Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước: Cùng viết một ước mơ
VNTN - 45 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đã vượt lên quá khứ đau thương, cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới trong hòa bình, yên vui và hạnh phúc. Trên con đường ấy, những con người đã từng ở hai đầu chiến tuyến giờ cùng nhìn lại, cùng hướng tới những điều tốt đẹp, để xây dựng một xã hội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và tiến bộ hơn.
Cách đây hơn 10 năm, vào một ngày trời nắng đẹp, tôi đến bên dòng sông Bến Hải. Dòng sông một thời như nhát dao chia cắt hai miền nhức nhối nay mềm mại hiền hòa lặng lẽ bình yên. Vùng đất nơi đây, một thời bom rơi bão đạn chết chóc đau thương, nay vươn mình thành những cánh rừng cao su, những vườn tiêu tươi tốt. Phía hạ lưu con sông, những cánh đồng lúa xanh rì mướt mát đang thì con gái... Những ai đã từng đến nơi đây ngay sau chiến tranh chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự hồi sinh kỳ diệu của nó.
Có lần đi công tác, vào vùng Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), một người đàn ông trung niên kể cho tôi rằng cha mẹ anh là biệt động Rừng Sác, sau khi sinh anh, mẹ anh gửi anh lại cho cơ sở và vào lại vùng hoạt động. Anh lớn lên cùng cha mẹ nuôi từ những ngày còn đỏ hỏn, chỉ đến khi thống nhất đất nước anh mới được gặp lại mẹ, còn cha đã hy sinh khi chưa được gặp mặt con. Người đàn ông ấy còn kể rằng không chỉ mình anh, gia đình nhận nuôi anh còn nhận nuôi thêm 3 đứa trẻ cùng có cha mẹ lên vùng chiến khu hoạt động. Tôi có nói với anh rằng, là một người mẹ, tôi thực sự khâm phục sự hy sinh lớn lao của mẹ anh và của bà mẹ đã nuôi anh khôn lớn. Anh nói rằng anh thật sự may mắn vì đến nay vẫn có hai bà mẹ, có hai gia đình để được đi về...
James Rhodes, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và cuốn sách của ông.
Chiến tranh có biết bao hy sinh mất mát, có bao nhiêu nỗi đau như thế. Có những nỗi đau từ trong chính mỗi gia đình.
Một thầy giáo người Mỹ gốc Việt hiện đang là giáo sư của Đại học Bates Hoa Kỳ kể cho tôi rằng, gia đình ông có hai người anh, một người theo sĩ quan Việt Nam cộng hòa, một người là sĩ quan biệt động. Cả hai lần nào về nhà cũng cãi nhau. Mẹ ông từng đấm ngực và khóc: “Dù ra ngoài chúng mày là ai thì chúng mày cũng đã từng uống bầu sữa này, cùng từng sinh ra từ nơi này. Chúng mày đều là con của tao”. Nỗi đau chiến tranh không chỉ đến từ sự chia rẽ mất mát từ hai phía mà đến từ trong mỗi gia đình. Giọt nước mắt của người mẹ là từ tận cùng nỗi đau ấy. Trong cuộc chiến, cả hai anh trai của vị giáo sư đều đã mất. Mẹ ông cũng đã mất mang theo nỗi đau của cuộc đời bà. Xa quê mấy chục năm trời, ngày trở về thăm quê, đứng bên mộ mẹ, bên gia đình người em còn ở Việt Nam, chứng kiến sự đổi mới của quê nhà, ông như thấy lòng mình lắng lại. Quê hương vẫn hiền hòa và bao dung chờ đón. Thế rồi hàng năm ông lại trở về, lại đau đáu với văn hóa Việt, đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất của Việt Nam để khám phá, nghiên cứu và tìm hiểu. Những công trình nghiên cứu của ông về áo tào thầy mo, mặt nạ giấy, mặt nạ gỗ, sách đồng cổ của Việt Nam được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học Mỹ. Ông đã cố gắng tận tâm đưa văn hóa của Việt Nam đến nước Mỹ xa xôi...
Tôi đã từng đọc đi đọc lại cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cuốn nhật ký được viết bởi một nữ bác sĩ anh hùng. Cuốn sách có số phận kỳ lạ, từng lưu lạc tận nước Mỹ, được hai anh em người Mỹ Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst nỗ lực trong tuyệt vọng đưa nó về với những người thân của chị với nỗi ân hận day dứt về cuộc chiến. Họ chỉ sợ khi họ mất đi, cuốn nhật ký ấy sẽ bị biến mất khỏi đời sống. Rằng sẽ không ai biết đến một nữ bác sĩ cộng sản anh hùng đã đến cuộc chiến, đã sống và hy sinh ra sao trong sự khâm phục kính trọng của những người từng là kẻ thù sát hại chị.
Tôi ngồi với James Rhosdes, một người Mỹ. Ông ấy là cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam. Lần đầu quay trở lại, ông không hỏi e dè, nghi ngại và lo sợ về một sự trả thù. Lẽ tất nhiên thôi bởi ông đã từng đến những làng xóm hiền lành của Việt Nam với vũ khí chết chóc, từng gây đổ máu tại những nơi này. Sau này vượt qua tâm lý e ngại ông thường sang Việt Nam nhiều lần và ở lại rất nhiều ngày.
Ông nói: “Sau khi tới Việt Nam, tôi mới hiểu rằng những gì mình chịu đựng quá nhỏ bé so với nỗi đau ghê gớm của hàng triệu người Việt Nam đang phải gánh chịu. Tôi đã viết nhiều bài báo ủng hộ các nạn nhân Việt Nam và đã xuất hiện nhiều lần trên các đài phát thanh toàn quốc ở Mỹ cất lên tiếng nói ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam.”
Những lần sau đó, sang Việt Nam, ông cùng vợ dạy học miễn phí trong một số trường đại học tại Việt Nam và luôn mong muốn dùng sức lực của mình trong những ngày còn lại cho đất nước nhỏ bé xinh đẹp mà ông đã từng cầm súng đến. Ông nói: “Tôi mong ước được làm việc cùng những nạn nân chất độc da cam của Việt Nam. Được chết và an táng bên những bạn bè ở Hà Nội. Được tham gia hoạt động để ngày càng nhiều người hiểu sự thật về Việt Nam và con người Việt Nam, để cho những người khác thực sự hiểu rằng sẽ là một món quà nếu được trải nghiệm tình hữu nghị của con người ở đó và được có mặt ở đất nước mà cuối cùng đã có được hòa bình sau nhiều thế kỷ xâm lược của nước ngoài.”
Những ngày ở lại, ông thực sự cảm mến đất nước, con người Việt Nam, ông học cách cầm đũa, học ăn các món Việt Nam, học và mong muốn được trở thành, được gắn bó với người Việt Nam hiền lành vị tha và nhân hậu.
Rất nhiều người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cũng như ông, họ đã đến, đã quay trở lại, đã tri ân những người Việt Nam vì đã vị tha và mở lòng đón họ. Họ đã thực sự cảm mến con người và đất nước Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Kinh qua mỗi cuộc chiến tranh đó, Việt Nam lại vươn dậy, dựng xây lại quê hương đàng hoàng, to đẹp hơn. Qua mỗi cuộc chiến tranh, tinh thần “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” càng được tỏa sáng. “Nhân nghĩa, chí nhân” để thu phục lòng người, “nhân nghĩa, chí nhân” để bỏ qua thù hận hướng tới một thế giới hòa bình với những điều tốt đẹp. Đó vừa là đạo lý, nhưng cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
James và các sinh viên Việt Nam
30/4/2020 - tròn 45 năm ngày Việt Nam hoàn thành sự nghiệp vẻ vang thống nhất đất nước sau 21 năm kháng chiến chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Biết bao mất mát hy sinh của cả dân tộc, bao con người ưu tú đã nằm lại chiến trường, bao gia đình ly tán, bao nỗi đau còn đến tận hôm nay. Nhưng sau những mất mát hy sinh ấy, bằng những nỗ lực phi thường, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ. Từ một nước đói ăn quanh năm với tỷ lệ người nghèo đói, thất học cao nhất thế giới, từ một đất nước mang trên mình đầy những vết thương chiến tranh cùng dấu tích đạn bom, Việt Nam đã trở thành một đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Các thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật và ngoại giao ngày càng tăng; tỷ lệ người nghèo đói thất nghiệp ngày càng giảm (tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%); trúng cử trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần tuyệt đối; trở thành Chủ tịch Asean với nhiều sáng kiến có giá trị.
Có được những thành tựu ấy, ngoài sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước và sự đồng lòng của toàn dân còn là ý chí và tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, một truyền thống quý báu là đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Đôi dòng sông Bến Hải đã được nối liền một dải, cây cầu Hiền Lương vươn mình kiêu hãnh bắc qua sông, hai người lính từ hai bên chiến tuyến đã cùng bắt tay gặp mặt. Cuộc sống như một dòng chảy không ngừng nghỉ mang đến cho con người những trải nghiệm quý giá, càng trải nghiệm càng nhận ra rằng, trên thế giới này, cái cuối cùng còn lại là những giá trị nhân văn, là lòng vị tha nhân nghĩa, là sự xóa bỏ hận thù để cùng phát triển.
Có một người lính già kể cho tôi nghe về cuộc sống của anh sau chiến tranh, hơn 60 tuổi vẫn trăn trở kiếm tìm đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường. Như bao bạn bè cùng thời chiến trận, từ giã cuộc chiến, anh trở về giảng đường đại học, học tập như các sinh viên khác. Anh tham gia Hội Cựu chiến binh, các hoạt động từ thiện, các hoạt động xã hội, nhất là những cuộc kiếm tìm đồng đội. Trong những hoạt động đó, anh gặp gỡ với nhiều người từng ở phía bên kia chiến tuyến. Khép lại sau lưng vòng hào quang chiến thắng, khép lại những hận thù chiến tranh, anh đã sống thanh thản, hào sảng và thành công hơn.
Năm nay Jams Rhosdes đã cao tuổi, ông không quay về Việt Nam thường xuyên, nhưng trong trái tim ông, hình ảnh đất nước Việt Nam hiền lành nhân hậu và dũng cảm luôn luôn ngự trị. Ông luôn thấy biết ơn đất nước này vì đã cho ông nhận ra giá trị của cuộc sống, vì đã đón nhận ông, cho ông cảm nhận rõ ý nghĩa của cuộc sống trong những năm tháng cuối đời.
Với tôi, càng tiếp xúc với nhiều người đã từng là chứng nhân một giai đoạn lịch sử, tôi càng cảm nhận rõ tính nhân văn của cuộc sống chính là xóa bỏ những định kiến, khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới tương lai vì một xã hội tiến bộ và thịnh vượng.
VŨ THỊ KIM HOA
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...