Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:20 (GMT +7)

Ký ức 62

VNTN- Nhà xưa không còn, nhưng trong sâu thẳm con tim mỗi chúng tôi, Hội trường 62 năm xưa luôn sừng sững. Tôi muốn nâng niu đến từng bước chân mỗi lần có dịp qua đây, nghe như trong từng bước chân mình, lại vang lên một tiếng đàn xưa cũ, trong veo, thánh thót ngân nga…

Tác giả (bên phải) trong một lần biểu diễn trên sân khấu nghệ thuật

Mùa thu năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, từ biên giới phía Bắc, tôi xuất ngũ, trở về cơ quan cũ là Nhà máy cơ khí Phổ Yên (nay là Công ty CP Cơ khí Phổ Yên).

Vốn là một tay ghitar trong đội Tuyên văn Trung đoàn, đang mùa hội diễn, tôi được bổ sung ngay vào vị trí trong ban nhạc của đội văn nghệ. Tiếp đó là mấy tháng liền cho các đợt luyện tập, đi hội diễn. Hết hội diễn ở huyện Phổ Yên lại đến hội diễn của tỉnh, của Bộ.

Tôi nhớ mãi lần được “trở về nhà”, tham gia Hội diễn do Bộ Cơ khí & Luyện kim tổ chức (khu vực phía Bắc), với ban giám khảo là những người rất nổi tiếng như các NSND Trung Kiên, Quý Dương… Công ty Gang thép Thái Nguyên là đơn vị đăng cai tổ chức hội diễn này, và nơi biểu diễn là tại Hội trường 62, chỉ cách nhà tôi vài cây số.

Hội trường 62 được Công ty Gang thép Thái Nguyên xây dựng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước nhằm phục vụ các cuộc hội họp và biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, công nhân và người dân khu vực phía Nam thành phố Thái Nguyên (nơi chủ yếu là người làm trong Khu Gang thép). Hội trường rất rộng, có lẽ phải chứa được hơn 500 người, nền cao dần về phía sau, lắp ghế gấp, đánh số, trên cùng là sân khấu rộng rãi và đầy đủ các phòng chức năng như hóa trang, thay đồ, phòng chờ của diễn viên ở hai bên cánh.

Hội trường 62 còn gắn với những kỷ niệm thời thơ ấu không bao giờ quên của tôi, mà khi được về biểu diễn trên sân khấu này, ký ức lại ùa về, nguyên vẹn.

Đến hội diễn, tôi gặp lại anh Trần Thép, người bạn cùng lớp năng khiếu khi xưa, lúc này là nhạc công ghitar solid tên tuổi trong đội văn nghệ của Trường Công nhân kỹ thuật (nay là Cao đẳng Công nghiệp) Việt Đức. Hai người hàn huyên kể về những kỷ niệm ngày ấy…

Mùa hè mười năm trước, đang học cấp ba, do phụ trách công tác đội ở địa phương lại có máu đam mê văn nghệ nên tôi được giới thiệu đến học Lớp năng khiếu do Đoàn thanh niên Công ty Gang thép tổ chức. Hội trường biểu diễn hôm nay chính là lớp học của chúng tôi ngày xưa.

 Lớp được chia ra hai nhóm: đàn và thanh nhạc. Tại đây chúng tôi mới biết được thế nào là khuông nhạc, biết đến những khóa son, pha, đô… với điệp trùng những nốt móc kép, móc đơn, những tròn, trắng, đen, những lặng, gạch nhịp và cả nốt hoa mỹ… Tiếp đó là những trường độ, cao độ, trưởng, thứ, giáng, thăng, rồi xướng âm, luyện giọng… Cả một chân trời mới mở ra trước mắt chúng tôi. Thầy giáo đầu tiên và duy nhất của khoá học là nhạc sĩ Bế Kha. Nhạc cụ chỉ có cây ghitar thùng khuyết, cây đàn accordion và cây organ giản đơn ba quãng tám. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được nghe một thứ âm thanh trong trẻo, mê hoặc đến thế!

Thầy cháy hết mình vì nghệ thuật, chúng tôi như tan chảy cùng thầy, mê đắm và khâm phục. Ấn tượng còn đọng mãi trong mỗi chúng tôi là chất giọng truyền cảm rất trầm và cái cổ to của thầy. Hai nhóm chỉ khi thực hành mới tách riêng, còn lý thuyết thì chúng tôi cùng học. Gọi là tách, song thực tế chúng tôi cùng tìm tòi học hỏi cả hai, bởi đam mê. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh Trần Thép ngày đó với cây ghitar gỗ vác trên vai, ngày ngày đều đặn đi bộ đến lớp. Được sở hữu cho riêng mình một cây đàn ngày ấy là cả một vấn đề, và làm gì có bao da để đựng như bây giờ. Hết khóa học, nhìn cây đàn bị rạn hết lớp vecni do vác đi dưới trời nắng, không khỏi xót ruột. Chúng tôi rất cảm ơn anh và cây đàn, vì đã đem đến để chúng tôi có thêm đàn mà tập.

Lớp năng khiếu với những nốt nhạc đầu tiên ở Hội trường 62 ấy đã theo tôi đi suốt cuộc đời. Với tôi, ngay cuối năm đó, tôi đã tự tin tham gia Hội diễn của Trường cấp III Gang thép, rồi đến Hội diễn thanh thiếu niên Công ty Xây lắp Luyện kim (tôi đoạt giải Nhất đơn ca). Những tháng năm sau nữa, tôi thoát li qua nhiều môi trường công tác, và ở đâu tôi cũng là hạt nhân nòng cốt trong đội văn nghệ.

Trong quân ngũ, sau những buổi sinh hoạt văn hóa, tôi được gọi vào đội Tuyên văn Trung đoàn. Khi tuyển vào là do có giọng hát tốt, nhưng lúc lên đội tuyển tôi kiêm luôn chân nhạc công. Cũng ở đây, lần đầu tiên tôi được chơi ghitar điện, niềm mơ ước của bất cứ nhạc công nào thời đó.

Kỳ hội diễn ở Hội trường 62 năm ấy cũng là lần cuối cùng tôi được bước chân vào trong Hội trường này, bởi sau đó một thời gian, Công ty Gang thép đã cho xây dựng một công trình văn hóa mới nhằm đáp ứng đời sống văn hoá ngày một cao của cán bộ, công nhân. Đó là Nhà văn hóa Công nhân Gang thép, nằm cách Hội trường 62 chừng vài trăm mét, ngay sát đường tròn Gang thép. Đến nay, Nhà văn hóa vẫn phát huy tốt sứ mệnh cao cả của mình, là niềm tự hào của biết bao thế hệ công nhân, những người đã “tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp và ý thức làm chủ cứng rắn như thép, như gang” theo lời Bác Hồ căn dặn.

Cả khu Hội trường cũ sau đó được bàn giao cho Trường Phổ thông trung học kỹ thuật Gang thép, một mô hình trường trong lòng xí nghiệp lúc bấy giờ (trước đó mang tên Trường bổ túc văn hóa cấp III Gang thép). Năm 2000, Trường được chuyển đổi mô hình quản lý từ Công ty Gang thép Thái Nguyên sang Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày nay. Kế tục sứ mệnh văn hóa truyền thống ấy, trường trở thành điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên, dẫn đầu về chất lượng giáo dục trong khối các trường Trung học phổ thông không chuyên.

Địa điểm đứng chân của Trường THPT Chu Văn An ngày nay chính là Hội trường 62 Khu Gang thép khi xưa

Năm tháng đi qua, chúng tôi dần trở thành những người xưa cũ, hầu hết đã nghỉ hưu, chỉ còn ít người cũng chuẩn bị được nghỉ theo chế độ. Nhưng với chúng tôi, bàn tay lướt trên phím đàn, cùng chất giọng trầm truyền cảm, cháy hết mình vì học trò của thầy Bế Kha, cây guitar dùng chung, những nốt nhạc vỡ lòng, những phím bấm đầu đời từ cái nôi 62 ngày ấy sẽ theo chúng tôi đi suốt cuộc đời.

 Nhà xưa không còn, nhưng trong sâu thẳm con tim mỗi chúng tôi, Hội trường 62 năm xưa luôn sừng sững. Tôi muốn nâng niu đến từng bước chân mỗi lần có dịp qua đây, nghe như trong từng bước chân mình, lại vang lên một tiếng đàn xưa cũ, trong veo, thánh thót ngân nga…

Minh Trọng

(Phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cánh chim bằng

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Mái trường của tôi

Tôi và Thái Nguyên 1 tuần trước

Dọc miền kí ức

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Vẳng tiếng chuông chùa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Xóm Đồi yêu dấu

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Vó Ngựa, mảnh đất tôi yêu

Xem tin nổi bật 5 tháng trước