
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN - Dư luận mới đây dành nhiều quan tâm đến việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm ổn định quy mô dân số và phát triển bền vững. Hiện nay, mức sinh trong nước chia làm 3 vùng khác nhau. 21 tỉnh, thành ở vùng mức sinh thấp, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con. 33 tỉnh, thành ở vùng mức sinh cao, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con. 9 địa phương đạt mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2,0 con đến 2,2 con. Trong khi những nơi kinh tế phát triển (như T.P Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và một số khu vực thành thị) mức sinh đang xuống rất thấp thì ở vùng miền núi, vùng khó khăn người dân đẻ nhiều con hơn. Mục tiêu của Chương trình là giảm 10% tổng mức sinh thô ở vùng mức sinh cao, tăng 10% ở vùng mức sinh thấp và giữ nguyên ở vùng đã đạt mức sinh thay thế. Quyết định trên của Thủ tướng cho thấy có sự điều chỉnh đáng kể về chiến lược dân số cho phù hợp tình hình thực tế. 60 năm trước, dân số Việt Nam là 30,2 triệu người, tỷ lệ tăng dân số 3,8%/năm, mỗi phụ nữ trung bình đẻ 6,3 con. Để tránh bùng nổ dân số, chính sách sinh đẻ kế hoạch ra đời khuyến khích các cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con. Do làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, đến năm 2000 cả nước có 77,6 triệu dân, thấp hơn mục tiêu 4,4 triệu dân. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn “dân số vàng” vỏn vẹn có 10 năm, đến năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo tính toán của Tổng cục Dân số, đến năm 2049, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số rất già với 25% người trên 60 tuổi. Còn theo con số của Tổng cục Thống kê, nam nữ thanh niên đang có xu hướng kết hôn muộn và lựa chọn sinh ít con. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, số con trung bình/cặp vợ chồng chỉ từ 1,6 đến 1,9. Con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 1,3 và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trên thế giới, tình trạng lười kết hôn và không sinh con đã đẩy nhiều nước vào giai đoạn khủng hoảng dân số. Điển hình như Nhật Bản. Dự đoán đến năm 2030, một nửa dân số Nhật Bản sẽ không kết hôn. Các nhà khoa học ở đây ước tính, nếu tình hình sinh sản như hiện nay thì 1.000 năm nữa Nhật Bản sẽ không còn dân. Ở nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đưa ra nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích các gia đình Nga sinh nhiều con: hỗ trợ tài chính, giảm thuế, hạ lãi suất các khoản vay thế chấp để mua nhà hoặc xây nhà trên đất của mình… Tuy vậy, nước Nga vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng dân số do người Nga không muốn sinh con. Để tránh tình trạng khủng hoảng dân số như một số nước; để không rơi vào giai đoạn dân số rất già như dự báo; để bảo đảm có nguồn nhân lực khỏe mạnh xây dựng đất nước phát triển… việc điều chỉnh mức sinh phù hợp, trong đó khuyến khích sinh đủ 2 con là hoàn toàn cần thiết. Khoa học cũng đã chứng minh, độ tuổi tốt nhất của phụ nữ để sinh nở là từ 20 đến 35 tuổi. Ở tuổi này, các cặp vợ chồng thường sinh ra những đứa con khỏe mạnh về tâm lý và thể chất. Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm từ sau 32 tuổi. Phụ nữ mang thai sau 35 tuổi có thể gặp nhiều khó khăn, nguy cơ cho cả mẹ và bé. Cũng theo thống kê, những cặp kết hôn từ 28 đến 30 tuổi có nguy cơ ly hôn thấp nhất do họ đã chững chạc về tâm lý, hiểu biết và khả năng kinh tế cao hơn. Đó là căn cứ để Chương trình đưa ra khuyến cáo nam nữ nên kết hôn trước tuổi 30 và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Bấy lâu nay, việc kết hôn và sinh con tưởng như là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng thực tế cho thấy, hành vi này lại quyết định sự trẻ trung hay già nua, thậm chí tồn vong của một đất nước. Kết hôn trong độ tuổi lý tưởng, sinh đủ số con cần thiết vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi công dân với đất nước của mình.
THÁI VĂN
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...