Chủ nhật, ngày 06 tháng 04 năm 2025
21:06 (GMT +7)

Lại bàn về văn hóa đọc

VNTN - Trong khoảng vài chục năm nay, văn hóa đọc, nhất là đọc sách văn học được coi như sự xuống cấp nghiêm trọng. Chuyện này có những nguyên nhân khách quan như sự lên ngôi của điện ảnh, truyền hình, mạng internet… và ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Điều này không chỉ xảy ra gần đây mà ở các nước châu Âu đã manh nha từ đầu thế kỷ XX. Đã có những hội thảo cùng những phát biểu cá nhân nói về cái chết của văn chương. Với nước ta, ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, hình như còn có một nguyên nhân không thể không nói đến. Đó là kể từ thời kỳ Đổi mới, khi tình hình xuất bản được mở rộng, hầu như nếu muốn, ai cũng có thể trở thành tác giả của các cuốn sách, nhất là các tập thơ. Cả nước hàng năm có tới cả vài nghìn tập thơ ra lò. Hay dở lẫn lộn, thậm chí có tập thơ chỉ có giá trị “không hơn không kém một tập giấy vụn”. Vì vậy, sách, nhìn về một góc độ nào đó chỉ có tác dụng như những kỷ niệm cá nhân chứ không phải là một tác phẩm văn chương thực sự mang tính xã hội. Chuyện này đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đọc. Để cứu vãn tình thế, trong nhiều thập kỷ qua, nhà nước đã từng có nhiều biện pháp đẩy mạnh văn hóa đọc, đặc biệt là sách văn học như bỏ ra hàng chục tỷ, trăm tỷ cho các đề án xuất bản, phát hành (biếu tặng) sách. Ngoài ra còn là sự mở mang tuyên truyền văn hóa đọc trong cộng đồng, ví như đã hình thành cả một ngày văn hóa đọc trên toàn quốc. Đã có một thời, ngành bưu điện đã bỏ ra rất nhiều tiền để thành lập những nhà văn hóa bưu điện đến từng địa bàn xã, hàng năm cung cấp một lượng sách lớn, mong có sự kết nối giữa nông dân với ngành bưu điện và giúp họ mở mang kiến thức thông qua việc đọc. Tất cả những việc làm trên đều vô cùng tốt đẹp và hữu ích. Tuy nhiên, những việc làm tốn tiền tốn của này vẫn tỏ ra còn những hạn chế, đôi khi trở thành hình thức và khó có thể cải thiện tình hình một cách căn bản, bền vững. Ngày xa xưa, hai cơ quan đã từng là cái cầu nối rất hữu hiệu với bạn đọc, đó là các cơ sở phát hành sách và hệ thống thư viện các cấp. Ngày nay, về hình thức, chức năng hoạt động vẫn không có gì thay đổi nhưng đã lộ ra rất nhiều yếu kém. Các công ty phát hành nhà nước đã nhường cho các nhà sách tư nhân, việc kinh doanh chỉ hướng tới lợi nhuận là chính, nên tuy gọi là nhà sách nhưng thực chất chỉ còn là cái tên. Cả nước may ra có được khoảng trên dưới một chục nhà sách hoạt động có hiệu quả. Các thư viện cũng không khả quan hơn. Không ít các cuốn sách nằm im trên các giá sách. Đấy là chưa muốn nói đến việc không ít thư viện hiện nay vì lợi ích riêng, không chú trọng tìm mua những tác phẩm có giá trị mà chỉ chọn những cuốn sách có chiết khấu cao, thậm chí là sách ế đọng. Đó là những thực tế không phải một sớm một chiều mà giải quyết nổi. Văn hóa đọc, thực chất vẫn phải từ trong tâm người đọc. Trong hiện cảnh hôm nay, để cải tạo rốt ráo chuyện đọc là bất khả thi. Nhưng nếu bỏ qua mọi chuyện thì có tội với lịch sử. Để dần cải tạo chuyện này, thiết nghĩ, trước hết, mỗi người viết phải thấy rõ trách nhiệm ngòi bút của mình. Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách sát sao, có những chế tài cụ thể để hướng các cơ quan phát hành, thư viện thực hiện tốt chức trách của mình. Để đẩy mạnh văn hóa đọc, thiết nghĩ, sự vào cuộc mang tính xã hội hóa là hết sức cần thiết trong lúc này. Gần đây sự xuất hiện của các Câu lạc bộ “Sách và Hành động” do chàng trai trẻ Nguyễn Văn An, quê Bắc Giang và 4 người bạn thành lập làm sửng sốt dư luận. Hãy nghe những tâm sự của An nói về lúc ban đầu khởi sự dự án này: “Chúng tôi đến gõ cửa từng trường THPT, ĐH để xin thành lập CLB. Tuy nhiên ở nhiều trường, chúng tôi bị từ chối. Các thầy cô cho rằng, mô hình CLB ở trường phổ thông không hiệu quả, dễ chết yểu thậm chí có trường còn từ chối vì với lý do các học sinh ở đây không có thói quen đọc sách. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ, vì học sinh không có thói quen đọc sách mới phải làm CLB để khuyến khích việc đọc. Vì thế chúng tôi không bỏ cuộc…”. Chẳng nói thì mọi người đều thấy đây là một dự án đầy khó khăn và không nhiều hứa hẹn thành công. Để tiến hành mọi việc, An và các cộng sự đã phải nhiều chuyến xuyên Việt hô hào, vận động, gõ cửa, thuyết phục gần 500 trường. Tháng 11/2013, họ xây dựng CLB “Sách và Hành động” thí điểm đầu tiên tại một trường đại học ở Hà Nội. Đến nay, Dự án đã thành lập được 260 câu lạc bộ sách với hơn 5 nghìn thành viên tại các trường đại học, cao đẳng và THPT ở 29 tỉnh, thành phố. Giai đoạn từ năm 2014 - 2018 đã tạo ra tủ sách cộng đồng với hơn 40 nghìn cuốn sách đọc, mượn miễn phí. Riêng Câu lạc bộ “Sách và Hành động” ở trường THPT Yên Dũng, Bắc Giang quê hương của Nguyễn Văn An hoạt động rất mạnh với phòng sách lớn thu hút gần 12 nghìn lượt mượn vào năm 2019. Trong tương lai, chàng trai Bắc Giang có tham vọng thành lập 1.000 câu lạc bộ “Sách và Hành động” trên toàn quốc. Có lẽ, chúng ta rất cần có sự tiếp sức cho các chàng trai do Nguyễn Văn An làm thủ lĩnh này. Động tác trợ giúp về tinh thần đầu tiên chính là sự bình chọn Nguyễn Văn An vào Danh sách 30 gương mặt dưới tuổi 30 nổi bật nhất năm 2020 của tạp chí Forbes Việt Nam. Qua hiện tượng trên ta nhận thấy, tuy rất khó khăn nhưng rõ ràng là nếu có những trái tim đầy tâm huyết thì chuyện “phục sinh” văn hóa đọc không phải không có những con đường dài rộng.

THÁI VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 3 tháng trước