
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Trong xu thế hiện đại hóa toàn cầu, chúng ta không thể phủ nhận công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống con người, hiệu quả lao động, giảm thiểu những nguy hiểm trong sản xuất. Nhưng bên cạnh đó, những khoảng tối của công nghệ ít khi được nhắc tới. Cụ thể hơn đó là những hình thức bóc lột tư bản kiểu mới mà chúng ta cần xem xét, tranh luận một cách kĩ lưỡng hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Giám sát lao động (Surveillance of workers) là cụm từ phổ biến trong những năm gần đây nhằm nâng cao kỉ luật trong sản xuất. Việc giám sát lao động được thông qua nhiều phương tiện như sử dụng camera, định vị, cổng từ, hay quản lí dữ liệu cá nhân… Một ví dụ đơn giản cho hình thức này là ngành logistic. “Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Từ đây suy ra, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên. Nếu làm tốt logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.” (iconicjob.vn) Việc áp dụng Logistic đối với công nhân vận tải, với các phần mềm định vị, người chủ lao động có thể tính toán vận tốc, vị trí của người lao động đến từng cú nhấn phanh… Người thuê lao động dùng phần mềm giám sát để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trong thời gian nhanh nhất. Bởi vậy, trong nhiều công ty, nhiều trường hợp người lao động không đủ thời gian đi vệ sinh và làm việc với cường độ không ngừng nghỉ. Vấn đề này làm nổi lên những tranh luận về việc công nghệ đang làm tổn hại tới người lao động như thế nào? Như chúng ta đã biết K. Marx (nhà triết học người Đức gốc Do Thái, và cũng là nhà kinh tế, nhà sử học, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế) khi nói về chủ nghĩa tư bản đã cho rằng: Giá trị thặng dư là cách mà chủ nghĩa tư bản bóc lột người lao động. Nó liên quan đến vấn đề kéo dài thời gian làm việc của công nhân. Nó chính là lý do mà suốt thế kỉ 19 và 20, người lao động phải đấu tranh giảm giờ làm. Tuy nhiên với sự xuất hiện của công nghệ giám sát, định vị, mặc dù giờ làm đã được giảm đi nhưng cường độ của nó lại tăng lên đáng kể. Thậm chí, công nghệ giám sát trong nhiều trường hợp còn xâm phạm đến quyền cá nhân của con người. Người công nhân, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, càng dễ bị tổn hại nhiều hơn đối với việc áp dụng công nghệ giám sát. Trong khi đó nhiều quốc gia hiện nay chưa thật chú ý tới vấn đề này. Luật pháp chưa có những quy định cụ thể về phạm vi giám sát, hình thức giám sát. Các công ty, tập đoàn sản xuất cũng không có những điều chỉnh về chính sách giám sát người lao động. Cho nên việc tranh luận và đưa ra một giải pháp cụ thể là cần thiết. Việc giám sát người lao động chỉ là một phần nhỏ trong khoảng tối của công nghệ. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề như áp dụng công nghệ logistic trong việc buôn bán người, tạo nên sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa các nước phát triển và đang phát triển. Những vấn đề này cũng đang được tranh luận trên nhiều diễn đàn nghiên cứu xã hội, văn hóa. Tóm lại, trong hào quang của sự phát triển và sự tiến bộ công nghệ, chúng ta không thể không lưu ý tới những khoảng tối của nó đang xâm hại tới nhiều bộ phận trong xã hội. Khi hoàn toàn bị cuốn vào hào quang ấy, có khi vô tình chính chúng ta đang tạo nên những sản phẩm để đàn áp chính bản thân mình nếu thiếu đi sự thân trọng như Balzac (nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực) từng xót xa cho rằng: Càng tiến về văn mình chúng ta càng thụt lùi về phía dã man.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...