Khát vọng may mắn
VNTN - Những ngày đầu năm, đi đâu ta cũng có thể nghe thấy cụm từ “may mắn” trong những câu chúc đầu xuân, những nghi thức, hành vi mang tính biểu tượng, trong tâm lý, tình cảm mỗi người. Mong may mắn, người Việt trưng cây quất ở nhà, vì “quất” phát âm gần với “cát” - nghĩa là an lành, thuận lợi. Mong may mắn, người lớn lì xì trẻ con, người người mặc áo màu son, nói những điều tốt đẹp; gia đình nào cũng có ý chọn người được tuổi xông đất xông nhà, mà người ấy nhất định phải hiền lành phúc hậu, bình an, những mong chữ phúc được chia sẻ. Mâm cơm ngày tết phải dẻo thơm, đầy đặn, hoa quả cúng tết phải sai lộc tốt cành, bình ga phải đầy, bếp lửa phải đỏ, vại nước phải ăm ắp, thóc gạo phải lưng bồ… Rất nhiều phong tục ngày tết được lý giải từ khát vọng may mắn, theo một cơ sở liên tưởng nào đó. Cũng rất nhiều nghi thức chẳng hiểu bắt nguồn từ đâu, và khi không thể lý giải, chúng ta sẽ giải thích một cách gọn nhẹ: “Làm vậy để cho may mắn”.
Ra tết, tới rằm tháng Giêng và nhiều tuần lễ sau đó, những lễ hội, nghi thức, mẹo thuật với ý nghĩa cầu may vẫn còn. Học sinh khai bút bằng một bài văn thật tươi sáng, nông dân xuống đồng, ngư dân ra khơi, người buôn bán cẩn thận mở hàng cho những vị khách đầu tiên vừa sởi lởi, mát tay, vừa hợp mệnh, hợp tuổi. Chả thế mà quãng mùng 3 trở ra, lướt nhanh trên mạng xã hội, sẽ thấy vô số lời mời gọi: Ai sinh năm này, bản mệnh nọ mở hàng giúp, gia chủ sẽ lì xì lớn. Xông đất, xông nhà trở thành dịch vụ. Đi lễ, cướp ấn, mua bán cầu may, mượn tiền cửa thánh trở thành phong trào. Những năm gần đây, người Việt đua nhau mua vàng ngày vía Thần tài (10/01) những mong một năm vinh hoa tài lộc. Nghi thức tín ngưỡng khiến giá vàng tăng đột ngột rồi cũng hạ đột ngột ngay sau đó, bởi không ít người chắt chiu dành dụm, cố gắng “mua lấy vía” vào lúc giá vàng cực cao, rồi chẳng bao lâu lại phải bán ra để lấy tiền mua gạo. Nhiều người chen chúc từ 3 giờ sáng để mua bằng được chiếc nhẫn kim tiền nhưng chỉ cuối buổi chiều vàng đã rớt giá, chịu lỗ tiền trăm. May mắn đối lập với vận hạn, nên cũng trong những ngày đầu năm, bách gia trăm họ đã “lo trước đón đầu”, dâng sao giải hạn khắp cửa chùa, cửa thánh. Đám đông xô đẩy, tràn cả ra đường, hàng ngàn, hàng vạn cái tên được đọc “siêu cấp tốc” trước thần phật nhằm giải trừ tai ương, mặc dù, giáo lý nhà Phật là nhân - quả và hầu hết các tín ngưỡng dân gian đều xây dựng niềm tin “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. May rủi thực sự tồn tại trong cuộc sống, như những yếu tố khách quan, tình cờ, đem đến cho con người cơ hội hoặc khó khăn, thử thách. Lịch sử đã ghi nhận những người may mắn và đen đủi nhất thế giới như ông Frane Selak sinh năm 1929 người Croatia với 7 lần thoát chết ngoạn mục, hay người đàn ông tai họa John Lyne (Anh) gặp tai nạn nghiêm trọng tới 16 lần trong đời. Bằng con mắt lý tính, khoa học phương Tây đã cố gắng lý giải sự may mắn, trong đó có yếu tố tâm lý hay chu kỳ sinh học đời người. Cổ nhân phương Đông có điển tích “Tái ông thất mã” nhằm khuyên người đời có cách nhìn đa chiều trước những được mất, may rủi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sự may rủi đôi khi mang tính ngẫu nhiên, rất khó giải thích. Và vì vậy, nó khoác lên mình tấm áo tâm linh thần bí, dân gian gọi là “số đỏ”, “được lộc”, “có duyên” hay “giông”, “vận áo xám”… Sinh kế của cư dân nông nghiệp phụ thuộc gần như hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, nên tâm lý trông chờ may rủi càng ăn sâu vào tiềm thức. Nếu như đầu năm, nhà nhà đều mong chờ may mắn, đầu xuôi đuôi lọt, thì đến giữa năm, người ta thường nhìn thấy sự vận hạn, tối tăm trong tháng cô hồn. Suốt tháng 7 âm lịch, bao thất bại, tai ương đều đổ lỗi cho phận số! Khát vọng may mắn vào mùa xuân là một trạng thái tâm lý tích cực. Chút âu lo và tinh thần cảnh giác trong tháng bảy cô hồn cũng không xấu, không thừa. Niềm tin mang màu sắc tâm linh vào sự may rủi còn khơi nguồn cho rất nhiều điều ý nghĩa, từ lời nói đến hành động, từ cá nhân đến cộng đồng. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn, nếu niềm tin ấy được thắp sáng bởi những triết lý minh tuệ của tôn giáo, để sự may mắn đến với con người trong sự lành thiện, an yên và tuân theo quy luật của đất trời.
Thái Văn0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...