Không phát hiện tham nhũng: Mừng hay lo?
VNTN - Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trên địa bàn năm 2016 với những số 0 tròn trĩnh đã tạo bất ngờ và để lại đôi chút suy tư cho những ai quan tâm. Nhiều người tiếp nhận thông tin trên với hai thái cực cảm xúc khác nhau - mừng và lo. Mừng vì có lẽ xã hội đã trong sạch hơn, tham nhũng dần bị đẩy lùi, nhưng lo vì phải chăng khả năng phát hiện, tố giác tội phạm tham nhũng còn hạn chế. Và thực tế, dư luận xã hội có vẻ đang nghiêng về cảm giác lo ngại nhiều hơn.
Thông tin từ cơ quan tham mưu phòng, chống tham nhũng của tỉnh cho thấy, năm 2016, qua các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và qua điều tra của các cơ quan chức năng đều không phát hiện trường hợp nào tham nhũng. Cũng đã có một số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm như vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của một số cán bộ thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế - Chi nhánh Thái Nguyên; vụ tham ô tài sản của cán bộ Trường THCS Cổ Lũng, huyện Phú Lương; vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng; vụ lợi dụng quyền hạn trong thi hành công vụ tại UBND xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, những vụ việc này đều được phát hiện từ những năm trước.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp công dân không sách nhiễu, phiền hà là điều rất cần
trong thực hiện công tác phòng, ngừa tham nhũng.
Xét ở khía cạnh tích cực, trong năm nay các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức quy định về công khai, minh bạch và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách trên các lĩnh vực phí, lệ phí và các khoản thu hoạt động sự nghiệp. Triển khai rộng rãi những yêu cầu về việc cán bộ, công chức, viên chức không nhận quà và nộp lại quà tặng không đúng quy định; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại những vị trí nhạy cảm; tiến hành kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của cán bộ; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản, đổi mới công nghệ quản lý thanh toán…
Tuy vậy, điều đáng nói là kết quả thu được chưa như mong muốn. Ở một chừng mực nào đó kết quả này có thể là thành tích, nhưng cũng gần như khẳng định rằng chưa phản ánh đúng thực tế.
Ví dụ như việc không phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhận quà tặng và nộp lại quà tặng theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Thoạt nghe thấy đây là kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng ngẫm lại thấy chưa thật sự thuyết phục. Việc cho, tặng, biếu quà khi cần cầu cạnh việc gì hoặc để vụ lợi cho tổ chức, cá nhân hiện đang rất phổ biến, nên mặc dù chưa phát hiện và công khai trường hợp nào, song dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi kết quả này. Đây là chỉ số khá trừu tượng và khó có con số thực vì thiếu chế tài giám sát và lực lượng giám sát. Cho nên gần như năm nào danh mục này trong báo cáo của các địa phương đều không đưa ra được con số cụ thể.
Tương tự, việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng không phát hiện trường hợp sai phạm, hoặc kê không đúng, không đủ. Toàn tỉnh có gần 9.000 người trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng kết quả không một trường hợp nào phải xác minh, giải trình bản kê khai do kê thiếu hoặc không rõ ràng. Hơn nữa, việc truy nguyên nguồn gốc xuất xứ tài sản, thu nhập đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường cũng gần như chưa bao giờ được thực hiện.
Dư luận cũng cho rằng, việc công khai bản kê khai thu nhập, tài sản của cá nhân qua hình thức niêm yết và qua hình thức công bố tại các cuộc họp theo quy định còn rất ít, nhiều nơi không triển khai thực hiện. Gần như các trường hợp kê khai xong đều cất vào hồ sơ mà ít khi mang ra công khai cho mọi người được biết. Bởi vậy, báo cáo kết quả thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của tỉnh cũng chỉ rõ: Công tác minh bạch tài sản, thu nhập của một số đơn vị trong tỉnh còn mang tính hình thức. Kế hoạch kê khai không chỉ rõ trình tự kê khai, thời gian giao nhận kê khai và công khai bản kê khai; kê khai không đúng, đủ nội dung theo mẫu.
Một trường hợp khác, việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng không được xét đến với lý do mặc định là không phát hiện trường hợp tham nhũng. Đó là điều đương nhiên vì thường người đứng đầu sẽ tìm cách bao che, dung túng cho các đối tượng tham nhũng hoặc giả cùng tham gia vào đường dây tham nhũng nên sẽ trốn tránh trách nhiệm.
Mặc dù không phát hiện trường hợp tham nhũng mới nào trong năm thông qua điều tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, song qua một số vụ việc truy tố xét xử, UBND tỉnh đánh giá, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn xảy ra trên địa bàn. Các đối tượng phạm tội chủ yếu là lợi dụng kẽ hở pháp luật trong quản lý kinh tế, thiếu kiểm tra giám sát của đơn vị chủ quản. Việc khó phát hiện, đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng một phần là do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa tạo được dư luận mạnh mẽ trong xã hội để phê phán, lên án, tố cáo những hành vi tham nhũng. Chế tài bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng còn mơ hồ, chưa đủ tin cậy, an toàn, không khuyến khích được mọi người tham gia tố giác. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức còn yếu, chưa dám đấu tranh, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, thể chế quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở dễ bị lợi dụng. Vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai, minh bạch những vấn đề liên quan đến tài chính, cán bộ dẫn đến tham nhũng. Tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hách dịch trong thi hành công vụ nhằm nhận đút lót vẫn còn diễn ra ở một số nơi…
Theo nhận định chuyên môn, tình hình tham nhũng vẫn có thể xảy ra ở nhiều nơi và có chiều hướng gia tăng do hiểu biết của người dân còn hạn chế, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nên nhiều khi biết đang tiếp tay cho tham nhũng mà vẫn chấp nhận vì muốn công việc của mình được giải quyết thuận lợi. Các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng, tài chính… thường có thể xảy ra tham nhũng. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng luôn phải được tăng cường, chú trọng hơn nữa. Trong đó, vai trò, thông tin tố giác của người dân là rất quan trọng, cần phải được phát huy tối đa nhằm sớm phát hiện, phòng ngừa tham nhũng.
Nguyễn Nguyễn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...