Khơi tiếp dòng mạch lục bát
VNTN - Ngày 05/7/2019, Hội thảo “Thơ lục bát Thái Nguyên” đã diễn ra với sự phối hợp tổ chức giữa Chi hội Thơ (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) và CLB thơ Lục bát Thái Nguyên. Hội thảo là diễn đàn để đặt ra các vấn đề cả về lí luận lẫn thực tiễn đời sống sáng tác của loại hình thơ lục bát. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu phê bình văn học và những người sáng tác gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau về các vấn đề cùng quan tâm.
1.Thơ lục bát vốn được coi là một thể thơ truyền thống của Việt Nam. Trải qua một lịch sử lâu dài, xuất phát điểm là ca dao dân ca, rồi được tiếp tục phát triển qua văn học trung đại và văn học hiện đại, cho đến nay thơ lục bát vẫn tiếp tục giữ được vị trí đặc biệt của nó trong đời sống thơ ca của người Việt. Giữa xu thế cách tân thơ ngày càng mạnh mẽ và đa dạng như hiện nay, hơn bao giờ hết công việc sáng tác thơ lục bát lại càng đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực sáng tạo. Làm sao vừa giữ được những phong vị đặc sắc cũng như hồn cốt ngàn đời của lục bát, vừa tạo ra những giá trị mới để làm nên sức sống mới cho lục bát, đó là vấn đề mà nhiều người trăn trở. Những người làm thơ ở Thái Nguyên dành sự yêu mến và trân trọng cho thể thơ lục bát có lẽ cũng rất quan tâm những vấn đề này.
Trong bối cảnh đó, Hội thảo là một hoạt động chuyên môn rất ý nghĩa, như trong Báo cáo đề dẫn mà tác giả Nguyễn Kiến Thọ đã nêu: “Mục tiêu của Hội thảo là một cái nhìn rộng rãi về thơ lục bát từ nhiều hướng tiếp cận. Từ góc độ lý luận, thi pháp thơ đến những thẩm định, đánh giá về thành tựu, hạn chế của thơ lục bát Thái Nguyên từ các phương diện đội ngũ, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Từ khắc họa chân dung các tác giả đến phê bình tác phẩm; từ góc độ thơ lục bát Thái Nguyên đến cái nhìn đối sánh với thơ lục bát Việt Nam đương đại. Ban Tổ chức trông đợi và kì vọng từ các bài viết của các nhà khoa học, các nhà lí luận phê bình, các nhà văn nhà thơ luận bàn về thơ lục bát Thái Nguyên một cách khách quan, mang tính học thuật đồng thời cũng trân trọng những cố gắng nỗ lực trên hành trình sáng tạo mà các tác giả thơ lục bát Thái Nguyên đã có được” (Người Thái Nguyên và tình thơ lục bát).
2.Các tham luận tại Hội thảo đã đặt ra rất nhiều vấn đề xoay quanh thể loại thơ lục bát, với cả góc nhìn của người làm nghiên cứu phê bình lẫn góc nhìn của người sáng tác. Có thể nhận thấy, hai nhóm vấn đề chính được phân tích bàn luận nhiều nhất là: lí thuyết về thể loại lục bát (lịch sử nguồn gốc, quá trình hình thành, đặc điểm và đặc trưng thể loại…); thực tiễn đời sống sáng tác của lục bát nói chung và lục bát Thái Nguyên nói riêng (đội ngũ tác giả, những tác phẩm đáng chú ý, những thành tựu và hạn chế, xu hướng vận động của thơ lục bát đương đại…).
* Một số vấn đề về lí thuyết thể loại:
Vấn đề xuất xứ nguồn gốc của thơ lục bát là điều tưởng chừng như đã được thống nhất từ lâu khi chúng ta đều nói về tính thuần Việt của thể loại này, nhưng rất đáng chú ý khi tác giả Võ Sa Hà đưa ra những thông tin cần thiết để tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Ông đặt vấn đề: “Thơ lục bát là đặc sản thi ca Việt, được coi là thể thơ truyền thống của dân tộc. Hiện nay, giới nghiên cứu văn học vẫn chưa minh định chính xác thời điểm ra đời của thơ lục bát ở nước ta. Gần đây, người ta đã phát hiện ra thơ lục bát của người Chăm - dân tộc chính của vương quốc Chiêm Thành thủa trước. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn như: Thơ lục bát người Việt có trước hay sau thơ lục bát người Chăm; Hai dòng thơ này có ảnh hưởng tác động tới nhau không; Quá trình tiếp biến và chuyển hoá diễn ra như thế nào… vẫn còn chưa rõ và tiếp tục được giới nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu” (Tâm thế người làm thơ lục bát). Càng hiểu rõ những yếu tố về nguồn gốc như thế, chúng ta sẽ càng nhận thức đúng đắn và sâu sắc thêm về thể thơ mình yêu mến trân trọng này.
Các đặc điểm căn bản và nét đặc trưng của thể loại lục bát cũng được các tham luận làm rõ. Tác giả Hồ Thủy Giang nhận định và nhấn mạnh vào tính chất gần gũi, bình dị của lục bát: “…những câu lục bát hay thường chiếm lĩnh tâm hồn con người bởi trước hết là sự dễ hiểu, dễ nhớ, sau là ở cái tình lục bát rất nồng nàn sâu đậm; những thi ảnh, từ ngữ trong thơ lục bát cũng thường làm lòng người xốn xang. Và đặc biệt, nó luôn là tiếng nói rất gần gũi, bình dân, phù hợp với văn hóa Việt” (Những câu thơ lục bát khó quên). Cũng về điều này, tác giả Võ Sa Hà đã chỉ ra được một nguyên nhân chủ yếu khiến thơ lục bát được nhiều người Việt Nam yêu mến và sáng tác: “Với đặc trưng nghệ thuật nổi trội ở nhịp chẵn và vần bằng, thơ lục bát thường có âm điệu du dương, ngọt ngào, đằm thắm. Tiết tấu thơ thường chậm, đều đều, không có nhiều biến hóa về giọng điệu. Lục bát phù hợp với đặc điểm tâm hồn người Việt - những cư dân nhiều nghìn năm gắn liền với nền văn minh lúa nước, kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp là chính, cuộc sống bình yên, êm đềm, tuần tự diễn ra từ ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác” (Tâm thế người làm thơ lục bát).
Cùng quan tâm các vấn đề này, các đại biểu tham dự còn đặt ra các khía cạnh liên quan cần giải quyết. Tác giả Trần Thị Việt Trung đưa ra quan điểm khi nhấn mạnh: sự sáng tạo là rất cần thiết và đáng hoan nghênh, nhưng cần lưu ý là làm thế nào để những sự phá cách đó vẫn chấp nhận được, để lục bát vẫn là lục bát. Tác giả Túc Văn lại đặc biệt quan tâm đến loại hình lục bát biến thể, coi đây là một nét đặc sắc có thể làm nên những hấp dẫn cho lục bát. Những ý kiến này đều đã gợi ra các vấn đề rất đáng suy ngẫm về thể thơ lục bát - một giá trị lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
* Một số vấn đề về thực tiễn đời sống sáng tác:
Bàn về thành tựu và hạn chế, tác giả và tác phẩm thơ lục bát của đất nước nói chung và đặc biệt là của Thái Nguyên nói riêng là những nội dung thu hút sự chú ý và thảo luận sôi nổi trong Hội thảo.
Tác giả Nguyễn Đức Hạnh cho rằng mặt bằng chung của thơ lục bát Thái Nguyên là khá tốt, tuy nhiên chưa có một tác giả nào nổi tiếng, chưa có một bài thơ lục bát hay những câu thơ lục bát được bạn đọc cả nước nhớ đến: “Có một số gương mặt sáng giá về thơ lục bát như Võ Sa Hà, Phan Thái, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Hữu Bài, Phan Thức, Trần Cầu, Mai Thắng, ngay tác giả trẻ Hồng Phượng cũng có những câu thơ lục bát xuất thần… Nhưng đâu là câu thơ vừa đọc đã nhớ? Đâu là bài lục bát được bạn đọc cả nước nhớ và đọc, dù quên tên tác giả?” (Đôi điều cảm nghĩ về thể thơ lục bát và thơ lục bát của các nhà thơ Thái Nguyên). Cùng về vấn đề này, nhưng với một góc nhìn khác, tác giả Hồ Thủy Giang lại cho rằng những người viết dù không phải nhà thơ xuất sắc cũng có thể có những câu lục bát xuất sắc: “đã từng có không ít một số các nhà thơ chỉ thuộc loại bình bình, thậm chí có người mới tập làm thơ nhưng đôi lúc cũng viết được những câu lục bát làm ta sửng sốt” (Những câu thơ lục bát khó quên). Và ông đã dẫn ra một số ví dụ khá thuyết phục, ghi nhận những câu thơ lục bát mà ông cho là hay đến ám ảnh của một số tác giả của Thái Nguyên: Lá trầu rụng xuống heo may/ Chút hương gửi lại ngàn ngày còn thơm (Hồng Phượng), Lau phản thấy bóng cha ngồi/ Chạm vào võng thấy mẹ cười như hoa (Nguyễn Hồng Quang).v.v...
Đi vào cụ thể hơn nữa, có một số tập thơ lục bát đã được phân tích và giới thiệu ở Hội thảo này. Tác giả Cao Thị Hồng trân trọng những giá trị nhân văn trong thơ lục bát Phan Thái: “cảm thức làng quê trong Hoa nắng ngày xưa của Phan Thái là một dòng suối mát trong rì rầm thổn thức những thanh âm tình tự dân tộc và vang lên một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản: Làng quê - cội nguồn văn hóa dân tộc bao giờ cũng là điểm tựa của niềm tin để cho mỗi người tìm về như một nơi chốn bình an cho tâm hồn” (Cảm thức làng quê trong tập thơ “Hoa nắng ngày xưa” của Phan Thái). Các tác giả Ngọc Tuấn, Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Minh Thắng, Việt Nga đã khẳng định sự lớn mạnh của đội ngũ những người viết lục bát Thái Nguyên nói chung, đồng thời giới thiệu những bài thơ, câu thơ hay trong tập thơ “Lục bát Thái Nguyên” (CLB Lục bát Thái Nguyên; xuất bản năm 2018).
Đi vào vấn đề xu thế vận động của thơ lục bát đương đại, tác giả Phạm Văn Vũ chọn góc nhìn về thơ lục bát của một số tác giả trẻ hiện nay. Tác giả có những nhận định đáng chú ý khi cho rằng, sự thận trọng và dè dặt của người viết trẻ với lục bát không có nghĩa họ thờ ơ xem nhẹ mà ngược lại đã chứng tỏ họ rất có ý thức trách nhiệm khi đến với thể loại này. Đặc biệt, tác giả đã chỉ ra những nỗ lực sáng tạo của một số người viết trẻ - một yếu tố đã góp phần vào định hình nên một mĩ cảm thời hiện sống trong lục bát đương đại: “Không còn những du dương bổng trầm trong nhịp điệu của hài thanh bằng trắc, không còn những hào hoa mĩ lệ trong chữ và hình ảnh, thay vào đó họ chọn lối cấu trúc câu linh hoạt biến hóa khi ngắt nhỏ nhịp và đẩy nhanh tiết tấu, cùng với đó là một hệ thống ngôn ngữ gần gũi, tự nhiên, sống động. Họ yêu lục bát bằng một tình yêu hồn nhiên, không câu nệ quy ước, rũ bỏ mọi định kiến, tháo tung mọi công thức để vui vẻ tự lắp ráp lại theo cách của mình, thoải mái thanh thản để chơi lục bát. Nhờ vậy, họ cất tiếng nói tự thân giữa thời hiện sống của mình” (Lục bát trong thơ những người viết trẻ).
Có thể thấy đây là những vấn đề thiết thực, thú vị, rất bổ ích cho những người làm thơ lục bát cũng như những người yêu mến thể loại này.
3.Những nội dung của Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, cũng như được đánh giá và đón nhận tích cực từ những người tham dự. Từ góc độ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh đánh giá Hội thảo này là một hoạt động rất thành công, thể hiện ở nội dung chuyên môn và chất lượng tham luận, sự chuẩn bị nội dung chu đáo của phía tổ chức và sự đón nhận tích cực của người tham dự, cách thức xã hội hóa hiệu quả.v.v..
Có thể nói, mặc dù Hội thảo đã đặt ra và giải quyết được rất nhiều những nội dung quan trọng, nhưng tất nhiên còn nhiều vấn đề về thơ lục bát nói chung cũng như lục bát Thái Nguyên nói riêng vẫn cần tiếp tục được nhận diện và trao đổi. Một điều quan trọng là Hội thảo đã cho thấy sự nghiêm túc, tâm huyết của những người tham luận, sự đón nhận tích cực của những người viết thơ lục bát đến tham dự. Sự trân trọng dành cho nhau từ cả hai phía đã tạo nên một sự gặp gỡ đáng quý, mà điểm chung chính là tình yêu dành cho thơ lục bát.
Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...