Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
13:45 (GMT +7)

Khi “Rêu trên tường cô độc bốc mùi chua”…

"Em biết không?

Em biết không?

Anh đã tiêu đến xu niềm tin cuối cùng

Nhân loại vẫn còn ngã giá!"

(Nguyễn Hữu Hồng Minh -2014)

Đa tài, có khả năng sáng tạo trong nhiều mảng văn nghệ, nhưng sau hơn 30 năm, Nguyễn Hữu Hồng Minh trong văn chương vẫn là một “Giọng nói mơ hồ” khó định vị, như tên một tập thơ Minh đã trình làng từ khá sớm.

Với những gì đã xuất bản, gọi Minh là nhà văn, nhà thơ, người nghiên cứu văn nghệ đều đúng. Tác phẩm của anh một nửa đáng gọi là sự lóe sáng, nhiều cách tân, bứt phá. Và nửa kia, phe cổ điển thuần thành và cố chấp có gọi là rác cũng không sai.

Ý tưởng phong phú, chữ nghĩa đầy ắp nhưng không có vectơ cá nhân, sáng tạo của Minh là một chuyển động Brown hỗn loạn, người tiếp nhận hầu như không thể nắm bắt.

Đầu thập niên 1990, với “Mắt chim câu” và nhiều truyện ngắn khác, kể cả "Ổ Thiên đường" muộn hơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh xuất hiện như một cây bút văn xuôi tài hoa. Truyện của Minh không giống ai. Trang viết của Minh không nhiều vốn sống nhưng nhiều suy tưởng và thể nghiệm hướng về nghệ thuật. Ban đầu, đó là sự thăng hoa trong trẻo. Càng về sau, nó càng bị “độn” quá nhiều những ý tưởng triết học chắp vá, lỗ mổ, chưa được tiêu hóa và phần nhiều là nổi loạn.

Tập “Tháo đáy” và nhiều truyện ngắn in rải rác trong ngoài nước (chủ yếu là trên các trang mạng) của Minh là một cái nhà kho cũ, xập xệ, cánh cửa không ổ khóa long bản lề chứa đầy Nietszche, Henry Miller, Oscar Wilde, Whitman, Sartre, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng…. nhưng trừ đi sự uyên bác, minh tường của triết học và nét trong trẻo, sâu sắc, quyến rũ của văn chương. Nhà kho của Nguyễn Hữu Hồng Minh chứa đầy phế liệu văn chương - triết học của thế giới, chỉ là không có gì riêng Nguyễn Hữu Hồng Minh. Những thể nghiệm của một nhà văn trẻ, cho đến lúc đã trung niên vẫn chưa giúp Minh định hình đúng diện mạo văn chương của anh một cách rõ nét.

Với thơ cũng thế. Giả sử Nguyễn Hữu Hồng Minh cứ giữ niềm say mê ban đầu, thơ anh chắc là quyến rũ lắm. Câu và chữ của Minh đôi khi đã rất tài hoa, giàu ảnh tượng:

“Chiếc lá xanh xanh đến gõ thì kêu”...

“Lũ kiến chụm đầu nói câu gì  đó…

…Rêu trên tường cô độc bốc mùi chua”

Giá đừng cố lao theo những sứ mệnh cách tân viển vông nhằm cứu rỗi một nền văn nghệ mà anh coi là đã “mốc meo, thối rữa”, cứ nặng lòng với những điều đã cũ, cứ theo đuổi vẻ đẹp của giấc mơ “khi người ta trẻ", thơ Minh sẽ rất đáng đọc. Chữ trong câu của Minh rất đẹp:

"Tôi sẽ hát suốt đời bằng chiếc lưỡi

Đi tìm cuống nhau bà mụ cắt đem vùi

Những vị ngọt của hoa bầu, hoa mướp

Có sắc màu lam lũ mẹ sinh tôi".

(Cầu Hồn)

Nhưng, nói như Nguyễn Bắc Sơn, “nhà hiền triết là những tay biếng nhác/sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh”, khát vọng chứng tỏ mình đã đẩy Minh cố chạy trước khi đi vững chãi. Minh muốn xuất hiện với vị thế dẫn đầu đoàn văn chương thế hệ, không cam tụt lại phía sau hay lẫn lộn trong đám đông xếp hàng dặc dặc chờ được nhận ra. Minh quá vội trở thành là chính Minh trong ý nghĩ. Có thể đọc được Minh trong trang viết của chính anh:

"Như dòng sông tìm mình trong biển lớn

Những câu thơ dựng sáng một chân trời"

Và gã thi sĩ lao đi, bất chấp:

 “Chưa thuộc hết ca dao tôi mơ làm thi sĩ

Những câu thơ toài tọc đau buồn”.

Tập “Chất trụ”, ấn tượng nhất, cũng chưa giúp Minh neo lại như một giá trị đích thực của sáng tạo. Nguyễn Hữu Hồng Minh đã bỏ qua rất nhiều giai đoạn học để trưởng thành, chỉ điên rồ ném tung đời mình từng quãng để mang cây thập giá tiên phong trong đoàn hành hương chữ nghĩa. Vồ vập thái quá với những “sứ mạng nghệ thuật” to tát không ai buộc, thay vì chia sẻ, bày tỏ, Minh tuyên ngôn. Thay vì lặng lẽ tỏa sáng bằng tài năng, Minh xuất hiện bằng bứt tung ném phá. Minh cứ hùng hục lao vào giải cứu thế giới (nghệ thuật), dù thật ra thế giới đó lâm nạn gì, ở đâu Minh không hề biết.

 Bản thân Minh cũng không biết mình sẽ cứu ai, cứu bằng phương tiện nghệ thuật gì. Minh nhảy xổ vào “tân hình thức”, “hậu hiện đại” như tìm thấy cơ hội vì đó là những cụm từ kêu choang choác chứ không vì anh am hiểu nó, làm chủ nó. Mơ hồ mục đích, Minh sa lầy trong rối rắm chữ nghĩa. 2003, “Lỗ thủng lịch sử” của nhà cách tân nghệ thuật nửa vời ra đời, tiếp nối bằng không ít những bài thơ tù mù chữ nghĩa trong ý tưởng dậm dật, điên cuồng. Khổ thay, gã nhà thơ có lẽ đến giờ vẫn coi đó là thành tựu, không hề nhận ra đó là một đống rác văn chương, một sản phẩm lỗi tệ hại. Kẻ sáng tạo hồn nhiên, tự nhiên chủ nghĩa không hề thấy ăn năn vì đã làm tổn thương không ít bạn văn chương, hay cao hơn, xúc phạm và làm tổn thương phẩm giá của một nửa thế giới. Nó không giúp Minh tỏa sáng và nổi tiếng, chỉ khiến phần lớn bạn văn e ngại, dè dặt với anh, cả ngoài đời lẫn trong trang viết. Sai lầm - nếu bị coi như thế - trong trang viết, một ngày nào đó sẽ bị nâng quan điểm, biến thành một sự suy đồi về đạo đức.

Từ 19 năm trước, tôi và rất nhiều bạn bè, bạn văn của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã phản đối quyết liệt ngay khi bài thơ này xuất hiện trên Tienve.org. Minh từng chống chế khá khiên cưỡng: “Bọn phá hoại nó không hiểu, suy diễn bậy bạ thôi anh”. Cũng tất nhiên, không tờ báo trong nước nào đăng bài này. Sau mốc 2003, internet phát triển, báo mạng nhiều, nhưng chẳng ai đăng bài thơ đó và một số bài tương tự. Nhắc đến thì có, với hai chiều lên án và biện hộ đều quyết liệt như nhau.

Khen như một tác phẩm thì không, ngoại trừ chính tác giả khi có dịp đề cập. Vả đó là nguyên nhân để dư luận dậy sóng, đòi đuổi cổ Nguyễn Hữu Hồng Minh ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam ngay trước khi quyết định kết nạp được công bố. Những ai đang ném ra những kết tội gay gắt và đầy phẫn nộ đã quên mất một nguyên tắc sơ đẳng: không ai bị kết tội hai lần cho một hành vi. Cũng không ai vì một sai lầm, dù có tày đình, mà mọi cánh cửa tương lai đều bị chặn cả đời. Nhiều năm sau, vì bài thơ ấy, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã phải nhận những chế tài mang tính trừng phạt nghiệt ngã dù không hề có văn bản nào công bố. Vậy là chưa đủ cho một sai lầm sao?

Trong cái nhìn của tôi, như nhiều người khác, “Lỗ thủng lịch sử” là một sản phẩm tệ hại, sai lầm, không đáng gọi là thơ.... Nhưng đã 19 năm rồi. Thì bỏ nó đi. Sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Hữu Hồng Minh không chỉ vì một sản phẩm lỗi, tồi mà đáng bị phủ nhận hết. Minh tài hoa, có không ít tác phẩm đáng đọc, nhiệt thành với sáng tạo hiếm thấy và không ngừng thể nghiệm, thừa đủ tiêu chuẩn để được gọi là một nhà văn, nhà thơ. Thậm chí thành tựu văn nghệ của gã còn dày dặn hơn nhiều nhiều Hội viên Hội nhà văn đang cố chứng minh thơ văn Minh mỏng. Đã thể nghiệm thì có thể sai, cái nào sai thì loại trừ. Phạm tội giết người, sau 20 năm còn hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, sao chỉ vì phạm “tội” viết một bài thơ xấu mà phải đeo đẳng cả đời, mà sau 19 năm vẫn phải bị trừng phạt? Nói thẳng, lôi ra "đấu tố" ngay khi Minh vừa vào hội không phải là chuyện đấu tranh sạch sẽ gì, chỉ bộc lộ tiểu khí trong một bộ phận của giới cầm bút.  Tôi phản đối điều đó, cũng như đã phản đối bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã viết cách đây gần 1/5 thế kỷ.

Trong sáng tạo văn chương, Nguyễn Hữu Hồng Minh là một kẻ nổi loạn mang tâm hồn yếu đuối, đầy những sai lầm. Trong đời sống, Minh không có khả năng làm một công chức, viên chức bình thường hay làm trọn một nghề bình thường, tử tế có tên nào khác. Có lẽ vì thế mà Minh kiên trì thử nghiệm thơ. Với mọi thể nghiệm, Minh đều chưa thành công, nếu không nói là đã thất bại cả đời. Lao động nghệ thuật say sưa nhưng cái đạt được vẫn chỉ là những thành công đã và đang bị trì hoãn. Trong đời sống, Minh gặp nhiều không may, thua thiệt. Thêm cú này nữa, có khi sẽ là “đinh đóng vào săng” (chữ của Vũ Hoàng Chương), không khéo gã sẽ rơi tõm xuống vũng tuyệt vọng. 

Tôi mong trước hết Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận ra điều đó. Và cũng mong những bạn bè văn chương ngừng ngay cuộc vận động “truy tận giết tuyệt” đánh vào nhân cách và hành trình sáng tác của một nghệ sĩ tài hoa (Minh đang sống bằng nghề viết nhạc và chơi nhạc) nhưng nhẹ dạ và lắm sai lầm. Hậu quả cho cá nhân kẻ bị đánh và cho văn giới sẽ rất khó lường. Không ai mong điều đó. Và chẳng lẽ, trên trường văn trận bút, chúng ta không cần đến sự cân nhắc, rộng lượng và chia sẻ?

Với Nguyễn Hữu Hồng Minh, mong là bạn tôi có đủ bình tĩnh để nhìn lại. Minh nợ người đọc, nợ những ai đã từng bị tổn thương bởi sự “sáng tạo” của Minh một lời xin lỗi thật sự cầu thị, chân thành. Có thể không ai đòi, song cũng không ai có thể chối bỏ trách nhiệm với việc đã làm. Phần bình tĩnh, qua theo dõi, tôi biết Minh đã làm được, làm khá tốt suốt mấy ngày qua. Chỉ mong là không có sáng tạo mới sai lầm. Đúng là thi phú, văn chương hiện đang rất tệ, rất cần đổi mới. Nhưng chẳng hay ho gì, đừng dại dột nhảy bổ làm thơ chỉ vì khi đó bạn hay tôi đang muốn chửi thề!

Vào Hội hay không, với một người viết đâu phải là tất cả, hà tất phải tranh chấp, loại bỏ nhau bằng mọi giá trong một chữ “danh” không chắc đã "chính danh". Nhìn lại xem, phần lớn người đọc chỉ biết đến bài thơ với những ngôn từ bị lên án là tục tĩu kia nhờ chính những người phản đối nó cố trình trưng lên, treo lại, nhân danh tranh đấu làm thanh sạch văn chương chữ nghĩa. Tác giả sai lầm khi viết ra, người lên án cũng không tử tế gì hơn, khi đang tạo một cơ hội quảng bá nó. Vò qua, vày lại một mớ bầy nhầy bị xem là bẩn thỉu, thật ra cũng là một cách nhấm nháp nó. Nhắc đi nhắc lại, chia sẻ cái xấu rộng ra với cộng đồng thì khác gì đồng lõa với cái xấu, cái tồi tệ mà bạn đang lên án? Mà có hay gì việc chà đi xát lại vết lở trên thân của một con người?

Dừng lại đi, cả cuộc sống lẫn hành trình sáng tạo đã có quá đủ sự khổ ải nhọc nhằn!

13-2-2022

Nguyễn Hồng Lam

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy