Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:08 (GMT +7)

Khái niệm “nhập cuộc” và cách minh định của người viết trẻ

VNTN - Ở địa hạt văn chương, “nhập cuộc” là một khái niệm mở, kích gợi nhiều tiếng nói đối thoại. Nhập cuộc là dấn nhập vào trường văn trận bút đòi hỏi nhiều công phu, lao tâm lao lực, chấp nhận hy sinh, đánh đổi. Nhập cuộc là dấn nhập vào một thời cuộc mới của văn chương, khi mà văn chương có những cách thế hiện tồn không giống trước. Nhập cuộc là dấn nhập vào cuộc đời lớn rộng. Nhập cuộc là dấn nhập vào cuộc thế mới của xã hội, đất nước để chiếm lĩnh cái hiện thực thậm phồn, phì đại ngổn ngang bộn bề hôm nay...

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu: “Ở bất kỳ thời đại nào, cuộc sống cũng tìm cách sinh ra những nhà văn của mình. Đó là trí khôn của lịch sử. Trong những năm gần đây, những người viết trẻ đang đầy say mê và tự tin tham gia vào đời sống văn học. Cuộc sống chào đón họ và có thể nói dành cho họ những điều kiện sáng tạo tốt nhất mà không thế hệ nào trước đó có được. Một không gian tinh thần rộng thoáng, một hiện thực vạm vỡ, mới mẻ đến ngỡ ngàng, một công chúng đông đảo mà dân trí được nâng cao từng ngày, tất cả tạo nên một “cánh đồng bất tận” cho các tài năng trẻ nảy nở và phát triển. Sau 30 năm đổi mới, đồng hành với các cây bút trẻ là một lớp bạn đọc trẻ đầy thông minh, sở hữu một vốn sống, sở thích, thị hiếu khác hẳn trước. Họ mong mỏi tìm thấy những đại diện tinh thần của họ, trông đợi và ủy thác cho các nhà văn cùng thế hệ với họ nói lên thật đích đáng và say lòng người tất cả những gì đang làm nên diện mạo và cốt cách của xã hội ta hôm nay. Bất luận lý do gì, chúng ta không có quyền để bạn đọc phải thất vọng”. Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - đưa ra nhận diện và kỳ vọng của mình: “Một đặc điểm sáng tác rất cần được nhắc tới, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục. Những nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lý tưởng. Hơn bao giờ hết, xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo…”. Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học cũng xác quyết: “Cuộc sống đang đặt lên vai chúng ta trách nhiệm, đòi hỏi chúng ta phải nghĩ khác và sống khác, phải có những hy sinh cá nhân cho mục tiêu chung. Bản thân tôi cũng đặt lên vai mình một trách nhiệm với thời cuộc. Không thể trốn tránh mãi trong sự bình yên cá nhân, tôi nhập cuộc bằng việc sáng tạo nên những tác phẩm từ những điều cuộc sống đòi hỏi ở bản thân mình. Những khổ đau vụn vặt cá nhân, chuyện tình tay ba tay tư, hay những u hoài về kỷ niệm cá nhân cần phải gác lại một bên, để nhường chỗ cho tư duy mới, ý nghĩ và trở trăn mới về những vấn đề bức thiết của xã hội. Tôi không cổ vũ những sáng tác xa rời hiện thực cuộc sống đang diễn biến vô cùng mau lẹ, phức tạp và đầy ngổn ngang. Tôi không cổ vũ những sáng tác mang quá nhiều yếu tố thị trường, với những tình cảm sướt mướt, ủy mị”…

 Tác phẩm của một số người viết trẻ                                   Nguồn: Internet

Tuy nhiên, đa phần những người viết văn trẻ hôm nay, bằng tư kiến của mình, thiên về cách hiểu nhập cuộc là dấn nhập vào trường văn trận bút và dấn nhập vào thời cuộc mới của văn chương. Văn chương, với họ, trước hết và trên hết phải là văn chương, tiếp đến mới là cuộc đời. Văn chương, với họ, mang tính nghệ thuật tự trị, tự mình cách biệt, khác biệt với các loại hình thông tấn báo chí, tự mình từ chối “đại tự sự”, từ chối những sứ mệnh mà bản mệnh của mình không đủ sức đeo mang. Trách nhiệm xã hội nếu có của nhà văn thì đó là anh phải viết ra được những tác phẩm văn chương tử tế, để trong thế giới nghệ thuật đó, nhu cầu thưởng ngoạn thẩm mỹ của khách tri âm có thể được thỏa mãn, cũng như linh hồn khách tri âm được trú ngụ, được cứu rỗi chốc lát… Nhà phê bình trẻ Ngô Hương Giang thông diễn: “Nhập cuộc tức là tham gia cuộc chơi, cuộc đối thoại văn hóa - một sự nhập cuộc mang tính thời đại, tính thế hệ. Muốn nhập cuộc sâu rộng thì buộc anh phải nhận thức một cách đầy đủ nhất bản chất cái sân chơi của mình, phải nhập cuộc với tâm thế hoàn toàn chủ động, và đặc biệt là anh phải phát huy, khẳng định được cá tính, bản sắc của mình”. Nhà văn trẻ Nhật Phi nhìn nhận: “Những biểu hiện cho thấy văn trẻ hôm nay đã dấn nhập vào cuộc văn, vào thời cuộc mới của văn chương, đó là sự nhạy bén trong tiếp cận đề tài, sự khéo léo trong truyền thông, giới thiệu tác phẩm, là sự hăm hở trong thể nghiệm lối viết, là sự đột phá trong kiến tạo ý tưởng, trong mở rộng biên độ sáng tạo, là nỗ lực tìm vào những gì cốt lõi, yếu tính của văn chương, là bung thoát khỏi những cây cao bóng cả trong rừng văn quá khứ, là trút bỏ gánh áp lực trách nhiệm, sứ mệnh quá sức để tìm vào chính mình, trình hiện chính mình một cách chân phương nhất… Mỗi nhà văn là một mảnh ghép của bức tranh tinh thần xã hội. Hãy để cho bức tranh ấy được đa màu, tự nhiên. Chức năng giải trí trong thời bình có lẽ không nên được đánh giá thấp hơn chức năng cổ vũ chiến đấu trong thời chiến”. Nhà thơ trẻ Nguyễn Nhật Huy và dịch giả trẻ Nguyễn Thị Minh Thương đồng tình cho rằng: Nước chảy chỗ trũng, lịch sử văn học phát triển về phía nó thiếu hụt. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, văn học dân tộc mải bận gồng mình “tải đạo”, những tác phẩm mang tính “mua vui” thuộc về phụ lưu, ngoài lề. Do vậy, thời gian gần đây việc trương nở bộ phận văn học đại chúng, thiên về tính chất giải trí, được đông đảo người đọc trẻ đón nhận là dễ hiểu, hợp quy luật. Bộ phận văn học này phải được đặt bình đẳng trên mặt sân các giá trị trong đời sống văn học đa sắc đa màu hôm nay. Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang chân thành: “Trong địa hạt văn chương, mọi thứ phụ thuộc vào thái độ của bạn chứ không phải năng khiếu của bạn để quyết định vị trí của bạn trong cuộc sống, trên văn đàn. Con đường sáng tạo lắm chông gai và cũng đầy hương mật. Người viết văn trẻ rất dễ bỏ rơi những đứa con tinh thần của mình, là hồn cốt, máu thịt của chính mình, để chạy theo những thứ màu mè, tạm bợ. Gốc sáng tạo được quyết định bởi độ trong trẻo của tâm. Mọi thứ đều do tâm tạo. Người viết văn trẻ cần tự do, tự do sống, tự do suy nghĩ, tự do đi, tự do đọc, tự do học, tự do viết, tự do trong tất cả những thứ cần được tự do. Nếu một nền văn chương không có tự do đích thực, nền văn chương ấy sớm trở thành tiếng hót của loài chim nhại. Tuổi trẻ rồi sẽ qua mau, tài hoa rồi cũng lụi tàn trước thời gian. Đừng bỏ phí thời gian cho những thứ ngoài/phi văn học, thay vào đó là nên dấn thân, phụng hiến cho văn học, chỉ có thế mới mong gặt một chút nắng trong bóng câu. Nghiệp viết suy cho cùng là cái duyên phú, là sự phân công của xã hội để giữ lại hồn cốt, tâm lý, thể tính của thời đại mà chúng ta đang thuộc về. Ngoài kia, “những chân trời không có người bay” vẫn đang giãn nở chờ người trẻ gặt mây và hái nắng. Một khi tác phẩm có khả năng “mua vui” cho thiên hạ, ấy là tác giả đã vượt thoát khỏi cái tôi nhỏ bé của mình để phụng hiến rồi”. Nhà văn trẻ Văn Thành Lê giãi bộc: “Chữ nghĩa ấy, văn chương ấy, cánh cửa bước vào thì rộng, thì không quá khó. Vui chơi thoáng chốc thôi thì nhẹ nhàng lắm, giản đơn lắm. Nhưng để đi tiếp, đi đường dài, để sống chết dấn bước, thật không dễ dàng gì. Người viết, bao giờ cũng có thế hệ của mình. Văn trẻ hôm nay thuộc về thế hệ 8x, 9x. Văn chương càng thật sự là văn chương, càng không phải của số đông. Dù ở thời đại này không thể phủ định sự cần thiết của truyền thông thì văn chương vẫn không đứng về phía ồn ào. Những trang viết đi ra từ ẩn ức của cá nhân. Đây mới chính là bản chất của văn chương, cũng là hấp lực của văn chương. Với người viết trẻ, cứ hồn nhiên đi đến tận cùng bản thân mình, tất yếu sẽ gặp cộng đồng đất nước ở đấy, giản dị vậy thôi”. Các nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa, Hân Như quan niệm: Người viết văn trẻ hôm nay có nhiều cách thế để nhập cuộc và sáng tạo. Đành rằng những cuộc đi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn với người viết là cái đầu của họ có mở ra hay không để mà nới giãn chiều kích của tưởng tượng, để mà thâu nạp, thẩm thấu tri thức toàn diện. Chiều kích của nhà văn là chiều kích của tưởng tượng và sáng tạo, chứ không phải là chiều kích của những hành trình địa lý.

Tựu trung, với người trẻ cầm bút viết văn, “nhập cuộc” đơn giản là sống hết mình với bản thân, với tha nhân, với cuộc đời, với văn minh văn hóa của dân tộc và nhân loại, với văn chương chữ nghĩa, và bung trổ, trình hiện mình bằng tác phẩm - sản phẩm nghệ thuật ngôn từ mà mình tận tâm tận lực sáng tạo nên.

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy