Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:53 (GMT +7)

Khó khăn kép từ vốn vay

Lãi suất liên tục điều chỉnh tăng, cùng với đó là nguồn vốn cho vay bị hạn chế, thậm chí là không còn nguồn đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm cuối năm hiện nay. Thực trạng này được với cả người làm trong lĩnh vực ngân hàng cũng như người vay vốn nhận định rất ít khi xảy ra.

Những tháng gần đây, nhiều DN kinh doanh sắt thép đã không thể vay theo hình thức thông thường, mà phải vay theo hình thức LC (thư tín dụng, do Ngân hàng phát hành) nên để được thanh toán cần trên dưới 10 ngày, thay vì được giải ngân trong ngày, làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc kinh doanh của DN.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH Thương mại Vân Đạo, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên chia sẻ: Chưa bao giờ, việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp lại khó khăn, vất vả và bị động như năm nay. Tại các ngân hàng, chúng tôi đều còn khá nhiều hạn mức nhưng nhiều tháng nay không thể vay mới, mà chỉ có thể trả vào rồi vay ra. Đáng lo ngại hơn, từ cuối tháng 10 trở lại đây, thậm chí có hôm, doanh nghiệp trả ra nhưng có ngân hàng cũng không cho vay lại được, mặc dù chỉ là một vài tỷ đồng, mà hẹn sang một vài ngày sau đó, khi có khách trả ra, mới được vay. Thực trạng này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì nếu không chủ động được nguồn vốn, chúng tôi sẽ nhỡ việc nhập hàng và lỡ đi cơ hội kinh doanh. Đáng nói hơn, trong tháng 11 này, Công ty có một đơn hàng lớn, chưa rõ việc giải ngân sẽ thế nào. Nếu không đáp ứng đúng việc trả tiền chúng tôi có thể sẽ không được giao xe hoặc không còn được hưởng mức ưu đãi 2% từ hãng. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp khó tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản.

Cũng chung khó khăn này, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty Điện tử Quang Thái (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Tôi vừa phải làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng khác, do ngân hàng tôi đang vay không còn “room” tín dụng. Mặc dù lãi suất vay cao hơn nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì nếu không có tiền để nhập hàng theo kế hoạch đã đăng ký, DN sẽ bị nhà cung cấp hạ cấp đại lý, ảnh hưởng đến quyền lợi mà chúng tôi đang được hưởng ưu đãi, thậm chí là có thể bị cắt cung ứng. Trong khi đây lại là mùa cao điểm bán hàng. Chúng tôi hy vọng, với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm, lượng hàng hóa bán ra dịp Tết sẽ bù đắp lại được những chi phí tăng cao từ việc tăng lãi suất ngân hàng.

Tín dụng bị siết chặt đã và đang ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ đến thị trường bất động sản khiến nguồn thu ngân sách từ đất của tỉnh cũng đang bị ảnh hưởng đáng kể.

Chị Nguyễn Thu Nga, nhân viên tín dụng một ngân hàng chia sẻ: Hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đây là năm đầu tiên tôi thấy việc tiếp cận nguồn vốn vay của khách lại chật vật đến thế. Nếu như các năm trước, chỉ số ít ngân hàng khó giải ngân trong tháng 11 và 12, còn lại đa phần các ngân hàng vẫn còn khá nhiều hạn mức, thậm chí đến cuối năm, không ít ngân hàng vẫn phải đôn đáo đi tìm khách để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, thì năm nay, từ đầu quý III, nhiều ngân hàng đã xảy ra tình trạng khan hiếm này. Càng những tháng cuối năm càng khó khăn. Cùng với đó, lãi suất huy động tiền gửi 6 tháng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước tăng lên mức kịch trần càng khiến lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng tăng cao, đẩy lãi suất cho vay tăng chóng mặt. So với thời điểm đầu năm, nhiều kỳ hạn cho vay đã tăng tới trên dưới 4%/năm. Mặt bằng lãi suất hiện nay đang cao hơn đáng kể so với trước năm 2020 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Không chỉ với doanh nghiệp, đối với các hộ kinh doanh và người tiêu dùng, việc các ngân hàng cạn nguồn cho vay cũng gây rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch. Chị Trần Thị Minh Thu, chủ shop thời trang trên đường Lương Ngọc Quyến, TP. Thái Nguyên cho biết: Tôi thực sự choáng với mức lãi suất tăng theo tuần như thời điểm này. Mới tuần trước, khi khoản vay của tôi sắp đáo hạn, ngân hàng thông báo dự kiến mức lãi suất tôi phải trả là 9,5%/năm, đi kèm với đó là gói bảo hiểm tiền vay tối thiểu 0,3%/tổng dư nợ/5 tháng (theo kỳ hạn tôi vay). Vậy mà đến ngày 3/11 (trước 2 ngày nữa tôi bắt đầu cho kỳ vay mới), lãi suất đã được thông báo điều chỉnh tăng thêm 1%, nghĩa là 10,5%/năm, cộng với gói bảo hiểm tương ứng 450 nghìn đồng/100 triệu đồng/5 tháng (tính ra, mỗi tháng 100 triệu đồng tôi phải trả thêm 90 nghìn đồng). Tôi vay 2,5 tỷ đồng, tôi sẽ phải mua gói bảo hiểm tương ứng là 2,7 triệu đồng/tháng. Trong khi trước đó, nghĩa là cách đây 5 tháng, lãi suất tôi phải trả chỉ là 6,6%/năm. Như vậy, tính chi li ra, lãi suất hiện nay cao hơn so với 5 tháng trước khoảng 40%. Trong trường hợp, người vay không vay theo “gói ưu đãi” này, thì khách hàng có thể lựa chọn vay sang gói lãi suất 11% thì không cần mua bảo hiểm khoản vay!

Chị Thu cho biết thêm: Với mức lãi suất này, tôi rất băn khoăn không biết nên nhập hàng thế nào cho hiệu quả. Nhập để bán dần rồi hàng tháng phải chịu tiền lãi hay chỉ nhập ít một, nhập đến đâu bán đến đó. Tôi rất lo, lúc trả rồi, không vay ngay, đến khi phát sinh nhu cầu vay mới lại không được giải ngân. Thực sự quá khó đối với tôi trong lúc này. Đó là chưa kể giá thuê cửa hàng từ tháng 11 này (sau khi hết hợp đồng thuê cũ) chúng tôi cũng vừa bị chủ nhà tăng thêm 10%.

Lãi suất tăng cao, nguồn vay hạn chế đã và đang trực tiếp tác động lên giá cả nhiều mặt hàng và theo dự báo, nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, trong đó có các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2023.

Lý giải về việc lãi suất liên tục thay đổi, NH giải thích: Các NH đều đã hết room tín dụng cho vay, nên nguồn vốn rất khan hiếm. Cùng với đó, lãi suất huy động cũng liên tục được điều chỉnh tăng, hiện có ngân hàng đã huy động gần đạt mức 9%/năm nên sau khi cộng với các chi phí và tiền lãi, thì lãi suất cho vay cao là điều không tránh khỏi. Và rất có thể, mức lãi suất này chưa dừng lại ở đó khi mà nhu cầu vốn những tháng cuối năm vẫn rất lớn, trong khi lượng tiền gửi tại một số ngân hàng tiếp tục có xu thế giảm trong những tháng gần đây.

Còn theo anh Trần Văn Ngọc, tổ 6, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên: Tôi đang thiếu khoảng 500 - 600 triệu đồng để hoàn thiện nốt ngôi nhà trước Tết mà giờ không biết phải xoay xở ra sao vì một số ngân hàng có mức lãi suất được cho là thấp hơn thì lại không còn tiền cho vay; còn một số ngân hàng khác đồng ý cho vay nhưng lãi suất cao quá, lên tới 14%/năm, kèm theo đó là khách hàng phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng. Với mức lãi suất này, việc trả lãi sẽ trở thành gánh nặng rất lớn đối với 2 suất lương công chức của vợ chồng tôi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên: Tính đến ngày 25/10/2022, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 80,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,17% so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với cuối quý II/2022 thì mức tăng chỉ thêm là 1,55% - lại là mức tăng trưởng tín dụng trong quý III thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây. Nguyên nhân do trong 6 tháng đầu năm, cơ bản các ngân hàng đều chạm ngưỡng giới hạn cho vay. Mặc dù theo phán đoán của các doanh nghiệp, việc tiếp cận tín dụng sẽ trở nên thuận lợi hơn trong đầu năm 2023 khi các ngân hàng được giao chỉ tiêu mới trong năm, song đối với các ngân hàng thì câu trả lời vẫn là không chắc chắn và nhiều khả năng tín dụng vẫn tiếp tục được siết chặt trong thời gian tới.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên thừa nhận: Việc nhiều cá nhân, DN khó tiếp cận nguồn vốn vay sẽ không tránh được những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là vào thời điểm nhu cầu vốn của nền kinh tế cao nhất trong năm. Tuy vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN vẫn phải đảm bảo nguyên tắc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều rủi ro bất định. Các NH vẫn sẽ cố gắng duy trì việc cho vay đối với các khách hàng đang có khoản vay hiện hữu để hạn chế việc ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng, không làm gia tăng nợ xấu.

Dù vậy, nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của DN, cũng như nền kinh tế. Vì thế, NHNN đang tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, không sa vào cuộc chạy đua lãi suất như trước đây.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực thì việc lãi suất tăng cao trở lại, cùng với đó là nhu cầu vốn lớn, đã và đang cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Điều này phần nào thể hiện qua các chỉ tiêu quan trọng, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ 5,09% trong quý I, lên 8,5% trong quý II và 11,3% trong quý III và dự ước cả năm sẽ đạt 8,25% (mục tiêu đề ra là 8%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 10,78/9% kế hoạch; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 10,4/9%; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 106,6/105 triệu đồng theo kế hoạch…

Theo các chuyên gia kinh tế: Trước thực trạng tín dụng bị siết chặt trong nhiều tháng qua đặt ra cho các DN, hộ, cá nhân kinh doanh sự năng động, khéo léo trong việc sử dụng vốn. Rất có thể điều này sẽ còn xảy ra trong những năm tiếp theo, đòi hỏi người kinh doanh phải chủ động đưa ra các giải pháp để thích ứng, nhất là trong bối cảnh diễn biến rất khó lường của kinh tế trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đang trên đà rơi vào suy thoái hiện nay.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy