Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:41 (GMT +7)

Hội chứng… im lặng

VNTN - Người ta thường bảo, báo chí là “đệ tứ quyền lực”. Sự thật thì báo chí chẳng đề bạt, cất nhắc, cũng chẳng khởi tố, truy tố hay xét xử được ai. Vậy mà mọi người vẫn rất nể báo chí. Có được điều ấy là bởi báo chí thực hiện được sự công khai đến công chúng. Với sự công khai ấy, nếu cá nhân, đơn vị nào được báo chí ngợi ca, thì đó là vinh hạnh lớn, còn nếu bị báo chí chỉ trích, thì đó là chuyện không nhỏ. Chả thế mà có vị bảo, dọc ngang trời đất ta chắng sợ ai, chỉ sợ mỗi con “báo” (tiếng lóng, chỉ báo chí).

Cách đây chừng hai chục năm, một cộng tác viên gửi đến báo tỉnh ta bài viết về vụ tham ô tiền Định canh - định cư ở một huyện miền núi. Ông Tổng biên tập sửa lại cái “tít” thành “Nuốt không trôi…”, rồi cho đăng báo. Bài báo này đã gây dư luận mạnh mẽ và các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Kết quả vụ việc đã trở thành một vụ án lớn. Xem vậy thì báo chí không chỉ có uy, mà còn là một địa chỉ tin cậy của công chúng và một kênh thông tin đầy trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành.

 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện một hiện tượng lạ, tạm gọi là “hội chứng…im lặng”. Cụ thể là, những chuyện báo chí chỉ trích, người ta không nhận sai, không sửa chữa, cũng không phản đối, mà chỉ… im lặng. Người ta im lặng như chưa hề có bài báo nào đã nói về họ. Nếu có ai đó hỏi, người ta bảo là không đọc báo, không biết. Thế là báo chí đã bị vô hiệu hóa, giống như bắn súng chỉ thiên. Đã có nhiều chuyện bị im lặng như vậy, cả với báo chí địa phương và báo chí trung ương, song xin không kể những chuyện đó ra đây.

Vì sao có tình trạng trên? Có hai lý do:

Trước hết, người trong cuộc ý thức được sự việc mà báo nêu, là không thể biện bạch. Người ta hiểu rõ, càng biện bạch thì càng thất lý. Hơn nữa, người viết không bao giờ “tung” hết những gì họ có ra một bài, mà thường “để dành” dữ liệu cho những bài khác khi cần. Thế là càng biện bạch càng thêm ồn ào, cuối cùng vẫn phải cài “số lùi”. Đó là điều không ai muốn. Còn nhận là sai ngay thì chẳng dễ, bởi đó là cuộc đấu tranh không đơn giản trong mỗi người. Thế nên im lặng được coi là “thượng sách”. Nghe nói, có người còn tiết lộ với người tâm phúc rằng, mình im lặng là vì nơi đăng bài là tờ báo nhỏ (?!). Thái độ coi thường báo nhỏ này sẽ khiến người viết gửi bài cho báo lớn. Thế là cái ý định “đóng cửa bảo nhau” trong tỉnh sẽ không còn. Nhưng ngay cả khi báo lớn lên tiếng, người ta vẫn … im lặng, thì báo “lớn” cũng phải chịu thua. Điều này càng cho thấy, im lặng đúng là thượng sách.

Lý do thứ hai là, Tổng biên tập một số báo có phần “hiền lành”. Theo điều 8 Luật Báo chí, thì “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí”. Thế nhưng đã mấy khi các báo sử dụng quyền này của mình?

Mong rằng từ năm Ngựa này, cần sòng phẳng hơn giữa báo chí với công dân. Báo đăng sai, báo chịu trách nhiệm; ngược lại, báo phản ảnh đúng, cá nhân, đơn vị cần có hồi âm tới bạn đọc. Làm được như vậy thì báo chí sẽ phát huy tốt hơn vai trò của mình như nó vốn có

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy