Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
10:56 (GMT +7)

Lại nói về cuốn sách “Pụt Kỳ Yên”

VNTN - LTS: Sau khi đăng tải bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Cư về những sai sót trong cuốn sách “Pụt Kỳ Yên” (Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2012) do ông Ma Đình Thu làm chủ biên (“Pụt Kỳ Yên… mà không yên”, báo Văn nghệ Thái Nguyên số 12, ra ngày 21/3/2017), Tòa soạn đã nhận được nhiều bài vở, ý kiến bàn luận về vấn đề này. Đầu tiên là bài hồi âm của ông Ma Đình Thu, thay mặt những người sưu tầm và dịch “Pụt Kỳ Yên” trao đổi lại với ông Hoàng Tuấn Cư (Hồi âm bài "Pụt Kỳ Yên... mà không yên?", số 15, ra ngày 11/4/2017). Tiếp đó là bài trao đổi của tác giả Lương Bèn - thành viên thẩm định cuốn sách, về “một số chi tiết cụ thể mà Hoàng Tuấn Cư và Ma Đình Thu có ý kiến khác nhau” (“Pụt Kỳ Yên… cầu an”, số 21, ra ngày 23/5/2017).


Tôn trọng tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, nghiêm túc, VNTN kì này tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những chia sẻ của tác giả Triệu Doanh - người đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày - Nùng, đặc biệt là người đã từng viết bài giới thiệu về cuốn sách này.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 12, ra ngày 21/3/2017 đăng bài “Pụt Kỳ Yên… mà không yên” của ông Hoàng Tuấn Cư, sau đó, cũng trên báo này, đăng bài Hồi âm bài "Pụt Kỳ Yên... mà không yên?" mang tính phản hồi của ông Ma Đình Thu với tư cách là người chủ biên, xung quanh nội dung cuốn sách “Pụt Kỳ Yên” do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên in và phát hành vào quý IV năm 2012. Cũng báo Văn nghệ Thái Nguyên số 21, ra ngày 23/5/2017, ông Lương Bèn có bài Pụt Kỳ Yên… cầu an nhằm “trao đổi thêm một số chi tiết cụ thể mà Hoàng Tuấn Cư và Ma Đình Thu có ý kiến khác nhau”. Nay tôi xin được chia sẻ đôi lời với các tác giả, chủ yếu là với ông Ma Đình Thu và cả với Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên với tư cách là người đọc, người đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa cổ truyền của dân tộc Tày - Nùng, đặc biệt là người đã từng viết bài giới thiệu về cuốn sách này đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên số ra ngày 1/9/2012.

1. Về thuật ngữ: Pụt - Bụt

Đúng như ông Lương Bèn nói, trong tiếng Tày, chữ “Pụt” có nhiều nghĩa khác nhau: “Pụt” là Phật tổ, là ông Bụt - một nhân vật truyền thuyết, nhân vật cổ tích, một vị thần thánh hiền từ, thường hay cứu nhân độ thế và “Pụt” chỉ người hành nghề cúng bái (ông Pụt, bà Pụt, thầy Pụt) dưới hình thức, thể loại Pụt. Ông Bụt (Phật tổ Thích ca mâu ni) chỉ có một, còn ông Pụt, bà Pụt thì có rất nhiều, được phân cấp theo các thứ hạng khác nhau. Cho nên, việc ông Ma Đình Thu và nhóm tác giả dịch toàn bộ những chữ “Pụt” có trong văn bản thành “Bụt” hết là không chính xác, mà còn phải tùy thuộc vào bối cảnh, tình thế trong nội dung văn bản để dịch cho phù hợp. (Không thể đồng nhất ông Bụt với thầy hành nghề Pụt được).

2. Về phần dịch

Đúng là trong cuốn sách có khá nhiều đoạn văn bản dịch sai, dịch không sát nghĩa, dịch thừa, dịch thiếu như ông Hoàng Tuấn Cư đã liệt kê. Tôi cũng đã phát hiện được những lỗi này và đã có ý kiến tại bài giới thiệu sách “Pụt Kỳ Yên - một cuốn sách quý” đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên số ra ngày 1/9/2012. Bài viết đó khá dài, nhưng được tóm lại bằng mấy câu: “Pụt Kỳ Yên” là cuốn sách kỳ công, cuốn sách quý đối với những người ưa thích và am hiểu văn hóa của tộc người Tày. Tuy nhiên, lỗi chính tả trong văn bản còn khá nhiều, nhiều câu dịch không sát hoặc sai nghĩa, cách trình bày văn bản không thống nhất,… mong được nhóm tác giả và Nhà xuất bản lưu ý để những lần xuất bản sau được hoàn chỉnh hơn.

Dịch không sát nghĩa còn có thể hiểu được qua suy đoán, nhưng dịch sai hoàn toàn nghĩa thì không thể chấp nhận được. “Thuông” là người phu chèo đò, nhưng nhóm tác giả lại dịch là “hồn”; hoặc như trong chương Tổng Vinh có câu: “Pà tua lục như pà tòn mạy, Đảy tua lục như đảy hòn kim” nghĩa là “Chửa đứa con như mang khúc gỗ, Được đứa con như được cục vàng”, thế mà lại dịch: “Chửa đứa con như mang khúc gỗ, Được đứa con như được hòn đá”. Sao “vàng” lại biến thành “đá” được? Không trách ông Hoàng Tuấn Cư phải kêu lên: “Dịch như thế đến thánh cũng phải chịu!”. Lại còn chuyện dịch thừa, dịch thiếu, mà có những đoạn thừa đến 35 câu (không có phần tiếng Tày mà có thêm một đoạn tiếng phổ thông), thiếu đến 18 câu (có phần tiếng Tày mà không có phần dịch tiếng phổ thông). Không biết là lỗi của nhóm tác giả hay của Nhà xuất bản, Nhà in?

Tôi không đồng ý với ý kiến của ông Lương Bèn cho rằng “dịch tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo, phải chuyển hóa, vì vậy bản dịch có sự thêm bớt câu chữ so với nguyên tác là điều khó tránh khỏi”. “Chuyển hóa”, “sáng tạo” mà tự ý dịch thêm so với nguyên tác đến 35 câu, tự ý cắt bỏ đi so với nguyên tác đến 2 lần, mỗi lần 18 câu thì làm sao cho là “sáng tạo” được? Cũng không thể biện lý cho rằng ông Ma Đình Thu là người làm thơ nên cho thêm lời dịch vào vì theo dòng cảm xúc.

3. Về cách trình bày sách

Cách trình bày như “Pụt Kỳ Yên” đúng là tốn giấy như ông Hoàng Tuấn Cư nhận xét, nhiều người đọc nghĩ làm như thế là để tăng thêm trang, thêm độ dầy cho nó hoành tráng. Bởi vì, hình như cuốn sách này được xuất bản bởi nguồn tài trợ của một dự án? Nhưng tôi muốn nói thêm là trong cuốn sách, cách dùng các dấu câu khá không ổn, nhất là dấu ngoặc đơn rất tùy hứng: khi thì để diễn giải, bổ sung nghĩa, khi thì để biểu thị chữ nguyên gốc, không dịch được, khi thì chen lời dịch vào, khi thì là lời giải thích của tác giả... Những lỗi trên có lẽ thuộc về Nhà xuất bản nhiều hơn.

4. Về thái độ của người tiếp thu ý kiến phê bình

Ông Hoàng Tuấn Cư là một người quá am hiểu, cả đời gắn bó với việc nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu văn hóa văn nghệ cổ truyền của dân tộc Tày - Nùng, chính vì vậy, khi cầm trong tay một cuốn sách giới thiệu về một mảng văn hóa mẹ đẻ mà anh rất hiểu biết, rất tâm huyết, nhìn bề ngoài có vẻ sang trọng, súng sính, nhưng nội dung lại mắc khá nhiều lỗi, có những lỗi có thể nói là “chết người” thì khó có thể không nóng ngòi bút. Trong bài viết, đã nhiều lần ông tỏ nỗi thất vọng bằng những câu cảm thán, câu hỏi lửng, kiểu như: “ông Ma Đình Thu ơi! Ông là người Tày mà ông hiểu tiếng mẹ đẻ như thế này ư? Ông dịch sai hết rồi” hoặc “dịch như thế đến thánh cũng phải chịu!”. Tôi cũng xin được chia sẻ những bức xúc này của ông.

Với ông Ma Đình Thu: trong bài “trao đổi lại” của ông, hình như ngòi bút cũng “phừng phừng” không kém, ngay cả cái tên “Pụt Kỳ Yên xin được… giối giăng” (sau đó Tòa soạn có biên tập lại) nghe cũng đã hậm hực rồi. Trong cả bài viết, hầu như ông Thu không nhận bất kỳ thiếu sót nào (có chăng là đổ lỗi cho người đánh máy bản thảo bỏ sót), mà chỉ “phê” ông Cư cả vú lấp miệng em, cậy mình là nhà nghiên cứu phê bình có thâm niên 30 năm như bác sĩ chuyên soi mói, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, bới lông tìm vết để truy chụp… và cảm thấy “buồn, quá thất vọng”. Ông buồn và thất vọng vì cuốn sách theo như ông nói đã “dịch mất hàng năm trời, mới gửi tới Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên” lại được hai tiến sĩ Trần Thị Việt Trung và Lương Bèn thẩm định mà bây giờ lại có người soi mói, bới lông tìm vết và liệt kê ra vô số “vi trùng” hay là vì ông Cư không “lựa lời mà nói cho vừa lòng” ông Thu?

Là người ở giữa, thấy hai ông không “vừa lòng nhau” tôi cũng thấy buồn. Nhưng về lý trí mà nói, tôi có ý này: “Pụt Kỳ Yên” là cuốn sách thuộc dạng sưu tầm, giới thiệu di sản văn hóa của ông cha ta cho thế hệ đương đại và mai sau. Yếu tố đầu tiên đối với văn bản là phải chuẩn xác, chuẩn xác từ nguyên bản đến bản dịch thì người nghiên cứu, người đọc mới thấu được trọn vẹn di sản. Còn nếu tác phẩm mà cứ “dịch sai, dịch thừa, dịch thiếu đến thảm hại” như ông Hoàng Tuấn Cư viết thì dù có mất công dịch hàng năm trời mà in ra thì cũng thật không ổn chút nào. Mong nhóm tác giả sưu tầm, dịch “Pụt Kỳ Yên” và Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên bình tâm tiếp thu những lời góp ý.

Triệu Doanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy