Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Khi Quốc hội bận rộn từ đầu năm

VNTN- Vừa qua năm 2021 tất bật với chuyển giao nhiệm kỳ, với kiện toàn, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao, với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để ứng phó với đại dịch COVID-19, năm 2022 Quốc hội khoá XV đã bận rộn ngay từ ngày làm việc đầu tiên.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng

Sáng 4/1/2022, cả nước đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch cũng là lúc kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV khai mạc.

Theo thông lệ, Quốc hội mỗi năm họp hai kỳ (khai mạc vào tháng 5 và tháng 10). Nhưng hai năm nay, đặc biệt là trong năm 2021, đại dịch Covid đã tạo cơn "địa chấn" chưa từng có, và Quốc hội không thể nào cứ theo thông lệ trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ như thế.

Thực ra, việc "phá lệ" đã bắt đầu ngay từ kỳ họp thứ nhất, khi phòng họp Diên Hồng đa số là người mới, nhưng đã chủ động ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp, qua đó, đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Nằm trong sự kiện thứ 5 của 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2021, quyết sách này của Quốc hội, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường là đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Với quyết định chưa có tiền lệ này, Quốc hội đã một lần nữa cho thấy sự quyết đoán, chung tay, đồng hành với cả hệ thống chính trị trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Không chỉ có Quốc hội, nhìn lại năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, để lại dấu ấn trong cử tri và Nhân dân. Và đây là sự kiện tiêu biểu thứ sáu được báo chí bình chọn.

Theo đó, trong thời gian Quốc hội không họp, với tinh thần khẩn trương, gấp rút, đúng quy định pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động tổ chức một số phiên họp bất thường, ngoài giờ để kịp thời ban hành các Nghị quyết quan trọng. Như Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhưng cuộc sống cần nhiều hơn thế, cuộc sống vẫn đang chờ những quyết sách kịp thời từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cho cả chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để những vết thương sớm liền da.

Đó cũng là lý do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, để giải quyết nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp

Bàn đi tính lại, nhấc lên đặt xuống, bốn vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội ở kỳ họp bất thường đều là những  vấn đề không thể chờ đến kỳ họp thông thường - tức kỳ họp thứ ba của Quốc hội, chừng nửa năm nữa mới diễn ra.

Đầu tiên, rất được trông đợi là gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc ban hành nghị quyết về nội dung này, theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách hỗ trợ kịp thời, có sự đột phá và lan tỏa, triển khai nhanh, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm còn lại của giai đoạn 2021 - 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với các tổ chức quốc tế.

Cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết nội dung này được xây dựng trên cơ sở bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.

Chính sách này tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung; Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực. Gói này cũng sẽ có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực. Đây cũng là chính sách được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa, có thời hạn triển khai chủ yếu trong 02 năm 2022 - 2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế. Gói hỗ trợ cũng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, được huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là nội dung thứ hai được Quốc hội xem xét ở kỳ họp đầu năm đang diễn ra. Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.

Để giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển, Quốc hội cũng sẽ sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Qua đây sẽ khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư (trong đó bao gồm cả nội dung liên quan đến khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở), Luật Đấu thầu, Luật Điện lực; khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng sử dụng xe ô tô thân thiện với môi trường; tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi.

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là nội dung thứ tư được Quốc hội xem xét, để nơi đây phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự là trung tâm động lực của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trách nhiệm với dân, với nước, Quốc hội đang bận rộn từ những ngày đầu tiên của năm mới 2022, một năm dẫu còn đầy khó khăn nhưng có cơ sở để tin rằng nền kinh tế sẽ dần phục hồi và phát triển, cuộc sống của Nhân dân cũng sẽ ấm áp hơn.

Vĩnh An

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy