Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:52 (GMT +7)

Học và dạy Văn – từ những góc nhìn

  1. Là học trò, tôi muốn học Văn như thế nào?

Nếu là học trò, tôi muốn môn Tiếng Việt và môn Văn học phải là hai môn học độc lập do giáo viên được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành này giảng dạy. Bởi vì môn tiếng Việt, ai cũng phải học để sử dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp hàng ngày thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Môn Văn học, ai cũng nên học để bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, trí tuệ và kinh nghiệm sống, giúp cho người học hoàn thiện nhân cách văn hóa và tình cảm thẩm mỹ. Như vậy, hai môn học này hướng đến những mục tiêu khác nhau, cho nên xét từ phương diện người học việc gộp lại thành một môn gọi là “Ngữ văn” đã khiến việc học tập gặp nhiều trở ngại.

Thực tế cho thấy, văn học nghệ thuật đòi hỏi một năng khiếu nhất định trong cảm nhận và sáng tạo. Không phải ai nghe, nói, đọc, viết tốt tiếng Việt cũng là người sáng tác được văn chương và cảm nhận tốt văn chương. Do vậy, nếu là học trò tôi muốn được học tiếng Việt để rèn luyện thuần thục bốn kỹ năng: nghe/ nói/ đọc/ viết. Tôi muốn thầy, cô ở các cấp học rèn luyện cho cách nghe, nói, đọc viết sao cho đúng chuẩn tiếng Việt để thuyết phục được người đọc, người nghe trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Lồng ghép việc dạy học Tiếng Việt trong Ngữ văn thì chúng tôi sẽ học được kỹ năng gì khi thời lượng cho môn học có hạn? Tôi không muốn học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và lại càng không muốn bị nhồi một mớ kiến thức ngữ pháp rắc rối, nhằng nhịt mà cuối cùng không biết để làm gì bởi chúng tôi phần lớn học không phải là để trở thành những nhà nghiên cứu ngôn ngữ.

Với văn chương, tôi muốn được tiếp nhận nó trong một chương trình mở mà ở đó thầy, cô thỏa sức sáng tạo trong giảng dạy để dẫn tôi vào một thế giới tưởng tượng phong phú, tôi được buồn, vui, đau khổ và hạnh phúc cùng những phận người trong thế giới nghệ thuật, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ tấm lòng cùng những người sống quanh tôi.

Khi chọn tác phẩm để dạy, chúng tôi muốn người làm chương trình không lấy tiêu chí gì khác ngoài tiêu chí tác phẩm phải có tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Tôi muốn được học những tác phẩm văn học đích thực của những nhà văn thực sự tài năng và có nhân cách bởi điều này có sức thuyết phục và cảm hóa rất mạnh đối với chúng tôi. Học văn học để chúng tôi có thêm sự nhạy bén, tinh tế để không trở thành Robot trong thế giới số lạnh lùng, vô cảm. Tôi không muốn trở thành “nhà nghiên cứu” bất đắc dĩ để đánh vật với những bài phân tích và bình luận mà chúng tôi cứ phải chép lại một cách máy móc suy nghĩ của các nhà nghiên cứu hoặc ý kiến của các thầy, cô được in trong các tài liệu hướng dẫn “học tốt” (mà thực ra phần nhiều chỉ là để giúp học trò chúng tôi tiện sao chép khi làm bài làm văn lấy điểm và khi thi cử) bán tràn lan ngoài hiệu sách(!). Tôi muốn thầy cô là người truyền dạy, chỉ dẫn cho chúng tôi kỹ năng đọc, tiếp nhận những tác phẩm văn chương theo đặc thù của văn bản nghệ thuật. Khi có chìa khoá trong tay, tôi sẽ tự mở bất cứ cánh cửa văn chương nào nếu tôi muốn! Tôi ước mơ được khám phá tác phẩm văn chương như một công trình nghệ thuật chứ không phải học văn chương như học lịch sử, học đạo đức, học chính trị... Bởi cách học như thế hoàn toàn xa lạ với văn chương. Tôi không muốn giờ học văn chương bị “băm nát” thành một giờ học mà chúng tôi bị nhồi nhét đủ mọi “bài học” giáo huấn xuất phát từ những điểm nhìn xã hội học dung tục.

Nếu tôi là học trò tôi mong muốn được nói lên tất cả những suy nghĩ của mình về một tác phẩm văn học mà không bị coi là “nói không đúng ý tác giả” (hoặc không đúng ý giáo viên). Tôi muốn các thầy cô phải vượt thoát khỏi những khuôn mẫu trong các bước lên lớp, không biến giờ giảng văn thành giờ giáo huấn đạo đức và các vấn đề  phi văn học, bởi bản thân văn chương, tự nó đã mang những phẩm tính giáo dục rất sâu sắc và tinh tế khi được người đọc tiếp nhận mà không cần một sự định hướng gò ép nào. Việc thầy, cô dạy “tích hợp” nhiều vấn đề trong giờ văn có thể sẽ “thủ tiêu” những phẩm tính nghệ thuật của văn chương, làm cho giờ văn trở nên khiên cưỡng, đơn điệu, nhạt nhẽo, xơ cứng. Văn chương không thể là gì khác ngoài việc nó phải luôn được là chính nó thì mới phát huy được chức năng đặc thù của văn chương đối với con người và cuộc sống: nó giúp người đọc hiểu biết sâu sắc về thế giới “bên trong con người”, giúp con người sống nhân hậu, biết yêu thương, biết căm ghét cái xấu, cái ác, cái đê hèn để hướng đến những ứng xử mang giá trị nhân văn, góp phần làm cuộc sống ngày càng thêm tốt đẹp.

Nếu tôi là học trò tôi muốn được học Văn học như thế nào? Câu hỏi này thật không dễ tìm câu trả lời… Nhiều thầy, cô giáo và những nhà khoa học đang thực hiện trọng trách đổi mới giáo dục cũng đã và đang hết sức nỗ lực tìm cách làm thế nào để đổi mới dạy học môn Văn học mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Tôi hy vọng tinh thần đổi mới dạy - học môn Văn học sẽ phải được thức nhận triệt để từ quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn học, từ đặc thù chức năng của văn học nghệ thuật thì chúng tôi mới được học những giờ văn đầy ám ảnh, ấn tượng để từ đó tâm hồn chúng tôi được thăng hoa, được chắp thêm đôi cánh diệu kỳ, bay vào bầu trời của tự do sáng tạo, của lòng nhân ái bao dung với con người và cuộc sống. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu, ý nghĩa quan trọng nhất (nếu không muốn nói là duy nhất) của việc dạy Văn trong nhà trường. Và tôi kỳ vọng điều mong ước của tôi không chỉ là mơ ước…

2.Là giáo viên, tôi cần giảng dạy thế nào để học trò yêu thích văn chương?Với vai trò là một giáo viên giảng dạy Văn học, từ thực tiễn dạy học, tôi nhận thấy môn Tiếng Việt và môn Văn học phải được triệt để coi là hai môn độc lập thì việc dạy - học mới mang lại hiệu quả (tôi dùng từ “triệt để” là bởi vì trước nay việc dạy Văn cũng đã có chia thành ba phân môn: Tiếng Việt, Làm văn và Giảng văn ở cấp THCS và THPT, tuy nhiên người dạy và học vẫn hiểu ba phân môn trên thuộc môn Ngữ văn. Chương trình, định hướng giảng dạy còn nhiều giới hạn nên khi thực hiện công việc gần như người dạy chỉ chú trọng đến môn Giảng văn mà cọi nhẹ hai môn còn lại).

 Như đã nói, bởi vì hai môn học Tiếng Việt và Văn học hướng đến những mục tiêu khác nhau, cho nên việc gộp lại thành một môn gọi là “Ngữ văn” đã tạo nên rất nhiều giới hạn, cản trở hứng thú học tập của học sinh và đồng thời cũng cản trở sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy. Nhìn vào khung chương trình và gợi ý giảng dạy của Dự thảo chương trình môn Ngữ văn (năm 2018, của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quả là một “ma trận” rắc rối (!). Nếu phân định rõ ràng khung chương trình cho hai môn Tiếng Việt và Văn học, tùy theo năng lực chuyên môn của từng giáo viên, tổ chuyên môn của các trường cũng có thể chia giáo viên làm hai nhóm: nhóm chuyên dạy Tiếng Việt và nhóm chuyên dạy Văn học, và điều này thiết nghĩ cũng sẽ tạo sự thuận lợi rất nhiều cho giáo viên khi soạn bài và tổ chức hoạt động dạy - học.

Khi tách hai môn Tiếng Việt và Văn học thành hai môn độc lập, tùy thuộc tâm, sinh lý lứa tuổi, khả năng tiếp thu của học sinh từng cấp học, chương trình dạy học được xây dựng cần tập trung đạt được mục tiêu cơ bản sau: Đối với môn Tiếng Việt:

Cấp Tiểu học:

- Học sinh thuộc bảng chữ cái/ cách ghép vần và phát âm đúng, rõ ràng.

- Học sinh sử dụng thành thạo hệ thống tiếng Việt dùng để:

+ Biểu thị, bộc lộ các cung bậc tình cảm (yêu, ghét, giận, hờn, thương, mến, kính trọng, coi khinh…).

+ Biểu thị sự lịch sự, lễ phép, tôn trọng người khác trong các tình huống giao tiếp thuộc phạm vi gia đình và ngoài xã hội (Tùy hoàn cảnh địa lý sinh sống của đối tượng người học giáo viên có thể mở rộng so sánh với văn hóa giao tiếp của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam và thế giới).

Giáo viên soạn bài cần đặc biệt lưu ý đến tư duy ngôn ngữ, tâm lý, sinh lý của  học trò cấp Tiểu học (từ 6 đến 10 tuổi) để có nội dung kiến thức phù hợp.

 Cấp Trung học cơ sở:

- Thành thạo kỹ năng chọn từ, dùng câu đúng trong các tình huống giao tiếp.

- Nói, viết theo đúng phong cách chức năng (Phong cách ngôn ngữ Sinh hoạt;

Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật; Phong cách ngôn ngữ Báo chí).

Giáo viên soạn bài cần đặc biệt chú ý đến tư duy ngôn ngữ, tâm lý, sinh lý của lứa tuổi học trò (11 đến 14, 15 tuổi) để có nội dung kiến thức phù hợp.

 Cấp Trung học phổ thông:

- Học trò nói, viết đúng văn bản theo phong cách chức năng (Phong cách ngôn ngữ Chính luận; Phong cách ngôn ngữ Hành chính; Phong cách ngôn ngữ Khoa học).

- Đây là cấp học cuối cùng để học trò sau khi học xong có thể đi học nghề, làm việc nên cần đặc biệt chú trọng rèn luyện cho người học thành thạo kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, viết văn bản… theo yêu cầu của các ngành nghề, công việc khác nhau.

Dạy học môn Tiếng Việt theo hướng chú trọng rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong thực tiễn giao tiếp xã hội, không nặng về ghi nhớ kiến thức ngôn ngữ hàn lâm sẽ mở ra nhiều cơ hội để giáo viên phát huy tư duy sáng tạo trong thiết kế bài giảng, học sinh tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ tự nhiên, hứng thú, khắc ghi sâu sắc kiến thức được học và quan trọng là ứng dụng hiệu quả trong đời sống hàng ngày.

Đối với môn Văn học:

Cần lựa chọn đưa vào khung chương trình một một hệ thống tác phẩm văn học phong phú, đa dạng của Việt Nam và thế giới ở mọi thời đại. Tiêu chí hàng đầu cần quan tâm với những tác phẩm được chọn là tác phẩm phải giàu giá trị nhân văn, nhân bản, có giá trị nghệ thuật cao, có khả năng phát huy đặc thù các chức năng của văn học (chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức năng giải trí, chức năng giao tiếp…) một cách hiệu quả nhất. Trên cơ sở này giáo viên và học sinh mới có thể cùng nhau say mê sáng tạo, tiếp nhận văn học nghệ thuật.

Cấp Tiểu học:

Với các học trò lứa tuổi học Tiểu học, được đắm mình vào thế giới cổ tích, thần thoại, truyền thuyết vô cùng phong phú của Việt Nam và nhân loại là điều rất thú vị và hấp dẫn đối với các em. Học trò có thể đọc - hiểu,  xem phim,  diễn kịch, phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ của học sinh về những truyện mà các em được tiếp cận. Cũng có thể phát huy trí tưởng tượng bay bổng của học sinh với việc cho các em viết tiếp những truyện cổ tích, thần thoại mà kết thúc có thể không còn phù hợp với tư duy nghệ thuật của con người hiện đại. Với cấp học này, cũng có thể bước đầu cho học sinh tiếp cận những truyện văn chương hiện đại nhẹ nhàng hướng đến giáo dục kỹ năng sống. Không nên bắt các em phải đọc, hiểu những tác phẩm văn học có tính triết lý nặng nề, khó hiểu.

Cấp Trung học cơ sở:

Học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam và thế giới ở mọi thời đại viết về các chủ đề: Làng quê, thành phố, phụ nữ, trẻ em, chiến tranh, hoà bình, thiên nhiên, tình bạn, tình yêu...(chọn tác phẩm phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh từ 11 đến 14,15 tuổi).

Cấp Trung học phổ thông:

Tiếp tục cho học sinh tiếp cận tác phẩm với các chủ đề trên nhưng tác phẩm được chọn đòi hỏi ở người học cấp độ tư duy cao hơn. (chọn tác phẩm phù hợp tâm lý, sinh lý lứa tuổi học sinh từ 15 đến 18 tuổi).

Với hệ thống tác phẩm đưa vào khung chương trình theo hướng mở như trên giáo viên và học sinh thỏa sức sáng tạo, (cùng thống nhất chọn tác phẩm để chuẩn bị bài, tạo tâm thế hứng thú tìm hiểu tác phẩm, học mà vui, vui mà học, tiếp thu kiến thức văn học nhẹ nhàng, thấm thía và nhớ lâu, chức năng tự giáo dục của văn học sẽ phát huy cao độ, tự thân những giờ học với những cảm xúc thẩm mỹ mang lại sẽ bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách làm người gieo niềm tin, ý chí, nghị lực cho học sinh trên con đường đi tới tương lai của các em... Các hình thức giảng dạy: đọc/hiểu; diễn xướng ; sân khấu hoá; xem phim, thảo luận, tọa đàm, viết tiểu luận, sẽ được thầy/trò tự lựa chọn để đạt kết quả tiếp nhận tác phẩm tốt nhất). Hơn nữa, chỉ khi nào thực thi được chương trình mở theo đúng nghĩa thì việc mời nhà văn hoặc những tác giả đương đại có tác phẩm được giáo viên chọn giảng dạy đến tham gia hoạt động học tập cùng giáo viên và học sinh mới có thể thực thi một cách có kế hoạch, khoa học và bài bản. Sự chia sẻ kinh nghiệm viết của các nhà văn sẽ góp phần không nhỏ nuôi dưỡng ước mơ đối với các em có năng khiếu văn học để trở thành nhà văn chuyên nghiệp trong tương lai. (Thực tế cho thấy để có được một nhà văn tài năng đích thực không phải dễ dàng, tài năng văn chương cần được nhen nhóm khát vọng, đinh hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm từ khi còn nhỏ). Trong xã hội hiện đại, khi nền công nghiệp phát triển, sự vô cảm của con người cùng cái xấu, cái ác ngày càng gia tăng, việc đội ngũ các nhà văn cùng các thầy, cô giáo gắn kết để cùng giáo dục học sinh, tăng cường chất lượng, hiệu quả dạy học môn Văn học và đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển tinh thần nhân văn là một vấn đề thiết nghĩ không thể không hướng tới của chương trình dạy - học văn trong nhà trường trong thời đại hiện nay.

Nếu tách bạch rõ ràng mục tiêu, chương trình hai môn Tiếng Việt và Văn học thì việc ra đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng sẽ không bị rối và không bị rơi vào tình trạng “thách đố” người học. Tùy theo đối tượng người học, bài chọn để dạy, giáo viên sẽ có phương án thiết kế giờ dạy một cách sáng tạo để hấp dẫn người học, giúp các em quên dần tâm lý “sợ” học văn, và chắc chắn việc dạy học văn sẽ đạt những kết quả khả quan mà không cần bất cứ sự “thi đua” nào cũng như có thể loại bỏ hết những cuộc thi “dạy giỏi” mang tính biểu diễn, đóng kịch đã kéo dài suốt bao năm qua...!

Cuối cùng người viết bài này mong các nhà giáo có trách nhiệm xây dựng chương trình môn Văn học không nên hiểu “giảm tải chương trình” tức là lược bỏ đi trong khung chương trình một số lượng tác phẩm thì có thể “giảm tải” được. Từ “giảm tải” ở đây nên được hiểu theo nghĩa trong dạy và học văn đừng buộc học sinh làm những việc vô ích và xa lạ đối với tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của các em, còn nếu những gì tạo cơ hội để giáo viên và học sinh được thỏa sức sáng tạo trong vũ trụ văn chương thì không nên nghĩ đó là thứ cần “giảm tải”. Từ đây đặt ra vấn đề: việc bồi dưỡng chuyên môn đối với giáo viên hiện đang giảng dạy ở các trường phổ thông không phải chỉ quan tâm đến “đổi mới phương pháp” mà cần tăng cường trang bị, lấp đầy thêm cho các thầy, cô kiến thức về lý luận văn học, triết học, văn hóa nhân loại. Chỉ khi nào có đội ngũ thầy, cô giáo đủ tự tin về tri thức để độc lập tư duy, tự chủ và sáng tạo trong xử lý mọi tình huống của hoạt động giảng dạy thì khi đó mới có thể nói việc dạy - học Văn học được nâng cao chất lượng, góp phần đạt đến mục tiêu “trồng người” cao cả mà công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà đã đặt ra.

*

Làm thế nào để nâng cao chất lượng của việc học và dạy Văn trong nhà trường? Làm thế nào để học trò yêu thích văn chương? Từ nhiều góc nhìn có thể thấy những nỗi niềm trăn trở đặt ra chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng và chúng ta vẫn tiếp tục cần phải suy nghĩ, luận bàn. Song, có một điều không thể phủ nhận đó là văn học chỉ có thể là văn học khi nó gắn liền với cuộc sống mà trong đó trung tâm của đời sống là thân phận con người với tất cả những phẩm tính cần có và phải có của nó. Dạy và học văn trong nhà trường cũng không thể nằm ngoài vùng khí quyển những mỹ cảm nhân văn này của văn học dân tộc nói riêng và văn học nhân loại nói chung, và đây cũng là điều cốt tử mà việc dạy - học văn chương trong nhà trường cần hướng đến, nhất là trong bối cảnh thời đại lịch sử mới, đất nước phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy