Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:42 (GMT +7)

Khách ngồi dai

VNTN - Ông Winkeladvokat Selterskij cố mở mắt. Mọi vật đã chìm vào giấc ngủ. Những con chim nhỏ đã ngừng hót ở trong rừng. Vợ ông Selterskij đã đi ngủ từ lâu, người hầu gái và những người khác đang sống ở trong nhà nghỉ của ông ở thôn quê cũng đã ngủ; nhưng ông vẫn chưa thể đi vào phòng ngủ, mặc dù mắt ông cứ nhíu lại. Vì ông đại tá về hưu Peregarin, người sống ở nhà nghỉ bên cạnh là khách sang chơi đang ngồi ở nhà của ông. Ngay sau bữa trưa ông Peregarin đã sang nhà ông và vẫn ngồi như bị dính vào ghế sô pha. Bằng giọng khàn khàn đáng ghét ông Peregarin kể chuyện mình đã bị một con chó điên cắn vào năm 1842 ở Krementschug. Khi ông ta kể xong thì ông lại bắt đầu kể lại câu chuyện từ đầu. Ông Selterskij  không biết làm thế nào để ông khách ra về. Ông luôn nhìn đồng hồ, kêu đau đầu, cứ năm phút lại đi ra ngoài một lần và để ông khách ngồi lại một mình, nhưng chẳng ăn thua gì. Ông khách không hiểu ý ông Selterskij và tiếp tục kể chuyện về con chó điên. Lão già kì cục này sẽ còn ngồi ở đây đến sáng mất! - ông Selterskij bực bội nghĩ.  Đúng là một kẻ chậm hiểu! Và nếu lão ta vẫn không hiểu ý mình thì mình sẽ nói thẳng vào mặt lão.

Ông Selterskij nói to: "Ông biết tại sao tôi lại rất thích cuộc sống ở nhà nghỉ chứ?"  "Không, tại sao?"  "Vì ở đây người ta có thể tùy ý điều hòa cuộc sống của mình. Việc duy trì một nền nếp nhất định là điều khó thực hiện ở trong thành phố, trong khi việc đó ở làng quê thì thật dễ dàng. Gia đình tôi ngủ dậy lúc chín giờ, ăn trưa vào lúc ba giờ chiều, mười giờ ăn tối và đi ngủ vào lúc khoảng mười một giờ. Tôi luôn ở trên giường vào lúc mười hai giờ đêm. Nếu sau mười hai giờ tôi mới đi nằm thì y như rằng sáng hôm sau tôi bị nhức đầu".

"Lạ nhỉ… Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào thói quen. Ngày trước tôi có một người quen, một nhà lãnh đạo thực thụ tên là Kjuschkin. Tôi đã làm quen với ông ta ở Sserpuchow. Vậy mà cái ông Kjuschkin này…", và ông đại tá bắt đầu chóp chép miệng, nói lắp bắp và khoa chân múa tay kể chuyện về ông Kjuschkin đó. Chuông đồng hồ điểm mười hai giờ, sau đó kim đồng hồ sắp chỉ mười hai rưỡi, nhưng ông ta vẫn tiếp tục kể chuyện. Mồ hôi lạnh toát ra trên trán ông Selterskij.

Ông Selterskij nghĩ ở trong đầu: Lão ta vẫn không hiểu ý mình! Đơn giản là lão ta ngu ngốc! Hay là lão già đần độn này tưởng rằng mình thích lão ấy sang chơi nhỉ? Làm thế nào để lão ra về đây?. "Ông hãy nói xem", ông Selterskij ngắt lời ông đại tá, "tôi phải làm gì? Tôi đang bị đau cổ quá! Đúng là xúi quẩy! Hôm nay tôi đã đi thăm một người quen, con của ông ta bị bệnh bạch hầu. Hình như tôi đã bị lây. Đúng rồi, tôi biết chắc là mình đã bị lây bệnh!".

"Cũng có thể!", ông Peregarin thản nhiên nói.

"Bệnh này nguy hiểm lắm đấy! Không chỉ có mình tôi mắc bệnh thôi đâu, tôi cũng có thể truyền bệnh cho người xung quanh. Bệnh này dễ lây nhất! Chả lẽ tôi lại không truyền bệnh sang ông, thưa ông đại tá!".

"Truyền bệnh sang tôi á? Tôi đã sống cùng với những người bị bệnh thương hàn mà tôi đã không hề bị lây. Không nhẽ bỗng dưng tôi lại bị lây bệnh từ ông? Một lão già lẩn thẩn như tôi thì chả bệnh nào lây sang được. Người già thường kháng bệnh tốt. Trong lữ đoàn của chúng tôi đã có một viên đại tá già tên là Trèsbien, người Pháp. Thế mà lão Trèsbien này…"

Bây giờ ông Peregarin kể về sự khỏe mạnh của ông Trèsbien đó. Đồng hồ điểm mười hai rưỡi.

"Thưa ông đại tá, xin lỗi ông, cho tôi được phép ngắt lời ông. Ông thường đi ngủ vào lúc mấy giờ?"

"Vào khoảng hai hoặc ba giờ gì đó. Có thể tôi sẽ thức trắng đêm nếu ngồi trò chuyện vui vẻ hoặc tôi bị những cơn đau nhức của bệnh phong thấp hành hạ. Chẳng hạn như hôm nay tôi sẽ chỉ đi ngủ vào khoảng bốn giờ, vì buổi chiều tôi đã ngủ đẫy giấc. Hơn nữa tôi có thể thức nhiều ngày liên tục. Có lẽ là do trong chiến tranh hàng tuần trời chúng tôi không được nằm ngủ. Ví dụ như câu chuyện sau đây mà tôi rất muốn kể cho ông nghe. Trung đoàn của chúng tôi đang ở trước cửa ngõ Achalzych…".

"Xin lỗi ông. Còn tôi thì thường đi ngủ vào lúc mười hai giờ. Tôi luôn phải dậy vào lúc chín giờ, cho nên nhất định tôi phải đi ngủ sớm hơn.".

"Đương nhiên rồi. Việc dậy sớm rất có lợi cho sức khỏe. Khi đó chúng tôi đang ở trước cửa ngõ Achalzych…".

"Tôi hoàn toàn không biết mình bị làm sao nữa. Lúc thì cảm thấy người rét run lên, lúc thì lại nóng phừng phừng. Tôi luôn bị như thế trước cơn đau. Tôi cần phải nói với ông rằng thỉnh thoảng tôi bị những cơn đau thần kinh kỳ quái hành hạ. Vào khoảng một giờ đêm… tôi không hề bị đau vào ban ngày… Tai tôi ù đi, tôi mất hết ý thức, tôi nhảy lên và ném bất cứ vật nặng nào tôi đang cầm ở trên tay vào bất cứ ai ở gần tôi. Nếu tôi tìm thấy dao thì tôi ném dao, nếu tìm thấy ghế thì tôi ném ghế. Bây giờ tôi đang bị rét run lên như mọi lần trước khi bị cơn đau hành hạ. Cơn đau luôn luôn bắt đầu cùng với cơn rùng mình.".

"Thế mà ông chả nói! … Ông nên đi chữa trị đi!".

"Đã có vài bác sĩ điều trị cho tôi, nhưng vẫn không có kết quả… Giờ đây tôi phải chủ động cảnh báo cho các thành viên trong gia đình mình trước các cơn bệnh để họ kịp thời tránh xa tôi. Ngoài ra tôi chẳng biết làm gì để chống lại bệnh tật…".

"Lạ thế nhỉ… Trên thế giới có biết bao nhiêu là chứng bệnh! Nào là dịch hạch, dịch tả và nhiều bệnh khác nữa…".

Ông đại tá lắc đầu và trở nên trầm ngâm. Hai người im lặng một lát.  Mình sẽ đọc cho lão ta nghe một đoạn trong tác phẩm của mình, ông Selterskij tự nhủ. Chắc chắn là mình vẫn để cuốn tiểu thuyết mà mình đã viết từ thuở còn là học sinh trung học ở trong ngăn kéo tủ…

"Thưa ông đại tá", giọng nói của ông Selterskij cắt đứt dòng suy nghĩ của ông khách. "Ông có muốn tôi đọc cho ông nghe một đoạn trong tác phẩm của tôi không? Tôi đã viết nó trong thời gian rảnh rỗi… Đây là một cuốn tiểu thuyết gồm năm chương, có một chương mở đầu và một chương kết thúc…".  Và không đợi ông khách trả lời, ông Selterskij đứng bật dậy, lấy từ ngăn kéo tủ ra một tập bản thảo cũ, đã ố vàng, ngoài bìa đề "Nước lặng. Tiểu thuyết gồm năm chương". Bằng cách này thì chắc chắn mình sẽ làm cho lão ta phải ra về, ông Selterskij nghĩ trong đầu và lật giở từng trang tác phẩm được viết khi còn trẻ của mình. Mình sẽ đọc cho lão ta nghe thật lâu, cho đến khi lão phát chán… "Ông đại tá! Ông nghe tôi đọc nhé!".

"Hay đấy… tôi nghe đây."

Ông Selterskij bắt đầu đọc. Ông đại tá bắt chéo chân, ngồi lại cho thoải mái hơn, với nét mặt nghiêm trang, tỏ ý sẵn sàng ngồi lâu và chăm chú lắng nghe… Cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Khi đồng hồ điểm một giờ thì ông Selterskij đọc đến đoạn mô tả lâu đài mà người anh hùng tên là Graf Valentin trong cuốn tiểu thuyết sống ở trong đó. "Thật tuyệt khi sống ở trong một lâu đài như vậy!” Ông Peregarin thở dài. "Ông tả cảnh mới hay làm sao! Tôi có thể ngồi đây cả đời để nghe ông đọc!".

- Cứ đợi đấy, ông Selterskij nghĩ bụng. Mi sẽ không chịu lâu được nữa đâu! Vào lúc một rưỡi ông đọc đến đoạn ông miêu tả vẻ ngoài cường tráng của người anh hùng sống ở trong lâu đài. Vào lúc hai giờ ông đọc bằng giọng mệt mỏi, nhỏ dần: "Ngài hỏi tôi muốn gì ư? Ồ, ở đó tôi muốn rằng bàn tay bé nhỏ, yếu ớt của nàng run rẩy trong bàn tay tôi dưới vòm trời phương Nam… Chỉ ở đó trái tim tôi mới có thể đập dưới mái vòm của thánh đường tình yêu … Tôi khao khát tình yêu! Ôi tình yêu!...  Thưa ông đại tá! Tôi không thể đọc được nữa… tôi kiệt sức rồi!".

"Thôi, ông dừng lại đi! Ngày mai ông sẽ đọc nốt phần còn lại. Bây giờ chúng ta sẽ tán gẫu một chút… Tôi vẫn chưa kể cho ông nghe chúng tôi đã trải qua những gì khi ở trước cửa ngõ Achalzych… "- Ông Selterskij kiệt sức buông người xuống ghế sô pha, nhắm mắt lại và nghe ông khách kể chuyện tiếp…

- Ta đã thử đủ mọi cách rồi, ông Selterskij nghĩ. Lão ta mới lì lợm làm sao! Bây giờ thì lão sẽ ngồi đến bốn giờ… Ôi Chúa ơi! Mình sẵn sàng mất một trăm rúp, nếu lão ra về… À! Ta sẽ thử vay tiền lão! Cách này chắc là hiệu nghiệm…

"Thưa ông đại tá!" ông Selterskij ngắt lời ông khách. Tôi lại phải ngắt lời ông. Tôi xin ông giúp một việc… Trong thời gian gần đây tôi đã chi tiêu khá nhiều tiền khi nghỉ mát ở đây. Trong nhà tôi chẳng còn đồng bạc nào và đang đợi đến cuối tháng tám mới có tiền".

"Muộn quá rồi…", ông Peregarin thở phì phò, nhìn quanh tìm chiếc mũ lưỡi trai. "Sắp ba giờ rồi… Ông vừa nói gì nhỉ?".

"Tôi muốn vay hai hoặc ba trăm rúp. Ông có biết ai có thể cho tôi vay tiền không?".

"Tôi chả biết đâu. Đã đến lúc ông đi ngủ rồi!... Tạm biệt ông nhé!... Rất cám ơn lòng hiếu khách của ông… Cho tôi gửi lời chào bà nhà nhé!..."

Ông đại tá vớ lấy chiếc mũ của mình rất nhanh và đi ra cửa.

"Ông định đi đâu đấy? Ông Selterskij mừng rơn. "Tôi đã có ý định hỏi vay tiền ông… Vì tôi biết ông rất sẵn lòng giúp đỡ người khác… Tôi đã hy vọng rằng…".

"Chào ông nhé. Ông đi ngủ ngay đi! Chắc là bà nhà sẽ rất tức giận, vì tôi đã bắt ông phải thức lâu như vậy. Tôi về ngay đây. Tạm biệt ông nhé!".

Ông Peregarin cười trừ, vội vàng bắt tay chủ nhà, đội mũ lên đầu và ra về. Ông Selterskij vui như mở cờ trong bụng.

Antôn Paplôvich Sêkhốp

   (Antôn Paplôvich Sêkhốp (1860  1904) là một nhà văn, nhà viết kịch người Nga. Trong khoảng thời gian từ 1880 đến 1903 ông đã công bố tổng cộng trên 600 tác phẩm văn học. Ông nổi tiếng thế giới trước hết qua các vở kịch như Ba chị em gái, Chim hải âu hay Vườn anh đào. Ông được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất của nền văn học Nga, có ảnh hưởng lớn trên thế giới với thể loại truyện ngắn.) 

Phạm Đức Hùng 

dịch từ bản tiếng Đức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước