Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Khách quan, công bằng khi đánh giá về lịch sử

Lịch sử là những câu chuyện sinh động, chính xác, khách quan về đất nước và dân tộc, trong đó có cả những vinh quang và cay đắng, có cả hạnh phúc và khổ đau của những số phận con người trong lịch sử đất nước. Vì vậy, lịch sử phải được viết một cách khách quan, trung thực vì đó là những bài học của quá khứ mà qua đó người đọc nhận biết về tương lai. Có những sự kiện lịch sử oai hùng, vẻ vang, song cũng có những chương sử bi tráng và cả những thất bại đau đớn. Viết về cái hạn chế, thất bại không phải để âm thầm gặm nhấm nỗi buồn hay bi quan, mà để làm tấm gương phản chiếu cho mai sau đừng đi vào vết xe đổ sai lầm ấy.

Bitmap in 6-7.cdr
Tranh mô phỏng một trận đánh trên sông Bạch Đằng tại Bảo tàng Hải Phòng

Khi đọc lịch sử Việt Nam, điều rất dễ nhận ra là các sử quan xưa đã dùng ngòi bút của mình cơ bản khách quan, trung thực, nhất là đánh giá công bằng về các triều đại cũ, kể cả những quyết sách lịch sử, những nhân vật lịch sử đối lập. Trong Đại Việt thông sử, khi viết về các triều đại, Lê Quý Đôn mặc dù phải theo quan điểm chính thống lúc bấy giờ nhưng vẫn viết về nhà Mạc với những đánh giá, nhận xét đúng như những gì đã diễn ra. Không những thế, Lê Quý Đôn là sử quan của nhà Lê, tức là cựu thù nhà Mạc, nhưng ông ghi lại những năm đầu trị vì của nhà Mạc được đánh giá là thái bình, thịnh trị “ngủ không phải đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai nhặt”. Một sử quan của triều đại cựu thù với nhà Mạc lại đánh giá về nhà Mạc như vậy, có nghĩa sự khách quan, trung thực chính là tiêu chí của người viết sử và giá trị cốt lõi của lịch sử.

Việt Nam sử lược được viết dưới triều Nguyễn. Triều Nguyễn và triều Tây Sơn vốn có mối thù “bất cộng đái thiên” (không đội trời chung), thế nhưng, trong tác phẩm này, sử gia Trần Trọng Kim đã hết lời ca ngợi người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Sau khi đưa ra hàng loạt các dữ liệu để chứng minh, ông Trần Trọng Kim kết luận: “Lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh, nhà Lê vậy”. Cha ông ta thật cao thượng!

Cũng vậy, khi đọc các sách lịch sử trước đây, nhất là các sách xuất bản trước năm 1945 và trước năm 1975 ở miền Nam, nhiều sự kiện lịch sử cũng đã được viết và đánh giá một cách khách quan, công bằng. Người Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam, họ đã gây ra cho đất nước và dân tộc Việt Nam biết bao đau thương, mất mát, thế nhưng trong các sách lịch sử trước đây, chẳng hạn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Quân dân Nam Kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương của Nguyễn Duy Oanh, Vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc, v.v. độc giả rất dễ nhận ra rằng các tác giả đã bằng sự trung thực của người viết sử để chép về những gì đã diễn ra.

Những năm gần đây, trong sự đổi mới tư duy thì có cả tư duy ngày càng cởi mở hơn khi đánh giá về lịch sử. Nhiều vấn đề lâu nay vốn bị xem là “cấm kỵ” cũng đã được công khai bàn bạc một cách nghiêm túc trên các diễn đàn. Những “góc khuất” lịch sử đã được nhiều nhà khoa học khơi gợi và làm sáng tỏ dựa trên việc xác lập quan điểm lịch sử mới. Có lẽ vì vậy mà nhà nước đã cho phép xuất bản nhiều tác phẩm với những góc nhìn đa chiều hơn. Tuy nhiên đây còn là bước đường gian nan, thử thách và có lẽ còn phải mất nhiều thời gian để minh định lại.

Mấy năm trước, sáng 22/2/2017 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam”. Phát biểu tại đây, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (nay ông là Chủ tịch nước) đã phát biểu: “Dù lịch sử có liên quan rất lớn với chính trị, nhưng các cơ quan lãnh đạo luôn nhìn vào lịch sử để nhận ra bài học về xây dựng, bảo vệ đất nước”.

Vậy nên, lịch sử đâu chỉ toàn những chiến công kiểu "ta thắng địch thua" mà còn có cả những đau thương, mất mát. Trong sách giáo khoa lịch sử các cấp hiện nay, ta khó tìm thấy điều ấy. Viết, dạy về những câu chuyện đau đớn, thất bại của chiến tranh đâu phải làm cho người học mềm yếu đi mà ngược lại sẽ làm cho con người biết đau xót, sẻ chia, biết căm thù, lên án chiến tranh phi nghĩa để yêu hòa bình và sống nhân văn hơn.

Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói lịch sử chỉ có thể xảy ra một lần nhưng người viết sử có thể viết lại nhiều lần. Những sự kiện lịch sử xảy ra càng được đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, trung thực sẽ càng giúp người Việt thêm yêu sử Việt.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 6 tháng trước