chỉ chạy cầm chừng những mong đủ lệnh để nộp về công ty đã may mắn lắm rồi. Giá xăng tăng nhiều mà giảm ít nên trừ tiền xăng và 50% nộp về công ty thì thường xuyên bị âm vào tiền túi. Xe tôi là xe hợp tác với hãng, mua trả góp, là nguồn sống của cả gia đình. Nay không có thu nhập, áp lực kinh tế phải chi trả cho ngân hàng, cho hãng quá lớn. Nhiều anh em không trụ được đã bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh, bản thân tôi chắc cũng chẳng bám nghề được bao lâu nữa.
Các nhu yếu phẩm thiết yếu là vậy, ngành xây dựng cũng đang lao đao vì giá vật liệu xây dựng tăng như “lên đồng” trong thời gian vừa qua. Nhiều nhà thầu quy mô vừa hoặc nhỏ rơi vào cảnh đang có lãi bỗng thành lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản và những người “trót” xây nhà thời gian này cũng đang “méo mặt” vì giá vật liệu xây dựng tăng.
Tăng mạnh nhất là các loại thép, tính từ đầu năm đến nay tăng đến 40%. Giá thép xây dựng tăng từ 14.000 đồng/kg lên 19.500 đồng/kg. Các loại vật liệu xây dựng khác cũng “té nước theo mưa” đồng loạt tăng giá theo. Một số loại xi măng tăng từ 40 - 50.000 đồng/ tấn; cát tăng 40.000 đồng/ khối; gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/ m2; gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/ viên lên 3.700 - 4.000 đồng/ viên… bước vào mùa dịch các vật liệu này không hề có xu hướng giảm mà liên tục tăng.
Anh P.H.T, giám đốc một công ty xây dựng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên buồn rầu cho biết: “Công ty tôi đang xây dựng 3 công trình nhà ở, nhưng giá vật liệu xây dựng liên tục tăng thế này khiến chúng tôi thật sự khủng hoảng. Đơn cử như một công trình ký hợp đồng với chủ nhà đầu tháng 4 vừa qua, khi đó giá thép dao động từ 18,4 - 18,75 triệu đồng/tấn. Mười ngày sau, giá thép nhảy vọt lên 19,4 - 19,5 triệu đồng/tấn. Đàm phán với chủ nhà không xong, công ty chấp nhận phải xử lý phần chi phí do giá thép “đội” lên. Hai công trình còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mùa dịch, may mắn lắm mới tìm được khách hàng để anh em công nhân có công ăn việc làm, vậy mà lại rơi vào tình cảnh trớ trêu như thế này. Đành chấp nhận thua lỗ nặng!”.
Dù áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng những cửa hàng ăn cũng đều rơi vào tình trạng ế ẩm
Chủ thầu đã vậy, khách xây nhà cũng chẳng khá hơn. Anh N.V.A đứng trước căn nhà dự tính xây 2 tầng nhưng mới chỉ xây được một ít phần thô ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu khởi công từ 3 tháng trước, đáng lẽ ra lúc này chúng tôi chuẩn bị được vào nhà mới rồi. Nhưng giá vật liệu xây dựng, nhất là thép liên tục tăng, bên xây dựng là họ hàng nên không có hợp đồng. Từ lúc khởi công đến giờ, cập nhật giá liên tục, đội lên gần 400 triệu đồng rồi, giờ chưa xoay để xây tiếp được. Đành phải chờ 1-2 tháng nữa, có thể dịch bệnh kéo giá xuống thì làm tiếp. Còn tiếp tục tăng thì có khi hết năm không xây xong, mà có xây xong thì cũng thành con nợ”.
Ế ẩm vì dịch
Tác động của Covid đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tầng lớp lao động bình dân có thể thấy rõ nhất.
Chị Giang, bán nguyên liệu, phụ kiện may mặc ở chợ Thái cho biết: Dịch khiến chị “trầy trật, khách mua lèo tèo, cứ tình trạng này e rằng còn trụ không nổi”. Hàng tháng gian hàng của chị hết 3 triệu cho tiền mặt bằng, vệ sinh, điện, bảo vệ và một số chi phí khác. Những gian hàng khác chả khá khẩm hơn là bao, thậm chí còn nơm nớp hơn nhiều bởi chi phí cho cửa hàng nhiều hơn, tiền thuê nhân viên và tiền thuế…”.
Không chỉ ở chợ Thái mà các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ toàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh bị trì trệ. Tham khảo một số tuyến đường trung tâm: Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến… nhiều cửa hàng mở cửa rất muộn, tạm thời đóng cửa thậm chí treo biển nhượng lại mặt bằng.
Các cửa hàng dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ vắng khách nên nhiều người cho thuê lại nhà, hoặc sang nhượng lại cửa hàng
Chị T. chủ một cửa hàng thời trang “bình dân” trên đường Quang Trung bộc bạch: “Cửa hàng nhập mẫu mã từ Trung Quốc khá nhiều nên khi xảy ra dịch, thị trường Trung Quốc không cung cấp được nguồn hàng. Cửa hàng buộc phải nhập hàng từ một số nguồn khác hoặc bí lắm thì lấy mẫu cũ trong kho ra để “chữa cháy” nhưng không ăn thua vì chúng không bắt mắt lắm nên tiêu thụ rất chậm. Hơn nữa, xu thế mua hàng online cho an toàn cũng đang được nhiều người tiêu dùng hướng đến dịp này. Mở cửa hàng, không có khách nên mở livestream quảng cáo, marketing các kiểu mà sức bán vẫn ì ạch, lợi nhuận gần như không”.
Giá vật liệu xây dựng tăng lên một cách chóng mặt, vẫn chưa có chiều hướng giảm khiến nhiều công trình nhà ở phải tạm dừng thi công
Ngay cả ở khu chợ đặc biệt mà người ta hay gọi là “chợ người” ở khu vực ngã tư Đồng Quang, TP. Thái Nguyên vốn dĩ luôn náo nhiệt thì giờ cũng yên ắng hẳn. Khuôn mặt đen nhẻm, mồ hôi lã chã vì chờ khách dưới nắng nóng, ông Thuần, người hoạt động ở đây đã 6 năm nay buồn rầu cho biết: “Ngày nào, tôi cũng có mặt ở đây từ 6h sáng đến 8h tối. May lắm thì có được 1 - 2 khách kiếm được khoảng trăm ngàn trang trải cuộc sống. Dịch dã nên chả ai buồn thuê người khuân vác, làm việc chân tay. Lại thỉnh thoảng phải “xin xỏ” đội an ninh trật tự nữa. Nhưng biết làm sao được, thời buổi này người lao động chân tay như chúng tôi kiếm đâu ra việc, cố để tồn tại thôi!”.
Có những trường hợp là công nhân đang lao động bình thường, thu nhập ổn định cũng vô tình trở thành nạn nhân của Covid. Là một trong 201 trường hợp F1 liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã từng đến làm việc tại 3 công ty nằm trong KCN Điềm Thụy (huyện Phú Bình), anh K. (Công ty TNHH Hadanbi Vina) hiện đang đi phải cách ly tập trung. Anh cùng các F1 khác đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2. Với nỗi niềm lo lắng, anh chia sẻ: “Lo vì có thể sẽ bị lây nhiễm bệnh chỉ là một phần, bởi dù sao xét nghiệm cũng đã cho kết quả âm tính. Điều tôi lo và cảm thấy buồn hơn cả là rất có thể sẽ mất đi công việc tại công ty, nó đã gắn bó với tôi hơn 3 năm nay và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Công ty đã đi vào hoạt động trở lại, họ sẽ phải tuyển ngay thêm người để đảm bảo sản xuất nên cơ hội việc làm của tôi ở đây sẽ chẳng còn. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi thuộc diện F2, F3 cũng buộc phải trở về nhà cách ly, họ rồi cũng sẽ mất việc như tôi. Dịch dã thế này mà thất nghiệp thì thật khó sống!”.
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại trong nước, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, ngày 2/5/2021, UBND tỉnh có văn bản hỏa tốc số 1840/UBND-KGVX về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đây là một việc làm hết sức cần thiết, nhận được sự hưởng ứng đồng tình của nhân dân. Tuy có những người sẽ phải chịu ảnh hưởng, bị giảm thu nhập, nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của cộng đồng nên họ vẫn nghiêm chỉnh chấp hành.
Cửa hàng bánh cuốn phục vụ ăn sáng ở khu vực chân cầu Bến Tượng của chị Hương đã đóng cửa ngay sau đó. Cửa hàng là nguồn thu nhập chính của gia đình, nay chị Hương đành xoay xở kiếm sống bằng việc làm bánh trôi, bánh chay đem ra chợ bán để mưu sinh. Nhân viên của chị là bà Sáu đã 62 tuổi ở Bắc Kạn có hoàn cảnh khó khăn trước đây được chị thuê với mức lương 4 triệu đồng/ tháng, giờ chị cũng phải cho nghỉ làm.
Tình trạng của anh Nguyễn Đình Tuấn, chủ nhà hàng Ven Hồ (tổ 2, phường Tân Thịnh) thì thực sự bi đát. Anh thuê mặt bằng hơn 400m2 theo hợp đồng 5 năm, mỗi tháng trả 12 triệu để mở nhà hàng chủ yếu phục vụ sinh viên, người lao động bình dân. Gần 3 năm trước, anh vay tiền ngân hàng để mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở cho quán. Ấy vậy mà, chỉ yên ổn chưa được chưa đầy 1 năm thì Covid xuất hiện nên thua lỗ liên tục. Hiện giờ cửa hàng đã phải đóng cửa để phòng chống dịch bệnh. Hai vợ chồng anh hiện giờ cầm cự bằng cách quay lợn để bán nhưng cũng chẳng ăn thua, thường xuyên vẫn phải “ăn lợn quay trừ bữa”.
Anh Tuấn giãi bày: Cửa hàng đóng cửa, cứ mở mắt ra là khoảng 1 triệu “không cánh mà bay” đó là tiền trả lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng… sắp đến đợt đóng tiền mặt bằng, xoay xở vay mượn mãi không đủ. Thanh lí hợp đồng thuê mặt bằng sớm thì phải đền bù đến 20% giá trị hợp đồng, số tiền đó lại không hề nhỏ. Dịch bệnh cứ kéo dài thêm lâu nữa thì chẳng biết bấu víu vào đâu nữa. Chỉ mong có phép màu xảy ra để cửa hàng lại được như 2 năm trước kia…
Thế mới thấy ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thật ghê gớm, nó không khác gì “vết dầu loang” len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đời sống, xã hội. Dẫu đang gặp nhiều khó khăn, chất chứa bao nỗi niềm nhưng những người chúng tôi đã gặp vẫn có một quyết tâm để vượt qua. Xin trích lời của anh Tuấn, nhà hàng Ven Hồ thay cho lời kết: “Tôi tin các cấp lãnh đạo, chính quyền sẽ tiếp tục có những chính sách quyết liệt cũng như điều chỉnh phù hợp để phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Mong rằng, trong thời gian tới, dịch bệnh Covid sẽ bị đẩy lùi. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong một ngày không xa”
Phú Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...