Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
02:26 (GMT +7)

Khuyết thiếu trong giáo dục giá trị sống – không còn là cảnh báo

VNTN - Những ngày vừa qua, liên tiếp những câu chuyện đau lòng diễn ra khi có các trường hợp đang tuổi mười tám đôi mươi lựa chọn tìm đến cái chết. Cùng với sự mất mát, nỗi đau đớn của người thân, gia đình thì những câu chuyện này có thể còn là đầu mối dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp tiếp theo khi nó sẽ tác động đến tâm lí, suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Rõ ràng, giáo dục giá trị sống cho học sinh vừa là đòi hỏi khẩn thiết, vừa là vấn đề mang tính nền tảng, lâu dài.

Chỉ trong ít ngày vừa qua, một số trường học phải đón nhận những chuyện thương tâm với học sinh của mình. Tại Bắc Kạn, trưa ngày 29/3, học sinh T.V.H (16 tuổi) thắt cổ tự vẫn trong ký túc xá. Trước khi xảy ra sự việc, sáng cùng ngày, em H. vẫn đến lớp nhưng xin nghỉ về phòng trước, đồng thời có nhắn tin với nội dung xin lỗi bố. Ngay sau đó chỉ một ngày, tối 30/3, tại Thái Nguyên, học sinh N.V.D (19 tuổi) cũng treo cổ tự vẫn trong ký túc xá của một trường chuyên nghiệp. Theo người thân của em D. cho biết, gần đây em có gặp trục trặc trong chuyện tình yêu.

 

 

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, có những điểm chung ở hai câu chuyện này khi các nạn nhân đều đang ở độ tuổi giai đoạn chuẩn bị trưởng thành, đều ở nội trú (có sự tách biệt tương đối với gia đình), đều là những người học tập khá tốt và có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, không nghịch ngợm quấy phá hoặc có hành vi kiểu “nổi loạn”. Khi những sự việc này xảy ra, gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và những người xung quanh của các nạn nhân đều không khỏi bàng hoàng, choáng váng.

Những câu chuyện đau lòng trên đặt chúng ta trước câu hỏi: Hẳn đây không phải chỉ là một sự ngẫu nhiên, mà đằng sau đó còn là những vấn đề mang tính căn nguyên trong tâm lí, hành vi, trong việc xác định và lựa chọn giá trị sống đối với những người ở độ tuổi thanh thiếu niên?

 

Cần đầu tư bài bản cho hoạt động tư vấn tâm lí học đường. Nguồn: Internet

Giáo dục giá trị sống là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh THPT - những bạn trẻ đang ở giai đoạn tích lũy kĩ năng, chuẩn bị bước vào cuộc sống tự lập. Nhận thức về giá trị sống sẽ giúp các em định hướng được cho mình lối sống, ứng xử, hành vi, lựa chọn. Trong bối cảnh đời sống hiện đại, việc đón nhận nhiều nguồn thông tin giúp các em được tiếp cận với nhiều quan điểm. Bên cạnh mặt tích cực thì đây cũng là đầu mối dẫn đến nguy cơ các em rơi vào lối sống cá nhân vị kỷ, thiếu ý chí, mất kiểm soát cảm xúc, hành vi. Nếu không có sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ và thầy cô giáo, vấn đề sẽ dễ bị đẩy đi xa hơn những gì người lớn hình dung. Những câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được lắng nghe sẽ trở thành chuyện lớn, những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không được giải quyết sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng. Cùng với đó, những rắc rối tự thân mang đặc thù lứa tuổi và những áp lực, bất ổn từ phía gia đình hay từ các mối quan hệ xã hội cũng có xu hướng ngày càng gia tăng khiến các em đối mặt với thách thức thực sự trong đời sống tinh thần.

 

...................................................................................

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (bắt đầu với lớp 1, năm học 2020 - 2021), nội dung “Tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục” sẽ được dành cho học sinh THPT, với mục tiêu nhằm giúp các em nâng cao hiểu biết về bản thân, gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn.

Hoạt động này gồm các mức độ: Phòng ngừa, tư vấn, can thiệp. Các nội dung chủ yếu gồm: Học tập và hướng nghiệp (hiểu mình và chọn đúng nghề; tự học và tự chủ…); Quan hệ - giao tiếp (tình bạn và tình yêu; làm bạn với cha mẹ; ứng xử trên không gian mạng…); Kỹ năng xã hội (kiểm soát cảm xúc; ứng phó với bắt nạt; quản lí cảm xúc tiêu cực…); Sự phát triển bản thân (tự khẳng định bản thân; hình ảnh bản thân; sức khỏe sinh sản vị thành niên…).

...................................................................................

Là một chuyên gia nghiên cứu về tâm lí học nhiều năm, đồng thời hiện vẫn đang triển khai nhiều chương trình tư vấn tâm lí tại các trường học, PGS.TS Phùng Thị Hằng (nguyên Trưởng khoa Tâm lí - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, Đại học Thái Nguyên) cho rằng vấn đề giáo dục giá trị sống cho học sinh cần có sự nhìn nhận nghiêm túc từ nhiều khía cạnh: đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, môi trường sống, những tác động giáo dục...; đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm giữa gia đình - nhà trường - xã hội.

“Bên cạnh tính tích cực cá nhân, các em cần được giáo dục để chuẩn bị hành trang cần thiết cho sự phát triển toàn diện về nhân cách như nhận thức, tình cảm, ý chí… Trong đó, cần chú trọng đến vấn đề xác định giá trị, lựa chọn phương thức ứng xử tích cực trong tình bạn, tình yêu, vì đây là những vấn đề tác động rất lớn đến cảm xúc, suy nghĩ, khả năng tự kiểm soát bản thân ở độ tuổi học sinh THPT. Sự can ngăn, níu kéo không phải cách giải quyết từ gốc, mà vấn đề là các bạn trẻ phải được trang bị về kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp; phải có khả năng tự nhận thức, tự định hướng và lựa chọn giá trị đúng đắn” - PGS.TS Phùng Thị Hằng trao đổi.

Cái chết không phải trả tiền, nhưng nó phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. Khi chúng ta nói với nhau điều này, nhiều sinh mệnh tuổi trẻ đã ra đi mãi mãi. Khi chúng ta nói với nhau điều này, còn bao nhiêu bạn trẻ đang gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần và đang âm thầm vật lộn với những thử thách đau đớn trong lòng?

Khuyết thiếu trong giáo dục giá trị sống không còn dừng lại như là một cảnh báo nữa, mà thực sự đang là vấn đề khẩn thiết, với những câu chuyện thương tâm đã xảy ra, những mất mát không bù đắp được, những sai lầm không thể sửa chữa.

Thanh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy