Hộp bí mật
VNTN - Trời rét, mua phùn, gió bấc. Sự khắc nghiệt của thời tiết không làm cho bệnh viện Bạch Mai bớt người. Người đi khám bệnh, người chờ khám, người chờ kết quả xét nghiệm, người chờ làm thủ tục ra viện, người nhà bệnh nhân,… nườm nượp. Lấy vợ, làm nhà, xây mộ,… thì xem ngày được chứ đi viện thì không. Tiếng bật cười với suy nghĩ so sánh không cùng tiêu chí ấy của Vy khiến thằng bé bên cạnh giật mình, ngơ ngác. Khuôn mặt nó như muốn nói: “Không biết cháu đã làm chuyện gì buồn cười?”. Vy chưa kịp nói gì với thằng bé thì tiếng cô y tá ngồi trước máy tính rành rọt cắt ngang dòng suy nghĩ của Vy: “Phan vào đi cháu”. Rõ ràng trên bảng điện tử gắn ở cửa phòng điện tim là số thứ tự của Vy. Thông số trên cặp nhiệt độ rút ra từ người Vy trước đó mươi phút chỉ con số 40.2o. Cũng chả sao, sau một hồi chen lấn, lên rồi xuống, đợi và chờ lần lượt từ phòng lấy máu tầng 1, phòng chụp X - quang tầng 3, Vy cũng cần nghỉ ngơi tí chút ở sảnh tầng 1 này, trước phòng điện tim. Với cả, nhường một thằng bé cũng là một việc tốt mà.
Lần gặp gỡ đầu tiên của Vy với Phan diễn ra như thế.
Phan khoảng mười tuổi. Vy đoán thế. Trán Phan dán miếng hạ sốt. Phan ôm khư khư chiếc hộp màu mận chín bước vào và mất hút sau cánh cửa khép dần, dù người phụ nữ đi cùng Phan đang ngồi cạnh chiếc túi du lịch đầy đồ đạc mà tay không cầm gì cả. Vy chuyển hướng suy nghĩ. Ở đâu đó được gọi tên theo cách như đã thân quen thì vui chứ ở bệnh viện thì không. Làm khách thường xuyên của bệnh viện là điều mà mọi người đều rất sợ.
Một người đàn ông trung tuổi tiến đến trước mặt Vy, phanh ngực áo để lộ vết mổ toang hoác, giọng khẩn khoản: “Tôi đã mất hết sạch tiền, nếu không có tiền chữa trị, vết thương sẽ nhiễm trùng và chết trong nay mai”. Vy rút tờ mười nghìn vừa lúc Phan ra, tay Phan khư khư ôm chiếc hộp màu mận chín. Bảng điện tử vẫn đang hiện số của Vy. Không dám tiếp tục nhìn người đàn ông, Vy dúi tờ tiền vào bàn tay chìa ra của ông ấy rồi bước vội vào phòng. Trong đầu Vy lúc này chỉ còn duy nhất một ý nghĩ: “Có sức khỏe là điều cực kỳ hạnh phúc”.
Vy được ghép giường với Phan. Cùng sốt chưa rõ nguyên nhân nên cả Vy và Phan được bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới và Truyền nhiễm Trung Ương, cùng khu vực với Bạch Mai. Vy nhíu mày, phản ứng yếu ớt với bác sĩ phòng khám: “Cháu mang thai vậy, sang Bệnh viện truyền nhiễm sợ nhiều nguy cơ lây nhiễm”. Sau một hồi từ tốn, nhã nhặn giải thích của bác sĩ, Vy biết mình không có sự lựa chọn. Hai cô cháu nằm giở đầu đuôi, bốn chai nước muối cho hai người đã sẵn sàng. Động tác lấy ven, cắm kim truyền được các cô điều dưỡng thực hiện nhanh gọn. Cả Vy và Phan đều đang mệt lử vì sốt cao, nằm thiêm thiếp. Bệnh nhân và người nhà các giường bên cạnh râm ran trò chuyện, rồi tiếng trò chuyện nhỏ dần, nhỏ dần.
Chuông điện thoại kéo Vy ra khỏi giấc ngủ miên man, lúc nước muối trong chai truyền thứ hai còn già nửa. Mẹ gọi điện. Giọng mẹ từ tốn: “Mai vào lứa chè cành, lứa này tốt, mẹ thuê người hái”. Vy gắt: “Con bảo mẹ cho người ta thuê, hay phá đi cũng được, con lo được cho bố mẹ mà”. “Vấn đề không phải là tiền, đám chè ấy nuôi bố mẹ, đám chè ấy nuôi con lớn, thành người, ở không mẹ buồn”. “Con biết, nhưng,…” . “Con gái của mẹ cố gắng!”. Điện thoại tắt. Chẳng cần tưởng tượng, Vy cũng biết, sau đó, nước mắt mẹ lại nuốt vào trong. Đau lắm, nhưng mẹ không mắng Vy, chỉ động viên thôi. Vy cũng biết nữa, lại là những ngày một mình chiến đấu trong bệnh viện. Chiếc xương sườn của mẹ gẫy do tai nạn tuần trước, chưa thể liền. Những trận say của bố không thể quán xuyến được nhà cửa. Miên bạn thân của Vy, chỉ có thể gánh hộ những tiết dạy theo thời khoa biểu của Vy, chứ không thể nào bỏ tiết của cả hai đứa, bỏ chồng, con xuống Hà Nội chăm Vy được.
Phan vẫn ngủ say. Người phụ nữ đi cùng Phan mở lời: “Cháu mệt lắm phải không? Uống chút nước nhé! Bác là bà ngoại của Phan. Bụng to vậy mà đi khám rồi nhập viện có một mình? Chắc phải năm, sáu tháng rồi chứ ít gì? Chồng hay người nhà đâu cháu?”. Môi khô khốc, Vy đỡ cốc nước, uống rồi nhỏ nhẹ nói lời cảm ơn, giới thiệu tên và cho bà biết tình trạng đơn thân của mình. Bà nhìn Vy với ánh mắt trìu mến rồi quay sang hỏi quê quán. Hai chữ đồng hương khiến cho câu chuyện trở nên cởi mở, thân thiện, sinh động và dường như không có điểm dừng. Chủ yếu là bà nói, Vy chỉ gật và mỉm cười yếu ớt. Nhà bà với nhà Vy khác huyện, cách nhau chừng hai mươi cây số. Câu chuyện tạm dừng khi trời đã nhá nhem tối, kim truyền được rút ra. Bà ngoại Phan đi mua cơm, ba suất ăn cho ba bà cháu. Vy, Phan ăn uể oải, rồi lại nằm.
Mười giờ đêm, chiếc giường bệnh viện buộc phải đủ chỗ cho ba người ghé lưng. Chiếc hộp màu mận chín được đặt sát Phan. Không thể chợp mắt, cố lắm mà Vy vẫn phải trở mình vài lần. Bà ngoại Phan, giọng thủ thỉ, đều đều, tiếp câu chuyện khi chiều:
“Bạc lắm Vy ạ, chả trách được, cuộc đời mà. Bố Phan ấy, mồ côi từ nhỏ, tứ cố vô thân, nên nó sống tình cảm lắm. Lấy vợ rồi sinh con. Nó yêu thương vợ con, chăm lo gia đình, đối với vợ chồng tôi như cha mẹ đẻ của mình. Đám chè chỉ đủ nuôi mẹ Phan đến lớn. Giờ cả nhà năm miệng ăn, nghề mộc của bố Phan chẳng đều việc, mẹ Phan đi Sam Sung, như nhiều phụ nữ trong làng, dăm bữa nửa tháng về một lần. Cuộc sống đỡ đi phần nào khó nhọc. Cũng bởi sống tình cảm, nên bố Phan hay qua lại giúp đỡ cô thợ may đầu làng, cũng mồ côi. Con bé ấy, may thì ít mà chủ yếu sửa quần áo là nhiều. Thời gian cứ trôi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Đến khi bụng con bé lùm lùm, chúng dắt nhau về quỳ trước mặt vợ chồng tôi với mẹ Phan xin lỗi. Chúng cúi gằm mặt, bảo chúng con có tội nhưng đứa bé thì không. Phan còn ông bà ngoại, còn mẹ, mẹ con cô ấy bơ vơ. Bố mẹ cho chúng con lạy một lạy rồi chúng con dắt nhau biệt xứ, mang theo nhơ nhuốc, tủi hổ. Mẹ Phan câm lặng, nó đã khóc ròng cả hai tháng trời rồi. Ông ngoại Phan nắm chặt hai bàn tay. Tôi phải kết thúc chuyện ấy. Cầm chén nước, tôi hất vào mặt hai đứa rồi gào lên: “Lũ khốn nạn. Cút!”. Tình còn, nghĩa còn, đứa trẻ nào cũng cần có cha, có mẹ, nên cần phải có một kết thúc rõ ràng. Nghe đâu chúng vào Lâm Đồng làm thuê làm mướn. Bặt tin. Giờ con bé chắc đã sinh được vài tháng, chả biết gái hay trai, cuộc sống thế nào? Mặc thôi. Phan sốt liên miên cả tháng nay rồi, đi khắp các viện trong tỉnh với đủ kiểu xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị mà chẳng rõ nguyên nhân, không cắt được sốt. Xuống Bạch Mai lần này cũng là lần thứ ba rồi cháu ạ. Các cô phòng khám nhớ tên nó bởi chiếc hộp nó mang theo. Chè đang vào lứa, tôi bỏ cho ông nó thuê người hái rồi ông ấy tự sao. Hai lần khám trước mẹ nó xin nghỉ rồi, giờ xin cũng được nhưng ngại. Phận đàn bà, chả biết nói thế nào. Phục cháu dũng cảm. Thôi ngủ đi cháu. Mai bác còn phải đưa Phan đi lấy tủy xét nghiệm. Mong là nó không bị bệnh gì quá nặng”.
***
Vy dũng cảm. Một số ít đồng nghiệp và bạn bè cũng bảo thế, khi biết cô tiến sĩ trẻ báo cáo lãnh đạo cơ quan rằng em xin đơn thân sinh con. Ít thôi. Số nhiều còn lại chỉ tập trung trong vài từ: “Dại, ngu, điên, dở, học nhiều quá hóa rồ”. Thương nhất là mẹ. Một vai nuôi chồng say rượu, một vai nuôi con ăn học, học đến học vị cao nhất, đặt cả niềm tin và hy vọng. Mơ ước của mẹ giản dị thôi, con gái có một người chồng, và những đứa con, một mái ấm trọn vẹn. Thế mà ...
Năm năm yêu xa, Vy gặp Phong tổng cộng khoảng hơn mười lần. Sài Gòn xa quá. Tình yêu mặn nồng, tha thiết qua Facebook, Zalo được hai năm thì mới gặp lần đầu. Rồi lần hai, lần ba,... Vy không đếm nữa. Cũng như Vy không đếm những người đàn ông thành đạt, đến bên Vy rồi lại lặng lẽ ra đi khi biết cả trái tim Vy chỉ hướng về nơi khác. Nhưng hơn năm năm rồi, ba mươi hai tuổi rồi, thì Vy thấy mình cần phải lưu tâm đến những con số. Vy quyết vào Sài Thành lần cuối. Xét hết mọi nhẽ, Phong không thể ra, Vy không thể vô. Thôi. Con gái có thì. Phong bảo thế. Thì thôi. Cả hai xóa hết, số điện thoại, Facebook, Zalo. Nhưng đứa trẻ thì tượng hình. Mọi lời khuyên nhủ, phân tích, giải thích,... với Vy đều vô nghĩa. Vy không thể làm cái việc bất lương với chính đứa con của mình.
***
Sáng. Phan đã cắt sốt nên tươi tỉnh hơn. Vy cũng thế. Nó rụt rè nhìn vào bụng Vy: “Em tên gì, cô?”. Vy cười. “Cháu gọi em là Su Mi nhé?”. Vy vẫn cười. “Ba của Su Mi đâu cô? Từ qua tới giờ mà cháu không thấy?”. “Ba Su Mi đi công tác xa lắm, tận Sài Gòn cơ”. Vy vẫn cười, thấy yêu lắm cái tên Phan đặt cho con gái mình, nhưng lòng cay đắng. Tự trọng không cho phép Vy báo tin cho Phong. Thôi là thôi. Mình sống cuộc đời mình, với con mình và với những người thân của mình. Rồi Phong sẽ tự tìm đến, nếu còn duyên. Phan hồ hởi tiếp lời, như thể gặp được tri âm:
- Vậy à cô? Ba cháu cũng đi xa đấy, tận miền Nam cơ. Chắc là xa hơn cả Sài Gòn, cô nhỉ? Trước hôm đi, ba cháu vào phòng cháu bảo ba có việc không thể không đi, ba muốn cháu phải ăn thật nhiều, cho mau lớn, để còn thay ba chăm sóc và bảo vệ ông bà ngoại và mẹ. Công việc hòm hòm, rồi ba sẽ về. Ba hứa. Cháu không biết công việc không thể không đi của ba ấy, nó khó khăn hay vất vả thế nào mà gần một năm rồi ba cháu vẫn chưa về. Bọn bạn ở xóm cháu bảo ba cháu bỏ đi theo gái rồi, các bà, các bác ở xóm cũng bảo thế. Cháu chả tin. Su Kem thì vào ở hẳn trong miền Nam rồi cô ạ,...
Vy cay cay khóe mắt. Chả xót phận mình, lại nghĩ tủi cho phận người khác. Giơ ngón tay lên miệng, Vy ra hiệu Phan tạm dừng:
- Su Kem là ai hả cháu?
Cầm chiếc hộp màu mận chín giơ lên, Phan hào hứng tiếp:
- Hi hi. Quà của Su Kem này cô. Cháu quên. Cô chưa biết Su Kem nhỉ? Bạn ấy bằng tuổi cháu. Học cùng cháu từ lớp nhà trẻ 3 - 4 tuổi đến hết lớp ba. Ba bạn ấy cũng đi làm tận miền Nam, từ nhiều năm. Su Kem luôn giữ chiếc hộp bên mình, từ năm bốn tuổi đấy. Bạn ấy bảo, nếu mang theo hộp này thì ba bạn ấy sẽ sớm tìm về. Hết lớp ba thì ba bạn ấy từ miền Nam về thật, cô ạ. Giờ cả nhà bạn ấy vào sống hẳn ở miền Nam rồi cô. Su Kem tặng lại cháu chiếc hộp. Mang theo chiếc hộp này, ba cháu sẽ sớm hòm hòm công việc để nhanh về với mẹ con cháu. Bí mật. Hộp bí mật. Cháu cho cô với em Su Mi xem nhé.
Cô điều dưỡng viên bước vào, cắt ngang câu chuyện của hai cô cháu:
- Người nhà Phan đâu ạ? Bà chuẩn bị đưa cháu đi lấy tủy bây giờ nhé, để làm xét nghiệm huyết - tủy đồ và sinh thiết tủy xương.
Phan chưa kịp mở chiếc hộp. Giọng tiếc nuối, Phan bảo Vy: “Cô đợi cháu về” rồi ôm chiếc hộp đi ra.
***
Vy ra viện sau mười ngày tích cực điều trị bằng tiêm kháng sinh và truyền nước. Chỉ sốt vi rút và viêm đường tiết niệu thôi thì điều trị không quá khó. Bà ngoại Phan, Vy và Phan trở nên thân thiết như người nhà. Phan háo hức cho Vy xem chiếc hộp như lời đã hẹn.
Vy thì ổn nhưng Phan thì không.
Kết quả các xét nghiệm thật buồn. Vy lại thành người khỏe để bà ngoại Phan vịn cho khỏi khuỵu ngã khi nghe bác sĩ điều trị thông báo kết quả xét nghiệm và tư vấn:
- Tôi mong bác thực sự bình tĩnh. Căn bệnh mà Phan mắc phải là căn bệnh về máu, gọi là bệnh suy tủy, loại suy tủy ba dòng cấp độ nặng: suy hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu. Đây là một bệnh nan y, có rất rất ít trường hợp điều trị mà khỏi được.
- Bác sĩ ơi, tại sao cháu tôi lại mắc căn bệnh đó chứ? Có phương pháp hiện đại nào cứu được cháu tôi không?
- Thưa bác, tôi xin được giải thích tóm tắt về căn bệnh đó với bác thế này: Bệnh suy tủy được xác định trên kết quả xét nghiệm huyết - tủy đồ và sinh thiết tủy xương. Suy tủy có loại bẩm sinh nhưng ít gặp. Suy tủy thứ phát có thể do nhiều nguyên nhân: do dùng thuốc, do hóa chất, do phóng xạ, nhiễm trùng, nhiễm vi rút, do viêm khớp,... Trường hợp của Phan chúng tôi chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh. Đây là loại bệnh chưa có cơ chế rõ ràng. Do vậy, đã có rất nhiều phương pháp điều trị được đưa ra nhưng đều không hiệu quả. Tôi rất tiếc. Mong bác đừng quá đau lòng. Trong thời gian Phan điều trị ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể, tốt nhất có thể cho cháu nhưng gia đình cần chuẩn bị tâm lý.
Bà ngoại Phan lặng người trên tay Vy.
***
Chiếc xe cấp cứu đưa Vy tới cổng viện vừa lúc một chiếc xe cấp cứu khác đi ra. Tiếng còi hú inh hỏi của cả hai chiếc xe khiến Vy chói óc. Lại là những suy nghĩ lan man. Sau những hồi còi ấy, có thể sẽ là một sinh linh ra đời, có thể sẽ là một linh hồn sắp lìa xa nhân thế. Con người trên chiếc xe cấp cứu vừa lao ra kia, sẽ thế nào? Tự nhiên, Vy rùng mình ớn lạnh. Cảm giác xót xa, đau đớn. Nước mắt tự nhiên chảy ra, cứ thế lăn dài, lăn dài, không sao ngăn được.
Chiếc cáng có bánh xe được cho xuống khỏi xe cấp cứu rồi nhanh chóng được đẩy thẳng vào phòng mổ. Mẹ lao theo chiếc xe đẩy, tay mẹ nắm chặt tay Vy, nước mắt mẹ vẫn nuốt vào trong, khi thấy nước mắt Vy rơi. Giọng mẹ vẫn từ tốn: “Con gái của mẹ cố gắng!”
Ơn giời! Nước ối cạn sạch, non một tháng nhưng Su Mi chỉ tím tái một chút thôi rồi trở lại hồng hào, Vy cũng không sao. Mẹ chạy đi chạy lại như con thoi giữa Khoa Sản và Khoa Nhi. Miên đảm nhận ngày ba bữa cơm, cho cả Vy, cả người phục vụ.
Chiều ngày thứ ba sau khi Vy sinh, chẵn bốn tháng kể từ ngày Vy gặp Phan lần đầu, bà ngoại Phan đến viện… Mắt bà sưng húp. Giọng bà không còn thủ thỉ, đều đều mà cứ nấc nghẹn:
- Phan mất rồi Vy. Sáng nay vừa làm lễ ba ngày. Tội lắm Vy. Tội cả người ra đi, tội cả người ở lại. Bố Phan về rồi. Chúng đưa nhau vào Lâm Đồng làm thuê làm mướn, ở trong rừng ấy. Cô thợ may mồ côi kia mất ngay sau khi sinh do bị băng huyết, không kịp đưa đi viện. Phận người mong manh lắm Vy ơi. Bố Phan tủi nhục chẳng dám về, tự dặn lòng cố gắng nuôi con. Con bé một tuổi rồi. Một năm ấy, với bố Phan là quá sức. Bố Phan cũng khổ tâm lắm. Còn mặt mũi nào mà quay về. Nhưng xót con bé, nó không thể không về. Nó tứ cố vô thân, hận nó nhưng tôi cũng thương nó, coi như con đẻ. Ơn giời. Nó về còn được ở với Phan hơn mười ngày. Phan vui ra mặt. Phan gửi cho cháu chiếc hộp, dặn bác phải trao tận tay. Thôi bác về. Tiếp tục dũng cảm lên cháu nhé! Như cháu vẫn từng thế.
Bà ngoại Phan nắm chặt tay Vy, thật chặt, thật chặt rồi gạt nước mắt đi nhanh ra cửa. Chừng như nếu nhìn lại, bà sẽ gục xuống đó luôn.
Vy nhẹ nhàng mở chiếc hộp, cầm tờ giấy ô ly gấp tư được xé từ cuốn vở nhãn hiệu Hồng Hà mở ra. Nét chữ Phan nghuệch ngoạc.
“Cô Vy yêu mến!
Bà ngoại cháu bảo cô phải nằm gác chân để giữ em Su Mi cho đủ ngày đủ tháng mới sinh. Cháu muốn gặp cô và em quá mà không thể gọi cô tới. Cháu thì yếu quá rồi, cháu không thể đi lại được. Cháu chỉ còn cách viết thư cho cô.
Mấy ngày rồi cháu có bao chuyện vui, buồn. Cháu kể cô chuyện vui trước nhé. Ba cháu về rồi đấy. Cháu biết mà, người lớn luôn luôn giữ lời hứa. Không những ba cháu về, ba còn đưa theo cho cháu em Su Su nữa. Su Su một tuổi rồi đấy cô ạ. Da em trắng hồng, mắt em to tròn, đen láy, đôi lông mày rất đậm, hàng mi dài cong vút, hai má bầu bĩnh. Em đẹp hơn cả búp bê ấy cô ạ. Cháu yêu em rất rất là nhiều.
Cô biết tại sao ba cháu về không? Vì cháu luôn mang hộp bí mật bên mình đấy. Nên ba về, với mẹ, với cháu, với ông bà ngoại cháu. Cháu biết ơn bạn Su Kem nhiều lắm. Giờ cháu có ông bà ngoại, có ba mẹ, có em Su Su rồi. Cháu vui ơi là vui. Ba cháu về rồi. Cháu không cần giữ hộp bí mật nữa. Cháu biết ba em Su Mi vẫn chưa về. Cháu gửi cô giữ hộp bí mật cho em Su Mi nhé. Cô nhớ dặn em, phải luôn mang bên mình thì ba em mới nhanh về.
Còn chuyện buồn, cháu kể thì cô đừng khóc nhé. Cô khóc nhiều thì mắt em Su Mi sẽ buồn lắm đấy. Bệnh của cháu không chữa được đâu. Bác sĩ bảo với mẹ cháu từ lần cháu nằm ở bệnh viện tỉnh rồi, sau lần điều trị ở Hà Nội cùng cô ấy. Chiều hôm đó, tỉnh dậy, không thấy mẹ nên cháu đi tìm, thấy bác sĩ nói với mẹ cháu trong phòng thủ thuật. Trước mặt cháu mẹ luôn cười, động viên cháu chịu khó ăn cơm, uống sữa, uống thuốc chữa bệnh cho mau khỏi. Nhưng cháu biết đêm nào mẹ cháu cũng khóc suốt nên mắt mẹ cháu sưng vù. Thế nên cháu không khóc đâu. Cháu khóc mẹ lại khóc theo. Cháu chỉ tiếc không được gặp, được chơi với em Su Mi. Nhớ em thật là nhớ.
Mẹ cháu sắp vào rồi cô ạ, cháu không viết nữa đâu cô. Bí mật cô nhé.
Cháu tạm biệt cô!”
Nhìn lại chiếc hộp đã mở nắp, nước mắt Vy lại chảy dài. Vật dụng trong hộp vẫn kia, y nguyên vị trí như lần đầu Phan mở cho Vy xem: hai miếng nam châm hình tròn, dẹt, to khoảng lòng bàn tay, được lấy ra từ chiếc loa đài cũ, dính chặt vào nhau; một thỏi kẹo cao su Doublemint còn hạn sử dụng. Và giọng Phan trong trẻo, cố tỏ ra bí ẩn vẫn vang lên đâu đây: “Bí mật cô nhé. Vì yêu em Su Mi cháu mới cho cô với em xem đấy. Bạn Su Kem giữ hộp năm năm thôi ba bạn ấy đã về. Nếu cháu luôn giữ hộp bên mình, ba cháu sẽ sớm trở về bên mẹ cháu. Hai ba mẹ cháu sẽ gắn bó với nhau như hai miếng nam châm kia, sẽ mãi cười với nhau như cô chú trong đoạn phim quảng cáo kẹo cao su Doublemint”.
Lòng Vy quặn thắt. Mười tuổi. Phan chưa từng thử và cũng chưa đủ kiến thức để biết, nếu hai thỏi nam châm cùng cực để gần nhau thì nó sẽ đẩy nhau, đẩy đến cùng và sẽ không bao giờ chạm nổi vào nhau.
***
Bác sĩ liên tục nhắc Vy tự dậy, tập đi lại, tránh tình trạng dính ruột. Vy lần theo tường từ phòng hậu phẫu Khoa Sản sang phòng nuôi trẻ trong lồng kính của Khoa Nhi. Sau vài câu trao đổi với nữ hộ sinh trực phòng, Vy nhẹ nhàng đặt chiếc hộp màu mận chín cạnh chiếc lồng kính con gái mình. Su Mi khẽ nhíu mày, mím đôi môi rồi mỉm cười, nụ cười mụ dạy, đẹp như một thiên thần.
Truyện ngắn: Trịnh Hiên
Thái Nguyên, ngày 06 tháng 01 năm 2019
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...