Thứ sáu, ngày 10 tháng 05 năm 2024
01:36 (GMT +7)

Làm thế nào để việc khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm được tốt hơn?

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một loại bảo hiểm về mặt sức khoẻ. Ở Việt Nam, nó thuộc sự quản lý của Nhà nước, nghĩa là do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận khi người tham gia BHYT thực hiện khám chữa bệnh (KCB).

Các quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đã được luật hóa. Ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2008 (Luật Sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Tuy đã có những quy định của pháp luật để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan đến bảo hiểm y tế, nhưng không phải không còn những điểm bất cập, mà những người dân được thụ hưởng quyền lợi từ BHYT là cảm nhận rõ nhất. Dưới đây là một vài minh chứng.

 

 

 

 

 

Hình minh họa

Có thể nói, hầu như người dân nào khi vào bệnh viện để điều trị bệnh theo chế độ BHYT cũng đều được các bác sĩ “tư vấn” để dùng thay thế (hoặc dùng thêm) một số loại thuốc ngoài bảo hiểm. Không ít trường hợp, người bệnh được tư vấn sử dụng các kỹ thuật cao mà BHYT không chi trả.

Đơn cử như khi nhổ răng hàm, BHYT chỉ chi trả khi nhổ răng từ số 1 đến số 7. Còn răng số 8 (răng khôn) thì bảo hiểm không chi. Ai cũng biết: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì giắt răng”, nghĩa là nó vô cùng khó chịu. Đau răng, lại là răng hàm thì không ai chịu nổi. Vậy mà khi người dân tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe của mình, lại không được bảo hiểm chi cho nhổ răng khôn thì cũng lạ!

Vẫn chuyện nhổ răng thôi. Nhổ răng hàm liên quan đến tủy răng và dây thần kinh ở đó, do vậy nếu không dùng thuốc tê thì cái đau sẽ xộc ngay lên óc. Cho nên, khi nhổ răng hàm, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc tê vào chân răng trước khi nhổ. Nhưng mà bác sĩ cũng sẽ tư vấn “Thuốc tê của bảo hiểm thì tác dụng không được mạnh lắm, nên anh/chị sẽ vẫn hơi bị đau đấy. Nếu anh/ chị đồng ý thì chúng tôi sẽ dùng thuốc ngoài bảo hiểm, nó mạnh hơn nên không đau…”.

Chi phí chỉ vài chục ngàn, nhất là vào cái lúc chỉ mong được nhổ răng càng nhanh càng tốt, thì có ai mà không dùng thuốc ngoài bảo hiểm. Như vậy, trong những trường hợp đó, thuốc mà BHYT cấp cho bệnh nhân đã trở thành “cấp cho có”, chứ không được người bệnh sử dụng. Đây không chỉ là một sự lãng phí tiền của người dân tham gia BHYT, mà còn có nguy cơ tạo kẽ hở cho trục lợi bảo hiểm. Càng điều trị các căn bệnh nan y, phức tạp, thì việc phải sử dụng kỹ thuật/ thuốc ngoài bảo hiểm càng nhiều. Mà những bệnh như vậy, hầu như người bệnh sẽ chữa trị ở các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, nơi mà mọi chi phí khác cho bệnh nhân và người nhà đều cao, khiến cho họ rất tốn kém về tiền bạc.

Sự bất cập của BHYT còn thể hiện ngay trong luật hiện hành, mặc dù nó đã được sửa đổi. Một số quy định trong Luật Bảo hiểm y tế về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ, dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bất cập trong quy định về đấu thầu thuốc và vật tư y tế khiến nảy sinh tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương và đơn vị thời gian vừa qua.

Sự chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, không ít người dân tham gia BHYT nhưng lại đi khám chữa bệnh ở bên ngoài. Việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian trong điều kiện thay đổi liên tục về khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, thuốc, trang thiết bị…

Bảo hiểm y tế là chủ trương, chính sách lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính sách về BHYT của mỗi quốc gia cũng khác nhau vì nó còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và cả phong tục tập quán ở quốc gia đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tham khảo cách làm của các nước để chọn lựa vận dụng mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân.

Được biết, luật pháp Hàn Quốc quy định, khi có người bị tai nạn giao thông, người dân (và các lái xe bắt gặp) không được tự mình cấp cứu nạn nhân, mà chỉ được phép gọi điện cho Cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc Bảo hiểm để họ đến xử lý. Nếu thông tin có tai nạn được chuyển đến CSGT thì họ cũng liên hệ ngay với Bảo hiểm để tới hiện trường kịp thời chuyển bệnh nhân đi. Như vậy có thể thấy, việc chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm của họ rất tốt.

Còn như ở nước Pháp, quốc gia được đánh giá có hệ thống BHXH và BHYT thuộc vào hàng tốt nhất thế giới thì tham gia BHYT là bắt buộc với mọi người dân. BHYT chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân “từ A đến Z”, nghĩa là người bệnh không phải trả bất cứ một chi phí nào. Mặc dù 100% người dân đều KCB bằng BHYT, nhưng ở Pháp vẫn có cả bệnh viện tư và bệnh viện công. Dù tư hay công cũng đều KCB và thanh toán qua kinh phí từ bảo hiểm. Các loại thuốc bệnh đều thanh toán bảo hiểm 100% (trừ những loại thuốc mà họ cho là chỉ có tác dụng tăng cường chức năng chứ không để trị bệnh thì bảo hiểm họ không đưa vào danh mục chi trả), và tất nhiên ở đó không có “phòng tự chọn” vì các phòng bệnh đều được thiết kế, trang bị bảo đảm tiêu chuẩn. Các bệnh viện chỉ cạnh tranh nhau về uy tín, chất lượng KCB. Và trong một số trường hợp, người bệnh chọn bệnh viện tư vì sự tiện lợi về địa lý (gần nơi ở) hoặc do không muốn chờ lâu khi bệnh viện của nhà nước ở đó đông bệnh nhân, phải hẹn lịch khám lâu hơn…

Chúng ta chưa dám mơ tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt ngang hàng với Pháp. Nhưng rõ ràng là, trong điều kiện hiện nay, khi mà điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta đã biến đổi rất nhanh, thì việc đổi mới các chính sách BHYT cho phù hợp hơn, mang lại chất lượng KCB tốt hơn, hài lòng hơn cho người dân, âu cũng đến lúc cần tính đến.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước