Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
17:33 (GMT +7)

Khoan dung Hồ Chí Minh

VNTN - “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải nền văn hóa châu Âu mà có lẽ đó là nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói trầm ấm thanh cao của mình, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương”. Năm 1923, khi gặp Nguyễn Ái Quốc, bằng mẫn cảm của một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Nga là O.Mandenxtam đã viết những dòng như vậy. Văn hóa Hồ Chí Minh bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có lòng khoan dung, nhân ái.


1. Nguyễn Tất Thành sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan, ra đi tìm đường cứu nước khi các phong trào của các sĩ phu, trí thức và lãnh tụ khởi nghĩa nông dân đương thời đã đi vào ngõ cụt. Mang trong mình dòng máu yêu nước cháy bỏng thiết tha và lòng yêu nước thương dân tha thiết, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp chủ nghĩa Lênin để rồi từ đây tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trên hành trình gian lao ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu nhiều giá trị của các nguồn tư tưởng, lý luận khác nhau: từ tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, dân chủ đến tư tưởng duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có lẽ vì vậy mà Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những quan điểm khác nhau của các tư tưởng ấy và tìm thấy trong các tư tưởng này những nét tương đồng là cùng mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại.

Đi qua nhiều châu lục khác nhau, tận mắt thấy - tai nghe nên Nguyễn Ái Quốc đã rút ra một chân lý rằng nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù. Con người dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người là giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái mà thôi: tình hữu ái là thật vô sản. Từ đó, Người đã đi đến một quyết định dứt khoát: Đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, để con người được hưởng đầy đủ những quyền làm người. Trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, tư tưởng này được vang lên đầy dứt khoát: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người cũng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

2. Bởi tư tưởng khoan dung lớn lao ấy nên ngay từ khi về nước lãnh đạo cách mạng Người đã thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhằm mục đích đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc. Trong cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, từ tư tưởng khoan dung của Người đã có hàng loạt các vị quan lại nổi tiếng của triều đình phong kiến đi theo cách mạng như: Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Đổng lý Ngự tiền Phạm Khắc Hòe, Tham tri Đặng Văn Hướng, Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Tổng đốc Vi Văn Định… Sau Cách mạng Tháng Tám, chính Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề mời cả ông Ngô Đình Diệm tham gia chính phủ. Hãy nhìn đông tây kim cổ, khi cách mạng Pháp nổ ra (1789 - 1799), vua Louis XVI  bị giết. Cách mạng Nga, Nga Hoàng và cả gia đình đều bị giết…và nhiều, nhiều cuộc cách mạng khác mà kết cục cuối cùng thường là đầu rơi, máu chảy. Thế nhưng, Cách mạng tháng Tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị đã được mời làm cố vấn tối cao. Khi ấy Hồ chủ tịch đã chỉ thị tất cả tài sản của riêng hoàng gia phải được bảo vệ và tôn trọng, lăng tẩm của các tiên vương nhà Nguyễn phải được bảo vệ. Sau này, Quốc trưởng Bảo Đại đã bị chính vị Thượng thư cũ của mình là Ngô Đình Diệm truất phế trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đức Từ Cung, hoàng mẫu của Quốc trưởng Bảo Đại bị đuổi ra khỏi cung An Định. Trong Chính phủ khóa I lập ra ngày 2/3/1946, Phó Chủ tịch nước là cụ Nguyễn Hải Thần của Việt Cách. Sau này, cụ Nguyễn Hải Thần theo đội quân Tưởng Giới Thạch sang Trung Quốc. Cách mạng Trung Quốc thành công, cụ Nguyễn Hải Thần không chạy theo kịp ra đảo Đài Loan và ở lại trong nước Trung Quốc với cuộc sống vô cùng khốn khó lúc tuổi già. Chính quyền Trung Quốc có văn bản hỏi ý kiến của Chính phủ Việt Nam về việc xử trí cụ Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh đã cho trả lời với phía Trung Quốc: xin cấp cho cụ Nguyễn Hải Thần mỗi tháng 100 nhân dân tệ để sống đến hết đời và số tiền ấy sẽ được trừ vào số tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam hàng năm….

Trong bài  viết “Khoan hồng mà không nhu nhược”, ký bút danh Chiến Thắng, Người viết: Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm. Ngày 31/5/1946, trong  Thư gửi đồng bào Nam Bộ  trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Phôngtennơblô, Người viết: Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang.

3. Tấm lòng khoan dung của Hồ Chí Minh không những chỉ đối với đồng bào trong nước, với người Việt Nam mà còn đối với cả kẻ thù. Đối với những người ngã xuống vì chiến tranh, Người thương xót cho sự hi sinh của chiến sĩ mình bao nhiêu thì cũng ngậm ngùi bấy nhiêu trước những mất mát của những người đi xâm lược đã tử trận bởi người luôn quan niệm một điều rằng máu của người Việt Nam hay máu người Pháp cũng đỏ như nhau. Trong một bài viết, Người đã xót xa, ngậm ngùi: "Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi,  trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cùng đều là máu, người Pháp hay người Việt cùng đều là người".

Bởi vậy, đối với tù binh Pháp, Người luôn tỏ lòng thân ái, bao dung, độ lượng và chủ trương khoan hồng đối với tù binh chiến tranh. Nhân dịp Giáng sinh năm 1950, Người gửi thư cho tù binh Pháp với lời nhắn nhủ: “Nhân dân Việt Nam xem các bạn như những người bạn và tìm mọi cách để cuộc sống các bạn được tốt hơn”. Sau này, đối với tù binh Mỹ, người Việt Nam cũng đã đối xử với họ rất nhân đạo mà bộ phim “Những tù binh Mỹ tại nhà tù Hỏa Lò Hintol” của một đạo diễn người Pháp đã lột tả đầy đủ.

Ngay cả đối với nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi Mỹ thất bại và phải ngồi vào bàn đàm phán, Người đã có căn dặn: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương, lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”…

Trong bài phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tiến sĩ Átmét, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Trong lịch sử có rất ít nhân vật đã trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống, Hồ Chí Minh là một người trong số đó, Người sẽ được ghi nhớ không chỉ đã giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một hi vọng và viễn cảnh mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng trên trái đất này”. Lòng khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của truyền thống hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của Việt Nam.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy