
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Trên dưới một thế kỷ từ khi các nhà khoa học sáng chế ra chất dẻo (chất dẻo tổng hợp ra đời năm 1862, nylon được sản xuất từ 1935) mang đến cho thế giới “cuộc cách mạng” tiện ích, đẹp đẽ và rẻ tiền, thì nhân loại đang đứng trước bài toán đối diện với mặt trái của nó: cuộc khủng khoảng chất thải nhựa. Theo một báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc: năm 2018 khắp thế giới, mỗi phút người ta mua 1 triệu chai nước uống bằng nhựa, mỗi năm sử dụng 5 nghìn tỉ túi nylon. Đáng nhấn mạnh là, có tới trên 90% lượng rác thải nhựa toàn cầu chưa từng được tái chế, đồng nghĩa với khoảng 5,7 tỉ tấn rác nhựa đang ngập ngụa quanh ta, phần lớn tồn tại trong lòng đại dương, sông, suối… như một món nợ của con người. Cuộc chiến ứng phó với rác là một trong những vấn đề hệ trọng bậc nhất của toàn cầu. Và ngay cả khi ý tưởng về việc đưa rác lên sao Hỏa để giải thoát cho người hay đưa con người lên mặt trăng để trốn khỏi rác có thành hiện thực, thì việc làm sạch trái đất bằng cách hạn chế sử dụng sản phẩm khó phân hủy ngay từ bây giờ vẫn là quan trọng nhất. Trước áp lực môi trường, từ nhiều năm trước, Mĩ, Nhật và các nước châu Âu đã có chính sách cứng rắn để hạn chế rác thải nhựa. Ngày 27/3/2019, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Từ giờ đến năm 2021, que cầm bóng bay, hộp đựng đồ ăn thức uống, dao kéo, ống hút, que khuấy, tăm bông bằng nhựa sẽ bị cấm hẳn ở EU. Đứng trong top 5 quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, Việt Nam đã có những động thái ngày càng rõ rệt để tuyên chiến với rác, tuyên chiến với tập quán ứng xử thiếu trách nhiệm với môi trường, xuất phát từ lối tư duy “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh việc “luật hóa” để thực hiện chính sách một cách cứng rắn, truyền thông vẫn là một phương tiện hiệu quả, mang đến cuộc cách mạng thay đổi tư duy và hành động. Có thể khẳng định rằng, thời gian gần đây, phong trào bảo vệ môi trường ở Việt Nam dâng lên như một làn sóng mạnh mẽ, với sức lan tỏa mãnh liệt. Và thật thú vị khi nhận thấy, cuộc chiến với rác ở Việt Nam, đang trào dâng cảm hứng… lãng mạn. Lãng mạn là khi chúng ta, những người già và trẻ, đang tuyên chiến với rác trong một nguồn hứng khởi dồi dào, tràn đầy năng lượng với những cảm xúc tích cực: niềm vui, sự đoàn kết, tinh thần phấn chấn, lòng biết ơn và hy vọng… Lãng mạn là khi các “hiệp sĩ môi trường” đang được sống trong một cộng đồng rộng lớn. Các siêu thị cửa hàng đua nhau dùng nguyên liệu gói bọc hữu cơ (lá chuối, túi cói, bao bì sinh học…), các cửa hàng đua nhau dùng ống hút tre, cỏ bàng, cọng muống; công nhân, viên chức, học sinh đua nhau dùng cặp lồng, hộp cơm, cốc sứ, thìa đũa cá nhân cho những bữa ăn trưa vốn toàn đồ “dùng xong thì bỏ”… Họ hùa theo đám đông? Họ làm cho có phong trào? Họ thích thể hiện? Câu trả lời có thể là “có”, song điều đó không quan trọng bằng việc người Việt đang lấy “số đông” để tạo ra một thói quen mới, thói quen của một lớp người văn minh và đầy trách nhiệm… Lãng mạn là khi sự sáng tạo được được nảy nở từng phút từng giờ, trong cảm hứng của một ngày hội. Này nhóm bạn “chạy - nhặt” để làm sạch cung đường; này thử thách #ChallengeForChange đăng hình dọn rác, trào lưu #NoStrawChallenge không dùng ống hút nhựa; này quán cà phê xanh; dự án thu pin cũ, vỏ hộp sữa; này hội tình nguyện phát ống hút thiên nhiên miễn phí; mẹ bỉm sữa hò nhau tự may túi đi chợ, dùng bỉm vải; các hội nhóm ra điều lệ từ chối túi nylon… Sự sáng tạo đã giúp nguồn cảm hứng tử tế được lan truyền mạnh mẽ. Lãng mạn còn là khi cuộc chiến rác thải không làm cuộc sống giảm bớt sự sặc sỡ và nên thơ. Hãy nhìn những con đường làng, bờ đê, bãi sông nơi ngày xưa là “thảm rác” giờ rực rỡ hoa vàng, hoa tím. Hãy nhìn những tàu chuối, cành cọ, lá dừa mướt xanh trên sạp hàng siêu thị. Nhìn cặp lồng cơm hộp xinh tươi từ cám gạo, bột tre, bã mía, sơ dừa, những túi vải, quai vải theo chân học trò vào lớp... Tất cả đều đầy nghệ thuật. Rõ ràng, polime đang dần được thay thế, cuộc đời quanh ta rất mềm mại và cuốn hút những sắc màu. Lãng mạn không phải chỉ có trong tình yêu, cũng không dành riêng cho thơ văn nhạc họa. Lãng mạn còn rất cần trong cuộc sống hàng ngày, trong những cuộc chiến khốc liệt. Hi vọng cuộc chiến bảo vệ môi trường sẽ làm nên kỳ tích, từ những nguồn cảm hứng tuyệt vời như thế. Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...