Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
06:44 (GMT +7)

Hồi âm bài “Pụt Kỳ Yên… mà không yên?”

LTS- Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 12 ra ngày 23/3/2017 có đăng bài "Pụt Kỳ Yên... mà không yên?" của tác giả Hoàng Tuấn Cư, bàn về một số vấn đề trong cuốn sách "Pụt Kỳ Yên" của một nhóm tác giả do ông MA ĐÌNH THU làm chủ biên.

Sau khi báo ra, Tòa soạn đã nhận được bài trao đổi lại của ông MA ĐÌNH THU. Để rộng đường trao đổi, VNTN đăng tải bài viết này và mong tiếp tục nhận được các ý kiến tham gia từ phía các tác giả, đặc biệt là từ phía những người am hiểu văn hóa, ngôn ngữ Tày Nùng quan tâm đến cuộc trao đổi này. Tên bài do Tòa soạn đặt.


 

Ngày 25/3/2017 tôi nhận được báo VNTN số 12 ngày 23/3/2017 có bài trao đổi về “Pụt Kỳ Yên” của tác giả Hoàng Tuấn Cư. Tôi xin được đôi lời hồi âm như sau:

Thoạt tiên Hoàng Tuấn Cư đã lấy tít: Pụt Kỳ Yên… mà không yên? Rồi anh khẳng định nhóm tác giả chúng tôi hiểu Pụt Kỳ Yên một cách đại khái mà cũng sưu tầm và dịch, đồng thời Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên cũng không hiểu nên chỉ giới thiệu chung chung mà thôi.

- Hoàng Tuấn Cư khẳng định Pụt Kỳ Yên chỉ tiến hành đầu năm (tháng giêng) là không đúng. Ở Định Hóa thường tiến hành cả năm, gia chủ có điều kiện thì đón ông Pụt. Trước kia các chức sắc được phong chức chánh phó hay ông Mo, ông Then, ông Tào khi cấp sắc đi xem sách được ngày lành tháng tốt là họ đón nhau đến tổ chức như làm lễ hội… cũng đón ông Pụt tổ chức như lễ hội.

- Hoàng Tuấn Cư còn khẳng định chúng tôi sưu tầm ở địa phương mình, mà dịch sai một cách thảm hại, theo tôi nếu bình tĩnh xem xét chưa chắc đã như thế? Cảm tưởng của tôi thấy Hoàng Tuấn Cư giống anh bác sĩ, nên tới đâu cũng thấy vi trùng, ngồi ở đâu thấy có vi trùng tấn công, thương thay?

- Anh tự khẳng định Pụt chỉ xuất hiện ở truyện cổ tích thì tôi thấy chưa thỏa mãn lắm mà tôi thấy chắc chắn Pụt xuất hiện ở Pụt Kỳ Yên, then và mo.

Rồi anh tự trương lên: Pụt Tày Bắc Cạn - Hoàng Tuấn Cư, Triệu Sinh - NXB thời đại 2012, anh tự cho đó là chuẩn để chúng tôi học hỏi làm theo, thật là khó hiểu!

Tôi không có vinh dự được tặng sách Pụt Tày Bắc Cạn của anh, cũng không mua được ở đâu, không được tham khảo, khi dịch không giống các anh, giá mà giống thì sẽ bị các anh kết tội là ăn cắp bản quyền rồi?

Cho nên anh đã vội vàng khẳng định chúng tôi dịch sai hoàn toàn:

Mời Hính mời sư thầy

Lục giá chương thư thầy

Mời thâng pá thư thầy

Mời hính mời cừn vằn

Bản tiếng Tày trang 9-Pụt Kỳ Yên-NXB ĐHTN

Khi dịch:

Mời bụt mời sư thầy

Con đường giữ sư thầy

Mời đến bà sư thầy

Mời thầy mời đêm ngày

Trang 323.

Tôi thấy lạ, tại sao tôi lại dịch thành “Con đường giữ sư thầy” giở lại bản gốc mới thấy là chữ “đường” tức “đang” như vậy dịch “Con đường giữ sư thầy” mới đúng và hợp lí hơn, và tôi liên hệ với tập thơ “Ở rừng” (NXB Đại học Thái Nguyên-2016), bài thơ “Bên dòng suối”:

Theo lời của em hát

Núi đồi nín lặng thinh

Anh thành con chim lạc

Giữa rừng bát ngát xanh

Ở bài giới thiệu của nhà xuất bản trang 4 cũng đúng bản gốc, nhưng trang 12 của tập thơ lại khác, là do đánh máy sai, in mới sai?

Trở lại câu trên, Hoàng Tuấn Cư lại dịch:

Xin mời các sư thầy

Con không quên ơn thầy

Mời đến bà sư thầy

Mời sư thầy đêm ngày

Công bằng mà nói trong bốn câu này còn phải xem xét lại, cả hai nhóm dịch và người đánh máy, ai đúng ai sai, không thể khẳng định áp đặt được.

“Bài Tu thần” trang 463 chúng tôi dịch:

Ngựa ta nghĩ thế nào

Lừa  ta nghĩ làm sao

Ta đi hay ta ở

Nửa đêm tới chân mây

Gà gáy lọt mường trời

Sau đó anh nhấn mạnh các trang 177 cũng như trang 219 có câu giống nhau, chúng tôi lại dịch:

Ngựa ta biết làm sao

Lừa ta biết làm sao

Ta đi hay ta ở

Nửa đêm lọt tầng mây

Gà gáy lọt mường trời

Rồi tới anh dịch:

Ngựa ta biết làm sao đây

Lừa ta biết làm sao đây

Đem đi hay ở lại

Nửa đêm lọt mường trời

Mờ sáng lọt mường thiên

Bản tiếng Tày của câu 5 ở trên:

Mạ lầu hắt lừ dương

Lừa lầu thương lừ đây

Te pây lừa te dú

Chang cừn pjót mường pha

Nà cáy pjót mường thiên

Trang 86- Khẩu tu, trang 149-Tu thổ công, trang 165-Tu mộ, trang 177- Tu thần, trang 229-Tu mụ Va văng, trang 245-Tu hạn, trang 257-Tu thay-Tu pụt - Tu tướng 265, trang 293-Tu khoăn.Tôi xin trích 3 bài dịch trên. Trong đó bài 1, bài 2 do chúng tôi dịch, bài thứ tư là nguyên gốc tiếng Tày cũng như ghi các trang theo thứ tự để mọi người cùng tham khảo góp ý.

Trong bài có 5 câu, câu nào cũng có 5 từ (5 chữ), nhưng anh lại thêm chữ đây vào câu 1 và câu 2 thành ra có 6 từ (6 chữ) câu thứ tư “nửa đêm lọt mường trời” như vậy là chưa đúng, nhưng chúng tôi dịch là “chân mây” hay “tầng mây” xin lấy ví dụ nếu cả không gian trời đất thì nó bao la quá khó hiểu, chúng tôi chỉ lấy thí dụ một cái nhà thì tượng trưng trên mái là trời, dưới đất là nền nhà. Còn xa lơ lửng ở giữa là chân mây, nên câu đó chúng tôi dịch là “tầng mây” - “chân mây” thì hợp lí hơn.

Câu thứ 3 anh dịch như thế chúng tôi cho là không ổn. Câu thứ 5 anh dịch “Mờ sáng lọt mường thiên”, câu này anh dịch mờ sáng cũng tạm được. Nhưng ở miền núi chúng tôi con gà là đồng hồ báo thức, khi tờ mờ sáng con gà cất tiếng gáy ò ó o báo hiệu trời sắp sáng, chúng tôi dịch gà gáy lọt “mường trời” trong khi anh lại dịch “lọt mường thiên” anh tỏ ra trân trọng chú thích ở cuối bài: Tiếng Tày Nùng thì có nơi gọi: bân, buân, phạ, thiên? Cho nên anh dịch là thiên là khó thuyết phục vì bình sinh Bác Hồ còn sống từng dạy ta có tiếng mẹ đẻ mà không dùng tại sao lại đi dùng chữ Hán, tốt nhất là không nên vay mượn; chưa nói anh dịch như thế còn sai vần nữa…

Chúng tôi dịch Pụt Kỳ Yên mất hàng năm trời mới gửi tới Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung lúc ấy còn là giám đốc Nhà xuất bản, còn mời nhóm tiến sĩ Lương Bèn thẩm định, sau khi đọc mấy tháng trời, nhóm thẩm định còn có 13 câu hỏi phỏng vấn, chúng tôi trả lời được hoàn toàn, NXB mới dám in. Tôi có phát hiện sai sót của người đánh máy là hay bỏ các phần chú thích, đính chính tham khảo, mới bị bỏ giấy trắng là như thế, giá NXB in 13 câu chúng tôi trả lời thì còn gì trách móc nữa. Trong khi đó Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã thành lập hội đồng xét giải thưởng, Hội đồng gồm 5 người đọc rồi mới bỏ phiếu kín cơ mà (Nếu tôi không nhầm ở hội đồng ấy còn có Hoàng Tuấn Cư) chả nhẽ anh phải tặc lưỡi là do áp lực, hay có thể lúc ấy anh ngủ quên khi thức dậy cứ bỏ phiếu chiếu lệ, nay anh tỉnh hẳn rồi suy trước tính sau:

“Pậu nó hét lầu nòn

Pậu nó nòn lậu dứ”

Dịch:

“Khi người ta đi làm thì ngủ

Khi người ta quẩy của cải mới nghển cổ lên nhìn…”

… Thưa anh Hoàng Tuấn Cư, tôi tưởng tượng khi anh còn đang say nên tôi chưa vội trả lời, mà tôi chờ anh tỉnh mới dám xin trích lời khuyên của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Phan: “Để kịp thời phục vụ nhân dân… cứ in sách ra đã, rồi sẽ sửa chữa, bổ sung những lần in sau…” Trang 21- tác giả nghiên cứu văn học dân gian. Nhà xuất bản Khoa học xã hội- HN-1994.

Căn cứ lời dạy trên, chúng tôi chưa dám ước vọng cao xa đâu. Mục đích của chúng tôi in sách ra, trước tiên xin phát hành ở Định Hóa và trong tỉnh Thái Nguyên là hạnh phúc lắm rồi. Làm sao dám tự hào như anh là cán bộ biên tập có thâm niên 30 năm làm nghiên cứu văn học tôi nghe thấy thế mà rợn tóc gáy!

Ở miền núi chúng tôi thường dùng nứa, mai, trúc vót nhọn chọc tiết gà mà thôi, không có vinh dự như anh ở thành phố dùng dao bầu cắt tiết gà thì không sợ là gì?

Anh là nhà nghiên cứu phê bình, cho nên hễ anh dương cờ, anh cầm roi phê bình hô to lên ai mà chả khiếp sợ. Chả nhẽ anh có đôi mắt thần mà nhìn nhận thiển cận, cho nên anh đánh giá sự việc một cách hời hợt như thế, hóa ra anh mới “Buồn, quá thất vọng” tới mức cực đoan, chỉ đi bới lông tìm vết để quy chụp… không còn chút nhân văn nào? Tự nhiên chúng tôi nhớ đã được đọc tập truyện cổ tích về ông thiên lôi, tay cầm lưỡi tầm sét, mặt sát khí đằng đằng xông tới làm cho bọn Trâu, Dê, Cừu..vv… sợ quá chỉ còn đường chui xuống đất (âm phủ) may ra được thoát thân… Nhưng vẫn còn cố thò cổ lên, xin dối giăng đôi lời:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Lèo Khói, Thanh Định 31/3/2017

Ma Đình Thu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy