Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
02:35 (GMT +7)

Khơi dậy ký ức cầu treo Bến Tượng

VNTN - Vào giai đoạn từ năm 1964 - 1968, để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc. Thái Nguyên trở thành hậu cứ quan trọng phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và đã trực tiếp trở thành chiến trường. Quân và dân Thái Nguyên vừa sản xuất vừa phải tổ chức chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Thái Nguyên còn là một cầu nối quan trọng vận tải hàng hóa phục vụ chiến tranh chống Mỹ, đảm bảo các tuyến huyết mạch với tuyến quốc lộ 3, quốc lộ 1B, quốc lộ 17, quốc lộ 37 sang Bắc Giang nối với quốc lộ 1A kéo dài lên phía Bắc. Cầu qua sông Cầu trở thành một câu chuyện cần phải giải quyết để đảm bảo sự thông suốt của hệ thống huyết mạch giao thông.

Thái Nguyên thực sự đã trở thành một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, mà đối tượng đánh phá là các xí nghiệp công nghiệp; các tuyến giao thông, các điểm nút là các cầu, phà trên các tuyến sông; các đầu mối cảng cạn, kho vận nơi tập trung hàng hóa phục vụ cuộc chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Trong bối cảnh ấy, chủ trương để luôn đảm bảo tính thông suốt của hệ thống giao thông, một loạt cầu qua sông Cầu khu vực thành phố Thái Nguyên đã ra đời, ngoài cầu Gia Bẩy hiện hữu đã hình thành hệ thống cầu: cầu treo Sơn Cẩm, cầu treo Huống Thượng và cầu treo cầu ngầm Bến Tượng…

 

Nhiều người dân Thái Nguyên mong bên cạnh cây cầu Bến Tượng khang trang hôm nay có thêm một cây cầu treo để tái hiện hình ảnh của cầu treo Bến Tượng ngày xưa

Chiến tranh kết thúc, vai trò lịch sử của những cầu - phà - ngầm trên cũng kết thúc, dấu ấn xưa cũng phai mờ theo thời gian. Tuy nhiên, trong ký ức những người thế hệ trước chúng tôi, những thế hệ vừa tham gia sản xuất vừa tham gia chiến đấu ở thành phố thì hình ảnh những cây cầu, phà, mà đặc biệt là cầu treo Bến Tượng nằm giữa trung tâm thành phố bây giờ, khó mà phai mờ được.

Suốt cả cuộc đời chúng tôi đã chứng kiến những sự kiện và sự phát triển, của thành phố cho đến ngày hôm nay. Nhìn thành phố xây dựng và phát triển, cầu Bến Tượng cũng vừa làm xong, chúng tôi những khi tụ họp vẫn ước cây cầu treo Bến Tượng được tạo dựng lại dù chức năng của nó có lẽ không cần nhiều, chỉ cần dành cho người đi bộ, du khách đến thăm thành phố ngắm dòng sông, ngắm thành phố, dành cho người Thái Nguyên, qua cây cầu mường tượng được hình ảnh Thái Nguyên xưa, góp phần làm phong phú, tạo ra sự khác biệt của văn hóa đô thị thành phố Thái Nguyên.

Tiếp cận với nhiều người, nhất là thế hệ sinh ra, lớn lên và trải qua thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, rất nhiều ý kiến mong muốn tạo dựng lại hình ảnh cây cầu chỉ còn lại trong ký ức của họ.

Một lần ngồi trao đổi với anh Đỗ Vũ Bình, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Thái Nguyên, cũng là người sinh ra lớn lên ở Thái Nguyên, anh hào hứng kể về những kỷ niệm có được từ thủa nhỏ với cây cầu. Về lịch sử và tồn tại của cây cầu, anh bảo, “Vụ này chỉ có cụ Đàm Đức Oánh, nguyên Giám đốc Ty Giao thông tỉnh lúc bấy giờ là thuộc nhất, vì cụ chính là thủ lĩnh ngành giai đoạn đó và cũng là tác giả của cây cầu khi cụ làm ở Xí nghiệp cầu Bắc Thái”. Biết cụ hiện ở cùng gia đình ở phường Hoàng Văn Thụ, anh em chúng tôi đã tới thăm. Nói chuyện với cụ Oánh, khi nói về những chiếc cầu treo, phà… ký ức như dội về, cụ say sưa kể về việc lựa chọn địa điểm thiết kế và thi công những chiếc cầu trong thời kỳ đặc biệt khó khăn và thiếu thốn đó. Về chiếc cầu treo Bến Tượng, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và quyết định của Ủy ban Hành chính tỉnh, cầu treo Bến Tượng cũng được triển khai đảm nhận trọng trách quan trọng là tham gia đảm bảo thông suốt của hệ thống giao thông phục vụ sản xuất và chiến đấu, tính từ thời điểm đế quốc Mỹ mở chiến dịch không quân đánh phá miền Bắc 1964. Năm 1967 cầu treo Bến Tượng được thiết kế và tổ chức thi công. Với chiều dài trên 100m, cầu có hai trụ, một trụ nằm tại vị trí ghềnh đá phía vườn hoa Sông Cầu, trụ kia nằm bên kia sông thuộc địa danh xóm Làng Đông xã Đồng Bẩm, tải trọng của cầu được tính toán cho việc đi bộ và xe con. Tuy nhiên, do điều kiện về kinh phí, vật liệu và các yêu cầu cấp bách của chiến tranh, hai trụ chỉ có chiều cao là trên 4m, vì vậy, cầu không đủ điều kiện chống rung lắc khi có tải trọng lớn đi qua, cầu chỉ đáp ứng được điều kiện đi bộ. Khi chiến tranh kết thúc, xuất phát, từ thực tế đó, cùng với sự xuống cấp, cầu đã chính thức được dỡ bỏ vào khoảng năm 1973. Còn lại hai cái trụ, mãi sau này mới dỡ, nhưng vẫn còn trong ký ức của những người dân Thái Nguyên.

Đô thị như một cơ thể sống, nó có đời sống của nó, với sự phát triển theo xu thế hiện đại, cùng với Bến Than, Đồi Két nước, Bến Tượng… những cây cầu sẽ tạo dựng hình ảnh mới cho đô thị Thái Nguyên. Đô thị khỏe mạnh, bền vững khi ta biết trân quý những hoài niệm, những ký ức. Việc tái hiện cây cầu treo Bến Tượng có lẽ là sự góp vào việc tạo dựng “Hồn” đô thị, để đô thị sống khỏe, và bền vững đến mai sau. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người dân Thái Nguyên, đặc biệt những người đã sống ở giai đoạn những năm 60 - 70, thế kỷ XX, đều có ước mong tạo dựng lại cây cầu, với chức năng tạo dựng hình ảnh, phục vụ du khách, tạo điểm đến trong chuỗi du lịch Thái Nguyên.

Nằm trong dải quy hoạch cây xanh của thành phố theo quy hoạch chung điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015, nằm trong dải không gian cảnh quan sông Cầu, cầu treo Bến Tượng nếu được tái dựng sẽ cùng với những công trình: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Quảng trường Võ Nguyên Giáp… tạo điểm nhấn giá trị cho khu trung tâm thành phố Thái Nguyên. Đi cùng với giá trị về cảnh quan, giá trị về lịch sử, cầu treo Bến Tượng mới sẽ cần sự đặt tên, tôi giả định đưa những cái tên để lựa chọn: “Cầu Hy vọng”, “Cầu Tình yêu”, “Cầu Ký ức”… Đây có thể chỉ là ước mơ, nhưng biết đâu ước mơ sẽ trở thành hiện thực, bởi cuộc sống sẽ rất đẹp khi có những ước mơ.

Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy