Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025
13:58 (GMT +7)

Không cần hành động… trên giấy

VNTN - "Sông Cầu đang giãy chết”, “Bệnh đã tìm ra sao không cấp cứu?”, “Người dân không cần hành động trên giấy”… là những cụm từ xuất hiện nhiều trên báo chí những ngày gần đây, phản ánh tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu đã ở mức cực kỳ nguy hiểm, rất cần các giải pháp cấp thiết để cứu dòng sông.

Sông Cầu còn có tên là sông Như Nguyệt. Trên dòng sông lịch sử này, năm 1077, quân đội nhà Lý do danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đã đánh bại đội quân xâm lược của nhà Tống gồm 300.000 quân do Quách Quỳ chỉ huy. Sông Cầu còn có tên thơ là “Dòng sông quan họ”, vì chảy qua tỉnh Bắc Ninh, vùng quan họ nổi tiếng cả nước. Trên dòng sông hiền hòa này, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức những chương trình “Quan họ trên thuyền” đặc sắc. Các liền anh liền chị hát quan họ trên những chiếc thuyền bồng bềnh, tạo nên khung cảnh lãng mạn và độc đáo.

Bắt nguồn từ đỉnh núi Phja Bjooc cao 1.578 m của dãy Văn Ôn, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, sau nhiều lần đổi hướng, hợp lưu, làm nên dòng sông Cầu có chiều dài 290 km; chảy qua các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Nội; là một trong 5 dòng sông dài nhất miền bắc Việt Nam (sông Đà, sông Lô, sông Đáy, sông Hồng).

Khó có thể kể hết có bao nhiêu bài báo, tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp, ý nghĩa văn hóa, du lịch của dòng sông; cũng khó tính đếm được hết những giá trị kinh tế mà sông Cầu đã mang lại cho con người từ xưa đến nay.

Hưởng lợi từ dòng sông nhiều như vậy, nhưng con người chưa làm gì nhiều trả ơn dòng sông, mà chỉ quan tâm khai thác, bòn rút, thậm chí “bức tử” dòng sông này, đến mức đẩy sông vào tình trạng “giãy chết” như hiện nay. Theo thông tin đưa lên mặt báo thì từ đầu năm 2018 đến nay, trên vùng hạ lưu sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, nước sông thường xuyên có mầu đen, mùi hôi thối, cá chết hàng loạt. Thủ phạm chính làm ô nhiễm tăng cao được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang xác định là do hoạt động xả thải từ dòng Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh.

Dòng Ngũ Huyện Khê bắt nguồn từ huyện Đông Anh (Hà Nội), chảy qua địa phận thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh) và đổ ra sông Cầu trên địa phận thành phố Bắc Ninh. Bên dòng Ngũ Huyện Khê có làng nghề làm giấy thủ công Phong Khê, có 2 khu công nghiệp với 200 doanh nghiệp sản xuất giấy, nước thải và rác xả thẳng ra sông khiến mặt nước đen kịt, tanh ngòm. Người dân ở đây gọi đoạn sông này là “sông chết”, “sông đau khổ”.

Điều đáng nói là tình trạng ô nhiễm này người dân đã kêu cứu từ hàng chục năm nay và các tỉnh đã có động thái bảo vệ dòng sông. Cụ thể, ngày 23 tháng 6 năm 2011, tại Thành phố Bắc Giang đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 6 tỉnh (thuộc Đề án sông Cầu) để ký "Thỏa ước về hợp tác bảo vệ và khai thác bền vững sông Cầu và lưu vực sông Cầu". Thế nhưng, nước sông Cầu tiếp tục giảm chất lượng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại địa phận tỉnh Bắc Giang, nếu như năm 2016 xảy ra 1 lần cá chết hàng loạt, năm 2017 xảy ra 4 lần, thì từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra 9 lần cá chết nổi trắng mặt sông. Nguyên nhân vẫn là do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tại cống tiêu Đặng Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh.

Tình trạng ì trệ, chậm chạp đưa ra giải pháp cụ thể để cứu dòng sông, cứu cuộc sống của người dân khiến dư luận hết sức bức xúc. Họ cho rằng các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí bao che cho hoạt động xả thải trái phép nhiều năm nay.

Thẳng thắn nhìn nhận, nước sông Cầu bị ô nhiễm không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà trên toàn tuyến. Trong bài “Sông Cầu - Huyết mạch quan trọng của Thành phố Thái Nguyên” đăng trên Tạp chí kiến trúc của Hội kiến trúc sư Việt Nam, số 9-2017, kiến trúc sư Bùi Quang Hưng nhận xét: Dòng sông chảy qua thành phố Thái Nguyên đang bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp ở đầu nguồn nước; các khu dân cư ven sông xả thẳng phân gio, nước thải, rác thải sinh hoạt ra sông gây ra nhiều khí, mùi khó chịu và làm ô nhiễm môi trường chung của khu vực. Nhìn chung, Thái Nguyên chưa phát huy được các giá trị về thẩm mỹ, tinh thần, chưa tận dụng được vẻ đẹp tự nhiên của sông Cầu…

Có con sông chảy qua là ưu ái của thiên nhiên ban cho địa phương. Nhưng bảo vệ, nâng niu, sử dụng nguồn tài nguyên quý đó như thế nào để phát huy giá trị bền vững, thì chúng ta chưa làm tốt. Thực tế đang chứng minh như vậy.

 

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước