Ký ức sắn
VNTN- Đồi đất quê tôi ngày ấy bạt ngàn một mầu xanh của sắn. Đồi sắn nối tiếp đồi sắn chạy dài đến tận những chân rừng xa. Bước ra khỏi cổng đã gặp ngàn vạn những chiếc lá sắn tươi non rung rinh trong gió, giống như những bàn tay thân thương vẫy gọi…
“Cây sắn đã như một cứu tinh của người dân quê tôi” - Ảnh minh họa
Năm lên tám tuổi tôi theo gia đình đi khai hoang. Ngày ấy người ta chưa gọi là đi xây dựng kinh tế mới như bây giờ. Vùng đất gia đình tôi lên lập nghiệp có tên là Hà Thượng, một xã của huyện Đại Từ với rất nhiều đồi núi, chỉ cách thành phố Thái Nguyên khoảng hai chục cây số nhưng đường đi rất khó khăn, thi thoảng còn có những đoạn mà nứa, lau mọc chờm cả ra lòng đường.
Tuy được nhà nước trợ giúp về lương thực trong sáu tháng đầu nhưng cuộc sống của gia đình tôi thực tế gặp muôn vàn khó khăn. Lúc nào cũng cận kề với cái đói. Được sự giúp đỡ chí tình của hợp tác xã nông nghiệp sở tại, gia đình tôi đã khai phá được cả một vùng đất rộng để trồng chè, trồng sắn…
Những ngày đầu tiên trên đất mới, một hôm, mẹ tôi mang về mấy củ gì mà tôi chưa từng nhìn thấy.
- Củ gì đấy hả mẹ?- tôi tò mò hỏi.
- Củ sắn đấy con ạ. Mẹ đã học được bà con người dân tộc cách luộc sắn. Để mẹ làm cho cả nhà ăn.
Tôi háo hức nhìn mẹ tách lượt vỏ sắn. Hóa ra trông vẻ bề ngoài hơi xù xì nhưng sắn lại có một mầu trắng thật tinh khôi, gợi cảm.
Nồi sắn sôi được một lúc thì mẹ bỏ vào một dúm muối. Lát sau, mẹ nghiêng miệng nồi trút cạn nước rồi lại đặt tiếp lên bếp đun thêm vài phút. Khi vung nồi mở ra, những làn khói trắng bốc lên nghi ngút, tỏa ra một mùi thơm ngầy ngậy.
30 năm về trước, sắn luộc là món ăn phổ biến của người dân Thái Nguyên
Đấy là lần đầu tiên tôi được thưởng thức sắn luộc. Mùi vị của những khúc sắn trắng như ngó sen ngày ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng đến trọn đời. Những khúc sắn bở tơi, vị bùi đậm đà, đặc trưng mà không một món ăn nào, dù là đặc sản, có được. Tôi nói vậy sẽ không ít người cho là cường điệu. Nhưng cũng xin được thưa, nếu các vị lần đầu tiên được thưởng thức món sắn luộc như tôi, lại trong hoàn cảnh cả nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, đói khát, thiếu thốn đủ mọi đường thì chắc chắn các vị sẽ không nỡ nghĩ tôi đã cố tình thi vị hóa một món ăn quê kệch.
Rồi cái miền quê núi xa xôi ấy đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình tôi. Có một thực tế không ai có thể chối bỏ là vào những năm tháng gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc ấy, cây sắn đã như một cứu tinh của người dân quê tôi. Đối với tôi, những ngày sau đó tuy sắn không còn là một món ăn được ưa chuộng và cấp thiết như thuở ban đầu, nhưng nó đã trở thành “người bạn đường” không thể thiếu của biết bao người, bao thế hệ.
Tôi kể chuyện này: Xã tôi đã sinh ra hai hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, rồi sĩ quan cao cấp quân đội, công an, cán bộ huyện, tỉnh và khá nhiều kỹ sư, bác sĩ, giảng viên đại học… Nhưng có một điều tôi dám chắc, nếu không có cây sắn cứu đói ngày ấy thì không thể có nổi một phần mười những thành tựu kia. Sắn luộc, sắn nướng, sắn độn cơm - một khúc sắn to cõng vài hạt cơm lèo tèo… Vậy mà người dân quê tôi đã nương vào nhau, cùng thấm thía cái tình của cả dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Trai, gái quê tôi vẫn lớn lên phổng phao như Phù Đổng. Nói không quá, người quê tôi đã sinh ra, lớn lên và thành đạt phần lớn là nhờ vào cây sắn.
Đồi đất quê tôi ngày ấy bạt ngàn một mầu xanh của sắn. Đồi sắn nối tiếp đồi sắn chạy dài đến tận những chân rừng xa. Bước ra khỏi cổng đã gặp ngàn vạn những chiếc lá sắn tươi non rung rinh trong gió, giống như những bàn tay thân thương vẫy gọi. Trong ký ức của tôi, gió ngày ấy cũng mang mùi hương lá sắn, nắng cũng thấp thoáng sắc xanh của sắn. Và những năm tháng thiếu thời, tâm hồn tôi dường như cũng óng ánh mầu lá sắn quê hương.
Sau nhiều năm xa quê, đi học, cầm súng ra chiến trường, công tác ở nước ngoài, ngày trở về quê hương tôi đã chứng kiến một việc không biết nên vui hay nên buồn: xã tôi không còn một đồi sắn nào cả. Thay vào đó là những vườn vải thiều, mơ, táo hoặc đồi chè, đồi keo, đồi mỡ… những thứ hẳn là có giá trị cao về kinh tế hơn cây sắn. Mừng cho sự đổi mới của quê hương, nhưng lòng tôi vẫn không khỏi chạnh buồn. Nỗi buồn giống như sự mất đi một người bạn tri âm tri kỷ, người bạn đã từng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong những năm tháng cơ hàn.
Những ngày ở quê, mỗi khi rỗi rãi, tôi thường hay ngẩn ngơ bên những đồi vải thiều, bưởi Diễn, mơ, táo… mà nhớ về những đồi sắn bạt ngàn xưa, nhớ những bàn tay lá xanh non như ngọc, ấm nồng tình nghĩa cố nhân. Tôi lẩn thẩn đi từ đầu đến cuối xã, rồi lại đi vòng từ cuối lên đầu xã mong gặp được một đồi sắn nhưng đã hoàn toàn thất vọng. Vâng! Cuộc sống đang chuyển động đi lên. Những gì không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế tất nhiên sẽ phải loại bỏ. Có lẽ cây sắn cũng nằm trong cái vòng quay vô tình và vô tâm ấy chăng (?).
Những nương chè mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hà Thượng đã thay thế cho các đồi sắn trước đây
Không phải là nhà nông học nên tôi không đo đếm được những giá trị kinh tế cao, thấp do cây sắn đem lại, nhưng tôi nghe nói ở một số nước Châu Á hiện giờ người ta rất trọng phát triển cây khoai, cây sắn. Từ cây sắn, họ đã chế biến ra rất nhiều loại thực phẩm cao cấp và làm nguyên liệu cho nhiều ngành nghề khác…
Chỉ là một món ăn bình dị, quê mùa, không thể so sánh với những sơn hào hải vị của ngày hôm nay. Vậy mà củ sắn luộc quê hương đã đậm đà phong vị trong tôi suốt cả đời người. Bởi lẽ, nó đâu phải đơn thuần là ẩm thực mà là nỗi niềm của cả một vùng đất cùng tình cảm con người từng hai sương một nắng trong sự đùm bọc thân yêu trong ý nghĩa “Thương nhau chia củ sắn lùi”.
Ký ức về sắn của tôi là vậy. Như một dấu ấn mãi mãi không thể phai mờ.
Đào Nguyên Hải (Xóm 11, xã Hà Thượng, Đại Từ, TN)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...