
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Suốt chiều dài phát triển, kiến trúc là nghệ thuật phản chiếu lịch sử nhân loại. Qua kiến trúc ta có thể cảm nhận, đánh giá được trình độ thẩm mỹ, mức độ phát triển văn hóa, chính trị, xã hội… của một vùng đất, một quốc gia, thậm chí của cả một dân tộc.
Do đặc thù, ngoài chức năng đáp ứng công năng phục vụ quá trình sống con người, sản phẩm của xây dựng mà cụ thể là các vật thể như: công trình giao thông, công trình công cộng, công trình nhà ở v.v… còn có đặc tính mang tính nghệ thuật, đó là nghệ thuật về thị giác mà ta gọi là kiến trúc. Một công trình xây dựng có tính nghệ thuật cao sẽ tạo tâm lý tốt cho con người, đôi khi còn là nghệ thuật dẫn hướng cho một bộ môn nghệ thuật khác. Kiến trúc tốt định hướng cho một phong cách sống, góp phần tạo ra một sản phẩm văn hóa mang tính giáo dục. Tác phẩm kiến trúc nhiều khi còn là tiền đề tạo ra sức khỏe, là nơi chốn tạo ra tình cảm cho con người trong quá trình sống.
Kiến trúc tân cổ điển trong dòng chảy đời sống
Những đền đài cổ xưa Angkor của người Campuchia, Kim tự tháp của người Inca, Kim tự tháp của Ai Cập… thời kỳ La Mã, Hy Lạp cổ đại với những kiến trúc đặc trưng như đền Pactenong, đấu trường La Mã… của thời kỳ phục hưng phương Tây với hàng trăm công trình tồn tại cho đến ngày nay, là những bằng chứng vĩ đại của sự phát triển văn hóa suốt chiều dài lịch sử. Những công trình đó là sự thăng hoa và là thước đo mẫu mực về đỉnh cao cái đẹp của kiến trúc. Đã có những thời điểm tưởng chừng con người khó mà tạo ra được những kiến trúc đẹp hơn thế. Ngày nay, những vật liệu, công nghệ kỹ thuật xây dựng mới ngoài đặc tính thương phẩm sản phẩm xây dựng kiến trúc đã tạo nên ngôn ngữ mới của nghệ thuật kiến trúc - đó là “kiến trúc hiện đại”. Vật liệu, công nghệ cùng kỹ thuật xây dựng mới đã thúc đẩy tốc độ xây dựng và tạo ra những hình thái mới về kiến trúc trong quá trình phát triển, đáp ứng những yêu cầu cao về tổ chức không gian, đặc biệt là không gian lớn, kết cấu bền vững. Thông qua việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới và kỹ thuật xây dựng mới, con người cũng đã khẳng định sự phát triển của trí tuệ, đặc biệt khi chúng ta bước vào kỷ nguyên của kỹ thuật số, thời đại của công nghệ 4.0, vẻ đẹp của kiến trúc hiện đại đã được khẳng định.
Nhà thờ Đức Bà - một công trình kiến trúc Pháp nổi bật nhất ở Sài Gòn. Nguồn: Internet
Hình ảnh những đô thị phủ khắp trên hành tinh, nhiều công trình hiện đại được xây dựng bằng công nghệ, vật liệu và kỹ thuật xây dựng mới đã là biểu tượng của nhiều đô thị và là niềm tự hào của nhiều quốc gia sở hữu công trình. Rất nhiều ví dụ đã minh chứng điều đó như: Tháp Eiffel (Pháp), nhà hát Opera Sidney (Úc), tháp 101 (Đài Loan), tháp đôi Petronas (Malaysia)… Thông qua kiến trúc hiện đại con người đã khẳng định được mình về kiến trúc và tự hào về nó. Kiến trúc hiện đại đã góp phần chuyển hóa tư duy về thẩm mỹ của xã hội và ta có thể khẳng định rằng “kiến trúc hiện đại” là xu thế phát triển tất yếu của nghệ thuật kiến trúc đương đại.
Các bộ môn nghệ thuật trong đó có kiến trúc là sự khám phá, tích tụ, phát huy, đổi mới…, đôi khi nó cũng biểu hiện của sự hoài niệm bởi một góc nhìn mới. Chính vì vậy, cái đẹp của kiến trúc cổ điển phương Tây, kiến trúc Phục hưng, biểu hiện của cái đẹp kiến trúc một thời đã có lúc bị lãng quên, bị kiến trúc hiện đại lấn át đang có xu hướng quay trở lại. Nó có nhiều tên gọi: Kiến trúc tân cổ điển, cổ điển cách tân, cổ điển mới… Là tên gì thì đây cũng là kiến trúc được xây dựng với công nghệ, vật liệu, kỹ thuật mới và sử dụng ngôn ngữ, những hình thức cổ điển phương Tây với đặc trưng là những ô cửa, diềm mái, đầu cột… Sự vận dụng kiến trúc này nhiều khi phụ thuộc vào ý chí của chủ đầu tư và trình độ của người thiết kế. Thực tế cho thấy, kiến trúc lựa chọn hình thức này nếu không tuân thủ sự nghiêm luật về tỷ lệ về bố cục không gian của kiến trúc cổ điển phương Tây, sẽ không nhiều thành công, thậm chí còn tạo ra hiệu ứng ngược của cái “đẹp”, tức là tạo nên cái “xấu” cho kiến trúc đô thị.
Hình ảnh ấy có thể nói là tràn khắp Việt Nam, ví như ở dãy phố Đồng Kỵ, Ninh Hiệp (Bắc Ninh), nhiều trụ sở cơ quan công quyền, công trình công cộng ở nhiều địa phương khác cũng đã minh chứng một thực tế: kiến trúc Việt Nam khi kinh tế - xây dựng đi lên, nhưng thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng, xã hội có dấu hiệu phần nào đi xuống. Cũng có những thành công nhất định của một số công trình “tân cổ điển” ở Việt Nam khi nó mọc trong phố cũ, trong đô thị cũ hoặc ở những vị trí thích hợp, trong những đô thị mới. Cái đẹp của kiến trúc “cổ điển” cũng đã tạo nên sự hài hòa, sự thú vị và đặc biệt tạo ra sự “sang trọng” vốn có của kiến trúc cổ điển phương Tây. Sự thành công xuất phát từ năng lực tài chính của chủ đầu tư, sự hiểu biết thẩm mỹ kiến trúc của chủ đầu tư và trình độ của người thiết kế, đi cùng đó là các yếu tố về vị trí không gian, hình khối đến chi tiết kiến trúc lựa chọn, kỹ thuật thi công, vật liệu xây dựng, thậm chí việc lựa chọn thợ phải chuyên nghiệp để thực hiện tác phẩm. Nếu hội tụ đủ những yếu tố ấy, kiến trúc “tân cổ điển” sẽ thành công.
Sự đô hộ của thực dân Pháp đã để lại dấu ấn mạnh về kiến trúc cả về quy hoạch đô thị, kiến trúc công trình trải dài theo đất nước. Nằm trong dòng chảy chung của kinh tế văn hóa phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, kiến trúc Pháp thời kỳ này có những biểu hiện: xu hướng phục cổ bao gồm xu hướng Phục hưng cổ điển, mà đặc trưng là các kiến trúc cổ điển của La Mã, Hy Lạp và xu hướng theo chủ nghĩa lãng mạn; xu hướng theo chủ nghĩa chiết trung dựa trên nền tảng kỹ thuật xây dựng cổ điển và pha trộn các yếu tố mới; xu hướng kỹ thuật mới dựa trên nền tảng của kỹ thuật mới (bê tông, kính, thép…).
Xuất phát từ các xu hướng kiến trúc ở Pháp cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX có khai thác các yếu tố bản địa phương Đông, kiến trúc Pháp xây dựng tại Việt Nam đã để lại một di sản mà ngày nay chúng ta gọi chung là “kiến trúc Pháp”, nó nằm rải rác trong các đô thị ở Việt Nam, tập trung cao độ ở khu 36 phố phường Hà Nội. Đến nay chúng ta cũng đã xác định đây là quỹ di sản về kiến trúc của Việt Nam.
Dấu ấn “tân cổ điển” ở Thái Nguyên
Kiến trúc Thái Nguyên trước những năm 60 thế kỷ XX để lại không nhiều, còn lại đó là hình ảnh kiến trúc làng xã tập trung chủ yếu ở phía nam tỉnh, ở huyện Phổ Yên và huyện Phú Bình… Đây là hình ảnh kiến trúc mang đặc trưng của kiến trúc Việt gắn liền với nền văn minh lúa nước và cùng với đó là hình ảnh ngôi nhà sàn, đặc trưng của văn hóa đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc tập trung chủ yếu ở các huyện phía bắc tỉnh, nhưng nó cũng lùi dần do cấu trúc xã hội đang chuyển dịch theo hướng đô thị hóa. Đặc trưng kiến trúc Pháp chủ yếu tập trung ở thành phố Thái Nguyên với những công trình: Trại lính khố xanh, trường con gái, nhà công sứ… đã bị đập bỏ với mục tiêu tiêu thổ kháng chiến. Công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những năm 1960 đã để lại cho Thái Nguyên với vai trò vị thế thủ phủ khu tự trị Việt Bắc, di sản kiến trúc tuy không nhiều nhưng với Bảo tàng Việt Bắc, Trụ sở Tỉnh ủy… cũng đủ để ghi lại dấu ấn một thời kỳ.
Bến xe cũ Thái Nguyên được xây dựng thành khu Vincom bằng ngôn ngữ “tân cổ điển”
Công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay đã tạo động lực mới cho phát triển xây dựng kiến trúc. Kiến trúc có cơ hội phát triển, do nhiều yếu tố (tập quán, nhận thức, trình độ, khả năng tài chính, điều kiện sống, quy hoạch…), nhiều xu hướng kiến trúc hình thành phát triển và cũng nhanh chóng mất đi. Đã có lúc công trình nào chúng ta cũng mảng miếng đá rửa, rồi nhà ống lệch tầng, rồi bắt theo kiến trúc cổ điển bằng con sứ, phào cột… Quá trình ấy cũng là một sự sàng lọc lưu giữ và đào thải, nó đi cùng với quá trình phát triển gia tăng quỹ đô thị, quỹ xây dựng công trình kiến trúc. Quá trình ấy cũng đi liền với sự gia tăng mức đầu tư, sự đa dạng của vật liệu, công nghệ, kỹ thuật xây dựng mới cùng với nhận thức của chủ đầu tư, trình độ của người thiết kế. Nhiều công trình giải pháp “tân cổ điển” với những điều kiện về vị trí, không gian và các điều kiện khác phù hợp đã mọc lên ở Thái Nguyên cũng đã khẳng định được xu thế này là xu thế kiến trúc phát triển tất yếu, dù ta muốn hay không, có những thành công ví dụ như: Nhà hàng Việt Phượng, Đông Á Plaza, trụ sở Công ty BCD, Khu Vincom Thái Nguyên…
Cái đẹp trong kiến trúc dần được chắt lọc, lưu lại là sự lựa chọn với không gian ở, làm việc, sinh hoạt với tập quán hiện đại, khai thác những ngôn ngữ và chi tiết của kiến trúc cổ điển được đặt vào vị trí, không gian phù hợp, cùng với tâm huyết của chủ đầu tư, năng lực của nhà thiết kế, trình độ kỹ thuật thi công cao thì kiến trúc “tân cổ điển” sẽ đồng hành cùng với “kiến trúc hiện đại”; góp phần tạo cho đô thị Thái Nguyên ngày càng khang trang, hấp dẫn và có bản sắc.
KTS. Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...