Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
11:39 (GMT +7)

Lại nói về văn hóa điện thoại

VNTN - Ở Việt Nam, việc sử dụng điện thoại rộng rãi trong cộng đồng có lẽ cũng phải tới hơn ba mươi năm đối với điện thoại cố định và hơn hai chục năm đối với điện thoại di động. Tuy nhiên, để có thể hình thành một tác phong sử dụng điện thoại có văn hóa thì lại là một câu chuyện dài, còn nhiều điều phải bàn luận.

Điều dễ nhận ra nhất về sự bất lịch sự của người dùng điện thoại là khi gọi nhầm số mà không có một lời xin lỗi. Có lẽ nhiều người lầm tưởng vì “khuất mặt” thì chẳng ai biết mình, mình cũng chẳng biết ai nên chẳng cần quá quan trọng phép lịch sự. Thực ra, nếu bạn nhận được một cú điện nhầm số, dù đang rất bận nhưng nếu phía đầu bên kia vang lên một lời xin lỗi nhẹ nhàng thì chắc chắn bạn sẽ thấy dễ chịu vì đã được giao tiếp với một người tuy hoàn toàn xa lạ, không biết mặt, tuổi, tên, nhưng biết ứng xử có văn hóa. Còn nếu như người nhầm số mà lại cau có dập điện thoại hoặc buông ra những lời khó nghe thì bạn khó tránh khỏi cảm giác bị bực mình lây. Trên thực tế đã từng xảy ra chuyện nặng lời, thậm chí chửi rủa nhau giữa hai người không hề biết mặt chỉ vì chuyện nhầm số.

Một việc khác cũng thường gây khó chịu vô cùng khi có người trong cuộc họp để chuông điện thoại quá to, mà nhạc chuông lại theo kiểu “độc, lạ, dị”; rồi sau đó là giọng nói oang oang vang lên ngay giữa hội nghị.

 

Mấy chuyện vừa nói ở trên là những trường hợp đã mười mươi lộ rõ sự thiếu văn hóa trong việc sử dụng điện thoại. Nhưng thực tế lại có một số người có cách sử dụng điện thoại thiếu tế nhị, làm ảnh hưởng đến nhiều người nhưng không tự nhận biết. Hiện có một tật xấu mà rất nhiều người hay mắc, mắc một cách vô tư, hồn nhiên. Đó là việc đến dự hội nghị (kể cả giờ giải lao) nhưng mắt cứ dán vào điện thoại, không cần biết xung quanh có ai. Tất nhiên sẽ có người lí giải “đấy là chuyện riêng tư, chẳng làm ảnh hưởng tới ai, sao lại quy là thiếu văn hóa?”. Nhưng xin thưa, nói như thế là nói lấy được. Bởi thứ nhất, ngồi dự hội nghị mà mất tập trung, phân tán tư tưởng vào việc dùng điện thoại thì thông tin hội nghị khó lòng thu nhận, lĩnh hội đầy đủ được. Thứ hai, dù là giờ giải lao, song ở chỗ đông người, nhất lại là những nơi có thể có rất nhiều bạn bè hoặc người quen thì cử chỉ ấy của mình sẽ như một hành vi “cấm cửa” với xung quanh. Biết đâu, có người nào đó đang muốn trao đổi công việc hoặc chào hỏi mình một câu, vì lâu ngày không gặp. Nhìn thấy ta trong tình trạng như vậy, họ ngại đến mở lời.

Một trường hợp nữa cũng khá phổ biến là khi nhận được điện thoại trong lúc đang trò chuyện với ai đó mà vẫn cứ ngồi tại chỗ, nói oang oang trước mặt họ. Tế nhị hơn, cần phải xin lỗi, bước đến một chỗ khác rồi mới nhận điện thoại. Ở một số nước, mắc phải lỗi này, được coi là người rất thiếu văn hóa, rất bất lịch sự. Nhưng ở nước ta thì lâu nay vẫn được coi như chuyện thường ngày ở huyện.

Về vấn đề quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại cũng quá nhiều chuyện cần đề cập. Không hiếm lắm khi trong một chương trình hay hội nghị, từ phía trên, rất nhiều máy điện thoại giơ cao, thậm chí càng cao càng tốt để quay, chụp một hình ảnh nào đó trên sân khấu. Trường hợp như thế thì nên chọn một góc vừa phù hợp với mình vừa không làm ảnh hưởng tới những người phía sau. Như câu thành ngữ dân gian để lại: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Điện thoại, nhất là điện thoại di động là một đồ dùng có tính tiện lợi và phổ biến trong cộng đồng. Mà với tất cả những gì có liên quan đến cộng đồng thì luôn phải được hành xử một cách có văn hóa. Tất nhiên, thói quen văn hóa, ý thức văn hóa… là một vấn để cần phải được nhận thức từng bước và rèn luyện thường xuyên.

Vấn đề sử dụng điện thoại, một số người cho rằng không phải là chuyện quá lớn. Có thể là như vậy, nhưng đối với văn hóa thì không có chuyện gì được coi là nhỏ cả.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước