Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024
03:30 (GMT +7)

Kỹ năng sinh tồn

VNTN - Kỹ năng sống không còn là khái niệm xa lạ với chúng ta, ít nhất là trong khoảng chục năm trở lại đây. Nền giáo dục thiên về lý thuyết giáo điều như một cỗ xe già nua dò dẫm suốt hàng thế kỷ vì thế mà như được đổ dầu, thay máy. Trong trường, có môn Thực hành kỹ năng sống, ngoài trường có các “lò” luyện kỹ năng, và trong từng trang giáo án của giáo viên, dù có là khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn, xã hội, thì “mục tiêu về kỹ năng” cũng là yếu tố được nhấn mạnh hàng đầu.

Từ chỗ bị quên lãng, coi nhẹ, cuộc cải cách giáo dục mang tên Kỹ năng sống đã ào ạt tràn vào Việt Nam, rầm rộ như một cơn lốc. Các trung tâm gắn biển “Kỹ năng sống”, các tác giả viết sách “Kỹ năng sống” để thu hút phụ huynh, thậm chí, một số nhà trường, giáo dục kỹ năng sống cũng bị mượn tên để chỉ tất cả những hoạt động “ngoài lề” như thăm quan, ngoại khóa, thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật… Hệ quả là, sau vài năm phổ biến ở Việt Nam, giáo dục Kỹ năng sống đang trở thành một hũ “chè thập cẩm” với đầy đủ các gia vị hỗn tạp: nào luyện viết chữ đẹp, đi trên thủy tinh; diễn thuyết, tiếng Anh, luyện thanh, khiêu vũ; nào học nhẩm Toán nhanh, vẽ tranh trên cát…

Lướt qua mấy cuốn Kỹ năng sống bán ở hiệu sách hay video Bé học kỹ năng trên Youtube, thì những nội dung hoàn toàn thuộc về giáo dục thái độ, tư tưởng như thật thà, dũng cảm, nghị lực, nhân văn… cũng được gọi là “kỹ năng” tuốt. Mặt khác, thay bằng việc học kỹ năng để thích nghi, ứng phó với các tình huống và hoàn cảnh trong cuộc sống, nhiều bậc phụ huynh nhìn nhận nó như một môn năng khiếu để cho con em thi thố từ cấp nọ đến vòng kia, mang về huy chương và thể diện cho gia đình, trường học.

Giáo dục kỹ năng sống cần được nhìn lại đúng với bản chất của nó, với ý nghĩa là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi cho phép mỗi cá nhân đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày (theo WTO). Mặc dù, chưa có một sự phân loại nhất quán, song nhìn chung, các quan điểm đều khá đồng thuận trong việc xác định yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong các dạng thức kỹ năng sống là nhóm các kỹ năng gắn với nhu cầu sinh tồn. Ở đó, trẻ em (và cả người lớn) phải được học cách đối phó (về mặt tâm lý và hành vi) trước thảm họa như thoát hiểm khẩn cấp, sử dụng bản đồ, la bàn; sử dụng các phương tiện cứu hộ khẩn cấp, duy trì sự sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt… Điều này, các nước tiên tiến trên thế giới luôn ưu tiên dạy cho trẻ, trước khi học những con chữ đầu tiên, và nó được xem là cần thiết hơn bất cứ môn năng khiếu hay bài học lý thuyết nào. Ví như học sinh tiểu học ở Ba Lan có nhiều buổi học trên những đồi băng tuyết, trẻ mẫu giáo ở Đức được tập huấn kỹ càng cách đối phó với hỏa hoạn, khủng bố, nhiều quốc gia trên thế giới duy trì hình thức trải nghiệm độc đáo: cho trẻ em đến sống cùng cư dân khu ổ chuột, bên các bãi rác, với một lượng nước sạch hay thức ăn chỉ đủ duy trì nhu cầu sinh tồn tối thiểu; trải nghiệm cuộc sống ở rừng trong điều kiện mô phỏng một nhóm du khách lạc đường và mất đồ đạc… Tất cả đều nhằm mục đích đem đến cho người học những bài học thực sự để sẵn sàng đối phó với những bất trắc cuộc sống.

Ảnh minh họa

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, nơi những rủi do tỷ lệ thuận với sự phát triển. Câu chuyện về sự lộng hành của “bà Hỏa” những ngày qua là một minh chứng cho điều đó. Ngọn lửa đã giúp con người thoát khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ, gắn với sự hy sinh của người anh hùng Prômêtê, song ngọn lửa cũng là nguyên nhân của bao bi kịch trong suốt lịch sử loài người. Đi qua thời kỳ “nhà tranh vách nứa”, suốt một thời gian dài, hình ảnh “cháy nhà” hình như đã vắng bóng. Thế nhưng, ngày ngày, khi những dãy chung cư, những nhà cao ốc mọc lên giữa lòng thành phố như nấm sau mưa, khi con người sử dụng ngày càng nhiều các loại máy móc phát điện, phát lửa, thì “bà Hỏa” lại quay trở lại, như một nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Sống trong những nỗi bất an ấy, trước khi chờ sự “có trách nhiệm” của chủ đầu tư hay những đơn vị liên đới, mỗi người trước hết cần có trách nhiệm với chính mình, với bố mẹ già và con cái bằng các kỹ năng sinh tồn được trải nghiệm thường xuyên. Và những bài học kỹ năng ấy cần được nhìn nhận nghiêm túc, thực hiện “dài hơi”, thay cho việc đối phó nhất thời kiểu hôm qua có hỏa hoạn thì ngày mai mới nghĩ đến việc đi mua mặt nạ, thang dây, bởi cuộc sống hàng ngày, thảm họa không chỉ đến từ “thủy hỏa” hay là “đạo tặc”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước