Không còn chỗ cho người trây ỳ, dựa dẫm
VNTN - Những ngày gần đây, câu chuyện bỏ biên chế suốt đời đối với đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang được quan tâm, bàn luận. Đây là việc làm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2020.
Lâu nay, chúng ta đã quen với cụm từ “cán bộ nhà nước” chỉ những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Đội ngũ này được nhà nước “nuôi” bằng cách trả lương tháng. Trong thời gian làm việc, nếu không mắc khuyết điểm trầm trọng thì yên tâm ngồi ghế, đến kỳ hạn được nâng lương, đủ tuổi được nghỉ hưu. Ở một số cơ quan, suất biên chế quý hóa có thể trao truyền cho con cái “thế chỗ” như một tiêu chuẩn ưu tiên bất thành văn.
Trước ngày 1/7/2020, viên chức sau khi trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng làm việc từ 12 - 36 tháng. Khi hết hạn hợp đồng này, viên chức sẽ được xét chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, còn gọi là “vào biên chế”, từ đó họ được đảm bảo việc làm thường xuyên, nhà nước trả lương thưởng ổn định, cùng các chính sách đãi ngộ khác đến khi họ hết tuổi lao động thì được lĩnh lương hưu.
Lợi ích do biên chế mang lại tạo sức hút đặc biệt của đơn vị sự nghiệp công lập. Dù lương tháng không cao, nhưng mục tiêu của đại đa số người trẻ khi lựa chọn nơi làm việc là trở thành “người nhà nước”. Báo chí từng phản ánh nhiều chuyện tiêu cực như đút lót, chạy chọt để chiếm được suất biên chế. Rồi tình trạng lãnh đạo gửi gắm, dắt díu con cái họ hàng ngồi kín chỗ trong cơ quan khiến những người có năng lực nhưng không có “quan hệ” đành ở ngoài. Số lượng viên chức trong biên chế vì thế ngày càng đông khiến ngân sách quá tải, bộ máy nhà nước đồ sộ nhưng kém hiệu quả.
Cũng do những giá trị bền vững biên chế mang lại mà nảy sinh tư tưởng ỳ trệ trong đội ngũ viên chức khi đã “ấm chân”. Không ít người “sáng cắp ô đi tối cắp về”, biến cơ quan thành chỗ “ngồi chơi xơi nước”. Và để sống được với đồng lương ít ỏi, người ta kiếm việc làm thêm, “chân trong dài hơn chân ngoài”, thậm chí sách nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để vơ vét làm giàu cá nhân.
Thái độ sống “dĩ hòa vi quý” ngại đấu tranh, ngại va chạm; tác phong đủng đỉnh “sớm không vừa trưa không vội”… tạo nên góc nhìn không đẹp về “người nhà nước”. Để tinh giản biên chế, làm mạnh đội ngũ, từ 1/7 năm nay, viên chức sẽ được ký hợp đồng lao động thời hạn 12 - 60 tháng, hết thời hạn trên lãnh đạo đơn vị sẽ xem xét có ký lại hay không. Trong Luật Viên chức sửa đổi nêu rõ: Trường hợp còn nhu cầu về vị trí việc làm và viên chức được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì phải tiếp tục ký hợp đồng với viên chức đó, không được chấm dứt hợp đồng với viên chức đó để tuyển một nhân sự khác. Như vậy, sẽ không còn hợp đồng vô thời hạn (biên chế), xóa bỏ quan điểm cứ vào được nhà nước là ổn định hoàn toàn.
Dù đã có thời gian chuẩn bị nhưng khi chính sách đi vào thực hiện vẫn còn nhiều băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng người lao động sẽ không yên tâm công tác vì “nơm nớp” lo có được ký hợp đồng tiếp hay không? Hoặc có thể bị “sếp” thù ghét cá nhân mà sa thải bất cứ lúc nào?…
Tuy nhiên, nhìn góc độ khác, đây là giải pháp chọn lọc tự nhiên mang lại nhiều lợi ích: để tiếp tục làm việc, viên chức phải luôn tự nâng cao mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; người giàu năng lực có “đất” để thể hiện và phấn đấu, người yếu kém sẽ bị gạt khỏi bộ máy; xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng; xóa bỏ cơ chế xin - cho suất biên chế; lấy lại tư thế đàng hoàng chĩnh chạc cho đội ngũ công chức, viên chức.
Khi số người hưởng lương từ ngân sách ít đi, nhà nước có điều kiện chăm lo tốt hơn cho những người còn trong biên chế. Cơ quan, đơn vị trả lương theo vị trí việc làm, khuyến khích người làm việc tốt, từ đó xã hội được hưởng những dịch vụ tốt hơn.
Việc xóa bỏ biên chế suốt đời sẽ là cú “sốc” đối với những ai yếu năng lực, thích sống bao bọc, dựa dẫm, nhưng sẽ là cơ hội với phần lớn người trẻ đang khát khao làm giàu và cống hiến. Họ hiểu rằng, không chỉ làm việc trong môi trường kinh doanh hay doanh nghiệp nước ngoài mới phải phấn đấu và cho thu nhập cao, mà ngay cả khi là viên chức nhà nước cũng cần giỏi và sẽ có thu nhập xứng đáng.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...