Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
20:22 (GMT +7)

Học tập, làm theo Bác Hồ về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”

(Nhân kỷ niệm 50 năm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào

“Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (1966 - 2016) )

VNTN - 1. Người viết bài này vốn là giáo viên môn Ngữ Văn, đã từng giảng dạy từ phổ thông đến đại học (1961- 2007). Thời gian dạy môn Văn ở phổ thông, chúng tôi được chứng kiến sự ra đời của phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt do Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ấy phát động (1966).

Tháng 3/1988, khi thực hiện đề tài nghiên cứu về văn học Việt Nam thời kỳ Tiền khởi nghĩa và Kháng chiến chống Pháp (trong đó có tác gia Hồ Chí Minh), chúng tôi được Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc giới thiệu đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng để nhân cơ hội đó có thể thu thập một số tư liệu cần thiết về chiến khu Việt Bắc và thơ ca của Bác Hồ, được sáng tác ở vùng căn cứ địa này.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Sau nhiều câu hỏi về địa - chính trị, quân sự để khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi mạnh dạn trình bày với Cố vấn Phạm Văn Đồng những băn khoăn, thắc mắc của mình về cách hiểu một số từ ngữ trong bài Thu dạ (Đêm thu) và bài Tặng Bùi công (Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn) của Hồ Chủ tịch. Ví như, hai chữ “thu địch” (còi thu) trong bài thơ Thu dạ, có người đã suy diễn ra là tiếng chuông điện thoại; có người lại nói là tiếng kẻng ở chòi canh hoặc là tiếng chuông lầu. Rồi có nhà nghiên cứu bình câu thơ “Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì” (Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi), trong đó có nói đến nghiên mực (nghiễn trì) thì lại “tán” rằng: ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ dùng bút lông, nghiên mực Tàu để làm thơ, viết văn. Nhưng nhiều cán bộ được gần Bác thì bảo: Người thường dùng bút máy để ghi chép và làm thơ. Nghe xong, Cố vấn Phạm Văn Đồng cười rất to rồi nói:

- Tôi cười những người làm cái nghề thêu dệt! Bác rất giản dị, rất bình thường thôi! Tôi đã đi xem các vở kịch, thấy người ta tả Bác buồn cười lắm! Bác hay nói với tôi câu này: “Các chú đừng có vẽ rắn thêm chân!”.

Nhìn từ góc độ người viết văn, viết báo và người thẩm bình ngôn ngữ văn chương, Cố vấn  Phạm Văn Đồng lại cười rất to, tiếng cười thoải mái, độ lượng và nói tiếp:

- Tôi xin các đồng chí “đừng nên vẽ rắn thêm chân”! Rắn là loài vốn không có chân, nếu vẽ thêm chân thì rắn không còn là rắn nữa. Sự thực là sự thực, vì thế mà nó nên thơ! Bác rất ghét bày trò, thêu dệt. Người không thích kiểu uống rượu, rung đùi bình thơ… Và, văn thơ có tầm cao là diễn tả được cái gì có ý nghĩa, chân thực trong tư tưởng cũng như trong tâm hồn con người. Văn viết theo kiểu làm văn màu mè thì chỉ là loại văn sớm chiều mà thôi!

2. Sinh thời, Bác Hồ luôn là tấm gương về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong Di chúc, tuy được viết vào những năm cuối đời, tuổi cao, sức yếu nhưng chúng ta vẫn thấy sự lựa chọn từ ngữ rất kĩ của Bác. Có thể coi đây là một kì công của người “thợ ngôn từ” hiếm có ở nước ta.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nhiều nhà báo nước ngoài đến Việt Nam và viết bài ca ngợi, với các tít, như: “Bài học Việt Nam”, “Tấm gương Việt Nam”… Bác bảo chỉ nên dùng chữ “kinh nghiệm” Việt Nam thôi!

Bác khuyên những người cầm bút, kể cả học sinh, sinh viên 5 điều:

a/ Nói và viết sao cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ;

b/ Viết làm sao cho ý nhiều hơn lời. Nếu ý bằng lời thì phải cẩn thận đấy. Còn lời nhiều mà ý ít thì bài văn trở nên rỗng tuếch;

c/ Khi nói và viết nên dùng chữ nhỏ để nói việc lớn, hàm ý sâu, chớ dùng chữ lớn để nói việc nhỏ, hàm ý cạn;

d/ Viết làm sao để nêu ra được sự giản dị của cái mà ta tưởng là phức tạp, đừng làm phức tạp cái vốn là đơn giản;

đ/ Khi nói và viết phải nêu cho được cái mới. Điều này rất khó. Nhưng nói và viết một cách mới những cái đã cũ lại càng khó hơn nhiều.

Năm điều nói trên có nội dung khá toàn diện, sâu sắc và chính Người đã gương mẫu thực hiện những điều ấy suốt cuộc đời mình.

Trong tâm niệm của Hồ Chủ tịch, nói - viết phải phản ánh sự thật; sáng tác văn học, làm báo… cần phải trên cơ sở hiện thực. Có một văn kiện đối ngoại của Nhà nước ta viết: “Đảng cộng sản Việt Nam chúng tôi nguyện phấn đấu không mệt mỏi để góp phần vào sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa”. Bác góp ý: Tại sao lại không mệt mỏi! Mới nghe câu này tưởng là hay, nhưng không thực. Phấn đấu, đấu tranh cho sự đoàn kết của các Đảng cộng sản, đảng Công nhân Quốc tế, mệt mỏi lắm chứ! Nên thay bằng hai chữ không ngừng thì đúng hơn. Người hoàn toàn minh mẫn, nhanh nhạy, không một chỗ hở.

Một văn kiện khác được đem đến Bác duyệt để đọc ở Hội nghị Pa-ri, năm 1968, có câu: “Thật rõ ràng như ban ngày, đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược!”. Bác liền cầm bút gạch thật đậm các chữ “rõ ràng như ban ngày” rồi hỏi người đến duyệt văn kiện ấy: “Còn rõ ràng như ban ngày nữa không? “Đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược, rõ lắm rồi!”. Báo Nhân Dân thời chống Mỹ có lần đưa tin: Hôm nay quân và dân ta hạ được 5 máy bay F.105 của Mỹ và bắt sống một số phi công Mỹ. Đọc tin này, Bác nói: Nó có sống thì mới bắt, còn nó chết thì chỉ nhặt xác thôi. Theo ý Người, chữ “sống” trong “bắt sống” là thừa, nếu bớt đi, vừa bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt, vừa tiết kiệm cho in ấn.

Hình như những gì là giả dối, không phản ánh đúng sự thật; nói - viết theo kiểu “hoa hòe hoa sói”, đều bị đánh bật khỏi suy nghĩ của Bác. Theo ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Hồ Chủ tịch), nhiều đồng chí lãnh đạo được làm việc với Bác đều nhận thấy mình tiến bộ rất nhiều, trong đó có vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Bác Hồ rất coi trọng trật tự từ trong tiếng Việt. Có báo viết: “Đảng, chính quyền các cấp đang tích cực triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương thứ XVI”. Đọc xong câu này, Bác bảo: Trung ương chỉ có một chứ đâu có 16 Trung ương! Theo Người, câu này phải sửa lại ở cụm từ sau đây: triển khai Nghị quyết Hội nghi lần thứ 16 của Ban chấp hành Trung ương… Cũng theo trật tự từ của tiếng Việt thì không nên viết: “Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 65 của Ngài”, mà phải viết: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 65 ngày sinh của Ngài mới đúng. Bởi lẽ, người được chúc mừng sinh nhật ấy chỉ sinh ra một lần, nên không có ngày sinh lần thứ 65! Ngôn ngữ tiếng Việt được cấu trúc theo trật tự “toa tàu”, khác với tiếng Nga và một số ngôn ngữ trên thế giới. Nếu không nói-viết theo trật tự của tiếng Việt thì người nước ngoài sẽ khó hiểu và dịch không chính xác ra các ngôn ngữ khác.

Lại một lần Bác đọc trong tờ Nhân Dân, có câu: “Nhân đọc sách Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Hồ Chủ tịch”, Người gọi ngay đồng chí Hoàng Tùng (lúc đó là Tổng biên tập) đến và hỏi:  Thế này thì oan cho Bác quá! Bác có chủ nghĩa cá nhân đâu mà quét? Số là, Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân là cuốn sách Bác viết, nhưng không được đặt trong ngoặc kép hoặc in nghiêng để phân biệt với ý khác trong đoạn văn, nên gây hiểu lầm.

Bác rất chú trọng việc dùng từ Hán Việt, sao cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh nói-viết cụ thể. Người đã chỉ ra một cách cặn kẽ rằng, trường hợp nào có thể thay thế bằng từ thuần Việt thì nên thay để dân chúng dễ hiểu; còn từ nào, bất đắc dĩ không thay được thì thôi. Ví dụ: Hồng thập tự, Không phận, Hải phận, Phi cơ, Hỏa xa… có thể thay bằng Chữ thập đỏ, Vùng trời, Vùng biển, Máy bay, Xe lửa. Còn các từ: Phụ nữ, Du kích, Dân quân, Hành chính… không nên thay bằng Hội đàn bà (trong Hội phụ nữ), hay Báo đàn bà (trong Báo phụ nữ). Và cũng không nên thay Đội du kích bằng Đội đánh chơi; chiến thuật du kích bằng chiến thuật đánh chơi. Và đến nay vẫn chưa có từ nào khác thay cho các từ Dân quân, Hành chính một cách thích hợp cả.

3. Là giáo viên, giảng viên môn Ngữ văn, chúng tôi rất tâm đắc và tích cực hưởng ứng phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động, đặc biệt là luôn lấy 5 điều khuyên - dạy của Bác Hồ đối với người cầm bút để học tập và làm theo. Chúng tôi cũng luôn theo dõi các bài “Dọn vườn” trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời theo dõi thường xuyên các phương tiện thông tin đại chúng để xem người viết, người nói, trong đó có các biên tập viên, phát thanh viên, bạn đọc, bạn đài… sử dụng tiếng Việt trong sáng, đúng-sai thế nào. Từ đó tích lũy được những tư liệu, những ví dụ cụ thể, phong phú, góp phần sửa lỗi cho học sinh, sinh viên khi trả bài kiểm tra, hoặc khi nhận xét, đánh giá các luận văn, luận án của họ.

Trong các bài viết gửi đăng báo, tạp chí của mình, chúng tôi thường chú trọng cách sử dụng từ ngữ đúng chỗ, sát hợp với văn cảnh, không dùng từ thừa, từ Hán Việt xa lạ với công chúng. Đồng thời luôn lưu ý chọn cách diễn đạt sao cho trong sáng, dễ hiểu, không làm phức tạp cái vốn là đơn giản; cố gắng diễn đạt một cách đơn giản những điều mà người ta tưởng là phức tạp.

Liên hệ với thực tế sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong đời sống xã hội hiện nay, chúng tôi thấy:

- Có không ít người “sính” (ưa thích, chuộng đến quá mức) dùng từ Hán Việt trong giao tiếp hằng ngày và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, Đài TNVN, Đài THVN… ). Ví dụ như:

Cứu cánh là từ ít người hiểu rõ hoặc nhớ rõ nó có những nghĩa gì, nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi. Tại sao không nói thẳng ra với nghĩa thứ nhất là mục đích cuối cùng và ý thứ hai là cái làm chỗ dựa để cứu giúp có dễ hiểu không?

Tái cơ cấu (Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp), nên nói thẳng là cơ cấu lại các hệ thống này, có được không?

Hiện hữu, hữu ích, hiện diện tại sao không thay bằng hiện có, có ích, có mặt. Và đặc biệt, từ hy hữu, tại sao không thay bằng hiếm có, vì rất ít người hiểu nghĩa chữ “hy” là hiếm, thậm chí, người Tày khi nghe từ này họ còn cười bò ra hoặc đỏ mặt xấu hổ.

Điểm yếu và yếu điểm cũng bị sử dụng lẫn lộn, vì có người không phân biệt được chữ  “yếu” trong tiếng Hán là trọng yếu với chữ “yếu” trong tiếng Việt là yếu kém.  “Yếu điểm” là điểm chính quan trọng nhất; “Điểm yếu” là điểm hạn chế, nhược điểm. Vân vân…

- Có người dùng từ ngữ tiếng Việt một cách “lãng phí” (cũng xuất hiện trên báo, đài..., như kiểu dùng từ bắt sống giặc lái máy bay nói trên). Ví dụ như:

Đặc điểm, đặc trưng, đặc thù đều có chung chữ “đặc”, nghĩa là nét riêng.  Đặc điểm là nét riêng biệt (đặc điểm khí hậu từng miền); Đặc trưng là nét riêng tiêu biểu; Đặc thù là nét riêng khác hẳn trong cùng một loại. Người ta dùng nhiều ba từ này và cũng thường xuyên thêm chữ “riêng” vào đuôi nó, như thế là thừa, là lãng phí. Hoặc dùng từ “tái hiện” (xuất hiện trở lại; thể hiện lại hiện thực) mà cứ sợ người đọc, người nghe không hiểu, cho nên thêm chữ “lại” vào sau, thành “tái hiện lại” là thừa. Cũng như nói - viết từ quốc lộ lại thích thêm chữ “đường” vào trước mới yên tâm, nên cũng thừa chữ này. Kiểu sử dụng tiếng Việt như thế, chẳng khác nào vô tình đã vẽ rắn thêm chân!

Cách nói - viết sai trật tự từ tiếng Việt, như: “Hội nghị Trung ương thứ 16”, “Kỷ niệm ngày sinh lần thứ 65 của Ngài” mà Bác Hồ đã chỉ ra, nay vẫn tồn tại trên các phương tiện truyền thông nước ta. Ví dụ, ở mục “Quảng cáo” vẫn vang lên hàng nghìn lần câu: “Sâm nhung bổ thận Trung ương 3”… Vậy Trung ương 3 là thế nào, có Trung ương 1, Trung ương 2 không?

Khiêm tốn là từ chỉ đức tính con người, ấy thế mà nó bị lạm dụng đến tối đa: Chiều cao khiêm tốn (đáng lẽ phải nói chiều cao hạn chế, vì muốn cao hơn cũng không được); Đồng vốn khiêm tốn (đúng ra là đồng vốn hạn chế, vốn ít); Cuộc thi hát thính phòng không có nhiều người tham gia, lại nói là con số khiêm tốn (chỉ có con số lớn hay nhỏ, ít hay nhiều chứ không có con số nào gọi là con số khiêm tốn cả). Cho dù có nghĩ, có hiểu từ này được đặt trong nháy nháy thì cũng không nên lạm dụng như thế, bởi lẽ tính chân thực của nội dung lời nói bị giảm đi rất nhiều.

Tóm lại, đã có những bài viết, công trình nghiên cứu về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phong cách ngôn ngữ của một số tác gia văn học... Chúng tôi đọc, nghiền ngẫm và vận dụng được ít nhiều từ các tư liệu đó trong quá trình dạy học và viết văn của mình. Bài này mới nói được đôi điều về việc chăm lo giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt của Bác Hồ và điểm qua tình hình sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Nhân dịp này, chúng tôi đề nghị: nên phát động phong trào Học tập, làm theo Bác Hồ về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong toàn dân, đặc biệt là đối với tuổi trẻ học đường.

PGS, TS Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy