Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
14:40 (GMT +7)

Khi lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng

VNTN - Tháng Giêng, mùa Xuân cách nay 790 năm, vào năm 1226, triều Trần được thành lập và đã mở ra một thời đại huy hoàng, rực rỡ trong lịch sử dân tộc Việt Nam không chỉ về võ công mà cả văn trị được sử sách đời sau không ngớt lời ca tụng. Cái gì đã làm nên một triều đại hiển hách ấy của lịch sử dân tộc Việt Nam? Câu hỏi không khó trả lời trước những câu chuyện, những bài học mà triều đại này đã để lại.

Vì mối bất hòa giữa hai anh em mà trước khi mất, An Sinh Vương Trần Liễu đã gọi con là Trần Quốc Tuấn đến bên giường để dặn dò phải giành lại ngôi vua từ tay dòng thứ: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha ở dưới suối vàng không nhắm mắt được”. Thế nhưng, trước họa đất nước bị xâm lăng, khi là Quốc công Tiết chế, Hưng Đạo Đại Vương thống lĩnh ba quân, Người đã đặt việc nước lên trên hết, một lòng vì dân, vì nước đánh đuổi quân xâm lược.

Vua Trần Thái Tông mở hội nghị Bình Than, tại Nam Sách, Hải Dương bàn kế hoạch chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2, năm Nhâm Ngọ (1282).

Đại Việt Sử kí toàn thư chép câu chuyện rằng Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung xin chồng là Thái sư Trần Thủ Độ cho một người thân của bà làm Câu đương (một chức dịch nhỏ), Trần Thủ Độ đồng ý và ghi tên người ấy. Khi xét duyệt, hỏi tên người đó, người ấy vui mừng chạy đến. Thái sư nói: Ngươi vì có công chúa (tức Trần Thị Dung, bị triều đình phế từ Thái hậu xuống công chúa để gả cho Trần Thủ Độ) xin cho, vì vậy không thể so sánh với người khác, phải chặt một ngón chân để phân biệt. Người ấy kêu xin tha. Từ đó không ai dám nhờ vả việc riêng nữa.

Vua Thái Tông nhà Trần có lần ban quả muỗm cho các quần thần, đến Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà thì không còn nữa. Khi giặc Mông Cổ đánh sang, cả triều đình xuôi mạn Hoàng Giang lánh nạn. Khi đoàn thuyền của Thái tử chạy giặc gặp Hoàng Cự Đà, quan quân gọi lớn hỏi quân Mông Cổ ở đâu? Cự Đà trả lời: Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy, rồi rong thuyền đi thẳng. Sau khi thắng giặc, luận công tội mọi người, có người đề nghị khép Hoàng Cự Đà vào tội nặng. Vua Trần Thái Tông suy nghĩ hồi lâu rồi nói Cự Đà tội đáng chết nhưng ta cũng có phần lỗi trong đó và tha cho.

Sau khi lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288) của giặc Nguyên - Mông, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về lại kinh đô. Có người dâng lên Thượng hoàng và nhà vua những hòm tờ biểu của những người Việt gửi cho quân Nguyên để xin được làm quan, Thượng hoàng và nhà vua đã có hành động “vô tiền, khoáng hậu”: Ra lệnh đốt hết các bức thư ấy và không truy cứu một ai. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng “Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Trước họa ngoại xâm, triều Trần đã tổ chức hội nghị Bình Than năm 1282 để thống nhất bàn kế sách chống giặc. Năm 1285, triều đình lại tổ chức hội nghị Diên Hồng để hỏi các bô lão trong nước nên hàng hay nên đánh. Kết quả là muôn người như một đã hô lên: “Phải đánh”. Chính vì cách làm thật sự “đắc nhân tâm” ấy mà triều đình đã huy động được sức mạnh vĩ đại của toàn dân chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược hung bạo. Trước lúc qua đời, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn vẫn còn để lại lời khuyên mang đầy tinh thần nhân văn cao cả vì nước, vì dân là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Nhà thơ nổi tiếng đương thời Trương Hán Siêu đã cảm tác trong Bạch Đằng giang phú niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc khi đất nước sạch bóng quân thù “Anh minh hai vị thánh quân/ Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh/ Giặc tan muôn thuở thái bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”.

Mới hay, khi lợi ích của quốc gia, dân tộc, hạnh phúc của nhân dân được đặt cao hơn hết thảy lo gì không thành công. Gần 800 năm đã đi qua, những bài học sâu sắc người xưa để lại chưa bao giờ cũ.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy