Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:31 (GMT +7)

Hướng đến một thái độ đúng mực trong sáng tác và phê bình thơ cách tân

VNTN - 1. Mặc dù quyền tự do diễn đạt nói chung và tự do sáng tác nói riêng được coi trọng rất cao trong xã hội thông tin, tri thức, dân chủ ngày nay, nhưng đây không phải là quyền tuyệt đối. Mặc dù táo bạo cách tân, dũng cảm tìm tòi, thể nghiệm luôn là đòi hỏi đặt ra đối với người cầm bút nhưng cách tân ở đây không đồng nghĩa với cách tân vô điều kiện. Chỉ có những bứt phá dũng mãnh, vượt thoát giới hạn, làm “rã đông” lối viết cũ, gu thẩm mĩ cũ, kiến tạo một hệ giá trị mới, một trường ảnh hưởng mới… thì mới được gọi là cách tân. Ai đó đã nói rất đúng, “không có công thức cho sáng tạo nhưng vẫn có chân lí cho sáng tạo”.

Người sáng tác chỉ có thể cách tân thực sự khi họ làm chủ được truyền thống, khi họ đứng được trên vai “những người khổng lồ”. Đằng sau mỗi sự sáng tạo lớn, do đó, bao giờ cũng là một bệ phóng lịch sử và phông nền văn hóa vững chắc.

Nhà thơ Vương Trọng từng đưa ra lập luận giàu sức thuyết phục: “Tôi quan niệm rằng tính hiện đại trong thơ bao gồm hai nội hàm: 1/ mới, trước đấy chưa có; và 2/ hiệu quả hơn cái đã có. Với quan niệm này thì đi xe đạp hiện đại hơn đi bộ, đi xe máy hiện đại hơn xe đạp…, nhưng một người bò trên phố thì không thể coi là hiện đại hơn người đi bộ được, vì không thỏa mãn nội hàm thứ hai là tính hiệu quả. Chỉ tiếc rằng gần đây có một số người ngộ nhận về tính hiện đại của thơ, cố làm cho khác người, tức là chỉ thỏa mãn nội hàm thứ nhất chứ không chú ý nội hàm thứ hai”. Viên Mai trong Tùy viên thi thoại từng nói: “Xuất nhân chi ý ngoại giả, nhưng tụ tại nhân chi ý trung” (Cái nói ra phải hơi bất ngờ với người khác, nhưng rồi vẫn nằm trong ý của họ). Đành rằng tác phẩm không nên chiều theo sự đọc dễ dãi, phải nói những gì buộc người đọc ngẫm nghĩ mới hiểu, khi hiểu rồi thì cảm thấy bất ngờ thú vị, nhưng đây không hề mà cũng không nên là những thứ “khó” đến mức “bất khả giải”, hoặc khi “giải” ra được rồi thì chỉ thấy cầu kì, rỗng tuếch, vô vị. Đôi khi tác phẩm chỉ cần mang lại cho người đọc một ấn tượng, một cảm giác, kể cũng đủ, nhưng tác phẩm dạng này khác với tác phẩm vừa rỗng nghĩa, vừa vô hồn. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến quan niệm: “Đổi mới thơ không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc họa được một hình ảnh để từ đó xây dựng nên một cách sáng rõ và nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống”. Cách tân thơ, mọi tìm kiếm hình thức phải cố gắng đẩy lên thành những hình thức mang tính tất yếu, chứ không phải hình thức chỉ là hình thức. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phát biểu: “Đổi mới, cách tân, hiện đại thơ là cần thiết, rất cần thiết nhưng nếu không tỉnh táo nhìn nhận, người viết sẽ ngộ nhận, nhầm lẫn. Người ta có thể nhầm lẫn sự sáng tạo đích thực với sự lắp ghép ngôn ngữ tùy tiện, thô thiển, vô nguyên tắc để tạo ra một mớ bòng bong chữ nghĩa, không thể hiểu nổi”. Huỳnh Văn Thống quả quyết: “Thơ có quyền lạ hóa nhưng thiên chức của thơ không được xa lạ hóa con người”.

Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần. Chửi thề. Con gà quay con gà quay… (Đường phố 1 - Hoàng Hưng). Đọc những câu thơ này, nhà phê bình Anh Chi cho là “mới đến tắc tị”, và “không có họ hàng, dây mơ rễ má gì với thơ ca Việt Nam”. Thực ra chúng không đến nỗi “tắc tị”. Đoạn văn bản này trưng ra một bức tranh vừa cận cảnh vừa toàn cảnh về “đường phố” qua cái nhìn của một chủ thể Lơ láo tù về lạc thế kỉ. Tuy nhiên, mức độ cách tân đích thực và hiệu ứng thẩm mĩ của nó thì không thể không nghi ngờ.

Dù cách tân đến đâu vẫn phải xuất phát từ thôi thúc nội tại, từ sự rung cảm của tâm hồn mới tạo được dư ba, mới thuyết phục được độc giả ngày càng trở nên tinh tường, khó tính chứ không thể chỉ đơn thuần là sự cách tân về hình thức. Lê Thiếu Nhơn từng phát biểu, đại ý, chữ của nhà thơ không chỉ đơn thuần là chữ loằng ngoằng khi viết hay rủng rẻng khi đọc, mà chữ phải lung linh nước mắt và xa vắng nụ cười của con người. Đúng vậy, nhà thơ mặc dù luôn cần phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo, nhưng sản phẩm thơ ca của họ, nói như Hoài Thanh là, phải có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại, phải có khả năng tri âm cùng vui buồn sướng khổ của loài người.

Suy cho cùng, cái gốc của đổi mới chính là cảm thức, tâm thức mới. Không thể có thơ “hậu hiện đại” thực sự một khi chưa có hoàn cảnh/điều kiện hậu hiện đại. Nếu người viết không/chưa mang cảm thức, tinh thần mới và suy tư nền tảng mà cứ nhắm mắt cách tân, a dua, bắt chước, “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” thì tác phẩm chỉ có xác mà không có hồn. Lạ hóa, hiện đại hóa hình thức chỉ là thao tác ở “phần ngọn”, còn nội dung, tinh thần, tư duy, tâm hồn... mới là “phần gốc”. Vương Trọng nói: “Đổi mới hình thức thì dễ, và dễ học theo, đổi mới về nội dung mới khó”. Nguyễn Thị Minh Thái nói: “Phải đổi mới từ nội dung chứ không phải từ dăm ba cái bên ngoài làm thời thượng”. Với Yến Nhi: “Nhiều người chỉ quan tâm đến cái mới của thơ trên phương diện sự tân kì của các yếu tố hình thức nghệ thuật. Thực ra cái mới của xúc cảm, của chiều sâu trí tuệ, của cách nhìn cuộc sống tạo nên cái mới của thơ chứ không phải là những mô-típ, những hình ảnh mô phỏng hoặc những biểu hiện có vẻ là lạ của hình thức nghệ thuật, của ngôn ngữ thi ca…”. Trần Đăng Thao thì dứt khoát: “Phải đổi mới từ tư duy”. Lê Minh Quốc thẳng thắn: “Đi tìm cái mới trong thơ ư? Nhà thơ, anh hãy hỏi tâm hồn của chính anh”. Cùng quan điểm này, Nguyễn Thái Dương phát biểu: “Cái mới ở ngay trong tâm hồn mình. Nếu tâm hồn trống rỗng thì văn chương thất bại”; Vương Trọng nói: “Cũ kĩ hay không cũng đều nằm trong “hồn” của tác giả chứ không phải ở trong thể loại”; Hữu Thỉnh nói: “Muốn có cái mới trong văn học trước hết là phải có cái mới trong tâm hồn, trong cảm xúc, trong tình cảm, trong tư tưởng, chứ không phải chỉ hình thức”; Lê Khánh Mai nói: “Hạt nhân của đổi mới phải ở tinh thần mới, ở hồn cốt mang tâm thế thời đại của nhà thơ”...

Thiết nghĩ hai định nghĩa về văn học nhưng thống nhất làm một của M. Gorki vẫn chưa lỗi thời: Văn học là nhân học. Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Quá nhấn mạnh định nghĩa sau cũng là cực đoan. Diễn đạt theo R. Barthes thì ngôn từ là hệ thống kí hiệu của tư tưởng, có khả năng sinh ra tư tưởng. Nhưng, trước hết phải có tư tưởng thì ngôn từ và cấu trúc ngôn từ mới có giá trị. “Một người muốn nói hay, trước hết phải có điều gì hay để nói”.

2. Văn học tồn tại trong tiếp nhận, cũng tức là trong phê bình, bởi phê bình là hình thức tiếp nhận cao nhất, tích cực nhất, tự giác nhất. Nhà phê bình “chính danh” được coi là “người đọc lí tưởng”, “siêu độc giả”. Làm nên sự giàu có (cả về số lượng và chất lượng) của một nền văn học không chỉ bởi sự giàu có của sáng tác, mà còn bởi sự giàu có của phê bình. Đỗ Lai Thúy quả quyết: “Một nền văn học mà vắng các nhà phê bình là một nền văn học chết”. Theo ông, nhà phê bình là người đồng hành với người đọc trong cuộc du ngoạn thẩm mĩ. Họ phát hiện, giới thiệu những tác phẩm hay, những tác phẩm “có vấn đề”, hay những vấn đề của đời sống văn học, từ đó, giúp độc giả chọn sách đọc, nhận chân cái đẹp, hướng dẫn (thậm chí tạo ra) dư luận.

Thơ cách tân đương đại đang rất cần một thái độ phê bình khách quan, đúng mực, thỏa đáng, “khen nghi ngút” hay phủ định sạch trơn đều là những thái độ cực đoan, không thúc đẩy được cỗ xe thơ tiến về phía trước. Ghi nhận ý thức cách tân, ghi nhận sự đóng góp cái khác, lạ vào bức tranh văn học, trầm trồ tán thưởng những bài thơ cách tân thành công... thì không nói làm gì, nhưng quá hào phóng lời khen với cả những bài cách tân chưa tới, thậm chí rất dở thì quả là không có sức thuyết phục. Đỗ Doãn Phương từng tâm sự: “Tôi luôn tỏ ra hoài nghi với những tác phẩm mà tôi thấy rối rắm, không logic, dù rằng mọi người đều khen. Có một số tác phẩm tôi thấy thất vọng vì nó quá nông cạn, trong khi người ta cứ cố nói rằng nó là một sự đổi mới…, giống như câu chuyện hoàng đế cởi truồng vậy”. Một bạn trẻ khác cũng chân thành: “Có lúc mình cảm thấy hoang mang với cái gọi là cách tân. Đọc báo, thấy người ta khen nghi ngút tác giả này, tác phẩm kia mới mẻ, hay ho. Mình đọc đi đọc lại, nghĩ ngược nghĩ xuôi, chỉ thấy mới thì mới thật, còn lại là... chẳng hiểu tác giả viết gì. Rồi lại nghĩ: Hay là mình chưa đủ trình độ để cảm thấy cái hay ấy? Nhưng những người phê bình lại thường chẳng chỉ ra cái hay, mà chỉ khen thôi”.

 Nhà thơ, nhà phê bình Từ Huy từng nói, nếu không có các nhà phê bình như Barthes, Genette, Ricardou thì những nỗ lực của Robbe-Grillet có khả năng chỉ là zéro đối với đại chúng. Có thể nói tương tự, không có những nhà phê bình như Thụy Khuê, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Hiếu… thì một vài thành tựu của thơ Việt trên hành trình tìm tòi và cách tân có nguy cơ nằm ngoài tầm đón nhận của một bộ phận người đọc. Tuy nhiên, người đọc thơ hôm nay cũng đang có bước trưởng thành đáng kể, họ không quá lệ thuộc vào phê bình. Họ tích cực, chủ động, bản lĩnh, tỉnh táo, sáng suốt không chỉ trong thẩm định thơ mà còn cả trong thẩm định… phê bình, sẵn sàng phản biện, đối thoại với phê bình, và sẵn sàng quay lưng với phê bình nếu cứ gặp ngày một nhiều thứ phê bình vô lối, cực đoan.

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy