Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
15:15 (GMT +7)

Ký ức về một trận bom

VNTN- Trải qua bao năm tháng sinh sống, trưởng thành, vui buồn cùng Nhà máy nhưng hình ảnh in đậm trong tâm hồn, đánh thức bao nỗi niềm trong tôi chính là trận ném bom rải thảm của Đế quốc Mỹ vào Nhà máy trong đêm 21 rạng sáng ngày 22 tháng 12 năm 1972. Ngày ấy, tôi chỉ mới tròn 11 tuổi đã là một chứng nhân chứng kiến tội ác tận cùng của đế quốc Mỹ.

Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ ngày nay. Ảnh minh họa (A.T).
Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ ngày nay. Ảnh minh họa (A.T).

Đối với bất kỳ người dân nào từng sống ở Thái Nguyên, thì Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ là một cái tên rất đỗi quen thuộc. Hiện nay, nhà máy ngự trên một vùng đất rộng rãi với những tòa ngang, dãy dọc khang trang bên cạnh con sông Cầu thơ mộng. Nhà máy có thể cho ra những sản phẩm hiện đại, tiên tiến nhất ngành công nghệ giấy. Nhưng có lẽ nhiều người không biết rõ, cái nhà máy ấy đã phải trải qua bao đau thương cùng sự kiên cường qua những cuộc chiến tranh vệ quốc, những bước thăng trầm trong lịch sử.

Hồi ấy, tôi thường nghe người lớn kể lại rằng nhà máy của chúng tôi tiền thân đã được hình thành từ gần sáu mươi năm về trước. Đến tháng 8 năm 1945, cách mạng thành công, Nhà máy thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Năm 1946 lại di dời lên xã Phượng Tiến huyện Định Hóa, Thái Nguyên để tham gia trường kỳ kháng chiến. Ngày 5/8/1947, Nhà máy được mang tên vị lãnh tụ cách mạng Hoàng Văn Thụ và từng được giao nhiệm vụ sản xuất giấy in tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau này mới sản xuất giấy bao bì, giấy đóng gói. Đến năm 1969, Nhà máy chính thức về phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên.

Với gia đình tôi, mấy thế hệ đều là công nhân của Nhà máy thì niềm tự hào ấy còn tăng lên gấp bội.

Những năm chống Mỹ, gia đình tôi sống trong khu tập thể của Nhà máy. Gọi là khu tập thể nhưng nhà cửa chủ yếu xây dựng theo kiểu tập trung nên trông như những thôn, xóm ở các miền quê. Ngày ấy, tôi và cái Thảo là bạn thân cùng lớp, bố mẹ chúng tôi cùng làm trong Nhà máy. Nhà Thảo ở xóm Đồi Cụ Khỏa, tôi ở xóm Đường Goòng, sau sơ tán sang Đồng Xe. Ngoài những buổi đi học, chúng tôi thường đi làm giúp mẹ hoàn thành sản phẩm. Công việc của chúng tôi là nhặt những thanh nứa, xếp bằng nhau thành từng đống để mẹ bó được nhanh và gọn gàng hơn. Những bó nứa được máy chặt rồi chất lên goòng, dây tời kéo lên, đưa vào máy nghiền nhỏ thành những mảnh vụn. Sau đó, cho vào nồi nấu rồi qua các bộ phận lọc, rửa, cuối cùng mới chuyển xuống máy seo để cán thành giấy. Công việc của bọn trẻ chúng tôi tuy rất nhỏ nhặt so với các công đoạn sản xuất nhưng nó làm cho chúng tôi thêm gắn bó, thêm yêu Nhà máy hơn.

Ngoài những lúc làm giúp mẹ, chúng tôi còn là những đứa trẻ hiếu động với nhiều trò nghịch ngợm. Vào những ngày trời rét đậm, chúng tôi hay chơi trò nhào lộn trong đống giấy phế phẩm, chơi trốn tìm hoặc chui vào xưởng tìm chỗ nằm đánh một giấc ngủ trưa quên trời đất. Ngủ trong đống giấy vừa ấm vừa êm lại thoang thoảng mùi thơm hăng hắc thật sung sướng làm sao. Cái Thảo là đứa có thói ngủ vùi. Mỗi lần nhìn thấy bác quản đốc lấp ló ở lối ra vào, tôi phải lôi mãi nó mới thức giấc, miệng ú ớ chạy theo tôi trốn trong những lô giấy khổng lồ. Trưa nào không ngủ, chúng tôi lại rủ nhau sang Phân xưởng Lựa, lẻn sang Tổ Cắt xén để xin giấy. Nếu không gặp ai thì mắt trước mắt sau, tìm mọi cách “cuỗm” bằng được một tập giấy giấu vào bụng mang về. Giấy Kraft Hoàng Văn Thụ ngày ấy chất lượng chưa cao như bây giờ nhưng cũng  đủ giúp chúng tôi đóng vài quyển vở và bọc sách giáo khoa. Cái Thảo vốn chậm chạp, lóng ngóng nên ít khi lấy được giấy mang về, tôi thường phải san bớt phần của mình cho nó. Có lần nó bảo tôi: “Sau này lớn lên hai đứa mình vào làm công nhân trong nhà máy chắc là lúc ấy có nhiều giấy lắm”.

Trải qua bao năm tháng sinh sống, trưởng thành, vui buồn cùng Nhà máy nhưng hình ảnh in đậm trong tâm hồn, đánh thức bao nỗi niềm trong tôi chính là trận ném bom rải thảm của Đế quốc Mỹ vào Nhà máy trong đêm 21 rạng sáng ngày 22 tháng 12 năm 1972. Ngày ấy, tôi chỉ mới tròn 11 tuổi mà đã là một chứng nhân chứng kiến tội ác tận cùng của đế quốc Mỹ.

Hồi đó mỗi gia đình trong khu tập thể đều phải có một hầm trú ẩn. Chiếc hầm của nhà do hai mẹ con tôi tự đào. Đêm hôm ấy, khi tiếng cô phát thanh viên vang lên từ chiếc loa truyền thông: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch đang lao vào thành phố. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang, các đội tự vệ khẩn trương vào vị trí chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nhà máy”. Sau tiếng còi báo động, mẹ con tôi vừa chui xuống hầm được mấy phút đã nghe bầu trời gầm thét, tiếng máy bay rít trên không trung. Mặt đất rung chuyển. Từ dưới hầm tôi nhìn thấy rõ những làn đạn đan chéo sáng rực trời đêm cùng những âm thanh chói tai rợn người. Dưới mặt đất, đạn pháo của đội tự vệ Nhà máy bắn xối xả. Trước sự chống trả quyết liệt của ta, bọn giặc đã phải rút lui sau khi trút gần 200 quả bom xuống Nhà máy.

Tiếng còi báo yên, tôi liền chạy một mạch tới nhà cái Thảo. Một khung cảnh đổ nát, tan hoang hiện ra trước mắt khiến tôi bàng hoàng. Cả khu đồi Cụ Khoả bị cày nát bởi bom Mỹ. Nhà cái Thảo bị một quả bom rơi trúng nóc nhà, hai quả trúng hầm kèo chữ A. Nhà nó có 11 người thì 10 người đều trú trong căn hầm đó. Tôi ngồi bệt xuống đất, khóc nghẹn ngào. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi nhìn thấy một nửa chiếc dép của Thảo nằm cạnh hố bom. Vài hôm trước tôi còn tị nạnh vì nó được bố mua cho đôi dép diện tết. Giờ đây nhìn nửa chiếc dép màu vàng vương dưới đất, trái tim tôi như bị xé ra từng mảnh. Vậy là từ nay, tôi đã mất đi đứa bạn thân hiền lành tốt bụng, từng có chung một ước mơ lớn lên sẽ tiếp bước bố mẹ trở thành công nhân của Nhà máy.

Trận bom man rợ hôm ấy đã cướp đi sự sống của 31 người, 4 người bị thương và hơn 40 ngôi nhà của công nhân. Nhà máy bị phá hủy rất nhiều, máy móc trong các Phân xưởng Seo, Phân xưởng Nghiền, Phân xưởng Bột bị hư hỏng tới 80%.

Đó là một ngày ảm đạm, tang thương phủ kín đất trời Nhà máy. Cho đến hôm nay, gần 50 năm trôi qua mà những tiếng kêu khóc con gọi cha, vợ gọi chồng, nhất là 31 người được cuộn bằng những tờ giấy Kraft thay cho vải liệm cùng thân hình bé nhỏ của Thảo nhàu trong đất như vẫn còn hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi, cắn xé lòng tôi không dứt.

Tôi lớn lên, do cuộc sống mưu sinh và những biến đổi cuộc đời, không thực hiện được ước mơ trở thành công nhân của Nhà máy. Nhưng từ nơi xa, tôi chưa bao giờ quên nhìn về phía nhà máy xưa của chúng tôi bên dòng sông Cầu êm ả. Đêm đêm, tôi vẫn thường ngước lên những vì sao ở phương trời ấy, mà tưởng nhớ hình bóng Nhà máy của tuổi thơ, nơi có mùi giấy Kraft thơm thơm, hăng hắc trong những giấc ngủ vùi. Và Thảo ơi, tôi biết, trong những vì sao trên bầu trời đầy thương nhớ kia, có một vì sao nhỏ bé hiền lành như cỏ - vì sao ấy là Thảo, người bạn thân thiết của tôi, người đã vĩnh viễn về nơi thiên cổ nhưng cũng vĩnh viễn hóa thành một vì sao lấp lánh trong tâm hồn tôi.

Tiết Thị Minh Hà (Số nhà 26b, ngõ 511, đường Dương Tự Minh, Quán Triều thành phố Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 6 ngày trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước