Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
21:55 (GMT +7)

Hộp diêm

VNTN - Ashapurna Debi vừa là tiểu thuyết gia vừa là nhà thơ nổi bật trong văn học viết bằng tiếng Bengali. Bà sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1909 tại Potoldanga, Calcutta, Ấn Độ. Bà đã được nhận một số giải thưởng như Jnanpith Award và Padma Shri của chính phủ Ấn Độ năm 1976; năm 1994 bà được giải thưởng Sahitya Akademi Fellowship. Bà mất ngày 13 tháng 7 năm 1995, thọ 86 tuổi.

Truyện ngắn dưới đây được Prasenjit Gupta dịch từ tiếng Bengali sang tiếng Anh. Bản dịch tiếng Việt theo bản tiếng Anh của Gupta.


Tôi luôn so sánh phụ nữ với những hộp diêm. Tại sao? Bởi vì những hộp diêm - cho dù chúng có đủ thuốc diêm để tạo nên cả trăm ngọn lửa thì chúng vẫn yên vị hiền lành trong nhà bếp, trong chạn bát đĩa, trong phòng ngủ, ở đây, ở kia, ở bất cứ đâu - phụ nữ cũng giống y như vậy. Bạn muốn có một ví dụ, hãy xem chuyện xảy ra trong tòa nhà ba tầng lớn phía trước nhà chúng tôi.

Sáng chủ nhật.

Người thợ giặt đến và đợi.

Trước khi giao đống quần áo bẩn của Ajit cho người thợ giặt, Nomita lục các túi quần áo một lần chót và tìm thấy lá thư.

Đó là một phong bì nhàu nhò đã được mở ra và trên phong bì là tên của Nomita.

Ngọn lửa giận bùng lên trong toàn bộ thần kinh và mạch máu của Nomita. Nàng bỏ đống quần áo xuống và ngồi trên giường mở lá thư, điều đầu tiên nàng nhìn là ngày tháng. Tính ra chắc lá thư này đã đến cách đây ba ngày.

Nàng lật bì thư và kiểm tra ngày trên dấu bưu điện, thì đúng là như thế.

Phải, lá thư đến cách đây ba ngày.

Ajit đã mở bì thư và đọc thư, rồi vò tròn bỏ vào trong túi quần. Anh đã không cảm thấy cần nhắc đến nó với Nomita dù chỉ một lần.

Lửa giận đã bùng lên! Bây giờ bừng bừng trên từng dây thần kinh của nàng. Bởi vì trường hợp này không phải là sự sơ suất ngẫu nhiên, mà là cố tình.

Bản chất của Ajit đúng là như thế.

Cách nào đó anh đã giành quyền giữ chìa khóa hộp thư của tòa nhà này, đã móc nó ra giữa những bàn tay của những người cư ngụ trong tòa nhà chung cư này. Và bất kỳ khi nào có một lá thư đề tên Nomita, anh mở thư ra đọc trước, rồi mới đưa cho nàng. Có khả năng nhiều lần anh không đưa thư cho nàng. Chí ít đó là nỗi nghi ngờ đã mọc rễ sâu trong tâm trí của Nomita.

Tuy vậy, cho tới hôm nay, Ajit không dám thẳng thắn tuyên bố rằng anh có quyền khám phá bất kỳ lá thư nào có vẻ đáng nghi.

Cái thói quen xấu này của anh sẽ không chấm dứt.

Thói xấu này không chấm dứt cho dù Nomita có giận, có phản ứng, có chỉ trích chua cay, có cố gắng mỉa mai, - không chấm dứt vì bất kỳ điều gì.

Nếu nàng đề cập đến, đầu tiên anh cười to, và nếu cười to không làm anh lảng tránh được vấn đề, thì anh quay ra trách mắng nàng.

Nàng ngồi yên lặng và đọc hết lá thư. Chẳng có gì nhiều, đó là một lá thư của mẹ nàng.

Đó là những lời quen thuộc của bà - người đàn bà tốt một lần nữa nói về những gian khó, những điều đáng phàn nàn đang trở nên tệ hơn, bất hạnh chồng lên bất hạnh, trần phòng của bà bị nứt và nước mưa chảy thành dòng không dứt; nếu chuyện này không được khắc phục ngay, bà sẽ phải chết dí dưới trọng lượng của một mái nhà đổ sụp. Dĩ nhiên bà không sợ tình huống bất ngờ đó. Vì con gái của bà là một bà hoàng, con rể bà có tâm hồn cao thượng, có trái tim rộng lượng. Vì thế…v..v…

Là một góa phụ nghèo khó, không còn chồng và không có con trai, bà đã thành công trong việc gả con gái cho một gia đình giàu có. Nhưng người đàn bà tốt không ngừng tận dụng sự tín nhiệm, cho dù chỉ là những cơ hội mong manh nhất, vì đó là kỹ năng của bà. Và bà luôn tìm được những cơ hội ấy.

Bất kỳ khi nào Ajit gặp một lá thư mới từ mẹ của Nomita, anh mỉm cười chế giễu và nói, “Bận tâm đọc thư làm gì? Anh sẽ đi điền vào một lệnh chuyển tiền là đủ.”

Nomita cúi đầu xấu hổ và cảm thấy sỉ nhục vì câu nói đó. Vì thế, cách đây một thời gian, vì giận và buồn Nomita cấm mẹ nàng viết bưu thiếp gửi cho nàng. Nàng nghĩ từ lúc đó trở đi nàng sẽ cố gửi cho bà chút ít tiền của nàng, lén lút. Vậy mà - chuyện xin xỏ này vẫn còn viết trong những lá thư phong kín.

Bất chợt Nomita cảm thấy giận mẹ.

Tại sao bà cứ mãi xin xỏ như thế này?

Tại sao bà không để cho Nomita giữ được lòng tự trọng, phẩm giá của nàng. Không, lần này nàng sẽ viết thư và nói rõ với mẹ: “Con không thể làm gì được nữa, đừng hy vọng gì nơi con nữa.”

Ngay lúc đó, Ajit bước vào phòng sau khi hoàn tất buổi tắm thư giãn ngày chủ nhật. Nomita thấy nhục, bừng bừng tức giận trút sự phẫn nộ một cách dữ dội vào anh. Nàng quát to: “Lá thư này đến hôm nào?”

Ajit liếc xéo nàng, ước lượng mức độ sai trái của anh ta.

“Một mớ tiền nữa cho lá thư này,” anh  đã nghĩ vậy, và quyết định không đưa thư cho Nomita mà sẽ xé bỏ nó. Anh đã phạm một sai lầm lớn.

Nhưng Ajit không lúng túng về chuyện đó.

Như thể ráng nhớ lại, anh nói, “Thư à? Thư nào? À, phải, phải! Đúng là có một lá thư của mẹ em. Anh đã quên không đưa cho em.”

“Sao anh lại quên? Sao? Sao chứ? Trả lời đi, sao anh lại quên?”

“Thật là rầy rà!” Ajit nói. “Anh đã quên, chứ còn sao nữa?”

“Nói láo!” Nomita rít lên như một con rắn.

“Sao em nói mà không suy nghĩ thế? Thế người ta không được quên sao?”

“Người ta không quên! Sao anh lại mở lá thư của tôi?”

“Anh mở thư thì sao? Thư của vợ mình…”

“Im đi, im đi. Anh mở thư của tôi vì lý do gì? Cả ngàn lần tôi đã bảo anh đừng có mở thư của tôi đúng không?”

Ajit không sợ cơn giận của Nomita, nhưng anh sợ cãi lộn. Vì thế anh nở một nụ cười giả tạo và nói, “ Nếu em cấm mở thư, thì nhất định là có chuyện gì đó. Anh không nên tin chắc rằng không ai gửi thư tình cho em đúng không?”

“Im đi! Anh là người thô bỉ!”

Sau câu nói này Ajit không thể cười nụ cười giả tạo của anh được nữa. Giờ thì anh cũng nổi nóng. Anh nói, “Thế đấy! Những người suốt ngày đêm than vãn và chìa tay cho con rể, họ là những người thượng lưu đấy! Con gái của một người nhặt phân trở thành bà hoàng, và thế là…”

“Câm đi!” Nomita quát.

Phòng của họ ở trên tầng ba, đó là một điều may. Không thì với tiếng quát đó, mọi người sẽ chạy tới nhìn.

“ Câm đi hả?” Ajit rống to. “Câm cái gì? Tao nói thế đấy! Tao sẽ mở thư của mày đấy. Tao sẽ làm chuyện gì tao muốn làm. Mày sẽ làm gì nào? Mày có thể làm được gì nào?”

“Tao không thể làm được gì à?” vừa thở dốc, Nomita vừa nhấn mạnh từng lời rõ ràng: “Mày muốn xem tao có thể làm gì hả?”.

Và ngay tức khắc nàng làm một việc đáng ngạc nhiên. Nàng chụp lấy hộp diêm đang để gần bao thuốc lá của Ajit trên bàn, và xoẹt! nàng đánh một que diêm và châm vào áo sari của mình.

Tức thì lửa bốc cháy trên cái áo sari rất đẹp của người vợ giàu có.

Ngay tức khắc, Ajit nói “Em điên hả?” và nhảy đến cạnh nàng nắm lấy mảng vải cháy đập giữa hai bàn tay để dập tắt ngọn lửa.

Nói đúng ra, bây giờ thì anh cảm thấy hơi sợ. Anh có vẻ sợ hãi khi nhìn mặt Nomita, bởi anh thấy một ngọn lửa đang cháy ở đó, sáng, đỏ rực.

Anh không có can đảm dập tắt ngọn lửa đó bằng cách dập nó giữa hai bàn tay, vì thế anh cố làm nàng bình tĩnh trở lại. Rất khó khăn anh mới có thể nói bằng giọng bình thường. “Em mất trí khi em nổi giận, đúng không? Một phụ nữ mà giận như thế! Ôi!”

Ai mà biết Nomita sẽ nói gì tiếp theo, nhưng ngay lúc đó cô cháu gái Rini của nàng bước vào phòng.

Ngay tức khắc, cô ta nói giọng lanh lảnh, “Thím còn bắt người thợ giặt đợi thêm bao lâu nữa? Nếu thím không muốn giao đồ cho ông ấy thì ít ra thím cũng phải cho ông ấy biết chứ!”

Nomita yên lặng một vài giây, có lẽ là đang nhớ lại khuôn mặt của người thợ giặt, đang đợi nàng ở dưới nhà, rồi nàng lượm đống đồ bẩn lên và bắt đầu phân loại. Nàng nói bằng giọng bình tĩnh, “Đi nói với ông ấy là thím đang đem quần áo xuống.”

Người chị dâu thứ hai của nàng gần như mệt lả vì công việc sáng hôm nay, và, khi nhìn thấy nàng, chị ta nở một nụ cười nhăn nhó trên khuôn mặt đầy mồ hôi và nói, “À, cuối cùng thì cô cũng quyết định rời lầu xuống dưới nhà! Với cô thì chẳng có thời tiết tốt hay xấu, cô luôn tìm được cớ để lặn vào phòng ấm áp với chồng cô. Nói chuyện tình thì chẳng bao giờ cũ nhỉ?”

Nomita nhìn quanh một lần nữa, để nắm tình hình chung quanh. Nàng thấy quang cảnh hỗn độn buổi sáng, thấy lúc nhúc người ở cả hai bên. Giọng nàng phải không được run rẩy. Vì thế nàng cũng cười nhỏ và nói bằng giọng cực kỳ nhỏ nhẹ, “Ồ, không phải như thế đâu! Chị có thể đến mà xem, toàn là chuyện bực bội thôi?”

Người chị dâu thứ hai cười hô hố và nói, “Thôi đi cô, đừng có giấu nữa. Chúng tôi đâu có ăn cỏ dành nuôi lừa. Sao chúng tôi lại cần xem nhỉ? Những gì cô đang cho chúng tôi thấy ở ngay trước mắt chúng tôi, hai mươi bốn giờ một ngày…”

Nomita cười làm khuôn mặt trắng trẻo của nàng đỏ lên rất đẹp. Sau nụ cười đó, nàng nói, “Thôi nào. Chị toàn nói chuyện gì đâu!”

Người chị dâu cả nói tiếp. “Cô đã xắt rau chưa? Hay là chỉ chăm kể lể?” Chợt chị ta dừng lời, giật mình nói. “Gì thế này? Chuyện rủi ro này là thế nào? Sao cô lại đốt áo của mình thế?”

Nomita cũng giật mình, nhưng chỉ thoáng qua. Nàng nhanh chóng vén áo về phía sau và cười nói, “Đừng nhắc em nữa. Đúng là chị thường nhắc em phải giữ gìn nó. Em đã không nghe, và chuyện đã xảy ra! Em dùng tà áo để nhắc nồi nước sôi ra khỏi lò và… thế đấy”.

Nomita kéo rổ khoai về phía mình và ngồi xuống lột vỏ, tâm trí nàng vẫn mải nghĩ về cách làm sao để nàng có thể bí mật gửi về cho mẹ nàng vài rupee. Nàng không thể viết cho bà: “Con không thể làm gì được nữa, đừng hy vọng gì nơi con.”

Ở nơi đó, cả làng biết Nomita là một bà hoàng - chồng của Nomita là người có tâm hồn cao thượng, trái tim rộng lượng.

Chính xác đây là lý do vì sao tôi so sánh phụ nữ với những hộp diêm. Thậm chí khi trong họ có nguyên liệu để tạo ra những ngọn lửa dữ dội, họ cũng không bao giờ đốt lên và làm cháy đi cái mặt nạ tâm hồn cao thượng, trái tim rộng lượng của đàn ông. Họ không đốt cháy lớp vỏ ngoài nhiều màu sắc của họ.

Họ sẽ không đốt chúng - đàn ông cũng biết thế.

Đó là lý do tại sao họ để những hộp diêm khá bất cẩn trong nhà bếp, trong chạn bát chén, trong phòng ngủ, ở đây, ở kia, ở khắp nơi.

Và không sợ hãi, họ cất diêm trong túi của mình.

Truyện ngắn. Ashapurna Debi

Võ Hoàng Minh dịch

(Từ “Matchbox”) Nguồn: http://www.parabaas.com/translation/database/translations/stories/ashapurna_matchbox.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước