Khi tín dụng cho vay chạm ngưỡng: Cả người vay và ngân hàng đều khó
Từ nhiều năm qua, tín dụng cho vay của các tổ chức tín dụng thường chỉ tăng mạnh từ giữa quý III. Tuy nhiên năm nay lại khác, với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ngay từ cuối quý II, nhiều ngân hàng (NH) đã chạm giới hạn cho vay (room tín dụng). Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng, song cũng tiềm ẩn không ít hạn chế. Vậy thực tế này đã và đang ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn tỉnh?
Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 8/2022 đạt 79.256 tỷ đồng. Trong đó, 85% nguồn vốn được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Mức tăng kỷ lục
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay từ cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn ngành đã đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021 (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021). Đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Có thể nói, đây là một trong những tín hiệu rất tích cực, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Và với các chỉ số đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng những tháng qua đã phần nào cho thấy điều đó. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong quý II đã đạt 8,4% (cao hơn quý I là 3,31%), tính chung 6 tháng đạt 7,08% (cao hơn nhiều so với năm 2021). Dự ước quý III, chỉ tiêu này sẽ đạt ở mức 2 con số.
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng 14% cả năm, dư địa còn lại (khoản còn lại được phép sử dụng) 6 tháng cuối năm toàn ngành chỉ là 4,64%. Trong khi đó, theo quy luật, nhu cầu vốn những tháng cuối năm thường tăng cao do DN nhập hàng tích trữ phục vụ dịp Tết. Thêm vào đó là việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho DN theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Trước thực tế này, đồng loạt các NH đã “đệ trình” lên NHNN để “xin” cấp thêm hạn mức trước đó được tạm giao. Sau một thời gian cân nhắc, tính toán, giữa tháng 9, NHNN đã đồng ý nới “room” tín dụng (giới hạn cho vay), nhưng cũng chỉ cho một số NH, để vừa đáp ứng một phần nhu cầu vốn cho nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng như hoạt động hiệu quả của ngành NH.
Tại Thái Nguyên, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN tỉnh: Mặc dù theo kế hoạch, tăng trưởng tín dụng cả năm trên địa bàn tỉnh là 12% nhưng tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 79.080 tỷ đồng, tăng 7.512 tỷ đồng (tương ứng tăng 10,62%) so với cuối năm 2021 (trung bình mỗi tháng tăng 1.252 tỷ đồng). Với mức tăng này, nhiều NH đã chạm ngưỡng chỉ tiêu cho vay cả năm. Do đó, trong tháng 7 và tháng 8, dư nợ cho vay chậm lại đáng kể. Cụ thể, trong tháng 7 chỉ tăng thêm 157 tỷ đồng; còn tháng 8 là 19 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay toàn tỉnh là 79.256 tỷ đồng). Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của người dân, DN vẫn rất lớn. Điều này khiến nhiều DN, hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng từ việc thiếu vốn cho vay nên huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng những tháng gần đây có xu hướng giảm mạnh. Trong khi tính đến cuối tháng 6, huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 91.351 tỷ đồng, tăng 6.284 tỷ đồng (tương ứng 7,62%) so với cuối năm 2021 (mức tăng cao nhất trong 8 tháng qua), thì sang đến tháng 7, huy động vốn bắt đầu có xu hướng giảm. Tính đến cuối tháng 8, con số này còn 89.924 tỷ đồng, giảm 1.427 tỷ đồng so với cuối tháng 6 (tăng 5,94% so với cuối năm 2021). Trong khi đó, khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng của huy động vốn bao giờ cũng cao hơn dư nợ tín dụng trung bình từ 2-3%/năm.
Việc tích trữ hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ thị trường cuối năm của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ bị hạn chế khi việc vay vốn NH không thuận lợi như những năm trước.
Nhiều khó khăn cho DN
Chị Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng một DN sắt thép ở phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên chia sẻ: Mấy tháng nay, DN tôi không được vay theo hình thức thông thường tại NH nữa, mà phải vay theo hình thức LC (thư tín dụng, do NH phát hành). Với hình thức vay này, thay vì được giải ngân chỉ sau một vài tiếng, giờ chúng tôi phải chờ khoảng 1 tuần. Tuy lãi suất vay theo LC thấp hơn khoảng 0,2 - 0,3%/năm, nhưng ngược lại, do không kịp thời thanh toán nên nhiều khoản hàng nhập, DN bị đối tác tính lãi cao hơn lãi NH. Chị Thanh cho biết thêm: Trên thực tế, mặc dù DN tôi vẫn có thể vay tại một số NH Thương mại Cổ phần (TMCP) nhỏ, song lãi suất cao hơn hẳn so với NH TMCP Nhà nước (NH mà DN chị đang vay) nên DN chị vẫn lựa chọn vay theo hình thức LC.
Được biết, trước đây, LC chỉ áp dụng đối với các DN có hoạt động xuất nhập khẩu (NH lập ra theo đề nghị của nhà nhập khẩu, nhằm cam kết trả một khoản tiền nhất định tại một thời điểm cụ thể cho nhà xuất khẩu - người hưởng lợi), nhưng nay, một số NH đã áp dụng cho cả DN khác, có báo cáo tài chính đẹp, có hợp đồng lớn và khoản vay minh bạch.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc một DN tư nhân ở TP. Phổ Yên thì: Chúng tôi đã hoàn tất thủ tục vay 10 tỷ đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh từ hơn 2 tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa được đáp ứng do NH đã cạn nguồn. Tôi cũng đã đặt vấn đề ở một số NH khác nhưng đều trong tình trạng khó khăn. Có nơi cũng chỉ cho vay được 1-2 tỷ, mà lãi suất lại cao hơn nhiều so với NH mà DN đang vay. Hơn nữa, số tiền này cũng không thể giúp cho DN của tôi làm được gì cho “ra tấm, ra món”. Mới đây, một số NH đã được NHNN cho nới “room” tín dụng, những tưởng khoản vay của DN sẽ được đáp ứng, nhưng do “cung không đủ cầu”, NH phải phân bổ vốn cho nhiều khách hàng nên DN vẫn chưa thể vay được số tiền như mong muốn, mặc dù, DN tôi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tài sản đảm bảo.
Không chỉ có khách hàng DN, các khách hàng tiêu dùng, hộ kinh doanh cũng đang “khóc dở, mếu dở” khi không dễ để tiếp cận nguồn vốn vay. Ngay cả với khoản đang vay, nhiều người còn được NH thông báo sau khi đến hạn trả, họ chỉ có thể được cho vay lại với mức tối đa không quá 80%, thậm chí là 50%, mặc dù hạn mức của họ vẫn còn. Lại có khách hàng được NH trả lời chưa rõ sau khi trả ra, có được cho vay tiếp hay không, hoặc sẽ được vay lại với mức thế nào, vì còn phụ thuộc vào nguồn vốn của NH vào thời điểm đó… Thực tế này đã và đang khiến không ít khách hàng hoang mang, lo lắng, nhất là vào thời điểm này, nhu cầu về vốn để tích trữ hàng hóa cho dịp cuối năm tăng cao.
Anh Nguyễn Ngọc Văn, lao động hợp đồng một cơ quan nhà nước chia sẻ: Vợ chồng tôi vay NH 1 tỷ đồng để mua đất làm nhà. Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ khởi công bằng tiền gia đình hỗ trợ và một phần vay theo chương trình nhà ở xã hội của NH Chính sách xã hội. Nhưng hiện kế hoạch này đang phải dừng lại bởi, mới đây, theo thông báo từ nhân viên NH nơi tôi đang vay thì khoản vay của tôi sau khi được đáo hạn vào tháng 10 này, tôi chỉ có thể được vay lại 80%. Điều này đồng nghĩa, tôi phải có 200 triệu để trả NH mà không vay lại được. Tôi chưa biết phải xoay sở thế nào, vì bình thường, tôi chỉ cần trả ra buổi sáng, đến trưa hoặc chiều là đã có thể vay lại luôn nếu có nhu cầu. Tôi đã phải nghĩ đến tình huống vay bên ngoài, nhưng lãi suất sẽ rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như nhiều người vẫn gặp phải.
Không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tiền vay những tháng qua, đặc biệt là từ đầu tháng 9 cũng được các NH điều chỉnh tăng, do lãi suất đầu vào tăng để giữ chân khách hàng tiền gửi (mức tăng khoảng 2%/năm so với đầu năm). Điều này càng khiến người vay thêm khó khăn. Cùng với đó, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng hầu như không còn. Chính vì thế, mặc dù nền kinh tế ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong tăng trưởng nhưng đối với không ít DN, thì đây vẫn là thời điểm khó khăn. Một số lãnh đạo NH còn cho biết: Lượng hàng tồn kho lớn, khiến vòng quay vốn chậm cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vốn những tháng qua tăng cao.
Việc chạm “room” tín dụng của phần lớn ngân hàng từ cuối quý II đã và đang khiến nhiều DN gặp trở ngại trong hoạt động cũng như mở rộng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Và những nguy cơ, thời cơ của NH
Không chỉ đối với khách hàng, ngay chính các NH, việc cạn “room” tín dụng cũng khiến họ gặp phải không ít khó khăn. Theo lãnh đạo một NHTM Nhà nước, có quy mô lớn trên địa bàn: Đối với các NHTM, thu từ tín dụng thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập. Đồng thời, tín dụng là hoạt động giúp cho NHTM đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ khác, từ đó gia tăng nguồn thu. Do vậy, khi tín dụng không được tăng trưởng và luân chuyển như trạng thái bình thường, sẽ làm giảm nguồn thu của NH. Ngoài ra, việc không thể giải ngân kịp thời cho khách hàng, để đáp ứng các nhu cầu thanh toán của DN (trong khi các kênh vốn khác cũng có khó khăn ở thời điểm hiện tại) đang tiềm ẩn nguy cơ quá hạn thanh toán dây chuyền giữa các DN và hoạt động kinh doanh của DN, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu tại các NH.
Trước thực trạng này, nhiều NH đã phải làm việc với khách hàng để xây dựng kế hoạch sử dụng vốn cụ thể, chủ động hơn. Tư vấn cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ như UPAS LC (phương thức thanh toán tín dụng chứng từ trả chậm nhưng người bán có thể nhận được tiền thanh toán ngay thông qua việc ứng vốn từ các NH đại lý) hay bảo lãnh, để hạn chế nhu cầu sử dụng vốn mà vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, loại dịch vụ này cũng chỉ áp dụng đối với khách hàng DN có báo cáo tài chính đẹp, có hợp đồng lớn và khoản vay minh bạch.
Rõ ràng việc khó tiếp cận được nguồn tiền cho vay tại nhiều NH, đặc biệt là các NH TMCP Nhà nước đã và đang khiến nhiều DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực thì đại diện lãnh đạo một số NH lại cho rằng đây là cơ hội để các NH sàng lọc khách hàng theo “khẩu vị” của NH mình, cũng như có cơ hội giữ lại khách hàng tốt. Còn việc lãi suất dần trở lại mức trước khi có dịch COVID-19 cho thấy nền kinh tế bắt đầu có sự phục hồi, khởi sắc trở lại.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Việc DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay là điều đáng mừng và cũng là nhu cầu chính đáng. Song, do cân đối cung - cầu tiền tệ và do ưu tiên cho vấn đề chống lạm phát, không đánh đổi tăng trưởng tín dụng để có thể xảy ra lạm phát nên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN phải điều hành việc tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, chứ không thể theo nhu cầu thực tế. Mới đây, NHNN đã xem xét, nới “room” tín dụng cho một số NH để đảm bảo cân đối chung của nền kinh tế, với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay. Tuy nhiên, không phải tất cả NH đều được cấp thêm hạn mức và mức được cấp cũng không đồng đều giữa các NH nên theo chỉ đạo của NHNN, các NHTM cần tập trung cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã đưa ra, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trực tiếp từ nay đến cuối năm.
Có thể nói, việc tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn sẽ khó khăn đối với hầu hết DN, người dân và hộ kinh doanh. Nắm bắt được điều này, người vay cần có sự cân nhắc, tính toán phương án kinh doanh, quay vòng vốn sao cho hợp lý, cũng như đưa ra các giải pháp trong việc huy động, mà không nên lệ thuộc quá nhiều từ NH, để hoạt động của DN không bị ảnh hưởng hoặc hạn chế được thấp nhất sự ảnh hưởng từ việc thiếu vốn.
Thu Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...