Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:37 (GMT +7)

“Kính chẳng bõ phiền”

VNTN - Tôi có cậu bạn học cùng đại học, nay là giáo viên một học viện ở Hà Nội. Cách đây chưa lâu, bạn tôi gọi điện thông báo sắp lên dạy lớp cao học, hẹn ăn cơm với nhau, rồi hàn huyên một đêm cho bõ mấy chục năm xa cách.

Tôi đến chỗ bạn hẹn đã thấy dăm ba anh chị học trò (đều là cán bộ vừa học vừa làm) đã tề tựu bên mâm bát, còn một nhóm khác thì đánh xe con đi đón thầy giáo. Trong bữa ăn, họ cung kính gắp rót, xuýt xoa khen ngợi thầy, hỏi xem thầy có muốn đi hát, đi chơi sau khi ăn không?.

Bạn tôi cảm ơn nhiệt tình mọi người, nói rằng hơi mệt do đường xa, xin phép không đi chơi tiếp. Kỳ thực chúng tôi muốn có không gian riêng để tâm sự nên bạn tôi nói thế để “trốn” về thăm nhà tôi.

Vậy mà, ngồi ở nhà tôi chưa nóng chỗ, điện thoại của bạn réo liên tục:

-Thưa thầy, thầy đang ở đâu ạ, chúng em mời thầy đi mát-sa ạ.

-Mời thầy đi một vòng tham quan thành phố về ngủ cho ngon ạ.

-Nếu thầy không đi được thì thầy chỉ nhà, bọn em đến chơi với thầy một lúc thôi ạ.

Bạn tôi đành nói chỗ đang ngồi. Ít phút sau, mấy chiếc ô tô ùn ùn đỗ cổng nhà tôi, gần chục trò tuổi trên dưới 50 kéo vào. Họ nài nỉ mời thầy đi ngắm thành phố, ăn cháo đêm. Bạn tôi sau một hồi lý do lý trấu không được đành lên xe, nói nhỏ vào tai tôi:

-Người quê cậu nhiệt tình quá, thôi mình không nỡ làm họ buồn.

Tôi vẫn tin những cử chỉ, lời nói của học trò tại chức với thầy giáo xuất phát từ tấm chân tình nếu như không có một lần tôi nghe được những lời kêu ca phàn nàn của các trò về thầy.

-Thầy X. lên lớp có vài buổi đã mời đại diện lớp đi tiếp khách (của thầy). Tất nhiên là lớp phải đứng ra thanh toán.

-Cô Y, cô Z… ở ngay trong thành phố mà học trò phải đánh xe đến tận nhà đón đi, đưa về.

-Thầy D. ở tỉnh ngoài, mỗi học trình lên dạy trò phải bố trí xe đưa ô tô đón, có lần giữa tuần thầy có việc về nhà, lại thêm chuyến xe nữa.

Nghe họ nói, nhìn những cô cậu học trò không trẻ trung tất tả đưa đưa đón đón, đóng đóng góp góp, gọi điện đặt phòng khách sạn, chỗ ăn, phân công nhau tiếp thầy tiếp cô mới thấy con chữ thật nhọc nhằn.

Thẳng thắn mà xét, cả thầy và trò đều là cán bộ, công chức, đều đi làm để ăn lương nhà nước. Vậy thì cớ sao thầy còn tranh thủ “thăn” thêm tiền đi lại, tiền ăn, tiền ngủ của trò? Cớ sao trò phải xun xun xoe xoe, mời mọc thầy cô bữa đón, bữa tiễn, đi hát, đi chơi?

Ngẫm cho cùng, đó là cái vòng luẩn quẩn. Khóa này chiều chuộng, quà cáp, đưa đón thầy cô, khóa sau cũng phải “noi gương” các anh các chị. Cứ thế lâu ngày, nhiều thầy nhiều cô mặc nhiên coi đó là tiêu chuẩn, mặc nhiên hưởng thụ, thậm chí đòi hỏi.

Các cụ có câu “kính chẳng bõ phiền”. Trong hoàn cảnh này, cái sự trọng vọng thái quá của trò nhiều khi làm phiền thầy cô. Ngược lại, chấp nhận một số cái “kính” bất thành văn khác (như trên đã nói) thì thầy cô lại làm phiền trò.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhưng sự tôn trọng ấy phải thật lòng và xứng đáng. Tôi bỗng giật mình nghe nhận xét của một học trò:

-Trước mình ngưỡng mộ thầy X, cô Y, cô Z… lắm, nhưng giờ thấy họ thật là ... Câu nói bỏ lửng nhưng ai cũng hiểu.

Hỡi các thầy cô đi dạy tại chức, xin đừng làm phiền học trò thêm nữa, họ đã có rất nhiều áp lực; hỡi các trò, xin đừng tự đặt ra lệ xấu trói buộc mình; hỡi các trường, hãy xiết chặt quản lý, đừng coi đó là chuyện “nhạy cảm” mà né tránh.

 

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước