
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Trong vòng một tháng qua, kể từ khi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin về virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam tại hai tỉnh Hưng Yên, Thái Bình (19/2), tính đến ngày 15/3 bệnh dịch đã lan ra 17 tỉnh, thành trong cả nước. Tả lợn bùng phát và lan rộng khiến người dân vô cùng lo lắng. Rất nhiều người đã “nói không” với thịt lợn vì lo sợ bị lây bệnh. Có người còn “đăng đàn” kêu gọi tẩy chay thịt lợn kèm theo những hình ảnh ghê sợ. Mấy ngày trước, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với chủ tài khoản facebook Đầm bầu thời trang Mami vì hành vi tung tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Những hình ảnh và thông tin về việc chế biến, bày bán thịt lợn được cho là nhiễm dịch tả tại Hà Nội cùng lời kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn được đăng tải và chia sẻ từ fanpage này đã khiến nhiều người lo lắng. Nhưng qua xác minh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, thì những hình ảnh đó là về bệnh sán dây ở lợn đã xảy ra tại Bình Phước từ tháng 11/2018, được facebooker lấy lại từ nhiều báo điện tử. Sự việc xảy ra, có lẽ xuất phát từ sự lo lắng thái quá và những hạn chế hiểu biết của một cá nhân người dùng mạng xã hội. Nhưng với một fanpage có gần 300 nghìn lượt thích, người theo dõi chủ yếu là các bà mẹ bầu và đang nuôi con nhỏ, thì hiệu ứng nó tạo ra không hề nhỏ. Đám đông với những bình luận hốt hoảng, hoang mang thể hiện sự thụ động trong tiếp cận thông tin, chưa nhận thức đúng bản chất sự việc. Việc tẩy chay thịt lợn trở nên nghiêm trọng khi có nhiều người không/chưa cần biết thực hư thế nào, đã hùa theo với những kết luận vô căn cứ. Người ta cứ ào ào sợ sệt, rồi bảo nhau không mua, không dùng mà không chịu tìm hiểu xem dịch bệnh ấy nguy hại thế nào, ảnh hưởng ra sao?... Theo Tổ chức Thú y thế giới, thì dịch tả lợn châu Phi (ASFV) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn và tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus… Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày... Tuy nhiên, ASFV chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Theo lời PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì, bệnh dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút ASFV, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Hiểu và cẩn trọng sử dụng sản phẩm thịt lợn trong lúc nạn dịch đang hoành hành là đúng đắn. Song qua những gì được nghe/biết trên các phương tiện truyền thông, thấy rằng việc người dân hoang mang tẩy chay thịt lợn là động thái tiêu cực không đáng có. Những ngày qua vì sự lo lắng của học phụ huynh học sinh mà nhiều trường học quyết định tạm “tẩy chay” thịt lợn trong thực đơn, mặc dù các đơn vị cung cấp thực phẩm đưa ra cam kết chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Trước phản ứng tẩy chay thịt lợn lan rộng, ngày 12/3, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường không tẩy chay thịt lợn trong bữa ăn bán trú của học sinh. Bởi chỉ cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của thực phẩm, đảm bảo chất lượng và thời gian sử dụng thì không có gì đáng lo ngại. Chúng ta, ít nhiều biết đến những trào lưu tẩy chay từng diễn ra như: tẩy chay vẻ đẹp “lá liễu”, quay lưng với kiểu lông mày một thời là chuẩn mực vẻ đẹp phụ nữ Việt; rồi tẩy chay hàng giá rẻ; tẩy chay hàng Trung Quốc…, tẩy chay một bộ phim, hay một món ăn… Nghiêm trọng hóa vấn đề khi chưa tìm hiểu kỹ lưỡng, có ai nghĩ đến việc những thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, sâu xa hơn, có thể dồn người nông dân vào bế tắc, phá sản? Nghĩ về động thái tẩy chay thịt lợn đang diễn ra, bỗng nhớ đến một mẩu chuyện nhỏ thế này: “Có một cậu bé đang đi trên lề đường bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời. Có vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy; một người, rồi một người nữa… Lúc cậu bé cúi xuống, quay qua quay lại, ngạc nhiên khi thấy cả chục đứng chung quanh mình đều ngửa mặt nhìn trời. Cậu thành thực hỏi: Ơ! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?”. Chuyện vui nhưng đã ý nhị lộ ra căn bệnh hội chứng đám đông trong xã hội. Đáng đọc và đáng nghĩ.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...