Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
11:26 (GMT +7)

Hội Văn học nghệ thuật cấp huyện thành thị: Thực trạng và thách thức

VNTN - Hội Văn học nghệ thuật các huyện thành thị đang hoạt động ngày một khởi sắc, góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế, ảnh hưởng của nền VHNT tỉnh Thái Nguyên đối với khu vực và toàn quốc. Trong giai đoạn cả nước đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, việc đổi mới tư duy, phương thức hoạt động đang là một yêu cầu cấp thiết, quan trọng.


Hiện nay, tỉnh ta đã có 8/9 huyện, thành phố, thị xã có tổ chức Hội VHNT (chỉ còn Đồng Hỷ chưa có) với tổng số hơn 400 hội viên cấp cơ sở. Đó là điều hết sức đáng quý, là điều mà nhiều tỉnh khác chưa làm được. Các hội địa phương bước đầu đã có những hoạt động tốt, thiết thực, đồng thời là nơi góp phần tập hợp, phát hiện, ươm mầm những hạt nhân VHNT từ cơ sở, làm cho VHNT được lan tỏa và gần gũi hơn với đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, nếu thẳng thắn mà nhìn nhận thì hoạt động của các hội địa phương vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của đời sống văn học nghệ thuật hiện nay. Trước thực trạng trên, ngày 22/12 vừa qua, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các Hội VHNT cấp huyện, thành, thị”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số huyện và lãnh đạo các hội địa phương trong tỉnh.

Ảnh: K.V

Không ít khó khăn

Nhìn chung, hiện nay hầu hết các hội VHNT địa phương đều đang gặp phải những vấn đề khó khăn chung, nhất là về cơ chế chính sách. Cùng trong một tỉnh nhưng 3 Hội được thành lập trước năm 2015 (Hội VHNT thị xã Phổ Yên, huyện Định Hóa, thành phố Thái Nguyên) được công nhận là hội đặc thù theo Nghị định số 45 của Chính phủ. Các hội này hàng năm được UBND địa phương hỗ trợ một khoản ngân sách nhất định (tuy cũng không đáng là bao) để hoạt động và có chế độ phụ cấp cho lãnh đạo hội. 5 hội còn lại chưa được công nhận là hội đặc thù, chỉ được hỗ trợ kinh phí với mức quá thấp cho mỗi đầu việc được giao. Kinh phí eo hẹp khiến các hoạt động của hội cơ sở bị gò bó, kìm hãm, phải hết sức chắt chiu. Mặc dù hội viên sáng tác được tác phẩm hay nhưng không có kinh phí công bố nên cũng đành để đó. Một số Hội thậm chí không có trụ sở, văn phòng làm việc nên việc trao đổi, kết nối giữa các hội viên hạn chế, ảnh hưởng không ít đến công tác hội.

Hội cấp huyện thành thị không có cơ quan chuyên môn cấp trên trực tiếp quản lí chỉ đạo, định hướng. Mặc dù hàng năm, Hội VHNT tỉnh có các văn bản hướng dẫn về hoạt động sáng tác, tham gia trưng bày tác phẩm… nhưng lại không phải là cơ quan quản lí cấp trên nên gặp khó khăn về văn bản chính sách. Hội cấp huyện thành thị không có một điểm tựa chính thống mà phải tự tìm tòi học hỏi hội bạn, dẫn đến mất nhiều thời gian mà kết quả đạt được lại tùy theo mức độ tham mưu và nhận thức của lãnh đạo trong hệ thống tổ chức cấp địa phương.

Một số nơi, cán bộ lãnh đạo còn chưa nhận thức đầy đủ theo quy định của nhà nước, rằng hội VHNT là “tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp” mà vẫn chỉ coi hội VHNT là tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hoặc có Hội được mời tham gia giao ban với các đầu ngành của địa phương nhưng cũng có hội chưa được tham gia. Đối với các hoạt động chuyên môn thì nhiều khi không được giao việc trực tiếp mà giao qua Phòng VHTT hay Trung tâm VHTT.

Vượt qua thách thức

Được đánh giá là một trong những hội hoạt động sôi nổi và có bề rộng nhất, bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội VHNT huyện Định Hóa chia sẻ: “Từ lâu, Hội đã quyết định lấy điểm nhấn xuyên suốt hoạt động của Hội là “đưa hoạt động Hội về cơ sở và việc xã hội hóa công tác Hội” và không trông chờ vào ngân sách Nhà nước”.

Mỗi năm, Hội VHNT huyện Định Hóa đều tổ chức 5 đợt giao lưu, thi quảng bá các tác phẩm VHNT giữa các CLB cơ sở tại các xã trong địa bàn huyện. 18 CLB với 557 hội viên được chia làm 5 cụm thi đua cạnh tranh với nhau, được chấm điểm, nhận xét khen chê khách quan, công bằng và tính thi đua xét khen thưởng cuối năm. Đây là dịp để các hội viên huyện và cơ sở thỏa sức với niềm đam mê, đồng thời là động lực để họ tiếp tục trau dồi, nâng cao chuyên môn sáng tác để không bị thụt lùi so với các cụm thi đua khác.

Cũng nhờ đưa VHNT về cấp cơ sở, Hội cũng có thêm những mối gắn kết mật thiết với các cơ quan, ban ngành và các tổ chức đoàn thể trong huyện. Thường trực Hội lại có sáng kiến gắn hoạt động với các ngày truyền thống của các tổ chức, đơn vị để xin tài trợ phần thưởng cho các cụm thi đua và tranh thủ thêm các khoản hỗ trợ cho hoạt động của Hội. Theo bà Gái: “Nếu chỉ trông chờ mỗi kinh phí hàng năm thì mọi việc từ công bố, xuất bản tác phẩm, tổ chức giao lưu… sẽ chẳng được là bao. Phải liên tục liên hệ để tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp để có nguồn xã hội hóa. Ở huyện, ở xã có hoạt động gì là Hội lại chủ động ngỏ ý được tham gia hoặc “góp vui” một chút thơ phú, văn nghệ. Cứ như vậy, các hoạt động của Hội diễn ra liên tục, ngày càng phong phú, đa dạng và lan tỏa hơn.

Được cấp kinh phí hàng năm là 20 triệu, số tiền không nhiều nhưng Hội VHNT thị xã Phổ Yên, là một trong những hội đã công bố xuất bản được nhiều ấn phẩm có chất lượng trong thời gian qua. Đạt được điều này, ngoài việc tổ chức các hoạt động về cấp cơ sở, các hoạt động nâng cao tay nghề sáng tác thì công tác tham mưu với lãnh đạo thị xã được Thường trực Hội rất chú trọng. Cứ đến tháng 12 hàng năm, Hội lại lập sẵn các kế hoạch hoạt động chi tiết trình cấp trên, trong đó ngoài các hoạt động thường xuyên, Hội cũng xin được hỗ trợ thêm các hoạt động khác như xuất bản, công bố tác phẩm. Các kế hoạch đó đều gắn liền với các nhiệm vụ chính trị quan trọng của thị xã và của tỉnh, chất lượng hoạt động cũng ngày một tăng lên, nên đều được cấp ủy, chính quyền quan tâm và ủng hộ.

Hội VHNT huyện Phú Lương hàng năm cũng đều xây dựng kế hoạch hoạt động. Nhưng do không được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước nên Ban Chấp hành Hội còn xây dựng thêm kế hoạch liên tịch phối hợp với các đơn vị sự nghiệp của huyện để tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí vận động sáng tác các tác phẩm nghệ thuật và các hoạt động khác. BCH Hội luôn tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức cá nhân trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội. Công tác hoạt động của Hội vì vậy cũng đang ngày một khởi sắc.

Đổi mới cách nghĩ, cách làm

Trăn trở với hoạt động của các Hội VHNT cấp huyện thành thị, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: “Hệ thống các Hội VHNT địa phương hiện nay là kết quả thành công của việc thực hiện Nghị quyết 23 Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng khóa X, năm 2008. Trong quá trình vận động phát triển, các hội VHNT địa phương đã từng bước khẳng định vai trò và vị trí của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, sẽ cần tiếp tục đổi mới toàn diện từ nhận thức đến hoạt động. Sẽ rất khó để có sự bao cấp toàn diện vì vậy cần nêu cao hơn nữa tinh thần tự nguyện tự chủ thông qua xã hội hóa, hoạt động theo hướng gắn liền với đời sống, cơ sở. Đó là trách nhiệm của mỗi hội và là lí do để tồn tại và khẳng định giá trị của mình”.

Đồng thời, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc chưa thật sự làm tốt trách nhiệm, vai trò đối với các hội VHNT địa phương. Trong điều lệ các hội địa phương đều nêu “Là hội thuộc hội VHNT tỉnh” nhưng sự thống nhất về nhận thức và hành động chưa được rõ ràng. Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh cần xem xét, nghiên cứu để Hội VHNT tỉnh và Hội VHNT các địa phương được liên kết, hợp tác với nhau hiệu quả hơn trong hoạt động và sẽ được ràng buộc trách nhiệm bằng quy chế văn bản. Trong thời gian tới, Hội VHNT tỉnh sẽ đẩy nhanh việc tập huấn đến các Hội địa phương, đồng thời tiếp tục nghiên cứu tham mưu với tỉnh về cơ chế tổ chức, chính sách đối với hội VHNT các địa phương.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển trước mắt cũng như lâu dài, hội VHNT các địa phương sẽ còn tiếp tục gặp thêm nhiều thách thức hơn nữa. Những giải pháp cơ bản, thiết thực đã được đại diện một số hội hoạt động có hiệu quả đưa ra như: đưa hoạt động VHNT về cơ sở, làm tốt công tác xã hội hóa để tự chủ; linh hoạt, chủ động trong công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo, quản lí... Như nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh khẳng định, đổi mới tư duy và phương thức hoạt động, gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa cơ sở - đó là điểm quan trọng nhất mà các lãnh đạo các hội VHNT các huyện thành thị đã cùng thống nhất qua cuộc hội thảo này.

Hy vọng từ việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, các hội VHNT sẽ đi tiếp chặng đường mới với những thành công mới.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy